Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Xảo thuật đặc chất Anh (6)

VietnamDefence - Năm 1917, bộ chỉ huy quân đội Anh quyết định sử dụng các phương pháp tình báo vô tuyến điện tử đã được kiểm nghiệm trong cuộc chiến chống nước Đức ở Cận Đông, nơi quân Thổ Nhĩ Kỳ do các sĩ quan Đức chỉ huy đã kiên cường kháng cự các mưu toan của quân đội Anh từ Ai Cập xâm nhập vào Palestine.

Để giành thắng lợi, người Anh phải tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ nếu không thì quân Thổ với hệ thống đường sá tốt ở phía sau các trận địa của mình, sẽ có thể đưa nhanh quân tăng viện đến để chặn đứng cuộc tấn công. Nhưng làm thế nào để giữ bí mật cho sự di chuyển của mấy chục ngàn lạc đà thồ tạo ra những đám mây cát bụi?

Người Anh đã vận dụng khéo léo thủ đoạn tung tin giả. Bằng các thủ đoạn khác nhau, người Anh đã để quân Thổ biết được mật mã của Anh và họ dùng mã này để gửi đi các bức điện giả. Cùng với thông tin công vụ, các báo vụ viên Anh còn gửi lên làn sóng cả những tin tức mang tính cá nhân.

Các đơn vị quân Anh hoạt động dường như dựa vào những mệnh lệnh chuyển cho họ qua vô tuyến điện và được mã hoá bằng loại mật mã đã được cố ý để lộ kia. Còn để làm cho bộ chỉ huy Đức-Thổ tin chắc rằng thông tin họ nhận được là đúng, quân Anh quyết định "thảy" cho quân Anh một chiếc xà cột sĩ quan.

Trước hết, người ta bỏ vào đó 200 bảng Anh. Tính toán này dựa trên suy tính cho rằng các sĩ quan Thổ tham nhũng sẽ nghĩ là không có ai lại tình nguyện vứt bỏ một khoản tiền lớn đến thế. Tiền được kẹp trong cuốn sổ ghi chép quân đội, trong đó ngoài thông tin giả còn có một loạt những ghi chép thật. Cuối cùng, trong xà cột còn có một số bản chép nháp - chúng không chứa tin "rởm" mà là để giúp quân Thổ đọc được các tài liệu mã hoá giả khác.

Không lâu sau, khi chạm phải một toán tuần tiễu Thổ, một sĩ quan Anh  đã bắn vào họ. Để thoát khỏi sự truy đuổi, anh ta đã tháo bỏ chiếc đai yên ngựa buộc chiếc xà cột, ống nhòm và một của quý trên sa mạc là bầu đựng nước. Sau khi giàn cảnh bỏ chạy vội vàng, anh ta vứt bỏ khẩu súng trường được bôi đẫm máu ngựa và lảo đảo trên yên cứ như đã bị trúng đạn và trốn khỏi sự truy đuổi.

Sau khi anh ta trở về doanh trại, quân Anh vội vã phát đi khắp nơi các bức điện vô tuyến thông báo mất các tài liệu quan trọng và phái đi các đội kỵ binh tuần tiễu đông đảo để tìm kiếm.

Kết quả của chiến dịch được thực hiện là đã làm cho kẻ thù hoàn toàn bị đánh lừa. Khi khai thác thông tin từ các bức điện của Anh được giải mã và hoàn toàn tin vào chúng, kẻ thù đã không hề ngờ rằng, quân Anh đang ráo riết chuẩn bị tấn công. Sau một thời gian, mặt trận Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chọc thủng. Thắng lợi này có ý nghĩa lớn đối với Londonn không chỉ về mặt quân sự mà cả về mặt chính trị trong bối cảnh khối đồng minh Anh-Pháp-Nga chịu những thất bại trên mặt trận phía Tây.

Còn bây giờ, chúng ta chuyển từ Cận Đông sang Đông Phi, nơi quân Anh tuy có ưu thế lớn đối với quân địch, nhưng trong mấy năm không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đội quân của viên trung tá Đức Paul von Lettow-Vorbeck (1870-1964). Quân Anh thường xuyên chặn thu và giải mã các bức điện mà Lettow-Vorbeck và cấp trên của ông ta ở Berlin trao đổi với nhau.

Tháng 11 năm 1917, Lettow-Vorbeck đã xin tiếp tế vũ khí trang bị để tiếp tục cuộc chiến bán du kích của mình đang cầm chân gần 300 ngàn quân đồng minh ở Đông Phi. Thông qua điệp viên ở Bulgaria, người Anh đã biết người Đức đưa đến từng bộ phận và lắp ráp tại đó một khinh khí cầu định dùng để chở đạn được và thuốc men sang Đông Phi.

Ngày 16 tháng 11, chiếc khinh khí cầu đã cất cánh từ Bulgaria về hướng châu Phi. Nhưng khi đến biên giới thuộc địa Đức ở Đông Phi, nó đã quần đảo vô vọng để chờ đợi tín hiệu quy ước từ mặt đất để hạ cánh: viên trung tá Đức lúc đó đang tiến hành một cuộc tập kích chống quân Anh.

Cũng trong lúc đó, từ Berlin gửi đến một bức điện nói rằng, Lettow-Vorbeck đang bị bao vây và chiếc khinh khí cầu phải quay về nhà. Sau khi khinh khí cầu quay về, người ta mới phát hiện ra bức điện gửi từ Berlin mà thuyền trưởng chiếc khinh khí cầu nhận được là do có bức điện hoả tốc của trung tá Lettow-Vorbeck gửi bằng vô tuyến điện.

Trên thực tế, bức điện này không phải do Lettow-Vorbeck gửi mà là do quân Anh vì họ đã biết cả vị trí của Lettow-Vorbeck và loại mật mã mà ông ta sử dụng để liên lạc với bộ chỉ huy ở thủ đô nước Đức.

Tuy vậy, những thắng lợi này của người Anh bị lu mờ so với đại thắng của họ trong lĩnh vực đọc điện tín ngoại giao mã hoá của Đức.

Print Print E-mail Print