Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Lợi bất cập hại (7)

VietnamDefence - Một trong những chương trình bí mật nhất của Mỹ trong thập niên 1970 là chương trình do thám Liên Xô bằng tàu ngầm. Các tàu ngầm Mỹ thường xuyên xâm nhập hải phận Liên Xô, thậm chí đôi khi vào sâu tới các bến cảng Liên Xô.

Chương trình này gồm có cả chiến dịch tuyệt mật Viewnock và được coi là niềm tự hào của Hải quân Mỹ với mục đích chặn thu thông tin từ các đường cáp thông tin ngầm dưới biển. Người Mỹ đã hy vọng người Nga sẽ nghĩ rằng, không thể nghe lén các đường cáp ngầm nên sẽ sử dụng các loại mật mã tương đối đơn giản, thậm chí không sử dụng mật mã để bảo mật thông tin trên các đường cáp đó.

Ban đầu, Mỹ sử dụng các tàu ngầm đỗ một thời gian dài bên trên đường cáp để chặn thu. Sau đó, các chuyên gia của Hải quân Mỹ và NSA đã thiết kế được một thiết bị tinh vi dùng để bố trí gần đường cáp ngầm trong mấy tháng mà không cần coi giữ để ghi những tín hiệu được truyền trong cáp. Thiết bị này được người Mỹ đặt tên là “cái kén” (Cocoon). Trong chiến dịch Viewnock, một “cái kén” như thế đã được bố trí sát một đường cáp ngầm của Liên Xô rải dưới đáy biển Okhot chạy từ lục địa đến bán đảo Kamchatka. Một tàu ngầm Mỹ đã chở theo các người nhái để lắp đặt “cái kén” bằng robot.

Tuy vậy, năm 1981, qua các bức ảnh chụp từ vệ tinh, người Mỹ phát hiện thấy có nhiều tàu Liên Xô tập trung ngay ở địa điểm bố trí “cái kén”. Sau đó, khi một tàu ngầm Mỹ tiến vào vùng này để thay các băng từ thu tín hiệu nghe lén, tàu này, người Mỹ phát hiện “cái kén” đã biến mất không dấu vết. Trong một báo cáo mật do Hải quân Mỹ soạn thảo về kết quả điều tra bối cảnh mất “cái kén”, người ta đã hoàn toàn loại trừ khả năng thiết bị nghe lén này bị đối phương phát hiện một cách ngẫu nhiên. Báo cáo khẳng định người Nga đã biết chính xác cần phải tìm cái gì, ở đâu.

Năm 1985, do bị cáo buộc tội gián điệp, tại Mỹ người ta đã bắt giữ cựu nhân viên NSA Ronald Pelton, người đã làm nhiều năm trong nhóm “A” của đơn vị “sản xuất” và bị cho về hưu năm 1979. Ngay trong ngày đầu tiên xét xử vụ này, Pelton đã bị buộc tội cung cấp tin tức về chiến dịch Viewnock cho tình báo Liên Xô. Tại một phiên xử, đã có hai nhân viên NSA phát biểu đánh giá mức độ tổn thất mà Pelton gây ra cho Mỹ. William Crowell, người khi đó đứng đầu nhóm “A”, đã xác nhận rằng, thiết bị nghe lén ở biển Okhot “đã cung cấp cho chúng ta khả năng nhìn vào gan ruột lực lượng vũ trang, quân số tương đối và các cuộc tập trân mà họ dự định”. Cựu thủ trưởng trực tiếp của Pelton là David Bacon đã bổ sung có tuyên thệ rằng, 57 kênh liên lạc cáp chạy dưới đáy biển Okhot mà NSA tập trung nỗ lực để chặn thu đã cho phép NSA xâm nhập vào “các giới cầm quyền Liên Xô cao cấp nhất”. Nhưng trên thực tế, liệu Pelton có lỗi trong việc khám phá hành động gián điệp ở biển Okhot này không?

Cuối thập niên 1980, trên báo chí Mỹ xuất hiện những tin tức nói rằng, người Mỹ biết được các tình tiết liên quan đến sự rò rỉ thông tin về chiến dịch Viewnock sau khi Yurchenko tiết lộ cho họ việc này vào năm 1985. Thông tin chỉ điểm này của Yurchenko, theo báo chí Mỹ, đã giúp thu hẹp phạm vi những người bị tình nghi làm việc cho tình báo Liên Xô bằng cách lọc toàn bộ nhân viên NSA có liên quan đến chiến dịch ở Okhot và cuối cùng đã lần ra Pelton.

Đây là lời kể trong cuộc phỏng vấn báo chí của cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô, Đô đốc về hưu Vladimir Sidorov: “Các ngư dân ra khơi đánh cá bơn và cua đã mắc vào cáp điện thoại và làm đứt nó. Người ta gọi cho tôi từ Kamchatka và báo cáo là bán đảo đã bị mất liên lạc do sự vô kỷ luật của ngư dân (trên các bản đồ hàng hải, khu vực đặt cáp đã được tuyên bố là khu vực cấm đánh cá). Họ yêu cầu tôi gửi đến một tàu rải cáp để tìm chỗ đứt và khôi phục liên lạc.

Trong tay tôi lúc đó không có chiếc tàu nào vì lúc đó chúng tôi đang thi công rải cáp ở vùng đảo Sakhalin. Chỉ sau khi hoàn thành công việc ở đó, tôi mới phái được tàu rải cáp Tavda đến vùng dự đoán cáp bị đứt.

Chúng tôi đã nhanh chóng phát hiện ra chỗ đứt cáp, tuy nhiên một cơn bão mạnh đang tiến vào biển Okhot, dự đoán sẽ có gió mạnh 30 mét/giây trong khu vực thi công. Tôi quyết định đưa tàu vào cảng Magadan cho đến khi hết bão. Bỗng nhiên ban đêm, thuyền trường tàu rải cáp gửi đến báo cáo rằng, khi tìm chỗ đứt cáp đã phát hiện được một contenơ to do nước ngoài sản xuất, nhưng do thời tiết xấu nên không thể trục vớt bằng thiết bị rải cáp ở mũi tàu. Hơn nữa, nó nặng đến chỉ có cần trục ở mũi tàu mới nâng nổi và việc đó cũng phải mất 2 giờ.

Lúc 5 gờ sáng, thuyền trưởng tàu Tavda báo cáo rằng, chiếc contenơ nặng 7 tấn, dài 5 mét đã được đưa lên boong. Giọng nói của viên thuyền trưởng có chút lo lắng vì nhiệt độ đang tăng trong phần đuôi của contenơ.

Do điều kiện thời tiết nên tàu Tavda không thể vào cảng Magadan ngày hôm đó. Và chỉ sau một ngày đêm sau, nó mới được neo sát bến bốc dỡ hàng, sau đó chiếc contenơ đã được một xe vận tải cỡ lớn chở đến sân bay.

ở đó, một nhóm chuyên gia của KGB và hạm đội đã khảo sát chiếc contenơ. Họ kết luận chiếc contenơ có nguy cơ nổ. Có người đề nghị: tội lỗi thì phải tránh xa - hãy chở nó ra khỏi sân bay và cho nổ. Nhưng sau khi bàn bạc thêm, mọi người quyết định không cho nổ mà gửi nó về Moskva. Và người ta đã làm thế”.

Sau khi phát hiện được “cái kén”, Hải quân Liên Xô đã kiểm tra kỹ lưỡng đáy biển Okhot nhưng không tìm thấy gì nữa. Tại Moskva, người ta đã xác định được “cái kén” là một thiết bị nghe lén. Trên đó nổi bật một tấm biển nhỏ in dòng chữ “Tài sản của chính phủ Mỹ”. “Cái kén” gồm hai contenơ có thể thu thông tin từ đường cáp thông tin mà không phải cắt vỏ cáp bên ngoài. Đó là một thiết bị cực kỳ tối tân và đắt tiền, có thể thu thập thông tin trong 120 ngày đêm liên tục. Nguồn cung cấp điện là một lò phản ứng hạt nhân mà nhiệt độ tăng của nó đã làm cho các chuyên gia Liên Xô đầu tiên khảo sát “cái kén” lo ngại.

Tại sao, người Mỹ lại đặt “cái kén” của mình chính ở biển Okhot? Vấn đề là ở chỗ, Mỹ đặc biệt quan tâm đến các điện tín liên quan đến các vụ thử tên lửa đường đạn Liên Xô. Người Mỹ cho rằng, thông tin về các vụ thử được truyền tải qua đường cáp chạy dưới đáy biển Okhot và hy vọng sẽ tiếp cận được nguồn thông tin này.  Tuy nhiên, theo chuyên gia Nga về tình báo vô tuyến điện tử Vyacheslav Tupitsyn, người Mỹ đã phải thất vọng: “Mặc dù thiết bị này rất độc đáo nhưng không nên nói rằng nó có hiệu quả cao”. Lý do là thế này: “Tín hiệu gửi qua cáp liên lạc chính phủ đều được mã hoá. Chỉ có thể giải mã thông tin bằng khoá đặc biệt. Nếu không có khoá thì có thể phải mất cả 100 năm để giải mã nó. Tôi nghĩ người Mỹ có thể đã lấy được những thông tin nào đó không phải là bí mật nhà nước. Chỉ thế thôi, hơn nữa thì không”. Các chuyên gia Nga khác cũng ủng hộ quan điểm của Tupitsyn. Theo nhận định của họ, tiền bạc của người đóng thuế Mỹ chi cho việc tiến hành chiến dịch đã là muối bỏ biển. Về sự liên quan của Pelton với sự đổ bể chiến dịch này thì người ta muốn tống giam anh ta với lý do nào chả được. Bởi lẽ các cơ quan tình báo Mỹ không bao giờ bỏ qua dù là con tép miễn là chứng minh được rằng, họ tồn tại không phải vô ích.

Đến đầu thập niên 1990, một số lượng lớn các phương tiện kỹ thuật của tình báo vô tuyến điện tử phương Tây bị thu giữ trên toàn nước Nga đã được tập trung tại bảo tàng KGB, ở gian có tên “Phòng cán bộ Cheka” trên phố Bolshaya Lubyanka ở Moskva. Chiếm vị trí nổi bật trong đó là các bộ phận của “cái kén” lấy lên từ biển Okhot năm 1981.

Print Print E-mail Print