Vietnamdefence.com

 

Máy bay ném bom thế hệ mới của Mỹ sử dụng động cơ F-35?

VietnamDefence - Các động cơ cải tiến F135 của Pratt & Whitney có thể dùng cho máy bay ném bom chiến lược tiên tiến mà Mỹ sẽ bắt đầu phát triển vào năm 2012, lãnh đạo phân hãng động cơ quân sự của Boeing Warren Boley cho biết.

Hình ảnh giả định máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới (rationaldefense.net)

Theo ông, nếu Không quân Mỹ (USAF) giảm bớt yêu cầu đối với máy bay mới thì F135 hoàn toàn có thể dùng cho dự án.
 
Trước đó, Tham mưu trưởng USAF, tướng Norton Schwartz tuyên bố rằng, Không quân Mỹ “không định tham vọng như trước đây” và sẽ giảm bớt yêu cầu đối với máy bay ném bom chiến lược mới. Nhờ vậy, kiểm soát dự án sẽ đơn giản hơn, cần ít tiền hơn để chế tạo máy bay mới, các nhà sản xuất sẽ có thể hoàn thành dự án đúng thời hạn. Năm 2010, USAF đã tuyên bố máy bay ném bom chiến lược mới sẽ là một phần của “các hệ thống hàng không”.

Ông Boley đánh giá, nhờ động cơ “đã kiểm nghiệm” F135, máy bay ném bom mới sẽ có thể có tốc độ dưới âm.

Còn một quan chức công nghiệp quốc phòng Mỹ am hiểu các dự án máy bay tiến công thì nói rằng, các động cơ F119 của các tiêm kích F-22 và F135 tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu để có thể sử dụng cho máy bay ném bom. Ông này đề nghị lắp cho máy bay mới 1 trong các biến thể của các động cơ turbine quạt tiết kiệm hiện có.

Boley thì cho rằng, các động cơ turbine quạt có đường kính 2,5 m là quá lớn để dùng trên một máy bay quân sự. Hiện Boeing đang tham gia phát triển động cơ turbine quạt PW9000, trong đó sử dụng các máy nén áp lực thấp của động cơ F135. PW9000 dự định lắp cho các máy bay không người lái trên hạm tương lai của Hải quân Mỹ. Trước đó, động cơ này được hãng Pratt & Whitney đề xuất lắp cho máy bay ném bom mới.

Nếu như dự án máy bay ném bom mới tham vọng hơn thì hoàn toàn thích hợp cho máy bay là động cơ 2 chế độ với công nghệ thích ứng (ADVENT). Hiện nay, các động cơ này đang được General Electric (Mỹ) và Rolls-Royce (Anh) hợp tác phát triển theo một hợp đồng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các động cơ mới phải biết bật chuyển đổi giữa các chế độ bay khác nhau: siêu âm và dưới âm.

Hiện nay, tất cả các động cơ đang sản xuất đều là loại 1 chế độ. Trên các máy bay tiêm kích sử dụng các động cơ tiêu thụ nhiều nhiên liệu, cho phép đạt tốc độ cao, còn các máy bay dân dụng sử dụng động cơ dưới âm tiết kiệm. Công nghệ ADVENT sẽ cho phép kết hợp 2 phẩm chất này ở 1 động cơ. ADVENT dự kiến sẽ cho phép kiểm soát tín hiệu nhiệt của máy bay và cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các hệ thống trên khoang. Nhờ các động cơ ADVENT, máy bay ném bom tiên tiến sẽ có thể bay dưới âm tiết kiệm, hoặc thực hiện các đòn tấn công nhanh trong chiều sâu lãnh thổ đối phương ở tốc độ siêu âm.

Tháng 4.2009, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố, quân đội Mỹ phải từ bỏ quan niệm truyền thống về không quân chiến lược; và Lầu Năm góc đã chấm dứt chương trình phát triển máy bay ném bom thế hệ mới. Tháng 9.2010, Norton Schwartz cho biết, trong mấy năm tới, sẽ nhận vào trang bị loại máy bay ném bom mới và nó là bộ phận cấu thành của cả một “họ các hệ thống tiến công” sẽ được chế tạo trong khuôn khổ khái niệm đòn tấn công nhanh toàn cầu.

Cuối năm 2010, quốc hội Mỹ yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ giảm chi phí quân sự 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Ngoài ra, Mỹ đã nâng đánh giá nguy cơ quân sự từ phía Trung Quốc, nước đang thử nghiệm tiêm kích mới J-20. Các yếu tố này hợp lại gây ảnh hưởng tới Lầu Năm góc khiến họ tuyên bố sẽ đưa vào ngân sách 2012 kinh phí cho dự án chế tạo máy bay ném bom chiến lược mới. 

  • Nguồn: Lenta, 11.2.2011.

Print Print E-mail Print