Người Anh không thích thịt ôi
K. Prutkov. "Những trước tác"
Ngay từ đầu chiến tranh thế giới thứ I, Bộ Hải quân Anh đã lập tức, cương quyết, tước bỏ của Đức khả năng sử dụng các kênh liên lạc xuyên Đại Tây Dương. Ngày thứ năm của chiến tranh, chiếc tàu Anh Telconia đã được phái đến biển Bắc và khi ở cách không xa Emden, nơi bờ biển Hà Lan tiếp giáp bờ biển Đức, đã thả xuống biển một thiết bị gì đó. Không lâu sau, từ dưới sâu đáy nước đã xuất hiện những "quái vật" dài như con rắn che phủ bởi rong tảo. Những giọng nói xì xào, tiếng va đập - và không lâu sau vật đó được kéo lên, cắt làm đôi và lúc này đã trở nên vô ích nó lại bị vứt xuống biển. Uỷ ban quốc phòng đế quốc Anh ngay từ năm 1912 đã dự tính bước đi này. Chiến dịch tấn công đầu tiên của Anh do Telconia thực hiện đã giúp nước Anh cùng các đồng minh giành chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ I.
Không lâu sau đó, các đài vô tuyến điện của Đức ở châu Phi, trên đảo Samoa và ở Trung Quốc đều bị tiêu diệt. Kết quả là để liên lạc với thế giới bên ngoài ở bên ngoài khối đồng minh ba nước Anh-Pháp-Nga sa hoàng, nước Đức chỉ có thể sử dụng các đường điện báo của các nước trung lập Thuỵ Điển, Đan Mạch, Hà Lan, cũng như các kênh liên lạc của các nước đồng minh của mình là áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ. Liên lạc qua bưu điện và liên lạc vô tuyến điện vẫn còn. Tất cả những điều đó đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho người Anh tiến hành chặn thu: các kế hoạch bí mật nhất của Đức phải đi qua tay các đồng minh của Đức thông qua các kênh liên lạc nên có thể biết ngay bản gốc của chúng, nhưng chỉ với điều kiện giải phá được mật mã bảo vệ các thông tin đó. Đó là cơ hội mà nước Anh chưa chuẩn bị cho nó nhưng đã nhanh chóng biết cách tận dụng. Do khối lượng tin tức chặn thu gia tăng nên phải tuyển các chuyên gia về mật mã. Bộ Hải quân Anh đã nhận vào làm việc ba người tình nguyện biết tiếng Đức. Họ cũng nghiên cứu trước hết các loại mật mã của Đức. Giúp cho thành công trong công việc của họ là một số sự kiện trong hai năm đầu đại chiến thế giới.
Ngày 30 tháng 8 năm 1914, bị hai chiến hạm Nga truy đuổi trên biển Baltic, tuần dương hạm Magdeburg của Đức đã bị mắc cạn, sau đó bị đắm. Mấy giờ sau, các thuỷ binh Nga đã vớt được xác một sĩ quan sơ cấp Đức. Người chết dùng đôi tay cứng đờ ghì chặt vào ngực một quyển mã. Trước hết, bộ chỉ huy Nga đã áp dụng mọi biện pháp để không cho người Đức biết mật mã của họ đã bị lộ. Cụ thể, với mục đích đó, các thợ lặn đã tham gia lục soát tàu Magdeburg đã bị cảnh cáo nghiêm khắc vì làm việc chểnh mảng, không đem lại kết quả giá trị nào. Thông tin này cũng đã được truyền đến tai vị thuyền trưởng chiếc tuần dương hạm Đức và các thuỷ thủ bị bắt làm tù binh. Kết quả là Đức đã không kịp thời thay đổi mật mã. Một tháng sau, mật mã này được chuyển cho Bộ Hải quân Anh và trở thành một tư liệu cực kỳ quý giá đối với hoạt động giải mã của người Anh. Họ đã tận dụng cực kỳ thành công "món quà" của người Nga.
Ngày 17 tháng 10 năm đó, thuyền trưởng một chiến hạm Đức nữa, sau khi tàu ông ta lâm vào trận đánh không cân sức với các tuần dương hạm Anh và biết chắc tàu mình sẽ bị đánh đắm, đã vứt chiếc hòm tài liệu xuống biển. Ngày 30 tháng 11, chiếc hòm không ngấm nước này đã được một chiếc tàu đánh cá của Anh vớt lên từ đáy biển và trong đó đã tìm thấy một cuốn sách mã và đây là cuốn thứ ba Anh có được. Bản sao cuốn sách thứ hai được gửi đến từ Australia sau khi thu được nó từ một chiếc tàu buôn Đức ở gần bờ biển Australia ngay vào đầu chiến tranh.
Nhờ ba cuốn sách mã này, các chuyên gia mã thám Anh đã phát hiện ra các nguyên tắc mà Đức áp dụng để thay đổi các khoá mã cho các hệ mã của họ. Người ta đã lập được danh mục các thuật ngữ hàng hải thường dùng. Tương ứng với mỗi thuật ngữ trong danh mục này, người ta đặt ra các tổ hợp 5 chữ cái khác nhau có thể thay thế cho thuật ngữ này khi mã hoá. Người Anh đã biết khá chính xác từng thuật ngữ hàng hải trong bức điện nào đó được thay thế bằng tổ hợp chữ nào. Lúc đó, sự phù hợp tương ứng giữa các thuật ngữ còn lại và các tổ hợp 5 chữ cái đã trở nên rõ ràng và có thể giải mã được toàn bộ phần còn lại của bức điện mật mã.
Chắc mẩm là chỉ có thể thu được tín hiệu của các đài vô tuyến điện công suất nhỏ trên các tàu của mình ở khoảng cách gần nên người Đức không hề nghĩ tới những thành tựu này của người Anh. Tuy vậy, các nỗ lực sử dụng thông tin thu được nhờ tình báo vô tuyến điện tử đã không mang lại thành công mong muốn cho hạm đội tàu nổi của Anh. Họ gặp phải những khó khăn khi cố gắng thiết lập kênh liên lạc linh hoạt giữa hạm đội và đơn vị làm công tác giải mã các bức điện chặn thu được đóng ở London.
Nhưng tình báo vô tuyến điện tử đã đóng góp phần đáng kể vào việc tiêu diệt hạm đội tàu ngầm Đức. Trong chiến tranh thế giới thứ I, hàng chục tàu ngầm Đức đã bị đánh đắm. Tất cả các tàu này, trừ một vài ngoại lệ, đều được thợ lặn Anh tài ba E.S. Miller thám sát. Một đơn vị hải quân đặc biệt có nhiệm vụ đưa Miller cùng trang bị lặn của anh ta tới những địa điểm tàu ngầm Đức bị đánh đắm. Các mật mã mà Miller lấy được từ đáy biển đã trở thành vũ khí phòng thủ mạnh mẽ trong cuộc chiến của Anh chống sự phong toả bằng tàu ngầm của Đức. Các bức điện mật mã của Bộ Hải quân Đức gửi cho các tàu ngầm thường xuyên bị chặn thu và giải mã. Các thuyền trưởng tàu ngầm Đức đã đi đến chỗ chết mà không hề biết các mệnh lệnh của cấp trên của họ bị người Anh biết một cách dễ dàng đến thế nào.
Ngày 14 tháng 4 năm 1916, chiếc tàu ngầm Đức UB-16 bị bắt làm tù binh. Do người Anh rải nhiều bãi thuỷ lôi để bảo vệ chống tàu ngầm, người Đức đã buộc phải cho các tàu quét lôi đi hộ tống tàu ngầm. Việc liên lạc giữa các tàu ngầm và tàu quét lôi Đức được duy trì bởi các máy phát vô tuyến điện. Để bảo mật thông tin về di chuyển của các tàu ngầm, người Đức đã trang bị các bản đồ cho thuỷ thủ đoàn các tàu ngầm. Trên các bản đồ, người ta kẻ ô lưới chia khu vực chiến sự ra các ô vuông. Khi đó bức điện từ tàu ngầm Đức có dạng như sau: UB72-1-2-8-027A. Điều đó có nghĩa là tàu UB-72 đã đánh đắm một tàu địch có lượng giãn nước 2 ngàn tấn ở ô vuông A-027, và tàu ngầm hiện còn 8 ngư lôi. Trên tàu ngầm UB-16 bị đánh đắm, đã tìm thấy một bộ đầy đủ những bản đồ như vậy của khu vực eo biển La Manche với các ô lưới kẻ sẵn, nhờ vậy người Anh đã tổ chức đối phó hiệu quả với hạm đội tàu ngầm Đức tại khu vực này.