Vietnamdefence.com

 

Tiêm kích thế hệ 5 FGFA sẽ tiêu tốn 6 tỷ USD

VietnamDefence - Việc phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA của Nga-Ấn trên cơ sở máy bay T-50 của Nga sẽ tốn khoảng 6 tỷ USD, ông Shiva Murti, Giám đốc tài chính hãng HAL, đối tác Ấn Độ trong dự án, phát biểu tại triển lãm Aero India 2011 ở Bangalore.

Т-50

Ông Shiva Murti cũng cho biết, công việc trong dự án được phân chia giữa Ấn Độ và Nga theo tỷ lệ 35:65, nhưng tỷ lệ tham gia của Ấn Độ sẽ tăng lên đến 40% ở giai đoạn sản xuất.

Khi đề cập đến hợp đồng thiết kế phác thảo máy bay trị giá 295 triệu USD được ký ngày 21.12.2010, ông Shiva Murti cho biết, ở giai đoạn này, Nga sẽ thực hiện 80% khối lượng công việc. Giai đoạn này dài 18 tháng và dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2011-đầu năm 2012.

Dự kiến, FGFA thực hiện chuyến bay đầu vào năm 2015, còn theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Anthony thì Không quân Ấn Độ sẽ nhận FGFA vào trang bị vào năm 2017. Ấn Độ dự kiến mua 250-300 máy bay mới với giá 25-30 tỷ USD. (Nguồn tin khác cho hay, Ấn Độ sẽ mua khoảng 250 máy bay thế hệ 5, trong đó có đến 200 chiếc là loại 2 chỗ ngồi).

Phát biểu tại Bangalore, ông Anthony cũng cho biết, Ấn Độ chưa nhận được lời mời tham gia chương trình F-35 của Mỹ hay mua một số máy bay này, nhưng kể cả nếu được Mỹ đề nghị, Ấn Độ vẫn sẽ không từ bỏ dự án hợp tác với Nga.

Phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA hay PMF (tiêm kích đã năng tiên tiến) là dự án hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn lớn nhất từ trước đến nay.

Chương trình xác định thiết kế và phát triển biến thể 2 chỗ ngồi dựa trên PAK FA T-50 theo các yêu cầu kỹ thuật của Ấn Độ và tích hợp động cơ tiên tiến có lực đẩy tăng cường.

Hai nước dự định chế tạo máy bay thế hệ 5 vào năm 2015-2016 (Т-50 là biến thể của Nga, còn ở Ấn Độ máy bay có tên FGFA). Máy bay sẽ được trang bị hệ thống avionics hoàn toàn mới, tích hợp chức năng “phi công điện tử”, và radar anten mạng pha tiên tiến. Dự kiến sẽ chế tạo 2 biến thể 1 và 2 chỗ ngồi.

Còn theo hãng HAL, tỷ trọng tham gia của Ấn Độ trong chương trình là gần 30%. Cụ thể, HAL sẽ phát triển phần mềm máy tính, các hệ thống đạo hàng, các màn hình đa năng trong buồng lái, các linh kiện bằng vật liệu composite và hệ thống phòng vệ. Ấn Độ cũng đảm nhiệm thiết kế lại máy bay 1 chỗ ngồi PAK FA thành 2 chỗ ngồi phục vụ yêu cầu của Không quân Ấn Độ. Trong tương lai, FGFA sẽ thay thế 3 loại máy bay hiện dụng của Ấn Độ.

Theo Không quân Ấn Độ, để nhận chứng chỉ bay, FGFA phải có 2.000 giờ bay. Biến thể 1 chỗ ngồi có thể bắt đầu sản xuất vào năm 2017-2018. Biến thể 2 chỗ ngồi có thể nhận vào trang bị vào năm 2019-2020.

Nga lần đầu tiên đề nghị Ấn Độ tham gia chương trình chế tạo tiêm kích thế hệ 5 từ gần 8 năm trước, nhưng hai bên không thỏa thuận được tỷ lệ tham gia.

Tháng 10.2007, hai bên đã ký hiệp định liên chính phủ sơ bộ về hợp tác phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 trên cơ sở PAK FA của Nga.

Tháng 3.2010, hai bên ký hiệp định sơ bộ trong đó phân chia tỷ lệ công việc.

Tháng 12.2010, hãng Sukhoi và HAL đã ký hợp đồng thiết kế phác thảo kỹ thuật máy bay mới.

Dự kiến, việc phát triển và thử nghiệm máy bay sẽ mất 8-10 năm. Tổng chi phí chương trình phát triển ước 8-12 tỷ USD, chia đều cho Nga và Ấn Độ. Nga và Ấn Độ dự định trong tương lai bán các máy bay này cho các nước thứ ba. Đơn giá của FGFA sẽ là 85-100 triệu USD.
Theo dự báo của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), trong chương trình sản xuất PAK FA sẽ có không dưới 1.000 máy bay được chế tạo, trong đó đơn đặt hàng của Không quân Nga là 200-250 chiếc trong giai đoạn đến năm 2040, và lên tới 400-450 chiếc nếu tình hình kinh tế Nga phát triển thuận lợi.

Tổng cộng các đơn hàng xuất khẩu PAK FA tiềm năng, kể cả cho Ấn Độ, có thể là 548-686 chiếc.

T-50 của Nga cất cánh lần đầu ngày 29.1.2010 và đến tháng 12.2010, mẫu chế thử đầu tiên đã thực hiện 40 chuyến bay.

  • Nguồn: RIA Novosti, Newsru, Dni, Lenta, 10.2.2011. 

 

Print Print E-mail Print