Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Trò chơi phụ hoạ (2)

VietnamDefence - Trong chiến tranh thế giới thứ I, người Anh đã không chỉ đọc được các bức điện mật mã quý giá của đối phương, mà còn giả danh bộ chỉ huy Đức ở Berlin gửi đi những bức điện mã giả cho hạm đội Đức. Một trong những bức mật điện đó đã dẫn tới chiến thắng lẫy lừng trên biển...

Trong chiến tranh thế giới thứ I, người Anh đã không chỉ đọc được các bức điện mật mã quý giá của đối phương, mà còn giả danh bộ chỉ huy Đức ở Berlin gửi đi những bức điện mã giả cho hạm đội Đức. Một trong những bức mật điện đó đã dẫn tới chiến thắng lẫy lừng  trên biển: mùa thu năm 1914, cách không xa Nam Mỹ, Hải quân Anh đã tiêu diệt cả một binh đoàn tàu Đức, trong đó có cả các tuần dương hạm trang bị pháo tầm xa hiện đại nhất. Bằng mệnh lệnh giả gửi cho tư lệnh binh đoàn tàu này, người Anh đã buộc các tàu của binh đoàn hành quân từ cảng Valparaiso của Chile tới quần đảo Falklands (Manvinat), nơi các tuần dương hạm và pháo hạm thiết giáp của Anh đã bắn trực diện vào quân Đức. Mệnh lệnh này đã được một điệp viên Anh gửi đi từ trung tâm điện báo Berlin. Anh ta đã lấy được các mẫu sau đó tự đóng các con dấu giả của Bộ Hải quân Đức và bộ phận kiểm duyệt quân sự của cơ quan này. Bức điện được viết trên các mẫu này và được củng cố bằng các con dấu cần thiết và được mã hoá theo đúng mọi quy tắc của công văn hoả tốc nên đã được trung tâm điện báo tiếp nhận mà không hề nghi ngờ gì và gửi đi theo địa chỉ - đến Valparaiso cho tư lệnh binh đoàn tàu Đức. Thực hiện mệnh lệnh trong công văn hoả tốc, binh đoàn tàu Đức đã tự dẫn xác đến chỗ chết.

Có ý nghĩa lớn hơn là việc đẩy cho người Đức loại mật mã giả của Anh dường như được sử dụng để mã hoá các bức điện cực kỳ quan trọng và khẩn cấp. Người Anh sẽ thỉnh thoảng gửi qua vô tuyến điện các mệnh lệnh giả được mã bằng mật mã này. Các thuyền trưởng Anh không thể biết nội dung các mệnh lệnh này vì họ không được trang bị loại mã giả này. Tính toán của người Anh rất đơn giản: chỉ việc thảy cho đối phương loại mã sao cho đối phương không nghi ngờ gì về tính chân thật của nó.

Người Anh thường hay nghỉ lại một khách sạn ở thành phố Rotterdam của Hà Lan nên nó luôn bị các gián điệp Đức theo dõi sát sao. Người Đức có tay trong là một gã gác cửa tại khách sạn này. Người Đức phát hiện ra quy luật: nếu có ai đó đến từ Anh mà gã gác cửa cho là đáng chú ý thì hôm sau lại có một quý bà tóc vàng lại đến trọ ở khách sạn và thuê phòng cách không xa phòng của người khách mới đến.

Ngày 22 tháng 5 năm 1915, một quan chức Anh nào đó có hộ chiếu công vụ đặc biệt đã đến Rotterdam. Vị khách Anh rõ ràng là một giao thông viên ngoại giao cực kỳ tin cậy. Trong đồ đạc của ông ta có một cái túi đi đường mà ông ta không bao giờ rời ra. Rõ ràng cái túi này dùng để chuyển tài liệu.

Ngày 22 tháng 5 đúng là ngày thứ bảy. Lãnh sự quán Anh đóng cửa cho đến thứ hai. Điều đó có nghĩa là cái túi này cùng tài liệu sẽ ở lại phòng cùng ông khách.

Ngày chủ nhật, sau buổi trưa, quý bà tóc vàng đã đến khách sạn và thuê phòng ở cạnh phòng của quý ông người Anh. Còn ông này thì buồn bực chân tay chả biết làm gì để giết thời gian ở một thành phố xa lạ. Gã gác cửa khách sạn nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp ông khách trọ. Gã ta tin tưởng tiết lộ nơi có thể giết thời gian buổi tối. Vị khách vội vã nghe theo lời khuyên và mấy phút sau đã rời khỏi khách sạn. Ông ta vội vã đến mức quên cầm theo túi đựng tài liệu.

Dĩ nhiên tay người Anh chẳng đến chỗ mà gã gác cửa khách sạn chỉ cho. Rẽ vào góc, ông ta làm một vòng, rồi trở về một góc kín đáo đối diện khách sạn, từ đó có thể quan sát cửa sổ phòng mình. Vấn đề là ở chỗ, đó không phải là một giao thông viên ngoại giao bình thường mà là Guy Locock, thư ký của một nghị sĩ Anh, được mời riêng để vào vai một giao thông viên. Locock đã làm việc một số năm ở Bộ Ngoại giao Anh nên biết rõ lối cư xử điển hình của các nhà ngoại giao Anh ở nước ngoài. Trong túi đi đường của ông ta, ngoài các tài liệu khác, còn có một bản sao loại mật mã giả.

Locock đợi không lâu. Một giờ rưỡi sau, phòng ông ta lại sáng đèn, trên cửa sổ có mấy cái bóng, sau đó lại tối đen: người Đức đã tìm thấy cái cần tìm. Theo họ, Locock chắc sẽ vắng mặt ít ra là 3 giờ, một thời gian quá đủ để chụp tất cả các trang của quyển mã. Locock buộc phải đợi cho đến khi đèn phòng mình bật sáng.

Gần 1 giờ đêm, đèn lại bật lên trong vài phút. Nửa giờ sau, Locock "vui tươi" trở về khách sạn. Gã gác cửa khách sạn tận tuỵ giúp đỡ cho vị khách đã ngà ngà say lên đến phòng. Cả hai bên đều quá hài lòng về nhau. Còn một năm sau, chính ông Locock này đã được phái đến Brussels cùng với những thay đổi cho loại mã đã ném cho người Đức trước đó: nó phải làm cho người Đức tin là người Anh vẫn không hề nghĩ rằng mã của họ đã bị lộ.

Nhờ loại mật mã giả này, người Anh đã nhiều lần đánh lừa được bộ chỉ huy quân sự Đức. Ví dụ, tháng 9 năm 1916, một "mệnh lệnh" được gửi cho nhiều chiến hạm Anh, theo đó chúng phải nhanh chóng tham gia vào các chiến dịch đổ bộ. Người ta còn tổ chức bổ sung bằng cách cho "rò rỉ" qua các kênh khác thông tin cho thấy cuộc đổ bộ đang được chuẩn bị. Thời đó, do thám từ trên không chưa được phát triển nên việc thu nhanh tin tức về việc tập trung tàu Anh là không thể, nhưng các bằng chứng thu được đủ để bộ chỉ huy Đức vội vàng rút lực lượng dự bị từ mặt trận về để phản kích một cuộc tiến công tưởng tượng của Anh.

Một mật mã khác của Anh lọt vào tay quân Đức một cách tình cờ, nhưng người Anh đã nhanh chóng phát hiện ra và đã tìm cách lợi dụng được tình thế. Đây là mật mã người Anh dùng để mã các bức điện của mình về hoạt động thu dọn các bãi thuỷ lôi do tàu ngầm Đức rải. Một bức điện vô tuyến đã được gửi đi nói rằng, ở lối vào một cảng trên bờ biển Ireland đã vớt được nhiều thuỷ lôi của Đức. Một tàu ngầm Đức nhanh chóng xuất hiện ở đó để rải thêm những quả thuỷ lôi mới và đã bị nổ tung do vấp phải một quả thuỷ lôi cũ của mình mà người Anh không hề định rà phá.

Print Print E-mail Print