Vietnamdefence.com

 

Nga phát triển tên lửa hành trình Kh-50

VietnamDefence - Trong Chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn 2018-2027, Nga sẽ phát triển tên lửa hành trình chiến dịch-chiến thuật phóng từ máy bay Kh-50.


Kh-50
Thông tin này do nhà báo Ba Lan nổi tiếng về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Piotr Butowski đưa ra. Uy tín của ông khiến ta có cơ sở để tin điều ông viết, hơn nữa điều đó cũng không phải là bí mật lớn. Việc chế tạo tên lửa Kh-50, kể cả việc thử nghiệm gần như đã hoàn tất đã được hé lộ tại triển lãm hàng không vũ trụ MAKS-2017 và Diễn đàn kỹ thuật quân sự Army-2017. Piotr Butowski đơn giản chỉ khái quát thông tin ông có được và là người đầu tiên công bố nó.

Ông Butowski cho biết, các nguồn tin Nga đầu tháng 12/2017 đã tiết lộ tên lửa hành trình chiến dịch-chiến thuật phóng từ máy bay mới của Nga có tên gọi Kh-50. Việc sản xuất và mua sắm Kh-50 được trù tính trong Chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn 2018-27.

Được Viện Thiết kế chế tạo máy quốc gia (GosMKB) Raduga mang tên A.Ya. Bereznyak phát triển trong khuôn khổ chương trình Kh-SD (SD có nghĩa là tầm trung), Kh-50 dự kiến sẽ là tên lửa hành trình dưới âm sử dụng hệ dẫn của tên lửa hành trình chiến lược Kh-101 nhưng với khung thân nhỏ hơn, có độ bộc lộ thấp tương tự như AGM-158 JASSM của Mỹ. Kh-SD bắt đầu được nghiên cứu chế tạo vào đầu những năm 1990, nhưng sau đó bị đình chỉ một số năm.

Được thiết kế để bố trí trên các bệ phóng ổ quay trong các khoang trong thân máy bay ném bom tầm xa Tu-22М3, máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Тu-160, Kh-50 có chiều dài khoảng 6 m (19,7 ft), tức là ngắn hơn Kh-101 khoảng 1,5 m (4,9 ft), và trọng lượng khoảng 1.600 kg (3.527 bảng), được lắp 1 động cơ turbine quạt Izdeliye 37-04 (hay TRDD-50B) của Viện thiết kế chế tạo động cơ Omsk (OMKB), tên lửa dự kiến có tầm bắn hơn 1.500 km (810 hải lý), tốc độ hành trình 700 km/h và tốc độ tối đa 950 km/h.  Thân tên lửa có tiết diện dẹt và đa diện để giảm độ bộc lộ radar và cho phép sử dụng hiệu quả hơn không gian khoang vũ khí của máy bay ném bom khi lắp trên bệ phóng ổ quay chứa 6 tên lửa. Kh-50 có 2 loại phần chiến đấu: loại xuyên BS-715P để tiêu diệt mục tiêu kiên cố và loại chùm BS-715K để tiêu diệt sân bay và mục tiêu diện.

Kh-50 dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất, trong đó có các mục tiêu kiên cố, sử dụng hệ dẫn kết hợp: hệ dẫn quán tính có hiệu chỉnh theo hệ thống định vị vệ tinh GLONASS/GPS ở giai đoạn bay hành trình, hệ dẫn quang-điện tử bám địa hình số giai đoạn cuối Otblesk (tương tự hệ dẫn DSMAC của tên lửa hành trình Mỹ Tomahawk) cho phép bắn rất chính xác kể cả ở tầm bắn 1.500 km. Kh-50 có 2 loại phần chiến đấu: loại xuyên BS-715P để tiêu diệt mục tiêu kiên cố và loại chùm BS-715K để tiêu diệt sân bay và mục tiêu diện.

Ngoài khung thâm có khả năng tàng hình trước radar, để đột phá phòng không địch, Kh-50 còn sử dụng biên dạng bay thấp và được trang bị các hệ thống tự vệ riêng, bao gồm trạm gây nhiễu điện tử tích cực nhỏ và các mồi bẫy kéo theo. Do đó, gần như sẽ không thể phát hiện và bắn hạ tên lửa mới.

Một số tính năng của Kh-50 có thể đánh giá trên cơ sở thiết kế của biến thể tên lửa hành trình chiến thuật xuất khẩu Kh-59MK2 được giới thiệu tại triển lãm MAKS-2015 ở Moskva vốn có cùng hệ dẫn và cùng động cơ Izdelie 37-04. 

Hệ dẫn quang-điện tử kiểu DSMAC của Kh-59MK2 có tên xuất khẩu là OE-М bảo đảm độ chính xác dẫn công bố là 3-5 m. Kh-59MK2 tương tự như tên lửa Storm Shadow của MBDA và dùng để tiêu diệt mục tiêu nhỏ kiên cố có tọa độ biết trước. Hiện chưa rõ tình hình trang bị Kh-59MK2. Có thể đây là chào hàng sơ bộ được quảng cáo nhằm tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, và tên lửa này có thể không có biến thể dành cho quân đội Nga. Với trọng lượng 770 kg, tên lửa chiến thuật Kh-59MK2 nhỏ hơn Kh-50, có chiều dài 4,2 m và tiết diện thân hình vuông 40 × 40 cm để bó thể bố trí trong khoang vũ khí trong thân máy bay tiêm kích như Su-57 chẳng hạn.

Kh-50 dự kiến được trang bị cho các máy bay ném bom tầm xa hiện đại hóa của Nga. Mỗi chiếc Tu-22М3М sẽ mang được 6 tên lửa Kh-50 lắp trên bệ phóng ổ quay và 2 tên lửa ở giá treo bên ngoài, trong khi một máy bay ném bom chiến lược Tu-95MSM có khả năng mang đến 14 tên lửa (6 quả trong khoang trong thân máy bay). Mỗi máy bay ném bom chiến lược Tu-160M/М2  sẽ manhg được 12 tên lửa trên 2 bệ phóng quay trong thân máy bay.

Ông Piotr Butowski cũng cho biết, Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga đang tiếp tục phát triển thành công tên lửa chiến dịch-chiến thuật siêu vượt âm có điều khiển. Tên lửa này sẽ có tốc độ bay gấp 6 lần âm thanh (6M) và tầm bay 1.500 km.

Một tên lửa khác đang được Nga phát triển để tác chiến trong điều kiện phòng không mạnh của đối phương là tên lửa chiến dịch-chiến thuật siêu vượt âm mới do Tập đoàn KTRV và GosMKB Raduga hợp tác phát triển trong khuôn khổ Chương trình Tên lửa siêu vượt âm có điều khiển (GZUR). Tên gọi của tên lửa này đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Có tin tên lửa GZUR có tốc độ 6М, tầm bắn 1.500 km khi bay cao, chiều dài 6 m, trọng lượng gần 1.500 kg, chức năng chính là chống hạm. Tên lửa sẽ được trang bị động cơ phản lực-không khí dòng thẳng Izdelie 70 của Viện thiết kế TMKB Soyuz ở Turaevo và đầu tự dẫn radar kết hợp chủ động/thụ động Gran-75 do Công ty Viện thiết kế Ural (UPKB) Detal ở Kamensk-Uralsky đang phát triển; kênh thụ động băng rộng (Gran-75PK) dành cho đầu tự dẫn này đang được Công ty Viện thiết kế Máy tự động trung ương (TsKBA) ở Omsk nghiên cứu chế tạo. Gran-75 chính là biến thể của đầu tự dẫn Gran-K sử dụng trên tên lửa hành trình chống hạm chiến thuật Kh-35U.

Theo các nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga, dự kiến đến năm 2020 sẽ sản xuất loạt GZUR với tốc độ đến 50 quả/năm, điều đó cho thấy có khả năng tên lửa này đang được thử nghiệm.

Thực tế, Chương trình vũ khí nhà nước Nga giai đoạn 2018-2027 có dự tính phát triển các tên lửa siêu vượt âm có tầm bắn và uy lực khác nhau.

Bình luận của Jane's: 

Jane’s cho biết, thông tin đầy đủ hơn về chương trình vũ khí hàng không siêu âm đã được cựu Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Aleksandr Zelin nêu trong tham luận tại hội nghị các đại diện công nghiệp hàng không ở Moskva vào tháng 4/2013. Theo đó, Nga đang thực hiện chương trình hai giai đoạn phát triển tên lửa siêu vượt âm. Ở giai đoạn 1, dự kiến phát triển đến năm 2020 một “tên lửa hàng không chiến dịch-chiến thuật nhỏ gọn tầm bắn 1.500 km và tốc độ 6M”, đó chính là GZUR đã nêu ở trên. Nó sẽ được bổ sung vào thập kỷ tiếp theo bằng tên lửa có tốc độ 12M và tầm bắn toàn cầu.

Nguồn:

Jane's, 21.12, bmpd, Rg, 22.12.2017.

Print Print E-mail Print