Vietnamdefence.com

 

Nga chuẩn bị đưa quân tinh nhuệ vào Syria?

VietnamDefence - Các đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Nga đang chuẩn bị cho khả năng chiến tranh ở Syria.

Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu chuẩn bị cho các đơn vị quân đội để hoạt động ở nước ngoài, trong đó có Syria.

Đang chuẩn bị để tác chiến ở Syria có Sư đoàn đổ bộ đường không 76 Pskov  của Binh chủng Bộ đội đổ bộ đường không (VDV), Lữ đoàn lục quân 15 ở Samara, cũng như các đơn vị đặc nhiệm Chechnya được biên chế các binh sĩ từng phục vụ trong các tiểu đoàn đặc nhiệm “Phương Tây” và “Phương Đông” của Tổng cục Tình báo quân đội Nga GRU. Tờ Nezavisimaya gazeta (Độc lập, Nga) dẫn cá nguồn giấu tên trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Sư đoàn dù Pskov là một trong những binh đoàn có sức chiến đấu mạnh nhất trong quân đội Nga. Các sĩ quan và binh sĩ của sư đoàn từng tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Kosovo (1999-2001), cả 2 cuộc chiến tranh ở Chechnya (1994-1996, 1999-2007) và cuộc chiến với Gruzia (tháng 8/2008). Năm 2004, sư đoàn là đơn vị đầu tiên của quân đội Nga chuyển toàn bộ sang chế độ hợp đồng.

Còn các đơn vị đặc nhiệm người Chechnya đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Li-băng (2006-2007) và tham gia chiến đấu ở Nam Ossetya vào tháng 8/2008.

Ngoài ra, đã chuẩn bị cho khả năng tác chiến ở Syria còn có các đơn vị đặc nhiệm thuộc Lữ đoàn hải quân đánh bộ độc lập của Hạm đội Biển Đen. Họ đã có mặt trên tàu hộ vệ Smetlivy khi tàu này ghé thăm cảng Tartus (Syria, nơi đặt trạm bảo đảm vật chất kỹ thuật của Hải quân Nga.

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng xung quanh Syria, báo chí Nga bắt đầu lo ngại Nga và phương Tây đang trên bờ vực xung đột vũ trang như từng xảy ra ở Kosovo. Bản thân các nhà ngoại giao vốn đế nay vẫn sợ “kịch bản Libya” đang nhắc đến ngày một nhiều “tiền lệ Kosovo” năm 1999 khi NATO phát động ném bom Nam Tư mà không được phép của Liên Hiệp Quốc. Việc đó đã làm nổ ra cuộc khủng hoảng gay gắt giữa Nga và phương Tây mà chút nữa đã chuyển thành xung đột trực tiếp khi lính dù Nga đánh chiếm sân bay Prishtina, Kosovo.

Trước đó, Nga đã cử đến Syria một tàu dầu cùng với lính đặc nhiệm. Theo đại diện chính thức của Nga, thủy thủ đoàn tàu dầu hoàn toàn là dân sự, còn đội bảo vệ là đi theo hộ tống họ. Nhưng theo các nguồn của báo chí Nga, trên tàu dầu có một đội chống khủng bố và các binh sĩ của tiểu đoàn đồ bộ đường không đột kích của lữ đoàn lính thủy đánh bộ.

Trong khi đó, NATO nói không định đưa quân vào Syria. Theo lời Tổng thư ký NATO Andres Fogh Rasmussen, chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng Syria bằng cách thực thi kế hoạch của đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arab Kofi Annan.

“Chúng tôi không hề có ý định can thiệp vào tình hình nội bộ ở Syria. Tôi không nghĩ là một cuộc can thiệp quân sự có khả năng giải quyết vấn đề”, ông Rasmussen nói trong cầu truyền hình Moskva-Brussels. Theo ông, hiện chỉ có cách duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng Syria là chấp hành kế hoạch của ông Kofi Annan. Ông Rasmussen nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi tất cả các bên thực hiện kế hoạch”.

Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi Nga thực hiện cam kết và sử dụng vị thế quốc tế của mình để tạo điều kiện tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria.

Về phía Nga, ngoại trưởng Sergei Lavrov đề nghị tổ chức cuộc gặp các nước có ảnh hưởng đối với phe đối lập Syria để tìm giải pháp ủng hộ kế hoạch Annan. Đó là các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, các nước hàng đầu khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Liên đoàn Arab, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và EU.

Đồng thời, đặc sứ Annan có thể đệ trình Hội đồng Bảo an LHQ kế hoạch mới giải quyết tình hình Syria vào cuối tuần này. Theo đó, sẽ thành lập “nhóm tiếp xúc” gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nhóm này sẽ có nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch tiến hành cải cách chính trị ở Syria. Theo kế hoạch mới, Tổng thống Syria Bashar al-Assad một khi rời bỏ quyền lực sẽ được phép rời Syria.

Cũng không thể không nhắc đến một động thái lạ của Nga. Sau khi kết thúc đàm phán với đặc sứ về Syria Kofi Annan, Thứ trưởng ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố rằng, Nga sẵn sàng ho việc Tổng thống al-Assad sẽ phải từ bỏ quyền lực để vượt qua cuộc khủng hoảng Syria.

“Chúng tôi không bao giờ nói rằng, ông Assad phải giữ quyền lực”, ông Gatilov nói và nhấn mạnh rằng, Nga không đàm phàn với các nước khác về số phận của ông Assad, bản thân người Syria phải tự tìm ra giải pháp cho vấn đề, chứ không phải các nước khác.

Ông Gatilov cũng bi quan về cơ hội thực hiện cái gọi là “phương án kiểu Yemen”, theo đó, nguyên thủ quốc gia chuyển giao quyền lực cho vị phó để ông ta bắt đầu quá trình cải cách. Theo ông Gatilov, kịch bản đòi hỏi có sự tán thành của phe đối lập Syria vốn có lập trường không khoan nhượng.

Trong một diễn biến mới, theo truyền hình Syria, Tổng thống Assad đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Riyad Hijab, 46 tuổi, nhà hoạt động cao cấp của đảng Baath làm Thủ tướng mới của Syria.

Nguồn: NG, Newsru, Dni, 6.6.12.

Print Print E-mail Print