Vietnamdefence.com

 

Tình báo Trung Quốc đánh cắp công nghệ máy bay tàng hình B-2

VietnamDefence - Người tự xưng là cha đẻ của công nghệ tàng hình của máy bay ném bom B-2 có thể bị tù chung thân vì bán bí mật quân sự.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit

Cheryl Gowadia không hiểu tại sao nhân viên FBI ập vào nhà mình ở khu North Shore trên đảo Maui, Haiwaii và càng choáng váng hơn khi biết họ muốn thẩm vấn chồng của bà, cựu kỹ sư chế tạo máy bay ném bom tàng hình B-2 Noshir Gowadia.

Một tuần sau, vào ngày 13.10.2005, chính quyền chính thức bắt ông Gowadia, cư dân Mỹ gốc Ấn, do nghi ngờ ông bán bí mật quân sự, theo AP.

Các công tố viên liên bang cho biết đây là một trong những vụ án kéo dài và phức tạp nhất mà họ từng xử lý. Phải mất 4 năm chỉ để đi đến việc xét xử và trong phiên xử kéo dài 4 tháng, các công tố viên đã phải hết sức cẩn trọng khi trưng ra nhiều thông tin quân sự tuyệt mật tại phòng xử công khai. Hôm 9.8.2010, tại một tòa án liên bang ở Hawaii, cựu kỹ sư Gowadia, 66 tuổi, đã bị kết tội bán bí mật quân sự cho Trung Quốc.

Quá trình phạm tội

Gowadia chào đời tại Mumbai (Ấn Độ) rồi di cư sang Mỹ và lấy bằng tiến sĩ, theo tờ USA Today. Ông làm việc cho Tập đoàn Northrop Grumman, nhà thầu sản xuất máy bay B-2, từ năm 1968-1989 trong khuôn khổ một chương trình cực kỳ bí mật.

Sau đó, ông đại diện Northrop tham gia nghiên cứu tên lửa và máy bay cho Lầu Năm Góc. Gowadia cũng từng làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos vào thập niên 1990 trước khi mở công ty tư vấn riêng.

Noshir Gowadia -(Wtop.com)

BBC dẫn lời các công tố viên cho hay ông Gowadia đã giúp thiết kế một tên lửa hành trình tàng hình cho Trung Quốc. Bản thiết kế này bao gồm một bộ tiêu âm xả giúp né tránh radar hồng ngoại cũng như vô hiệu hóa tên lửa tầm nhiệt của Mỹ.

Ông bị buộc tội đã sang Trung Quốc 6 lần trong giai đoạn 2003-2005 khi đang thiết kế tên lửa nói trên và được trả công ít nhất 110.000 USD. Theo Kitv.com, khi các nhân viên liên bang lục soát nhà của Gowadia ở Maui vào năm 2005, họ phát hiện ông còn bán bí mật quân sự cho nhiều nước khác.

Các luật sư biện hộ của Gowadia nói, thân chủ của họ chỉ cung cấp cho nước ngoài những “chất liệu cơ bản” dựa trên thông tin không thuộc dạng mật và công chúng có thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, qua 4 tháng xét xử và 6 ngày nghị án, Gowadia đã bị kết 14/17 tội, trong đó ngoài tội danh nghiêm trọng nhất là bán bí mật quân sự cho nước ngoài còn có vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí, trốn thuế và rửa tiền.

Với những tội danh này, ông Gowadia đang đứng trước nguy cơ phải sống những ngày tháng cuối cùng trong tù khi bị tuyên án vào tháng 11 tới.

Gây tội lớn vì chuyện nhỏ

Nguyên nhân thúc đẩy Gowadia phạm tội chính là chuyện đáng nói nhất trong vụ gián điệp thuộc loại lớn trong lịch sử Mỹ này. Theo AP, trong các buổi tranh luận tại tòa hồi cuối tháng 7, Phó chưởng lý Sorenson nói Gowadia giúp thiết kế tên lửa tàng hình cho Trung Quốc nhằm có tiền để thế chấp ngôi nhà sát biển trên đảo Maui.

Theo báo The Australian, Gowadia mua một khu đất giáp biển vào năm 1999 và xây một ngôi nhà tuyệt đẹp 5 phòng với cầu thang bằng gỗ xoài, phòng tắm lót đá và thư viện. Tuy nhiên, nhà vừa xây xong thì một hợp đồng giữa ông với quân đội Australia đổ bể. Lúc đó, khoản thế chấp nhà đất ông này phải gánh hằng tháng là 15.000 USD.

Chỉ trong vòng vài tháng, Gowadia nói chuyện với một “người môi giới” Trung Quốc gốc Indonesia tên Henri Njoo, và sau đó là một người Trung Quốc có tên Tommy Wong.

Chuyến đi bí mật sang Trung Quốc đầu tiên của Gowadia là đến thành phố Thành Đô, trung tâm nghiên cứu hàng không của nước này, và bắt đầu công việc thiết kế tên lửa.

Ngoài ra, các công tố viên cũng buộc tội Gowadia âm mưu bán công nghệ tàng hình cho Chính phủ Thụy Sĩ và các doanh nghiệp ở Israel và Đức. Họ cũng có trong tay bằng chứng Gowadia đã sử dụng 3 tổ chức ở nước ngoài, bao gồm một tổ chức từ thiện cho trẻ em, để che giấu thu nhập bất chính.

Ngôi nhà nói trên hiện có giá thị trường là 5,5 triệu USD, nhưng Gowadia sẽ không thể bán nó do nhà chức trách Mỹ đã quyết định tịch thu.

Từng là người hùng với 40 năm làm việc sau “hậu trường” cho nước Mỹ, giờ đây Gowadia phải trắng tay với những tháng ngày dài của cuộc sống nhà tù đang chờ đợi ông.

Print Print E-mail Print