Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Anh: "Người Nga" - Fetterlein (1)

VietnamDefence - Ngày 1 tháng 11 năm 1919, Anh đã thành lập cơ quan tình báo vô tuyến điện tử có tên gọi là Trường Mật mã và Cơ yếu Chính phủ (Goverment Code and Cypher School - GCCS) trong cục tình báo hải quân của Bộ Hải quân Anh và đặt dưới quyền chỉ huy của cục trưởng cục này.

Tại sao một người nước ngoài không cố sống
ở nước ta như chúng ta cố sống ở nước họ?
Bởi vì chẳng cần làm thế, họ cũng đã sống ở nước ngoài

K. Prutkov. "Những trước tác"


"Người Nga"

Fetterlein


Trong cục tình báo hải quân của Bộ Hải quân Anh và dưới sự lãnh đạo của cục trưởng cục này, ngày 1 tháng 11 năm 1919, Anh đã thành lập cơ quan tình báo vô tuyến điện tử có tên gọi là Trường Mật mã và Cơ yếu Chính phủ (Goverment Code and Cypher School - GCCS). Trường này chịu trách nhiệm lập ra các hệ mã cho các bộ ngành của Anh, cũng như đào tạo và cung cấp việc làm cho những nhân viên có trình độ có thể sử dụng tốt trên thực tế các hệ mã của mình và giải phá các hệ mã của nước ngoài. Dưới cái tên này, cơ quan tình báo vô tuyến điện tử Anh đã tồn tại cho đến năm 1939, ngay đầu chiến tranh thế giới thứ II, nó đã được đổi biển hiệu và được gọi là Trung tâm Thông tin Liên lạc chính phủ GCHQ (Goverment Communications Headquarters).

Người được cử làm trưởng phòng Nga của GCCS là Ernest Fetterlein, có biệt danh là Fetty, một người Nga lưu vong. Náu mình trên boong một chiếc tàu Thuỵ Điển và thoát trót lọt khỏi sự lục soát, ông ta đã chạy trốn được cùng vợ sang Anh. Theo lời Fetterlein, ông ta là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mật mã ở nước Nga sa hoàng và có cấp hàm đô đốc. Đồng nghiệp của ông ta ở GCCS thừa nhận Fatty là người xuất sắc nhất trong giải phá các mật mã công việc đòi hỏi kiến thức rất rộng.

Trên ngón trỏ tay trái của Fetterlein có đeo chiếc nhẫn gắn viên đá rubi lớn. Với những người tò mò đối với viên đá quý khác thường, ông ta sẵn lòng và tự hào kể rằng, chiếc nhẫn này đã được ban tặng cho ông ta theo thánh chỉ để khen thưởng công lao, thành tích phục vụ sa hoàng Nga cuối cùng Nikolai Aleksandrovich. Fatty nói tiếng Anh với giọng Nga đặc sệt. Ông ta học tiếng Anh chủ yếu bằng cách đọc những cuốn sách trinh thám rẻ tiền. Đôi khi Fetterlein làm vui đồng nghiệp của mình ở GCCS bằng những lời nói lạ tai với một người Anh có giáo dục như "Ai đã quét chiếc bút chì của tôi rồi?" hay "Đúng, anh ta đơn thuần đúng là một tên chỉ điểm!".

Fetterlein ít khi nhớ lại nước Nga trước cách mạng. Nhưng đôi khi đồng nghiệp cũng làm ông ta cởi mở khi nói cái gì đó để được nghe ông ta phản đối. Chẳng hạn, đáp lại câu hỏi: "Thực tế là, thưa ngài Fetterlein, sa hoàng Nga là người có thể chất rất khoẻ phải không hạ?" - họ nghe thấy câu trả lời phẫn nộ: "Sa hoàng là thứ giẻ rách, không có lấy một ý tưởng trong đầu, còm cõi và bị tất cả khinh bỉ". Điều đó không hề cản trở Fetterlein tự hào trưng ra cho mọi người xem phần thưởng của sa hoàng.
Chính phủ nước Nga Xô-viết không chịu sử dụng phần lớn các mật mã của "chế độ cũ" do chúng phức tạp và cồng kềnh. Có lẽ để phòng bất trắc vì người ta đoán Fetterlein là tác giả một số loại mã đó. Để thay thế các hệ mã được kế thừa từ chế độ sa hoàng đáng "nguyền rủa", chính phủ Xô-viết bắt đầu sử dụng các loại mật mã mới yếu kém để bảo mật điện tín ngoại giao của mình. Chúng đã dễ dàng bị Fetterlein giải phá.

Điều người Anh rất quan tâm là điện tín ngoại giao của chính phủ Bôn-sê-vich ở Moskva với vùng Cận Đông chặn thu và giải mã được, qua đó, theo người Anh, cho thấy chính phủ Nga Xô-viết đang tài trợ cho phong trào đối lập ở thuộc địa ấn Độ. Những tuyên bố chính thức của chính quyền Xô-viết khác xa nội dung bức điện mật mã này đến mức chính phủ Lloyd George đã quyết định công bố nó trên báo chí với tính toán là bằng cách đó sẽ buộc Moskva không bao giờ còn can thiệp vào công việc nội bộ của Anh nữa.

Đại diện duy nhất của nước Nga Xô-viết ở Anh khi đó là phái bộ thương mại Xô-viết. Điện tín mật mã giữa Moskva và phái bộ thương mại ở London mà người Anh đọc được cho thấy phong trào công nhân Anh, nhất là các phần tử cực đoan của phong trào này, được tài trợ thông qua phái bộ thương mại ở London.

Đóng vai trò quan trọng trong quyết định công bố nội dung điện tín ngoại giao của Liên Xô trong thời gian các cuộc đàm phán thương mại Anh-Xô là ý muốn của Lloyd George đẩy chính phủ Bôn-sê-vich lâm vào tình thế khó khăn khi chính phủ Xô-viết không hề e ngại về từ ngữ để chỉ đạo các thành viên của phái đoàn thương mại. Chẳng hạn, ngay vào đầu các cuộc đàm phán vào tháng 6 năm 1920, Lenin đã viết cho phó trưởng đoàn Krasin: "Con lợn Lloyd George này sẽ sẵn sàng lừa đảo mà không hề xấu hổ hay ngờ vực. Đừng tin lấy một lời của gã và hãy đánh lừa y ba lần hơn nữa". Lloyd George rõ ràng muốn trả thù vì sự sỉ nhục này.

Ngày 17 tháng 8 năm 1921, tờ báo London Times đã đăng một bài báo tố cáo tờ báo Anh khác là Daily Herald đã nhận tiền của chính phủ Liên Xô. Tờ Times đã trích đăng bản rõ của 8 bức điện mật mã của Liên Xô mà chính phủ Anh đã chặn thu được. Bằng cách đó, tờ Times đã vi phạm cam kết của mình: chính phủ Anh chuyển tài liệu này cho Times với điều kiện tờ báo sẽ nói là đã nhận được nó từ một nước trung lập. Khi cho phép đăng tài liệu này, nội các Anh toan tính rằng, chính phủ Liên Xô sẽ nghĩ tin tức bị rò rỉ sau khi các bức điện đã được giải mã.
N.K. Klyshko, tổ trưởng tình báo VChK (tiền thân của KGB) của Liên Xô, hoạt động trong thành phần phái bộ thương mại ở London, là người chẳng mấy hiểu dù là những điều sơ đẳng về mật mã. Hoặc ông đã lơ đễnh khi đọc tờ Times ngày 17 tháng 8, hoặc ông đã nghĩ loại mã duy nhất dùng để giải mã các bức điện mà bản rõ đã được tờ Times đăng tải đã bị giải phá, nhưng dù sao chăng nữa, Klyshko vẫn tiếp tục nhận định sai lầm rằng, các mật mã của Liên Xô vẫn vững chắc. Ông ta không lên tiếng báo động và tiếp sau ông ta, chính phủ Xô-viết cũng làm ra vẻ chẳng có gì xảy ra cả. Sự ầm ĩ trên báo chí tiếp diễn cho đến tháng 9 khi có những phát giác mới về việc Nhà nước Xô-viết bí mật tài trợ phong trào công nhân Anh "lọt" lên mặt báo.

Không thể nói rằng, các nhà lãnh đạo cơ quan đối ngoại của Liên Xô - Bộ Dân uỷ Ngoại giao đã không báo cáo cho chính phủ về tình trạng kém cỏi của cơ quan cơ yếu của bộ mình. Ngày 20 tháng 8 năm 1920, Uỷ viên Dân uỷ ngoại giao Chicherin đã viết báo cáo gửi Lenin: "Các chính phủ nước ngoài có những loại mật mã phức tạp hơn các mật mã chúng ta đang dùng. Do đó, tôi nghĩ việc các bức điện mật mã của chúng ta bị giải mã là hoàn toàn có thể". Tuy nhiên, không phải ai cũng tán đồng ý kiến của Chicherin, người đã coi nguyên nhân rò rỉ thông tin là vì một số mật mã đang dùng không vững chắc, trong khi các chuyên gia thiết kế các mật mã khác thì sau cách mạng lại chạy ra nước ngoài. Còn đây là bức thư của Krasin gửi Lenin: "Ngay từ tháng 5, khi tôi ở Copenhagen, theo một số dấu hiệu, tôi bắt đầu ngờ rằng, không phải mọi chuyện đều ổn với liên lạc cơ yếu của Bộ Dân uỷ Ngoại giao. Tại Anh, những ngờ vực của tôi đã được củng cố và trong lần về Moskva sau đó, tôi đã lưu ý đồng chí Chicherin cần thanh lọc tận gốc ở bộ phận liên quan... Vấn đề không phải là mật mã hoặc khoá mã bị bẻ mà là ở chỗ sự bất hạnh ở Bộ Dân uỷ Ngoại giao có thể nói là tuyệt đối và cần phải điều trị nó một cách triệt để". Lenin đã chú ý tới những thông báo này. Ngày 25 tháng 11 năm 1920, ông viết: "Đồng chí Chiecherin! Không được thờ ơ với việc kiểm soát nghiêm ngặt (cả bên ngoài lẫn bên trong) đối với các loại mật mã. Nhất định đồng chí phải viết cho tôi khi mọi biện pháp được áp dụng. Một việc cần làm nữa: phải quy định cho mỗi đại sứ một loại mật mã đặc biệt nghiêm ngặt để mã điện tín cá nhân, tức là ở đây người mã sẽ là một đồng chí cực kỳ tin tưởng, một đảng viên cộng sản (có thể tốt nhất là thuộc Uỷ ban Trung ương), còn ở đầu kia đích thân đại sứ (hoặc "điệp viên") phải mã hoặc giải mã chứ không được phép giao cho các thư ký hay nhân viên cơ yếu".

Người đầu tiên nhận thức đầy đủ mức độ lộ bí mật của các hệ mã Liên Xô là Mikhail Vasilevich Frunze, Tổng tư lệnh Cụm quân phía nam của Hồng Quân. Ngày 19 tháng 12 năm 1921, Frunze đã báo cáo về Moskva: "Qua báo cáo của cựu đài trưởng đài vô tuyến điện của bọn Vrangel là Yamchenko trình cho tôi ngày hôm nay, đã xác định được rằng, tất cả các mật mã của ta do quá thô sơ đang bị kẻ thù của chúng ta giải phá. Toàn bộ nội dung liên lạc vô tuyến điện của chúng ta đang là phương tiện định hướng tuyệt vời cho địch. Nhờ quan hệ gắn bó với phòng cơ yếu hạm đội của Vrangel, Yamchenko đã có điều kiện đích thân đọc một loạt các bức điện mật mã tác chiến và ngoại giao bí mật nhất của ta, trong đó điện tín tuyệt mật liên lạc giữa Bộ Dân uỷ Ngoại giao với các cơ quan đại diện của mình ở châu Âu và ở Tashkent đã bị người Anh biết đến từng từ, họ đã tổ chức riêng cả một mạng lưới đài vô tuyến điện đặc biệt để chặn thu vô tuyến điện đối với Liên Xô. Với những mật mã không thể giải phá ngay thì người ta gửi khoá mã từ London đến, nơi mà trưởng phòng cơ yếu là một người Nga tên là Fetterlein, người trước đây từng làm công việc này ở Nga. Tóm lại, tất cả các kẻ thù của ta, trong đó có nước Anh, đã thường xuyên nắm được hoạt động tác chiến và ngoại giao của chúng ta".

Thông báo của một vị chỉ huy quân sự đầy uy tín đã thu hút được sự chú ý. Cuối tháng 12 năm 1921, toàn bộ liên lạc điện tín ngoại giao giữa London và Moskva bằng vô tuyến điện bất ngờ bị ngừng lại và được thay bằng giao thông viên ngoại giao. Còn tháng 4 năm 1923, phái bộ thương mại Xô-viết lại được trang bị hệ mã mới, vững chắc hơn hệ trước. Lúc đó, Lloyd George đã ký hiệp ước thương mại Xô-Anh, theo đó, lần đầu tiên ở phương Tây, chính phủ Xô-viết đã được thừa nhận là hợp pháp và cả hai nước cam kết từ bỏ các hành động thù địch đối với nhau. Ngoài ra, mỗi bên của hiệp ước cam kết không tiến hành ở bên ngoài nước mình hoạt động tuyên truyền chính thức trực tiếp hay gián tiếp nhằm chống lại các cơ quan chính phủ của nước kia.

Mấy tuần sau khi ký hiệp ước, Fetterlein đã giải phá được mật mã mới dùng cho kênh Moskva-London và người Anh biết rằng, nhà nước Xô-viết không định tuân thủ hiệp ước này - Liên Xô vẫn tiếp tục tài trợ cho các phần tử dân tộc chủ nghĩa ấn Độ và Đảng Cộng sản Anh. Sau các cuộc tranh luận ở nội các Anh tháng 5 năm 1923, ngoại trưởng Anh Lord George Nathaniel Curzon (1859-1925) đã gửi tối hậu thư cho Uỷ viên Dân uỷ ngoại giao Liên Xô Chicherin. Trong tối hậu thư này, những người Bôn-sê-vic đã bị buộc tội hoạt động lật đổ và người ta không chỉ trích dẫn từng từ trong bản rõ các bức điện mật mã của Liên Xô, mà còn đưa ra những lời châm chích ngoại giao về việc người Anh đọc được điện tín cơ yếu của những người Bôn-sê-vic: "Trong Bộ Dân uỷ Ngoại giao của Nga có lẽ người ta biết bức điện sau đây đề ngày 21 tháng 2 năm 1923 mà họ nhận được từ tay F. Raskolnikov"; "Trong Bộ Dân uỷ Ngoại giao cũng cần phải nhớ cả bức điện vô tuyến mà họ nhận được từ Kabul đề ngày 8 tháng 12 năm 1922"; "Rõ ràng là họ biết cả bức điện ngày 16 tháng 3 năm 1923 được trợ lý Uỷ viên Dân uỷ Ngoại giao L. Karakhan gửi cho Raskolnikov".

Đáp lại, chính phủ Xô-viết tuyên bố rằng, tối hậu thư của Curzon được viết từ bản rõ của các các bức điện mật mã bị chặn thu, hơn nữa điều đó được làm một cách có dụng ý và bất nhã". Có nghĩa là người ta để cho hiểu rằng, các bản rõ là thật, nhưng nội dung của chúng bị diễn giải xuyên tạc và tuỳ tiện. Uỷ viên Dân uỷ Ngoại giao Chicherin bị bất ngờ hoàn toàn. Biện pháp đối phó duy nhất là hạ lệnh ngừng tạm thời tất cả các cuộc tiếp xúc của công dân Liên Xô với công dân Anh để ngăn ngừa khả năng rò rỉ thông tin. Đối với người Anh, đây là sự bù đắp nào đó cho việc cơ quan ngoại giao Liên Xô nhất định sẽ thay đổi các hệ mã đang sử dụng. Việc thay đổi diễn ra vào cuối năm 1923. Rõ ràng là cho đến lúc đó, Liên Xô không hề còn phân vân gì về nguồn tin của người Anh nữa. Bản thân Curzon công khai thừa nhận không một bức điện nào mà ông ta trích dẫn được gửi ở dạng không được mã hoá.

Đồng thời, trong khi sử dụng một cách không suy nghĩ những đổ vỡ liên tục trong hệ thống bảo mật thông tin của Liên Xô, chính phủ Anh đôi khi tự lâm vào thế khó xử khi chặn thu những điện tín giả. Bọn bạch vệ ở Berlin, Revel (Tallin) và Varsava thường làm giả giấy tờ của Liên Xô. Với chất lượng làm giả khác nhau, những giấy tờ giả này đã trở thành phương tiện sinh nhai cho những kẻ làm ra chúng cũng như là cách để bôi nhọ những người Bôn-sê-vic. Wind Charles, từ năm 1921-1928 giữ cương vị trợ lý của đặc phái viên cơ quan tình báo Anh đã gọi những giấy tờ giả này là "điều bậy bạ không thể chấp nhận" bởi vì theo ông ta, "chúng cho phép người Nga hét toáng lên rằng đó là "đồ rởm" mỗi khi họ được trình cho xem các giấy tờ thật". Người Anh thậm chí còn phải tiến hành xếp loại dữ liệu tình báo theo độ tin cậy. Điều đó xảy ra vì một nguyên nhân nhục nhã đối với người Anh.

Các nhân viên tình báo Anh đã móc nối với điệp viên có bí danh BP-11 ở Revel, tên này nói rằng hắn có cách tiếp cận Bộ Dân uỷ Ngoại giao và có thể cung cấp cho London tóm tắt nội dung của hơn 200 bức điện mật mã của bộ này. Đối với người Anh, đáng quan tâm nhất là những thông tin về sự tài trợ của những người Bôn-sê-vic cho phong trào dân tộc chủ nghĩa Ireland. Ngoài ra, việc biết từng từ trong bản rõ các bức điện mật mã Xô-viết có thể hỗ trợ rất nhiều cho các chuyên gia mã thám của GCCS trong công tác giải mã.

Tuy nhiên, không lâu sau, những tin tức thu được từ BP-11 đã bị bác bỏ, chủ yếu bởi chỉ huy cảnh sát Anh, người đã không thể xác nhận các dữ liệu này và tuyên bố rằng, trái lại, các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ireland đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Khi người ta đòi BP-11 cung cấp các bản rõ gốc của các bức điện mật mã theo yêu cầu của lãnh đạo GCCS và để so sánh với bản tóm tắt đã nhận được trước đó, BP-11 liền dùng mưu mẹo né tránh và vì thế đã mất hoàn toàn tín nhiệm. Việc kiểm tra cho thấy đại đa số tin tức của BP-11 là đáng ngờ, nhưng lại trùng khớp với các thông tin thu được từ các nguồn khả nghi.

Một lần nữa, Fetterlein mãi đến năm 1925 mới giải phá được mật mã của Liên Xô, và hai năm sau, một cơ hội tuyệt vời, hiếm có đã xuất hiện. Ngày 12 tháng 5 năm 1927, trụ sở công ty thương mại Xô-Anh Arcos đã bất ngờ bị cảnh sát chiếm giữ. Theo tuyên bố chính thức của chính phủ Anh, hành động này được tiến hành nhằm đoạt lấy những thông tin tuyệt mật mà tình báo Liên Xô đã thu được.

Print Print E-mail Print