Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, đường bay của tên lửa đi qua các vùng thưa dân của Belarus và được hiệu chỉnh trên suốt đường bay. Từ khoảng cách 300 km, tên lửa đã rơi xuống đất cách điểm ngắm vài mét.
Belarus vẫn giữ kín tính năng chi tiết của hệ thống Polonez, nhưng từ các nguồn chính thức, được biết tên lửa của Polonez có cỡ 301 mm và nặng khoảng 750 kg, chiều dài 7,26 m, sải cánh ổn định 0,62 m. Phần chiến đấu được trang bị hệ dấn quán tính và hệ dẫn qua vệ tinh (GLONASS/GPS) và ở biến thể cơ sở, có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 50-200 km. Các tên lửa trên một bệ phóng có khả năng tấn công chính xác cùng lúc 8 mục tiêu, với sai số ở tầm bắn tối đa không quá 30 m.
Các bệ phóng Polonez và các xe bảo đảm sử dụng khung gầm bánh lốp MZKT-7930 Astrolog lắp động cơ diesel 500 mã lực và có thể mang tải trọng đến 24 tấn, tốc độ tối đa 70 km/h, dự trữ hành trình tối đa 1.000 km.
Polonez thực chất là hệ thống rocket phóng loạt của Trung Quốc lắp trên khung gầm của Belarus. Bực tức vì Nga không bán cho hệ thống tên lửa đường đạn chiến thuật tiên tiến Iskander và muốn có vũ khí răn đe "cả địch, lẫn ta" sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea và khu vực miền Đông Ukraine tuyên bố ly khai, Tổng thống Lukashenko quyết định đẩy nhanh phát triển công nghiệp tên lửa của Belarus. Và con đường ngắn nhất chính là đề nghị Trung Quốc chuyển giao công nghệ pháo phản lực tầm xa mà Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới giống như một số nước như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã và đang làm.
Hiện nay, không chỉ kho vũ khí tên lửa đường đạn tầm trung/tầm ngắn và tên lửa hành trình mang đầu đạn thông thường khổng lồ của Trung Quốc đang đặt tất cả các nước Đông Nam Á trong tầm uy hiếp nghiêm trọng, mà ngay cả lực lượng pháo phản lực tầm xa đông đảo có tầm bắn lên tới 150, 200, 300, 400 km của họ cũng là sức mạnh răn đe chiến lược đáng gờm với toàn khu vực. Đã đến lúc Việt Nam phải hiện đại hóa kho vũ khí răn đe Scud ít ỏi và cổ lỗ bằng các vũ khí hiện đại hơn như BrahMos, Kalibr và Inskander phóng từ máy bay, tàu ngầm, tàu nổi và mặt đất.