Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Anh: "Người Nga" - Miller (2)

VietnamDefence - Arcos được thành lập và được phái bộ thương mại Liên Xô đăng ký vào năm 1920 ở London với tư cách công ty cổ phần tư nhân trách nhiệm hữu hạn. Năm 1923, chính phủ Xô-viết đã cho phép Arcos tiến hành các giao dịch thương mại trên lãnh thổ nước mình. Đến đầu năm 1927, Arcos đã trở thành tập đoàn xuất nhập khẩu lớn nhất ở Anh.

Người Anh cho rằng, toà nhà của Arcos là bình phong lớn của tình báo Liên Xô. Và cuối cùng, sau cuộc đột kích của cảnh sát, cơ quan phản gián Anh đã có được khả năng tiếp cận đầy mong đợi đến hàng ngàn tài liệu của Liên Xô lấy từ các két sắt trong tầng hầm toà nhà này. Cuộc đột kích này tiếp diễn trong mấy ngày. Người ta đã tiến hành lục soát tầng hầm, chiếm giữ bộ phận bưu điện và các mật mã. Một số nhân viên Liên Xô của Arcos đã cố ngăn cản việc lục soát trái phép nhưng họ đã bị trấn áp bằng bạo lực.

Các cảnh sát đột kích đã bắt gặp nhân viên cơ yếu Liên Xô Anton Miller đang đốt tài liệu. Miller đã nổi lửa đốt một trong những chiếc két ở tầng hầm toà nhà và cố ném vào đó càng nhiều giấy tờ mật càng tốt. Những sự kiện tiếp theo bị che phủ bởi tấm màn bí mật, cũng giống như số phận của Miller.

Chín ngày sau, khi đa số các nhân viên Xô-viết đã được triệu hồi về Liên Xô, chủ báo tờ báo cánh tả Daily Herald đã chất vấn ở nghị viện đối với bộ trưởng nội vụ về số phận của Miller. Câu trả lời mà ông ta nhận được nói rằng, đề cập đến vấn đề này là trái với quyền lợi quốc gia của Anh.

Sau đột kích xấu xa vào Arcos, việc chặn thu và đọc điện tín mã hoá của các cán bộ cơ quan ngoại giao Liên Xô ở London chỉ tiếp tục cho đến cuối tháng 5 năm 1927. Lý do là thế này. Trong các bài phát biểu trước nghị viện Anh, thủ tướng, ngoại trưởng và bộ trưởng nội vụ Anh đã trích dẫn rất nhiều các bức điện mật mã ngoại giao của Liên Xô mà GCCS đọc được.

Hơn nữa, từ giữa tháng 5 năm 1927, bất chấp sự phản đối của chỉ huy GCCS, nội các Anh đã thông qua quyết định công bố những đoạn trích lựa chọn trong các điện tín mật của Liên Xô để thanh minh cho việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Tham gia vào thảo luận quyết định này có cả Churchill, khi đó đang là một bộ trưởng.

Kết quả là vào cuối tháng 5 năm 1927, Kremlin hạ lệnh tiến hành áp dụng một loại mật mã phức tạp, nhưng nếu sử dụng đúng sẽ tuyệt đối an toàn.

Những sự kiện này không hề được các nhân viên GCCS thông cảm. Niềm tin của họ đối với chính quyền đã bị phá vỡ trong một thời gian dài. Và mặc dù trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, GCCS đã lại đạt được những thành tựu nhất định (họ đã giúp đánh giá chính xác tiềm lực quân sự của Đức và Italia), nhưng lãnh đạo GCCS đã quyết chọn phương án giữ kín kết quả ở chỗ mình. Hậu quả là trong thập niên 1930, khi mà hai cường quốc đáng quan tâm nhất đối với Anh là Đức và Liên Xô, GCCS đã không hề cung cấp thông tin tình báo vô tuyến điện tử đáng kể nào về hai nước này.

Mặc dù, trong suốt thời kỳ trước chiến tranh, các công ty thông tin liên lạc của Anh với cớ tình hình thế giới bất ổn đã nhất loạt buộc phải hợp tác với GCCS, cơ quan đã giải phá thành công mật mã của các kẻ thù tiềm tàng như Nhật Bản và của cả các đồng minh như Mỹ, nhưng với Đức và Liên Xô thì GCCS đành bó tay thất bại.

Thất bại này đã buộc người lãnh đạo các cơ quan tình báo Anh vào năm 1938 lưu ý trong một biên bản rằng, GCCS "đã hoàn toàn không thích hợp cho những mục đích mà vì chúng, nó đã được thành lập".

Tất cả những bài học của tháng 5 năm 1927 đã không vô ích. Sự thận trọng đặc biệt mà Churchull, người đến lúc đó đã là thủ tướng, trong thập niên 1940 thể hiện khi sử dụng những tin tức do cơ quan mã thám Anh thu được, là hậu quả của nhận thức của ông về tổn hại mà GCCS phải gánh chịu trong thập niên 1920.

Print Print E-mail Print