Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Bức điện mã của Zimmermann (7)

VietnamDefence -
Như đã nói ở trên, ngay từ đầu chiến tranh, Đức đã bị cách ly với thế giới bên ngoài: trong tay nước Đức chỉ còn lại hai kênh liên lạc bằng cáp xuyên Đại Tây Dương - từ Stockholm đến Buenos Aires thuộc về Thuỵ Điển và từ Copenhagen đến Washington là tài sản của Mỹ.

Cả hai kênh đều không tin cậy vì phải thông qua một đài tiếp phát do người Anh kiểm soát. Và các chuyên gia mã thám Anh đã không bỏ qua cơ hội tận dụng điều đó.

Thông tin mà Anh thu được rất có giá. Giá trị nhất là bức điện mật mã được giải mã một phần ngày 17 tháng 1 năm 1917 do ngoại trưởng Đức Zimmermann gửi cho phái viên Đức ở Mêhicô. Trong phần bức điện mà các chuyên gia mã thám Anh đọc được nói rằng, từ ngày 1 tháng 2 sẽ bắt đầu cuộc chiến không hạn chế trên biển có sử dụng hạm đội tàu ngầm Đức. Người Anh đã giữ kín nội dung bức điện mật của Zimmermann vì sợ làm lộ nguồn tin. Lúc đó, Đức đã kịp thực hiện thành công một số bước thực tiễn nhằm hiện thực hoá các kế hoạch mở màn cuộc chiến tàu ngầm của mình.

Một trong các bước đó là việc trao công hàm ngày 31 tháng 1 năm 1917 tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tàu ngầm tàn bạo vào ngày 1 tháng 2 cho đại sứ Mỹ ở Berlin. Cuộc chiến tàu ngầm đã trực tiếp động chạm đến quyền lợi và thể diện của Mỹ, bởi vậy ngày 3 tháng 2, Tổng thống Mỹ Wilson đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. Dù sao thì sau khi quan hệ Đức-Mỹ bị cắt đứt, cùng với phong trào ủng hộ chiến tranh với Đức mạnh lên ở Mỹ, còn có ý kiến khá vững chắc cho rằng, tiếp tục duy trì lập trường trung lập cũng có những cái lợi. Tuy vậy, sai lầm chết người đối với nước Đức của ngành ngoại giao Đức trong những ngày này đã giáng đòn quyết định cuối cùng vào tất cả những người Mỹ ủng hộ trung lập và tạo điều kiện khá dễ dàng cho trò chơi của những kẻ chủ chiến.

Đến giữa tháng 2 năm 1917, người Anh đã đọc được bức điện mật mã của Zimmermann và phát hiện ra là trong đó, ngoài những thứ khác, Đức còn đề nghị Mêhicô tham chiến chống Mỹ nhằm lấy lại những lãnh thổ đã mất vào tay Mỹ. Khó mà tưởng tượng một đề nghị nào từ phía Đức với một ai khác lại có thể làm người Mỹ tức giận đến thế. Ngày 20 tháng 2, nội dung bức điện mật mã này đã được thông báo cho đại sứ Mỹ ở London Page.

Người ta đã kể một "chuyện cổ tích" rằng, họ lấy được bản sao bức điện mật mã của Zimmermann ở Mêhicô và chuyển đến London để giải mã nên bản rõ của nó được chuyển cho đại sứ Mỹ hơi chậm - phải đến ngày 20 tháng 2. Page đã tin điều đó và người Anh rất lấy làm hài lòng khi biết thế sau khi giải mã được bức điện của ông ta gửi Tổng thống Wilson. Và ngày 1 tháng 3 năm 1917, bản rõ bức điện mật mã của Zimmermann đã được đăng toàn văn trên báo chí Anh.

Tuy nhiên, đa số phe cánh hữu ở Mỹ ban đầu tỏ ra rất nghi ngờ về tính chân thực của thông tin này. Một là Wilson không nói rõ làm thế nào bản rõ bức điện mật mã của Zimmermann lại lọt vào tay ông, - có nghĩa là có thể phỏng đoán rằng tổng thống là nạn nhân của một trò bịp bợm nào đó. Hai là nội dung của tài liệu có vẻ quá vô lý. Đề nghị Mêhicô, nước có số dân ít hơn 8 lần dân số Mỹ, lại yếu và nghèo hơn Mỹ cả trăm lần, tấn công nước láng giềng hùng mạnh để lấy lại phần lãnh thổ bằng cả nước Mêhicô nghe ra thật vô lý.

Việc bản sao bức điện mật mã của Zimmermann được gửi qua Washington và bản sao của nó vẫn được lưu ở đây đã góp phần xoá tan nghi ngờ. Bản sao này đã được chuyển từ thủ đô Mỹ đến London để các chuyên gia mã thám Anh, với sự hiện diện của Page, thể hiện tài nghệ của mình. Thêm vào đó, họ đã nhanh chóng giải mã một loạt các chỉ dẫn từ Berlin làm rõ nội dung bức điện hoả tốc của vị ngoại trưởng Đức và chuyển chúng cho chính phủ Mỹ. Và điều đáng ngạc nhiên là Zimmermann, thay vì phủ nhận tính chân thực của văn bản bức điện của mình mà báo chí Anh đăng tải, lại đi thừa nhận nó.

Chuyện bức điện mật mã của Zimmermann đã khiến một tờ báo Đức đưa ra nhận xét rất sắc sảo rằng "mọi người chúng ta đều nói ngành ngoại giao của chúng ta đang bị lèn cứng bởi các nhà quý tộc bất tài và đã đến lúc nhường đường cho những tài năng từ giai cấp tư sản", thế mà đại diện đầu tiên của giai cấp tư sản đã làm những điều mà hàng chục nhà quý tộc bất tài nhất không hề nghĩ.

Tất nhiên là bức điện rủi ro của Zimmermann đã định đoạt quyết định của Wilson tuyên chiến với Đức. Chủ nghĩa đế quốc Mỹ bị lôi cuốn tham gia chiến tranh thế giới thứ I bởi chính những lợi ích vụ lợi của nó. Tuy nhiên, để biện minh cho quyết định của Mỹ đứng về phía phe đồng minh trong con mắt công luận, bức điện mật mã của Zimmermann đã đóng vai trò quyết định. Điều đáng lưu ý là người Đức nhất quyết từ chối thừa nhận sự kém cỏi về mật mã của họ mà lại đoán rằng các gián điệp của kẻ thù đã tiếp cận được bản rõ bức mật điện của Zimmermann.

Sau chiến tranh, đã xuất hiện nhiều phương án về việc bằng cách nào người Anh đã láy được loại mật mã ngoại giao của Đức cho phép họ đọc bức điện của Zimmermann. Chính người Đức khẳng định mật mã này là do kỹ sư vô tuyến điện trẻ người áo Alexander Czeck cung cấp. Anh ta được quyền đến đài vô tuyến điện ở Brusells, nơi thường gửi đi các bức điện vô tuyến của chính phủ cho các nhà ngoại giao Đức ở nước ngoài. Mẹ của Czeck là người Anh.

Chính thông qua bà ta, Czeck đã được hứa một khoản tiền lớn nếu như anh ta kiếm được mật mã bí mật của Đức. Theo giả thiết của Đức, Czeck chạy sang Anh với mật mã mà người Anh khao khát trong tay. Sau đó, người ta đã mất dấu vết anh ta. Khi chiến tranh kết thúc, cha của Czeck đã cố tìm kiếm con trai, nhưng chính phủ Anh đã kiên quyết chối từ yêu cầu cung cấp tin tức có thể soi sáng số phận Czeck.

Theo Churchill, đóng vai trò quyết định trong việc đọc được bức điện của Zimmermann là các quyển mã lấy được từ tuần dương hạm Đức Magdeburg. Chính nhờ chúng mà các chuyên gia mã thám Anh đã tìm được cách giải phá các mật mã của chính phủ Đức.

Giả thiết thứ ba có liên quan đến tên tuổi của vị lãnh sự Đức ở Iran Karl Wasmus, người đã tiến hành hoạt động phá hoại tích cực chống quân Anh. Chẳng hạn như ông ta đã định cho nổ đường ống dẫn dầu. Tuy nhiên, người Anh đã đánh đòn phủ đầu vào đơn vị phá hoại đang nghỉ ngơi của Wasmus. Vị lãnh sự thức dậy trong bộ pijama đã kịp nhảy lên ngựa và phi đi mất, nhưng ông ta không kịp mang theo hành lý. Đồ đạc của Wasmus đã được đưa về London và được cất giữ ở tầng hầm một toà nhà hành chính ở thủ đô. Sau này, khi tình cờ nói chuyện với một sĩ quan đến từ Iran, Hall được biết về số đồ đạc của Wasmus và đã hạ lệnh lập tức mang đến cho mình.

Trong số hành lý có một quyển mã mà sau đó đã đi vào lịch sử tình báo vô tuyến điện tử với tên gọi "mật mã 13040". Sau đó đã xảy ra việc kỹ sư trưởng đài vô tuyến điện Đức ở Constantinople mời chiêu đãi sau kỳ nghỉ phép ở nước Đức trở về. Sau bữa ăn, ông ta vui mừng gửi 6 bức điện giống nhau cho các đồng nghiệp ở các đài vô tuyến điện của các lãnh sự quán Đức trên khắp thế giới, mỗi thư đều dùng loại mã thích hợp với lãnh sự quán đó. Sau khi biết được "mật mã 13040", người Anh đã chả khó khăn lắm để phá giải mật mã của 5 lãnh sự quán khác của Đức trên thế giới. Điều đó cũng đã giúp họ nắm được nội dung bức điện mật mã của Zimmermann.

Cuối cùng, theo một giả thiết nữa, mật mã ngoại giao Đức mà nhờ nó có thể đọc được bức điện này là do gián điệp nào đó của phe đồng minh có biệt danh Smith lấy được. Anh ta được phái tới Brusells với nhiệm vụ đánh cắp các mật mã của Đức. Tại thủ đô Bỉ, Smith đã tìm ra một nữ trợ thủ giá trị có vỏ bọc là một nữ hầu bàn quán cà phê Ivonna mà một sĩ quan Đức làm việc tại đài vô tuyến điện đang yêu mê mệt. Với cớ học vô tuyến điện, Smith đã moi được từ anh ta tin tức về các yếu tố chủ yếu của mật mã ngoại giao Đức và đã vượt thoát qua giới tuyến theo hướng ngược lại. Lập tức sau khi Smith thoát đi, quân Đức đã bắt giữ Ivonna vì họ đã theo dõi từ lâu các chuyến viếng thăm đáng ngờ của một báo vụ viên Đức trẻ, nhưng họ đã không thể lần ra ý nghĩa thực sự của các "bài học vô tuyến điện".

Những giả thiết nêu ra ở trên không nhất thiết mâu thuẫn với nhau bởi vì người ta có thể lấy được cùng loại mật mã bí mật bằng những cách thức khác nhau, còn bản rõ của bức điện của Zimmermann lấy được là nhờ nỗ lực phối hợp của các chuyên gia mã thám và các điệp viên. Tuy nhiên, màn bí mật che phủ việc này đã nhiều năm đang buộc người ta phỏng đoán rằng, chân lý vẫn còn chưa được khám phá.

Để tổng kết những điều đã nêu về vai trò của tình báo vô tuyến điện tử Anh trong chiến tranh thế giới thứ I, cần nhận xét rằng trước khi tham chiến, quân đội Anh đã tính đến việc tiến hành chiến tranh bằng các phương tiện thông thường. Theo người Anh, sử dụng kỵ binh sẽ làm cho liên lạc vô tuyến điện trở nên thừa. Tuy nhiên, những trông đợi đã không được thoả mãn: thay vì các hoạt động tác chiến linh hoạt, chiến tranh để sống còn đã diễn ra. ỷ vào hạm đội mạnh nhất thế giới, nước Anh coi mình là bất khả xâm phạm và coi thường việc Đức sử dụng các thành tựu kỹ thuật mới là tàu ngầm và khinh khí cầu. Những khó khăn xuất hiện đã được người Anh khắc phục phần lớn nhờ tình báo vô tuyến điện tử.

Print Print E-mail Print