Vietnamdefence.com

 

Scandal chết người của cơ quan tình báo quân sự Ba Lan WSI

VietnamDefence - Stefan Zielonka, viên hạ sĩ quan cơ yếu của cơ quan tình báo quân sự WSI của Ba Lan, đột nhiên biến mất ngay giữa Varsava. Chính quyền Ba Lan không nói gì đến vụ này trong nửa năm. Họ cố tìm hiểu điều gì đã xảy ra, đồng thời bao che, giấu giếm những điểm sơ hở trong hệ thống tình báo của mình để tránh sự trừng phạt. Nhưng thông tin đã bị lọt ra ngoài và dù không muốn, họ đã phải thừa nhận. Những vấn đề gì xảy ra trong những trường hợp tương tự và làm thế nào để khắc phục?

Đối với tình báo thì không có gì đáng sợ hơn là nhân viên cơ yếu của mình biến mất. Mọi cơ quan tình báo đều mơ ước có được nguồn tin là một nhân viên cơ yếu. Bởi vậy, phản gián bảo vệ nhân viên cơ yếu đúng là như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Nhưng nếu như một khi anh ta vẫn biến mất, thì như ở Lubyanka (ý nói cơ quan tình báo Liên Xô/Nga) người ta thường nói là hãy chờ đón "những hậu quả thê thảm". Tất cả đều chờ đợi: từ các vị chỉ huy, các sĩ quan hoạt động lẫn các điệp viên của họ. Tại sao vậy? Đó là vì nhân viên cơ yếu biết tuốt. Dù anh ta đã chạy trốn, hay là bị bắt cóc cũng chẳng có gì quan trọng. Một khi ở bên kia biên giới, anh ta sẽ "lột truồng" cơ quan tình báo mà anh ta từng phục vụ cho đối phương. Với những doanh nhân mà kế hoạch làm ăn, ý đồ, tiềm lực, lực lượng và phương tiện bị lộ với các đối thủ cạnh tranh thì chỉ còn đường sạt nghiệp.

Stefan Zielonka làm nhiệm vụ liên lạc cơ yếu với các tình báo viên bất hợp pháp

Stefan Zielonka là nhân viên cơ yếu tại Varsava của Cục Thông tin Quân sự (tình báo quân sự) WSI đã 20 năm. Gần đây, anh ta giữ chức vụ nhân viên cơ yếu trưởng của cục hoạt động của WSI. Anh ta bảo đảm công tác liên lạc với các tổ tình báo bất hợp pháp; duy trì liên lạc với các nguồn tin không được bảo vệ bằng vỏ bọc ngoại giao. Xét theo tính chất công việc, anh ta hiểu rất rõ các cách thức thông tin liên lạc của NATO.

Tổn hại đối với an ninh quốc gia của Ba Lan

Thực tế cho thấy, mức độ hiểu biết thông tin của nhân viên cơ yếu phụ thuộc vào chức vụ mà anh ta đảm nhiệm. Stefan Zielonka được quyền tiếp cận tất cả các giai đoạn của công tác mã hoá vì thế anh ta là mối quan tâm đặc biệt của các chuyên gia mã thám và phân tích mã, những người đang nỗ lực "bẻ khoá" các mật mã của đối phương.

Ngoài ra, một kẻ phản bội như vậy có thể trong quá trình hợp tác với tình báo đối phương có thể chuyển cho đối phương bản sao các cuốn sách mã và các bức điện mã chụp vi phim của cơ quan tình báo, cũng như các tài liệu mật khác làm bộc lộ lực lượng điệp viên quý giá của các cơ quan tình báo nước mình. Đây chính là mối quan tâm của các đơn vị tình báo hoạt động của đối phương. Trong trường hợp này, tình báo đối phương có cơ hội tuyển lại điệp viên đã bị kẻ phản bội tố giác và bắt đầu trò chơi nghiệp vụ phục vụ cho lợi ích của mình.

Dĩ nhiên là, một nhân viên cơ yếu cỡ Zielonka được biết mọi nhiệm vụ của trung ương tình báo và các báo cáo của các tổ tình báo về những điệp vụ đặc biệt nhạy cảm của tình báo Ba Lan, cũng như các tin tức khác vốn là bí mật quốc gia. Anh ta cũng biết tên tuổi các học viên tốt nghiệp trường cơ yếu mà anh ta cùng học về những kỹ năng nghề nghiệp, và đặc điểm của các đồng nghiệp củ anh ta đang làm việc ở nước ngoài hoặc tại trung ương tình báo.

Tóm lại, vụ chạy trốn của Zielonka chắc chắn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tất cả các cơ quan tình báo không chỉ của Ba Lan mà cả của các quốc gia NATO. Ngoài ra, đây còn là đòn đau đớn đánh vào thể diện của quân đội Ba Lan. Vì thế, sẽ là tốt hơn nhiều đối với quân đội Ba Lan nếu như Zielonka tự tử. Đây là giả thiết mà ở Varsava người ta bám vào khá lâu.

Zielonka đã chuồn như thế nào

Zielonka biến mất không dấu vết khỏi nhà vào tháng 5.2009. Dường như, anh ta đã kịp làm việc như một điệp viên cho tình báo nước ngoài trong thời gian khá lâu và có thể đã sắp bị bại lộ. Cơ quan tình báo mà anh ta cộng tác đã chấp nhận mạo hiểm và sử dụng một trong các kênh của mình để giải thoát nguồn tin của mình. Anh ta đã chuồn đi với những biện pháp đề phòng cẩn thận để ý đồ khỏi bị thất bại. Bản thân thời điểm biến mất được lựa chọn sao cho càng chậm bị phát hiện càng tốt. Đó là ngay trước lễ Phục sinh của Công giáo. Mấy ngày, cô vợ vẫn nghĩ anh ta đang ở cơ quan, còn cấp trên thì nghĩ anh ta nghỉ ốm kéo dài. Anh ta chỉ mang theo đồ dùng cá nhân. Hộ chiếu và các giấy tờ khác anh ta bỏ lại nhà. Rõ ràng là anh ta định vượt biên bất hợp pháp. Anh ta không hề rút số tiền tiết kiệm lớn từ tài khoản nhà băng của mình. Anh ta biết rằng, điều đó sẽ làm cơ quan phản gián vốn đang kiểm soát tài khoản của các nhân viên cơ yếu chột dạ đề phòng. Đồng thời, anh ta khôn khéo tung ra cho cảnh sát câu chuyện giả về chuyện tự tử của mình. Anh ta làm như cuộc hôn nhân của mình đến lúc đó đã tan vỡ, còn ở cơ quan thì tình thế cũng bế tắc. Các thám tử của phòng đặc biệt thuộc cơ quan cảnh sát và phản gián quân sự đã mở cuộc truy tìm viên hạ sĩ quan cơ yếu. Cả hai lực lượng này đều hài lòng cắn câu giả thiết tự tử.

Lãnh đạo tình báo Ba Lan không nhận thức được ngay đây là một vụ phản bội tổ quốc. Nhưng đến lúc này, viện công tố đã mở cuộc điều tra về việc Zielonka mất tích và có thể đã tự tử. Người ta quyết định chờ đợi với hy vọng mọi chuyện sẽ qua.

Một mặt, chẳng có gì khác thường trong câu chuyện này. Các nhân viên cơ yếu luôn là miếng mồi ngon cho bất kỳ cơ quan tình báo nào và săn tìm họ là một trong những nhiệm vụ chính của các cơ quan tình báo. Cách thức trốn chạy của Zielonka xem ra rất giống vụ CIA đánh tháo táo tợn sĩ quan cơ yếu của KGB V.I. Sheimov năm 1980. Để thực hiện một chiến dịch như vậy cần hợp đồng rất chặt chẽ về thời gian.

Phản gián Ba Lan đối phó

Khi ở Varsava người ta cuối cùng cũng hiểu ra là đã xảy ra một vụ phản bội tổ quốc, họ liền tìm cách khắc phục các hậu quả. Đây là một quá trình lâu dài, tốn công sức và rất tốn kém, hơn nữa lại mang tính phá hoại ghê gớm. Bởi lẽ, sẽ không tránh khỏi việc cải tổ công tác phối hợp và điều phối vốn đã chạy trơn tru của các cơ quan tình báo trong một thời gian khá dài.

Ở Varsava, người ta đã bắt đầu hành động theo nguyên tắc một cách muộn màng. Trung ương tình báo gửi cho các tổ tình báo Ba Lan ở nước ngoài và các cơ quan tình báo đồng minh thông báo về vụ phản bội của nhân viên cơ yếu Zielonka và yêu cầu áp dụng các biện pháp an ninh đối phó liên quan đến vụ việc này.

Đồng thời, họ cũng bắt đầu làm một việc tốn kém là thay thế các mật mã và quy trình liên lạc mà trung ương tình báo Ba Lan sử dụng để liên lạc với các tổ tình báo và các cơ quan tình báo đồng minh. Họ phát lệnh cho điệp viên nằm im và tổ chức giải cứu các điệp viên bị bại lộ khỏi địa bàn các nước đối tượng. Đôi khi, trong những tình huống đó, người ta còn triệu hồi các tình báo viên bị lộ khỏi các tổ tình báo ở hải ngoại.

Các nhà phân tích của cơ quan phản gián của bên bị phản bội trong lúc đó cố gắng xác định các hoàn cảnh khiến họ mất nhân viên cơ yếu (ai và bằng cách nào đã tuyển mộ anh ta, trong những hoàn cảnh nào, các kênh liên lạc điệp báo nào đã được sử dụng trước khi chạy trốn, số lượn và thời gian các phiên liên lạc đã diễn ra và quá trình chạy trốn).

Sau đó, phản gián đối ngoại gửi đến tổ tình báo của mình ở quốc gia dự đoán kẻ phản bội đang ẩn náu chỉ thị thu thập tin tức về kẻ đào ngũ, nơi sinh sống và làm việc của anh ta. Đồng thời, người ta phải chi rất nhiều kinh phí để thay đổi toàn bộ hệ thống an ninh của các cơ quan đại diện ở nước ngoài của quốc gia đang bị đe doạ lợi ích.

Trong những trường hợp như vậy, đối phương thường lợi dụng sự kiện chạy trốn vào mục đích tuyên truyền. Họ tiến hành các chiến dịch tung hoả mù nhằm đánh lừa đối phương về mức độ thiệt hại, hậu quả thật sự của vụ phản bội. Sử dụng sự kiện phản bội vào mục đích tuyên truyền cảnh giác dân chúng. Nhiều khi một phần thư tín ngoại giao bị giải mã sau khi xảy ra vụ phản bội được công bố để tác động đến nền chính trị quốc tế.

Đâu là điểm đến của Zielonka

Tại Varsava, viện công tố quân sự quân khu đang cố điều tra xem ai đứng sau vụ đào ngũ của Zielonka. Một số chuyên gia cho rằng, đó là các cơ quan tình báo Trung Quốc. Tình báo Trung Quốc đang hoạt động ráo riết trên toàn cầu để săn lùng thông tin của chính phủ các nước khác. Giả thiết này là rất có khả năng, tuy nhiên chưa có gì để khẳng định chắc chắn.

Giả thiết khác thì cho rằng, vụ chạy trốn của Zielonka là bàn tay của tình báo Nga mà hoạt động của họ gần đây được nói đến nhiều ở Ba Lan.
Quả thực, sự đối kháng địa-chính trị giữa Moskva và Varsava, đặc biệt gia tăng trong những năm gần đây tiếp tục thổi bùng những thù hận cũ.

Một thực tế ủng hộ giả thiết này là đến nay người ta vẫn cho rằng, nhiều nhân viên tình báo quân sự Ba Lan có liên hệ mật thiết với Nga kể cả sau khi Ba Lan gia nhập NATO.

Có thể, phòng điều tra truy tìm đặc biệt mới được thành lập trong cục hình sự của Cơ quan An ninh nội địa Ba Lan sẽ làm sáng tỏ vấn đề này. Phòng này có chức năng truy tìm các nhân vật có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Mọi bí mật sớm muộn sẽ trở nên sáng tỏ. Vì thế, nếu như phòng điều tra truy tìm đặc biệt của an ninh Ba Lan không thể nhanh chóng tìm hiểu được vụ chạy trốn này thì không lâu nữa, những chi tiết ly kỳ của nó sẽ được đăng tải trên báo chí. Như thường lệ, Zielonka sẽ không bỏ qua cơ hội tô vẽ trong hồi ký của mình. Những kẻ đào ngũ thường kiếm tiền cho mình bằng cách đó.

  • Nguồn: AN.-N.3(193), 28.1.2010

Print Print E-mail Print