Vietnamdefence.com

 

Nga phát triển máy bay hiệu ứng mặt đất siêu nặng Spasatel

VietnamDefence - Loại máy bay hiệu ứng mặt đất khổng lồ sẽ được sử dụng để tiếp vận cho các trạm đồn trú ở các vùng địa cực và tiến hành các chiến dịch cứu hộ.


Một loại máy bay vận tải-đổ bộ hiệu ứng mặt đất siêu nặng có khả năng hạ cánh không chỉ trên mặt nước như các loại trước đó, mà cả trên mặt đất đang được phát triển cho quân đội Nga. Về kích thước, máy bay mới sẽ xấp xỉ với “Quỷ biển Caspie” thời Liên Xô lừng danh. Máy bay mới dự định sử dụng ở Bắc Cực và Thái Bình Dương để làm nhiệm vụ cứu hộ và vận chuyển hàng hóa đến các căn cứ xa xôi.

Theo các chuyên gia, các máy bay này có thể là phương tiện lý tưởng để chuyên chở lực lượng đổ bộ. Chúng di chuyển nhanh hơn nhiều tàu thuyền, có độ bộc lộ nhỏ trước radar và không sợ thủy lôi và ngư lôi.

Các nguồn tin trong Bộ Tư lệnh Hải quân Nga cho hay, nội dung nghiên cứu chế tạo mẫu thử nghiệm máy bay hiệu ứng mặt nước 600 tấn có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau của quân đội Nga đã được đưa vào chương trình vũ khí giai đoạn 2018-2025. Họ đang xem xét khả năng sử dụng các máy bay này cho nhiệm vụ tìm cứu ở Bắc Cực (dọc tuyến đường biển phía Bắc), cũng như để tiếp vận cho các lực lượng đồn trú xa xôi. Máy bay do Viện Thiết kế tàu cánh ngầm trung ương mang tên R.Ye. Alekseyev phát triển.

Các nguồn tin tại công ty này cho hay, đó là mẫu máy bay cơ bản có tên Spasatel (Người cứu hộ), có trọng lượng khoảng 600 tấn, chiều dài 93 m và sải cánh 71 m. Người ta quyết định chọn máy bay hiệu ứng mặt nước cỡ lớn là vì các máy bay này có thể bay khi có sóng biển cấp 5-6.

Các mô hình thu nhỏ của Spasatel đã được thử nghiệm trong ống thổi khí động của Viện Thủy khí động trung ương TsAGI ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva, cũng như trong bể đặc biệt. Các chuyên gia có đánh giá tốt, đã bảo vệ thiết kế kỹ thuật và hình thành sự hợp tác sản xuất. Họ có kế hoạch chế tạo một mô hình đúng cỡ với buồng lái và các vị trí nhân viên vận hành. Công ty Kuznetsov đang phát triển động cơ cho Spasatel. Họ sẽ chế tạo các mẫu chế thử để thử nghiệm tĩnh và động. Dự kiến sẽ cho máy bay cất cánh vào năm 2022-2023, hoàn thành thử nghiệm vào năm 2025.

Dự kiến, Spasatel sẽ có tầm bay mấy ngàn ki-lô-mét, có thể hạ cánh không chỉ lên mặt nước mà cả trên bề mặt cứng. Để làm việc đó, máy bay sẽ được trang bị bộ càng bánh lốp và cơ cấu cơ khí cánh khỏe.

Các máy bay hiệu ứng mặt đất của Liên Xô không có bộ càng bánh lốp và chỉ hạ cánh xuống mặt nước như thủy phi cơ. Điều đó đã hạn chedes rất nhiều việc khai thác chúng. Các máy bay mới có thể sử dụng nhiều ở Bắc Cực và Thái Bình Dương.

Máy bay sẽ có cửa dốc tạo thuận lợi cho việc xếp dỡ binh sĩ và trang bị, có thể chở đến 500 quân trang bị đầy đủ với tốc độ 550 km/h và vượt xa các tàu đổ bộ thông thường về sức cơ động. Ngoài ra, máy bay còn không sợ các loại thủy lôi, ngư lôi của đối phương và do bay thấp nên khó bị radar phát hiện.

Chuyên gia hải quân Aleksandr Mozgovoi cho rằng, sự trở lại phục vụ của máy bay hiệu ứng mặt đất sẽ là một thành tựu lớn của nước Nga. Ông nói rằng, điều đó chỉ có thể hoan nghênh. Máy bay hiệu ứng mặt đất tiết kiệm hơn máy bay thường, có thể nhanh chóng vận chuyển nhiều hàng hóa đi quãng đường xa hơn. Nếu có thể trang bị cho chúng khung gầm đệm khí thì chúng có thể hạ cảnh ngay cả trên các đống tuyết.

Ông Mozgovoi nhấn mạnh rằng, chế tạo một máy bay hiệu ứng mặt đất lớn như thế là một dự án cực kỳ tham vọng. Ông nói: “Máy bay sẽ tương đương với “Quỷ biển Caspie” lừng danh về tính độc đáo. Để chế tạo nó cần có các chuyên gia và cơ sở sản xuất thượng hạng. Sẽ phải huy động các nguồn lực khoa học kỹ thuật và tài chính rất lớn".

Máy bay hiệu ứng mặt đất thuộc về nhóm các phương tiện giao thông lai ghép. Nhờ đệm khí, loại máy bay này có thể bay là trên mặt nước, mặt băng hay cánh đồng tuyết, đài nguyên, thảo nguyên hay sa mạc.

Máy bay hiệu ứng mặt đất Projekt 903 Lun mà tình báo nước ngoài đặt biệt danh là “Quỷ biển Caspie” có trọng lượng cất cánh 380 tấn, trang bị 6 tên lửa chống hạm Moskit. Hiện nay, dự án Lun đã bị đình chỉ.

Nguồn:

Iz, Defence, 27.10.2017.

Print Print E-mail Print