Vietnamdefence.com

 

Bí mật các phi vụ cuối cùng của biệt đội bay CIA tại VN

VietnamDefence - Một hãng hàng không không có tên chính thức trong bất cứ một chỉ dẫn nào của ngành hàng không thế giới: Air America. Đơn giản bởi vì đó là một hãng hàng không bí mật do CIA lập ra từ sau chiến tranh thế giới thứ hai chỉ để thực hiện những phi vụ đặc biệt.

Nhưng ít ai có thể ngờ được rằng một trong những phi vụ lớn nhất mà hãng hàng không này thực hiện lại chính là chiến dịch di tản trong những ngày cuối tháng 3 và tháng 4/1975, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn, chấm dứt sự dính líu của Mỹ tại Việt Nam.

Vai trò của Air America ở Việt Nam lớn lên cùng chiến tranh, nó đáp ứng tôn chỉ của CIA: bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Vào đầu năm 1954, dưới tên gọi Civil Air Transport, hãng hàng không của CIA này đã dính dáng đến một số điệp vụ bí mật. Đại tá tình báo Edward Lansdale và các đồng sự đã chỉ đạo trực tiếp hai nhóm điệp viên ở miền Bắc Việt Nam, bí mật thoát ra theo ngả Hải Phòng vào Sài Gòn học lớp huấn luyện rồi lại được tung trở lại miền Bắc. Hãng Civil Air Transport cũng đã bí mật chuyên chở hơn 8 tấn vũ khí và trang bị kỹ thuật đã vào Hải Phòng cùng những con tàu chuyên chở dân di cư theo hồi 1954, để những nhóm gián điệp này hoạt động.

Nhưng đến cuối năm 1964, chỉ còn có một nhúm khoảng một chục phi công tiếp tục thực hiện những chuyến bay bí mật được tiến hành một cách thưa thớt. Khi đó CIA cũng không phải trả phụ cấp nguy hiểm cho họ nữa. Trước khi phát triển thành cả một đội quân lớn, nhiệm vụ của Air America chỉ giới hạn trong việc thực hiện các hợp đồng với Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID, chuyên chở các cố vấn và nhân viên CIA đi loanh quanh đây đó. Đó chỉ là những phi vụ chuyên chở thương mại, nhẹ nhàng như những chuyến du lịch và xuất phát từ phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Chỉ đến thời cao điểm của chiến tranh, quân số của hãng hàng không CIA này mới lên tới 240 người, chỉ tính riêng tại Sài Gòn. Các máy bay của Air America có mặt ở khắp mọi nơi và thực hiện các phi vụ bí mật suốt cả bảy ngày trong tuần.

Cuộc sống của những phi công Air America trong giai đoạn đầu chiến tranh khá thoải mái, nếu không nói là rất nhiều bổng lộc. Sài Gòn khi đó vẫn còn là một thành phố châu Á khá hiền lành, chưa bị thối ruỗng bởi những bước chân lính viễn chinh. Thuế má, giá cả sinh hoạt, nhà cửa đều rẻ và các chuyến bay cũng không nguy hiểm lắm. Nhưng đến khi quân đội Sài Gòn được xây dựng và một số lượng lớn các binh sĩ Mỹ đặt chân tới đây thì sự bình yên nhỏ nhoi đó đã biến mất vĩnh viễn.

"Dường như tất cả mọi người đều đổ xô tới Sài Gòn" - Les Strouse, người quản lý đơn vị Air America tại Sài Gòn giai đoạn đó nói - "Theo quan điểm của tôi, không có một người lính Mỹ nào thuộc về nơi đó cả. Họ tới đó để chiến đấu, chứ không phải để mòn mỏi trong những khách sạn ở trung tâm thành phố. Sài Gòn trở thành một nơi ưu tiên để các GI (lính Mỹ) tới uống say xỉn và hành xử một cách ghê tởm. Dần dà rồi những người Việt cũng thế cho dù trước đấy, họ chưa bao giờ như vậy. Mà lính Mỹ thì đã luôn là như thế".

Đến cuối năm 1964 thì Air America bắt đầu phát triển với quy mô ghê gớm. Chỉ trong vòng 10 tháng, nó đã tăng gấp đôi số giờ bay và rồi lại tiếp tục tăng gấp đôi nữa trong 8 tháng tiếp theo đó. Các chuyến bay hằng ngày tăng gấp đôi trong 6 tháng, rồi tăng lên gấp ba lần trong 3 tháng sau đó. Các chuyến vận tải hàng hóa tăng với cấp số nhân. Đến năm 1969, Air America đã sử dụng 9 loại máy bay khác nhau để thực hiện các phi vụ, trong đó có 8 loại máy bay cánh phẳng cố định và một loại khác là trực thăng Bell 204B. "Thành công của một chiến dịch kiểu này là tính linh hoạt của nó", CIA tuyên bố như vậy trên tờ tạp chí của cơ quan này. "Linh hoạt, đó là tựa đề câu chuyện của Air America".

Air America vận chuyển bất cứ thứ gì mà nó được giao. Các máy bay của hãng chở các vị khách VIP, các tù nhân và cả những con bò hiền lành; khách hàng của Air America còn có lính Mũ nồi xanh, một đơn vị tuyệt mật do CIA điều khiển và cả những cố vấn Mỹ trong chiến dịch Phượng Hoàng (cũng là một chiến dịch của CIA nhằm triệt phá những cơ sở của lực lượng giải phóng miền Nam, chỉ trong hai năm rưỡi đầu tiên của chiến dịch này, đã có 20.587 người bị nghi là cộng sản đã bị giết).

Hàng hóa lạ lùng nhất mà Air America đã từng chuyên chở là một số nhân vật bí hiểm. "Một vài người khá là kỳ cục - Art Kenyon, một phi công từng làm việc cho Air America, lái loại máy bay cánh cố định C-46, nói - Chúng tôi đã đôi lần chở những tài liệu tuyệt mật, có lẽ là người của CIA mang đi. Khi đó, chúng tôi không được phép chở bất kỳ một người nào khác nữa. Một anh chàng mang theo một cái xắc nhỏ chứa tài liệu mật và cũng như hầu hết các hành khách của chúng tôi, anh ta mang theo vũ khí. Họ có đủ các loại vũ khí, chỉ có súng bazoka là tôi chưa thấy mang theo mà thôi. Tôi đã từng chở những người mang theo súng máy, tiểu liên M16, lựu đạn cầm tay và đủ thứ tương tự".

Một trong những nhân vật quan trọng nhất mà máy bay của Air America đã từng chở chính là Richard Nixon, trước khi ông ta lên làm Tổng thống Mỹ. Ông ta tới đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1965 trên một chiếc Beechcraft do Bob Murray cầm lái.

Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, các máy bay của Air America đã thực hiện rất nhiều phi vụ bí mật, tham gia tiếp ứng cho quân Mỹ trong chiến dịch Khe Sanh, các chiến dịch quân sự ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đưa tù binh ra Côn Đảo, chuyên chở các nhân viên trong Ủy ban liên hợp 4 bên về Hiệp định Paris...

Các phi công của Air America nghĩ rằng họ đã thực hiện hầu hết những công việc có thể làm, nhưng họ không thể ngờ được rằng, đến một ngày, sẽ phải tham gia vào một trong những chiến dịch tháo chạy có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

***

Trực thăng Mỹ
tại chiến trường VN

Khi những thành phố nối tiếp nhau rơi vào tay quân giải phóng, thì các phi công Air America chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất là thực hiện các chuyến bay di tản. Đó là những điệp vụ vô cùng căng thẳng.

Nỗi hoảng loạn và tình trạng vô chính phủ còn đi trước bước chân của đối phương (quân đội giải phóng) và những máy bay trực thăng của Air America trở thành phương tiện duy nhất đối với một số người Việt Nam muốn bỏ chạy. Tại nhiều thành phố, binh lính trong quân đội Nam Việt Nam chạy lung tung, xả súng vào thường dân và vào cả những chiếc máy bay của Air America.

Việc di tản được thực hiện theo phương châm: di tản những người "nhạy cảm", tức là những người đã từng cộng tác, làm việc với quân đội Mỹ, CIA và các cơ quan tình báo, Cơ quan viện trợ Mỹ USAID hoặc những cơ quan khác tương tự. Những người này được phát những tấm vé đặc biệt cho phép họ ra đi. Các máy bay của Air America chỉ việc bay vào và bốc người đi.

Mọi việc thoạt tiên có vẻ suôn sẻ. Ngày đầu tiên của cuộc di tản diễn ra tương đối trật tự, nhưng sang đến ngày thứ hai thì đã thể hiện rõ sự vô tổ chức. Số người ở những điểm tập trung để di tản nhiều hơn gấp nhiều lần so với số lượng người có thể chở đi được; xô xát nổ ra và hệ thống phân phối vé đặc biệt bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng những người thuộc diện "nhạy cảm" thì không có vé, trong khi những người thuộc diện "nguy cơ thấp" lại có. Sang đến ngày thứ ba thì tình thế đã hoàn toàn trở nên hỗn loạn.

"Cuộc di tản diễn ra trong sự hoảng loạn" , Art Kenyon kể lại. "Đám đông hoàn toàn hoảng sợ và mất kiểm soát. Chúng tôi phải kéo thang dây lên, đóng cửa những chiếc C-46 lại. Mọi người bên dưới công kênh nhau leo lên cánh máy bay, đập cửa để đòi chúng tôi cho họ vào bên trong".

"Một lần, chúng tôi kéo cầu thang máy bay lên và cho ngừng hoạt động một động cơ, bởi vì chúng tôi không muốn phí thì giờ. Luôn có nguy cơ một ắc quy cạn kiệt và phải luôn có một động cơ khác sẵn sàng khởi động. Chúng tôi ngừng động cơ bên trái máy bay trong khi những hành khách đang lên.

Khi đó có khoảng 9 người đang treo lủng lẳng dưới cánh của máy bay và một nhóm khác tụm lại ở chỗ động cơ bên trái. Bạn có thể khởi động động cơ của một chiếc C-46 bằng cách xoay cánh quạt phía trước cánh một chút và tôi đã làm vậy. Tôi ló đầu ra khỏi cửa máy bay và quan sát. Tôi hơi đẩy cánh quạt dẫn hướng của máy bay khoảng một hai bộ để nếu nó có quệt vào ai đó thì cũng không khiến cho người ta bị thương. Họ có thể nhìn thấy nó chuyển động và cảm thấy sự nguy hiểm. Tôi tăng sức quay của cánh quạt lên 3 bộ (khoảng hơn 30 cm), rồi 6 bộ. Những người trên cánh máy bay dạt ra. Tôi bắt đầu khởi động động cơ. Rồi chúng tôi đẩy tất cả những người này xuống".

Các phi công thường chờ cho đến khi máy bay đầy ứ người, nặng đến hết mức rồi mới cất cánh. Theo lý thuyết, một chiếc C-46 có thể chở được 51 người, nhưng một phi công của Air America, trong những ngày ấy khi cất cánh khỏi Pleiku đã mang theo 142 quân nhân trang bị đầy đủ vũ khí và nó cần phải bay tới 90 dặm để có thể lên tới độ cao khoảng 1.000 bộ (khoảng hơn 300 m). Tải trọng tối đa cho một chiếc C-46 vào khoảng 46.000 pound (khoảng 22.000 kg), nhưng sau chuyến bay này, các phi công ước tính rằng họ đã chuyên chở một trọng lượng nặng tới 57.000 pound. Còn những chiếc C-47, thông thường chở khoảng 30 người thì trong những ngày ấy thường xuyên phải chở tới 80 người. Riêng loại máy bay vận tải hạng nặng DC-6 của Air America thì đã ghi nhận được là có chuyến chở tới 340 người.

"Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng trên con đường dẫn ra khỏi Pleiku", Fred Anderson, một phi công của Air America nhớ lại. "Cả một khối người đen đặc di chuyển trên đường, mang vác theo tất cả những gì mà họ có thể mang vác được".

Đấy là thời gian mà sự căng thẳng thần kinh luôn chế ngự tất cả. Những người di tản tụ tập tấn công các máy bay, bắn chỉ thiên, trong khi những binh sĩ quân đội Sài Gòn trong tình trạng thất vọng thậm chí còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù. "Tất cả những phát súng bắn vào chúng tôi trong những ngày Pleiku sụp đổ đều là do quân đội Việt Nam cộng hoà”, Wayne Lannin, một phi công khác của Air America kể lại. “Tràn ngập một không khí thất vọng và vỡ mộng. Tất cả mọi người đều ở trong tình trạng bị kích động; họ chỉ muốn thoát ra khỏi vùng chiến sự càng nhanh càng tốt và không muốn suy nghĩ bất cứ điều gì. Đó là một tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, khi con người bị hạ thấp xuống đến mức thấp nhất về nhân cách". 

***

Quân đội Mỹ đã phải chịu tổn thất tại chiến trường VN

Cuộc di tản ở Đà Nẵng diễn ra tồi tệ hơn nhiều. "Đó không những là một thất bại mà là một sự tan biến", Lannin nói. "Quân giải phóng đã chiếm được Huế, trên suốt quãng đường 7 giờ đồng hồ từ Huế vào Đà Nẵng, họ không hề gặp phải bất cứ một sự kháng cự nào".

Và thế là họ đã ở đâu đó bên ngoài Đà Nẵng, thành phố đang sụp đổ bởi chính nó. Lính Việt Nam Cộng hoà trở nên cuồng loạn. Họ chạy trên đường phố với súng máy trong tay, giật nữ trang khỏi các thi thể, hãm hiếp phụ nữ.

Tại một khu phố ven biển, quân đội Sài Gòn thiết lập một bến đỗ để những chiếc xà lan có thể cập vào di tản dân chúng. Binh lính Việt Nam Cộng hoà lái những chiếc xe tăng, xe tải hai tấn rưỡi hoặc bất cứ thứ gì họ có, nhào ra những ngọn sóng ngoài biển, cởi bỏ quân phục, vứt lại tất cả mọi vũ khí trang bị của họ trên bờ. Trên bờ biển không có gì khác ngoài những bộ phận rải rác các trang bị vũ khí mà lính Sài Gòn vứt lại. Những người lính này ào ra quây lấy chiếc xà lan và bắn vào những dân thường đang leo lên xà lan. Thậm chí, họ đã cướp hai hay ba chiếc thuyền đánh cá để dùng làm phương tiện chạy trốn.

Lãnh sự quán Mỹ ở Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn một số máy bay để dùng cho tình huống di tản có thể xảy ra, đặc biệt là trong tình trạng nguy ngập và được bảo vệ bởi lính thủy đánh bộ Mỹ. Những người thuộc vào diện "nhạy cảm" phải di tản từ Đà Nẵng có khoảng 50 người làm việc trong Lãnh sự quán Mỹ - một nửa trong số đó là nhân viên CIA - cùng với khoảng một ngàn nhân viên địa phương. Thế nhưng cộng với bạn bè và gia đình của những người này, số người Việt Nam phải di tản khỏi Đà Nẵng lên tới mười ngàn người. Kế hoạch di tản ban đầu đặt ra ở mức độ hạn chế, bằng đường không và đường biển và sẽ kéo dài trong khoảng một tuần hoặc hơn một chút.

Thế nhưng mọi sự không diễn ra như dự kiến. Khi quân giải phóng bắt tấn công Đà Nẵng vào sáng ngày 25/3 thì ngay lập tức, sự căng thẳng và hoảng sợ đã bao trùm trên toàn thành phố. Trong mười ngày trước đó, hơn nửa triệu người di tản đã đổ về Đà Nẵng từ khắp mọi hướng. Kế hoạch di tản ban đầu của CIA nhanh chóng phá sản bởi vì không đủ máy bay. Khi người lãnh đạo CIA tại Đà Nẵng yêu cầu thêm máy bay của Air America để giúp đẩy nhanh tốc độ di tản người Mỹ, anh ta được trả lời một cách đơn giản rằng không có máy bay dự phòng.

Vé máy bay được phân phối cho người Việt Nam để di tản trên các chuyến bay của Air America trong chiến dịch mang mật danh Freedom Train, mặc dù rõ ràng là sẽ không có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Không quân Mỹ cũng đã bác bỏ một yêu cầu cung cấp thêm máy bay trực thăng sử dụng cho chiến dịch di tản có thể xảy ra ở Phnom Penh.

Cầu hàng không bắt đầu vận hành khá trơn tru. Trong ngày đầu tiên, các máy bay C-47 của Air America và Boeing 727 của hãng World Airways cất, hạ cánh đưa người đi mà không gặp phải rắc rối nào cả. Cứ mỗi khi một chiếc máy bay hạ cánh là hàng trăm người Việt Nam, trên người lỉnh kỉnh những tài sản quý nhất mà họ có cùng với trẻ con và cả những con vật yêu quý của họ nữa, lại tràn vào đường băng để tìm cách leo lên phương tiện giúp họ thoát ra khỏi thành phố đang chìm ngập trong sợ hãi.

Những nỗ lực của các phi công Air America cố gắng duy trì chiến dịch di tản trong trật tự đã nhanh chóng bị thất bại. "Tôi đã từng chứng kiến những gì xảy ra ở Pleiku, bởi vậy khi bắt đầu chiến dịch di tản mọi người ra khỏi Đà Nẵng, tôi ra khỏi máy bay, lấy vẻ mặt dữ dằn và buộc mọi người xếp thành một hàng dọc", Art Kenyon kể lại. "Một vài đứa bé chạy ra khỏi hàng và chen lên phía trước khoảng sáu hay bảy người gì đó, tôi túm lấy chúng, đưa chúng về tận cuối hàng và bảo: "Các cậu phải đứng ở đây đợi đến khi nào tôi bảo thì các cậu mới được lên máy bay". Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm và cũng đã kiểm soát được tình hình đôi chút. Thế nhưng chỉ với khoảng một trăm nhân viên, trong khi có tới năm ngàn người xung quanh thì bạn chẳng thể làm gì hơn được".

Mọi người di tản đều hoảng sợ bởi vì họ luôn nghĩ rằng mỗi một chiếc máy bay hạ cánh xuống đều có thể là chiếc cuối cùng. Không có một ai nói với họ rằng nếu như họ để cho những chiếc máy bay đầy người rời khỏi đó càng nhanh thì nó sẽ lại càng quay lại sớm hơn để đón họ. Đám đông những người di tản tuyệt vọng là một mối nguy hiểm thật sự bởi vì trong trạng thái điên cuồng, họ có thể phá tan tành cả những chiếc máy bay.

Việc thực hiện những phi vụ di tản khiến cho nhiều phi công cảm thấy nguy hiểm hơn cả những điệp vụ thực hiện trong vùng chiến sự. Ngay cả những người đã có nhiều năm bay cho Air America cũng phải sốc khi nhìn thấy những cánh tay đầm đìa máu của những người di tản không lên được máy bay đập vào cánh cửa của chiếc máy bay sắp rời đi. Nhiều người nhìn thấy chiếc máy bay sắp sửa cất cánh biết rằng không thể nào trèo qua đầu đám đông để lên được máy bay đã ném những đứa con của họ qua cánh cửa vào trong máy bay.

***

Quân giải phóng
tiến vào Dinh Độc Lập

Khi số lượng người di tản bất ngờ phình ra nhanh chóng thì việc thực hiện chiến dịch tại sân bay chính hầu như không thể tiến hành được nữa. Các trực thăng của Air America bắt đầu chở một số người tới một đường băng gần Non Nước để thực hiện di tản có giới hạn.

Những người di tản hoảng loạn đã chiếm giữ đài kiểm soát không lưu ở sân bay chính của Đà Nẵng. "Chúng tôi luôn phải chạy lòng vòng, bởi vì nếu như cho máy bay đứng yên một chỗ thì ngay lập tức sẽ có khoảng năm nghìn người vây xung quanh trong vòng vài giây", Lannin, người đã lái trực thăng trong những ngày ấy, kể. "Chúng tôi bốc một số người cần được di tản tới một đường băng dùng cho máy bay cánh cố định và sau đó những máy bay C-47 có trách nhiệm đưa số người này đi".

Đã có một nỗ lực nhằm nối lại việc di tản ở sân bay chính của Đà Nẵng. Một chiếc Boeing 727 của World Airway hạ cánh xuống đó đã bị khoảng năm ngàn người Việt Nam bao vây. Việc các nhân viên an ninh Mỹ bắn chỉ thiên không gây được một hiệu quả đáng kể nào và đám đông cuồng loạn tiếp tục giẫm đạp lên đàn bà, trẻ em. Khi những người di tản bắt đầu leo lên bánh máy bay, viên phi công vội vàng khởi động động cơ và cho máy bay cất cánh ngay lập tức.

Khi ấy, những chuyến bay trực thăng của Air America đưa người tới sân bay phụ ở Non Nước được duy trì một cách đều đặn, thường xuyên hơn. Hai chiếc trực thăng của Air America bay tới sân bay chính của Đà Nẵng đón các nhân viên của tòa lãnh sự Mỹ cùng với thân nhân trong gia đình họ đang bị kẹt trong số khoảng mười ngàn người tại đây. Việc xuất hiện hai chiếc trực thăng này tại sân bay chính khiến cho đám đông càng trở nên kích động hơn bởi vì họ dường như hiểu rằng đó là phương tiện duy nhất đưa họ đi.

Hai chiếc trực thăng khác cũng của Air America chuyên chở những nhân viên quân sự Mỹ từ trung tâm Đà Nẵng tới sân bay ở Non Nước trong suốt buổi sáng ngày 28/3. Đến trưa, hai chiếc máy bay này gần hết nhiên liệu và phải bay tới một căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ nằm ở phía nam Đà Nẵng để tiếp liệu. Tại đây, một nhóm cảnh sát quốc gia của chính quyền Nam Việt Nam yêu cầu phi công cho họ lên máy bay di tản. Khi viên phi công từ chối và cất cánh, những cảnh sát này đã nổ súng nhằm vào máy bay. Máy bay trúng bốn phát đạn, còn viên phi công bị thương vào ngực.

Trong khi các trực thăng của Air America tiếp tục chiến dịch chuyển những người di tản từ nơi này đến nơi khác thì một nhóm người Việt Nam thuộc diện "nhạy cảm" đã bị bỏ sót. Đến cuối ngày 28/3, Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng mới phát hiện ra nhóm người này và ngay lập tức ông ta điện yêu cầu một chuyến bay của Air America tới để di tản họ. Nhưng để đảm bảo cho chiếc máy bay C-47 của Air America hạ cánh an toàn, ông Tổng lãnh sự Mỹ đã phải thực hiện một thỏa thuận trao đổi với một số sĩ quan trong quân đội Nam Việt Nam phụ trách đơn vị súng phòng không bảo vệ sân bay: một số sĩ quan và nhân viên quân sự trong đơn vị này sẽ được di tản trên máy bay này để đổi lại việc họ bảo vệ cho sân bay trong khi chiếc máy bay hạ cánh.

93 người, hơn một nửa trong số đó là các sĩ quan quân đội Nam Việt Nam, đã lên chuyến bay cuối cùng của Air America rời khỏi Đà Nẵng. Khi chiếc máy bay cất cánh, hàng trăm lính Nam Việt Nam đã bao vây, bám vào cánh và thùng nhiên liệu của chiếc máy bay. Viên Tổng lãnh sự Mỹ chạy từ bên này sang bên kia, cố gắng sử dụng nắm đấm để gạt những người lính kia xuống. Nhưng rồi chính ông ta bị kéo ngã xuống đất, bị đám đông lính tráng đấm đá, cuối cùng thiệt mạng và bị bỏ lại ở đó.

Sáng hôm sau, 29/3, chuyến bay di tản cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng diễn ra còn kinh hoàng hơn. Ed Daly, người phụ trách hãng World Airway ra lệnh cho 2 chiếc Boeing 727 của ông ta bay vào thành phố. Ông ta đã không kịp xin phép Sài Gòn nhưng vẫn cố gắng thực hiện phi vụ di tản này và tự mình bay trên chiếc máy bay đầu tiên.

Khi chiếc máy bay hạ cánh, nó đã lập tức bị cả một biển người bao quanh và chỉ trong vòng có 10 phút, bên trong máy bay đã lèn chặt tới 270 người. Nếu như Ed Daly hy vọng có thể di tản phụ nữ và trẻ em trong chuyến bay cuối cùng này thì quả thật ông ta đã phải hoàn toàn thất vọng. Ngoại trừ hai phụ nữ và một đứa bé, toàn bộ số người còn lại trên máy bay đều là những binh sĩ thuộc một trong những đơn vị được coi là hung hãn nhất trong quân đội Nam Việt Nam có tên là Hắc Báo. Bọn chúng không ngần ngại sử dụng vũ lực để có thể lên được máy bay và một tên trong bọn này đã đạp vào mặt một bà cụ để lọt vào bên trong.

Khi chiếc máy bay bắt đầu cất cánh, những người lính khác không lên được dạt sang một bên và bắt đầu ném lựu đạn về phía máy bay. Lựu đạn nổ khiến cho cánh gió và bộ hạ cánh máy bay không thể mở ra được hết cỡ. Những người bám dưới hai cánh và bộ hạ cánh sau đấy chỉ còn cách buông tay và chắc chắn thiệt mạng trong khi những người khác bị bánh máy bay nghiền nát. Chỉ có 4 người bám được vào bánh máy bay suốt trên đường bay vào tới Sài Gòn.

Một đội quay phim truyền hình của Anh đã phạm phải sai lầm lớn lúc chiếc máy bay hạ cánh xuống đón những người di tản. Họ ra quá xa máy bay và không thể nào lên lại được khi nó cất cánh. Người quay phim trong đội chỉ kịp ném chiếc máy quay với những cuốn phim anh ta quay được vào bên trong trước khi cánh cửa của máy bay đóng lại. Sau đấy, một chiếc trực thăng khác của Air America hạ cánh xuống được và đưa họ đi. Chiếc Boeing 727 thứ hai khi đó cũng đã ở trên không trung. 

***

Một phần chiếc máy bay
chở trẻ em VN sang Mỹ
làm con nuôi bị rơi
tháng 4/1975

Một máy bay của không lực Mỹ chở khoảng 300 trẻ em mồ côi sang Mỹ để các gia đình nhận làm con nuôi đã lao xuống đất, cách sân bay Tân Sơn Nhất gần một dặm. Chỉ 120 em nhỏ sống sót.

Cánh cửa khoang chở hàng bị bung ra khi chiếc máy bay này cất cánh, trong khi dây dẫn điều khiển bị kẹt khiến cho viên trưởng cơ không thể nào nghiêng được cánh trong khi bay trừ khi thay đổi công suất. Khoảng năm chục người lớn và trẻ em ở trong khoang dưới đã chết vì thiếu dưỡng khí ngay khi giảm áp, trong khi những người khác bị hút ra phía cánh cửa khoang chứa hàng mở toang. Phi công cố gắng đưa chiếc máy bay quay lại sân bay, nhưng không thể nào nghiêng sang trái để thực hiện điều đó, chiếc phi cơ mất độ cao. Viên phi công cố gắng giảm công suất để hạ cánh, suýt chút nữa thì đâm thẳng xuống một con kênh.

Khi chiếc trực thăng tiếp đất, một số bộ phận của nó văng tứ tung, trong đó có cả vỏ động cơ và bánh. Nó chồm qua con kênh, đáp xuống một bãi lầy với tốc độ thấp nhất có thể. Hai bên cánh máy bay bị gãy và nó dừng lại được trong khi nước bắt đầu tràn vào trong khoang. Mũi trực thăng văng ra giết chết viên phi công phụ, nhưng phần thân vẫn còn nguyên và bộ phận cửa cấp cứu có thể mở ra được.
Khi vụ tai nạn xảy ra, một chiếc trực thăng của Air America đang bay ở gần đó và nó ngay lập tức bay tới hiện trường. Những chiếc khác theo sau và Art Kenyon, khi đó không ở trong phiên trực, đang ra bên ngoài sân bay để nhận thư, đã tình nguyện đảm nhiệm vai trò của viên phi công phụ. Khi kể lại sự kiện này, anh ta vẫn không giấu nổi nỗi xúc động.

"Khi tôi tới nơi thì những người bên trong máy bay đã mở được cửa cấp cứu khẩn cấp. Một thanh niên đang đứng, trên tay bồng một đứa nhỏ. Trực thăng không thể nào hạ cánh xuống được đầm lầy; nó chỉ có thể treo là là, cố giữ khoảng cách đủ để không bị đầm lầy nuốt lấy. Cũng thật khó khăn khi phải đi bên dưới một chiếc trực thăng đang treo trên không như vậy; bạn sẽ di chuyển rất khó khăn trong khi cả một cơn lốc xoáy do những cánh quạt máy bay tạo ra ập vào người bạn. Tôi nhảy ra khỏi chiếc trực thăng của mình, bùn ngập tới đầu gối và bắt đầu cố gắng di chuyển về phía chiếc phi cơ gặp nạn.

Một lính Mỹ với khuôn mặt đầy máu, tôi nghĩ có lẽ anh ta là thượng sĩ, chuyền hai đứa trẻ cho tôi. Tôi bế mỗi đứa bằng một tay và cố gắng quay trở lại chiếc trực thăng vẫn đang treo lơ lửng trên đầm lầy, thế nhưng sức nặng của bản thân cộng thêm 2 đứa bé khiến chân tôi dần dần bị hút chặt xuống bùn. Bùn dâng dần lên tới nách, tôi bắt đầu chới với. Cuối cùng thì một ai đó đã tới và đỡ giúp tôi một đứa bé, tôi bế đứa còn lại và cố gắng trồi lên, thoát ra khỏi chỗ bùn lầy.

Tôi vẫn còn nhớ một hình ảnh kinh hoàng sẽ còn ám ảnh tôi mãi mãi. Một bé gái, chừng 4 tuổi, hai chân đều đã bị cắt đứt, bị kẹt giữa thân máy bay, máu tuôn xối xả. Tôi cứ nhìn cái phần còn lại của cơ thể đứa bé ấy đang chết dần... Thật khủng khiếp".

Những người tới tiếp cứu cố gắng đưa một người Mỹ mặc đồ dân sự, toàn thân đầy máu, ra khỏi chiếc máy bay bị nạn. Cứ mỗi lần nhích ra được một chút, anh ta lại thét lên vì đau đớn. Một ai đó đã kê một chiếc gối bên dưới đầu để anh ta khỏi bị chìm xuống bùn. Lúc ấy, họ cũng đưa ra khỏi máy bay xác một nữ y tá đi theo chăm sóc cho bọn trẻ đã chết trong tai nạn. Trong tiếng gầm đinh tai nhức óc của cánh quạt trực thăng, người đàn ông bắt đầu rống lên.

- Anh đang làm cái quái gì vậy?

- Người y tá kia kìa, cô ta chết rồi.

- Đừng để ý đến cô ta làm gì nữa. Còn cả đống người sống ở đây này. Hãy cố gắng đưa những người còn sống ra khỏi máy bay đã.

Trong tổng số 300 trẻ em trên chuyến bay này chỉ có khoảng 120 em được cứu sống, mặc dù hầu hết đều bị thương. "Có một phần của chiếc máy bay bị vỡ ra và những em ngồi tại khu vực đó đã sống sót", Kenyon giải thích. "Một số bị xây xát trên mặt, miệng mũi đầy máu, nhưng tôi thấy không có em nào bị thương nặng cả".

Điều lạ lùng là không một đứa trẻ nào ngay cả những đứa bé sơ sinh bật khóc. "Thật kỳ quặc. Bọn trẻ hoàn toàn yên lặng", Kenyon nói. "Không một đứa nào thút thít hay rên rỉ. Hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động. Cứ như có ma vậy".

Bọn trẻ được máy bay đưa về lại sân bay Tân Sơn Nhất. Một nhân viên CIA có mặt tại đó kể lại: "Khi bọn trẻ được đưa ra khỏi trực thăng vào trong các xe cứu thương, không một ai biết chắc rằng bọn chúng còn sống hay đã chết. Hầu hết bọn chúng đều bê bết bùn từ đầu tới chân và chỉ sau khi chúng được đưa ra khỏi xe cứu thương, chúng tôi mới bắt đầu xác định tình trạng của bọn chúng. Các y tá chỉ việc đưa chúng xuống dưới vòi nước để gột rửa hết bùn đi rồi khi ấy mới nói: Đứa này còn sống; đứa này đã chết.

Sau một lát, tôi cùng với mấy người Mỹ khác bắt đầu dồn những đứa trẻ không bị thương lên xe Jeep và xe ca để đưa chúng trở lại nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Nhiều đứa vẫn còn sợ đến nỗi chúng không thể khóc được. Trên tay chúng tôi, nom chúng như những miếng giẻ bé xíu và mệt lả.
Không một đứa nào có biển tên mà chỉ có những vòng cổ tay ghi những cái tên đơn giản như New York, New Jersey, đại loại như vậy. Đấy là tên những bang của nước Mỹ nơi chúng đáng lẽ sẽ tới để được nhận làm con nuôi. Vấn đề khó khăn lớn đối với chúng tôi khi đó là xác định chính xác xem những đứa trẻ sống sót có tên là gì. Trong suốt cả buổi chiều hôm ấy, tôi phải đối chiếu những chữ ghi trên vòng đeo tay của bọn trẻ với tên có trong danh sách, sau đấy thảo những bức thư để thông báo cho các gia đình ở Mỹ biết rằng những đứa trẻ mà họ định nhận làm con nuôi đã chết".

*** 

Sứ quán Mỹ sau cuộc di tản

Chỉ còn Sài Gòn là chưa sụp đổ. Rõ ràng, cuối cùng số phận của nó cũng giống như những thành phố khác ở Nam VN, nhưng Đại sứ Mỹ Graham Anderson Martin vẫn chưa ra lệnh di tản. Phi công của Air America ở Sài Gòn cảm tưởng rằng ông đại sứ biết được điều gì đó mà họ không biết!
Họ cho là có thể quân đội Sài Gòn cuối cùng đã gượng lại được. Trong các phi công xuất hiện một tâm trạng lạc quan sai lầm bởi vì thực ra ông đại sứ Mỹ chẳng biết gì hết và quân đội Sài Gòn cũng không gượng lại được.

"Quân giải phóng đã dồn quân đội Sài Gòn vào chân tường và sau Sài Gòn, sẽ chẳng còn nơi nào để binh lính Việt Nam Cộng hòa trốn chạy nữa", Art Kenyon nói. "Tôi đã cho rằng các đơn vị bộ binh của quân đội Sài Gòn có thể gượng dậy và chống cự bởi họ biết rõ rằng họ không thể chạy xa hơn được nữa. Tôi cũng có cảm giác rằng quân giải phóng muốn chiếm được Sài Gòn một cách nguyên vẹn chứ không muốn có trong tay một thành phố đã bị phá hủy. Khi ấy, cũng như những nhận định sai lầm của vô số các sĩ quan tình báo khác, tôi đã tin rằng rồi một liên minh sẽ được tái lập và tôi chẳng hề vội vã chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Nhưng rồi trong hai tuần lễ cuối cùng, tôi mới thấy hóa ra mọi việc chẳng hề giống như tôi đã dự đoán".

Tâm trạng lạc quan cũng có ở ông đại sứ Mỹ, bất chấp sự suy sụp và thất vọng, vẫn hy vọng rằng cuối cùng sẽ có một giải pháp chính trị và vì vậy, ông ta đã hoãn lệnh di tản chậm đến hết mức có thể bởi sợ rằng nó sẽ gây nên tâm lý hoảng loạn. Phương án IV (Option Four), mật danh của cầu hàng không di tản với sự tham gia của một số lượng lớn trực thăng, chỉ được coi là cách bất đắc dĩ sau cùng.

Bị ru ngủ bởi cái cảm giác an toàn lan tràn trong hàng ngũ các quan chức cấp cao, nhiều phi công của Air America đã mất tất cả những gì họ có. "Tôi đã hợp đồng với một công ty vận chuyển khoảng một ngàn pound hàng hóa trị giá gần 2.000 USD, nhưng hợp đồng này đã không bao giờ được thực hiện", Art Kenyon nói.

Anh ta cũng bị mất một ngôi nhà lớn với đồ nội thất đắt tiền, một trang trại trồng cây ăn quả, 2 xe hơi và một chiếc mô tô, giá trị tổng cộng vào khoảng 104.000 USD. Anh ta được Air America bồi thường có 12.000 USD, thêm 9.000 USD nữa bằng tiền mặt do bán đổ bán tháo những đồ vật đã bị hư hại.

Người chỉ huy chiến dịch di tản của Air America đã thông báo cho 34 phi công vẫn còn ở lại Sài Gòn biết về chiến dịch di tản trên các mái nhà trong Phương án IV. Lính thủy đánh bộ đã thảo một kế hoạch sử dụng các xe buýt và một số ít trực thăng gom những hành khách đặc biệt từ một số điểm phân bố rải rác tại thành phố trong "Ngày E", đưa họ tới các địa điểm chờ ở Tân Cảng và phi trường Tân Sơn Nhất. Trên mái bằng của 13 tòa nhà sứ quán trong thành phố, người ta phá bỏ các ống khói cũng như cột ăng ten để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Đề nghị vạch chữ H trên mái bằng của các tòa nhà để các máy bay trực thăng xác định được chính xác kích thước của mái nhà khi hạ cánh đã bị đại sứ Mỹ bác bỏ với lý do chúng có thể khiến cho những người giúp việc và lao công hoảng sợ khi họ leo lên mái để lau dọn. Cuối cùng thì người ta thay ký hiệu đường thẳng bằng những dấu chấm. Người chỉ huy chiến dịch nói rằng bất cứ phi công nào của Air America cảm thấy chiến dịch này quá nguy hiểm đều có thể từ chối không tham gia. Có ba phi công đã làm như vậy.

Ngày lại ngày, sự căng thẳng bên trong thành phố cứ tăng dần lên. Đại úy phi công Fred Fine (tên trong khi tác chiến của "Big" Fred Walker) bắt đầu ghi nhật ký từ giữa tháng 4/1975. Đó là một biểu đồ hàng ngày mô tả cuộc sống bấp bênh, đầy rẫy những tin đồn và nguy hiểm ngày càng tăng lên trong thành phố.

"Ngày 15/4: 10 giờ 30 phút đêm. Một tiếng nổ cực lớn làm rung chuyển tòa nhà chúng tôi đang ở. Kho đạn ở Biên Hòa bị nổ rồi. Sau đó là những tiếng nổ lớn khác nữa. Hôm nay, nghe đồn rằng tàu bè di tản ở Vũng Tàu đã rời đi Philippines. Sẽ di tản tất cả những người Mỹ hoạt động công khai trong vòng 7 đến 10 ngày".

4 ngày tiếp theo đó trong cuốn nhật ký kể về việc quân giải phóng tiến về từ khắp mọi hướng, nhiều sư đoàn áp sát thành phố ở phía bắc, tây và tây nam, Phnom Penh sụp đổ và những sự phân công nhiệm vụ trong tình huống di tản khẩn cấp.

Sáng 16/4, một nhân viên bán quân sự của CIA có biệt danh Lew James đã bị quân giải phóng bắt giữ khi họ tràn vào thành phố biển Phan Rang. Thoạt tiên, có tin ở Sài Gòn rằng James hoặc đã trốn thoát hoặc đã bị giết chết và vụ bắt giữ anh ta đã không được loan báo trên đài. Khi thông tin về việc biến mất của James tới tai những đồng nghiệp của anh ta, Air America đã sử dụng các máy bay và trực thăng tiến hành một chiến dịch tìm cứu mạo hiểm trong hai ngày sau đó.

Các máy bay của Air America đã chà xát những tuyến đường dọc theo vùng bờ biển, nơi các đơn vị quân giải phóng đang nhộn nhịp di chuyển. Khi một chiếc máy bay Volpar sà xuống quá thấp trên một khu vực có quân đội đối phương, cánh máy bay đã dính một số phát đạn AK-47 từ dưới bắn lên. Viên phi công đã buộc phải cố gắng hạ cánh xuống một bãi biển cách nơi trúng đạn vài dặm và đội bay cùng với các nhân viên CIA trên máy bay sau đó đã được một máy bay Huey khác của Air America tới cứu thoát. Không có thương vong nhưng sau đấy, chiến dịch tìm cứu đã bị ngừng lại ngay ngay lập tức.
Lew James được đưa ra Hà Nội, nơi anh ta bị thẩm vấn và xác định rõ là nhân viên của CIA. Hơn sáu tháng sau ngày 30/4, anh ta được trả tự do.

***

Máy bay của Air America
chở người di tản
khỏi Sài Gòn năm 1975

Điều lạ lùng là trong giai đoạn đầu của chiến dịch di tản, những người đầu tiên được ra đi không phải là nhân viên địa phương làm việc cho sứ quán Mỹ, mà lại là những người làm việc cho các hãng thông tấn Mỹ.

Điều này rõ ràng nằm trong ý định của viên đại sứ Mỹ muốn lấy lòng giới truyền thông và giữ cho họ im lặng về việc ông ta tiếp tục khước từ ra lệnh tiến hành một chiến dịch di tản toàn diện. Trong mấy ngày sau đó, các chuyến bay của Air America đã di tản trót lọt hơn 600 người mà không hề có thông tin nào bị rò rỉ. Giai đoạn đưa những người làm trong ngành truyền thông khỏi Sài Gòn có lẽ là một trong những giai đoạn thành công nhất trong chiến dịch di tản do sứ quán Mỹ thực hiện.

Ngoài ra, cũng có một chuyến bay bí mật khác của Air America bay sang Thái Lan, mang theo gia đình của nhân viên kỹ thuật do CIA đào tạo và làm việc cho Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hoà. 143 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã có mặt trên chuyến bay này. Có vẻ như trong giai đoạn đầu của chiến dịch, những người không thuộc diện "nhạy cảm" ra đi nhiều hơn những người thuộc diện này. Kể từ ngày 20/4, mỗi ngày có từ một đến hai chuyến bay mà hầu hết hành khách đều là bạn bè hoặc người quen của các nhân viên văn phòng tuỳ viên quân sự, những người nôn nóng muốn rời VN. Những chuyến bay đều đặn của Air America được thể hiện trong nhật ký của Fred Fine.

“Ngày 21/4: Hôm nay, Jim Voyles trên một chiếc Volpar bị bắn ở vùng ngoại ô Phan Rang. Phát tín hiệu cấp cứu. Tôi gọi một chiếc trực thăng nhưng rồi anh ta đã hạ cánh được ở Vũng Tàu. Càng tốt, thế là có cơ hội để đi tắm biển! 10h30’ sáng nay, máy bay C-130 và 7 chiếc Joly Green (loại máy bay lớn của không quân Mỹ) chuyển ra đảo Côn Sơn, hướng về phía đông bắc. Có cảm giác thanh thản. Hạm đội 7 đã có mặt trong vùng”.

Đêm 21/4, các máy bay C-46 và C-47 của Air America bắt đầu đưa các nhân viên một đài phát thanh tuyên truyền của CIA ra đảo Phú Quốc. Ngay trong nội bộ CIA, đài phát thanh tuyệt mật này cũng chỉ được gọi với mật danh “Nhà số 7” bởi phòng bá âm của nó đặt tại một ngôi nhà cũ nát ở số 7, Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Máy bay đưa ra đảo cả thảy 144 nhân viên người Việt làm việc cho đài cùng với gia đình họ. Sau 4 ngày, các máy bay của Air America đã chuyên chở được hơn 1.000 người, sau đó họ được đưa tới Guam. Toàn bộ chiến dịch di tản nhân viên này chỉ là một nỗ lực của một sĩ quan CIA, người đã gạt sang một bên tất cả những trở ngại do thói quan liêu gây nên. Có lẽ anh ta làm vậy bởi rất có cảm tình với hai nữ phát thanh viên rất gợi tình của đài này, những người thường xuất hiện trên sóng phát thanh dưới tên gọi “Mẹ Việt Nam”.

“Ngày 23/4: Tình hình vô cùng căng thẳng. Một điều gì đó sắp xảy ra”, Fred Fine viết trong nhật ký. Điều đáng ngạc nhiên là các phi công của Air America vẫn tiếp tục ở lại. Quả thật, nhiều người trong số họ không nghĩ rằng Sài Gòn sẽ nhanh chóng sụp đổ và thậm chí còn cho rằng tình thế có thể biến chuyển ngược lại, thế nhưng, cũng có những người muốn chứng kiến mọi việc sẽ diễn ra như thế nào, muốn đi đến cùng của các sự kiện.

Toàn bộ các căn cứ của Air America ở Đông Nam Á bao gồm Viên Chăn (Lào), Udorn (Thái Lan), thậm chí cả ở Tachinawa (Nhật) đã đóng cửa. Giờ đây, Sài Gòn đang bị vây kín bởi 12 sư đoàn quân giải phóng và các phi công biết rõ điều đó.

“Điều nặng nề nhất trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn là chúng tôi biết rằng nó đang tan rã”, Wayne Lannin nói. “Bạn muốn rời đi và mặc kệ tất cả những gì đang diễn ra, bạn biết rõ rằng bạn có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Thế nhưng lòng tự ái cá nhân vẫn ngăn cản không cho phép bạn rời khỏi đấy”.

Chỉ còn các máy bay của lính thuỷ đánh bộ và không quân Mỹ tiếp tục thực hiện những đợt di tản cuối cùng. Những hoạt động này được thực hiện tốt hơn nhờ các phi công của Air America đã tạo lập và sơn sẵn các tín hiệu hạ cánh, hầu hết là trên các nóc nhà khi cần thiết. Những người này được đưa tới các điểm hạ cánh của lực lượng lính thuỷ đánh bộ và không quân, nơi các máy bay lớn hơn sẽ đưa họ đi tiếp.

Chỉ trong vòng một tuần, tỷ lệ đổi tiền đã từ 200 đồng/USD tăng lên thành 4.500 đồng/USD. Các nhân viên có kinh nghiệm của Air America, những người đã trải qua những hoàn cảnh tương tự, mang tiền USD của họ đổi lấy tiền đồng Nam Việt Nam, sau đó tới khu buôn bán của thành phố mua vàng hoặc nữ trang. Công việc mua bán trong thành phố vẫn diễn ra như thường lệ.

Nhưng đó lại là thời kỳ khó khăn đối với gái làm tiền. Các đơn vị lính Mỹ rút đi đã để lại một số lượng lớn gái mại dâm. Một phi công của Air America có thể đi chơi đêm và với tỷ giá đổi tiền trên thị trường chợ đen như vậy, anh ta có được một cô gái đẹp chỉ với 66 cent nếu như đi “tàu nhanh” và 1,11 USD nếu qua đêm. “Chỉ với 10 USD, anh ta có thể chết trong hoan lạc!”

Các phi công của Air America có tiếng đến nỗi họ được coi như có hẳn một được dây để đưa người thoát ra khỏi Việt Nam. “Ngày nào cũng có người tới nhà, hầu hết đều là những người lạ hoắc, nhờ vả đưa họ ra đi”, một phi công kể lại. Một số người Mỹ đã tìm ra cách đưa những người Việt Nam vào diện di tản và một vài viên phi công của Air America đã kiếm bộn tiền.

Khi ấy, có rất nhiều người Việt Nam giàu có muốn trả những khoản tiền lớn chỉ để ra đi ngay.
“Một số phi công của Air America đã đăng ký cho ba chục, bốn chục thậm chí năm chục người ra đi chủ yếu vì tiền”, Mel Cooper, một phi công lái trực thăng cho Air America nói. “Để đảm bảo như vậy, các phi công phải ký vào một bản cam đoan chịu trách nhiệm về mặt phúc lợi xã hội cho những người này ở Mỹ và rằng những người này sẽ không tìm kiếm khoản trợ cấp khi họ đến Mỹ. Các phi công đã ký vào những bản cam đoan để kiếm tiền bởi họ nghĩ rằng sẽ không bao giờ phải chịu trách nhiệm về chuyện đó. Tôi cho rằng những bản cam đoan đó được giữ lại ở sứ quán Mỹ và không bao giờ ra khỏi Việt Nam.

***

Sự sụp đổ của Sài Gòn chỉ còn được tính từng ngày. Một thành viên của ICCS (Ủy ban Kiểm tra và giám sát bốn bên hiệp định Paris) nói rằng cuộc tiến công sẽ diễn ra trong vòng vài giờ nữa.

"Lúc 9h30, Reed Chase tới, nói anh ta nghe có tin rằng tướng Giáp đã bị ám sát, và rằng các đơn vị quân đội giải phóng nay đã ở Bắc Việt. Nếu đúng như vậy thì đây là tin tức tốt đẹp nhất vào lúc này", Fred Fine viết trong nhật ký. "Trong thành phố, không ai có thể ngủ yên lành, nếu như quả thật có ai đó có thể ngủ. Tốt nhất là hãy ở phi trường, nhưng lại không kiếm được giường nằm... Tàu có mặt khắp nơi ngoài bờ biển Vũng Tàu. Bốn chiếc lớn cùng với các tàu hộ tống".

"Ngày 24/4: Cứ tưởng quân giải phóng tấn công vào lúc 6 giờ sáng, nhưng điều đó không xảy ra. Lại nghe tin người bị bắn là tướng Trường Chinh (ở đây người viết nhật ký nhầm lẫn về chức vụ) chứ không phải là tướng Giáp", Fred Fine viết. "Người Mỹ bắt đầu vạch các ký hiệu hạ cánh cho máy bay trực thăng tại phi trường. Họ di chuyển rất nhiều công trình xây dựng, ủi đổ nhà, dọn dẹp những khu vực bẩn thỉu, chặt cây cối và các cột điện thoại... Hàng trong PX (cửa hàng của quân đội Mỹ) chỉ bán nửa giá, thậm chí còn rẻ hơn. Không có bia Mỹ để bán, một thảm họa! Cả rượu vang và rượu mạnh cũng vậy".

"Ngày 25/4: Nghe nói nhiều thành phố ở Nam Việt Nam bị ném bom từ mấy hôm rồi. Sáng nay, hàng trăm dân di tản Việt Nam vây quanh cổng chính sân bay. Từ tuần trước, ở đây đã như vậy. Trong suốt 6 ngày qua, trên sóng FM 99,9 Hz của đài Sài Gòn không hề có tin tức nào. Rất dễ bực tức. Vả lại, không biết liệu chúng tôi có thoát khỏi Nam Việt Nam an toàn hay không. Khi bay, chúng tôi luôn bị đe dọa bởi tên lửa phòng không SA-7 "Strella" và có rất nhiều vị trí mới, không được chỉ dẫn mà phi công của Air America phải bay. Đã thấy xuất hiện cả súng 57 mm ở cách sân bay có 8 dặm. Thật tuyệt! Có thể còn có nhiều đơn vị khác hiện ở quanh Sài Gòn. Trong nhiều tuần, hầu hết chúng tôi đã sống du mục với một cái túi xách của hàng không luôn bên mình. Tất cả mọi tài sản đã được gửi đi, vứt đi hoặc trong chiếc va-li ở sân bay. Nghe nói có tàn sát ở Phnom Penh, chặt đầu công khai. Có thêm cái để mà nghĩ".

"27/4: Căng thẳng. Rất nhiều tin đồn. Rằng phi trường Tân Sơn Nhất sẽ bị đóng cửa và chúng tôi không thể bay ra ngoài được. Rằng 200 cảnh sát ở Ban Mê Thuột bị bắn...".
Sau ba năm rưỡi, ba quả rocket đầu tiên đã bắn vào Sài Gòn. Quá nửa đêm, lại thêm bốn quả nữa. Quân giải phóng đã tiến công mạn bắc Sài Gòn, ở khu vực Tân Cảng, ném bom Tân Sơn Nhất và bắt đầu bắn phá các căn cứ không quân, coi đó là dấu hiệu mở đầu cho cuộc tiến công cuối cùng.

"Sang ngày 28/4, phi trường phải chịu sự không kích nặng nề. 18h00: một phi đội gồm 5 chiếc phản lực A-37 (do quân giải phóng chiếm được của quân Việt Nam Cộng hoà) trang bị loại bom MK 81 đã không kích khu vực đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất", báo cáo của cơ quan Bộ Quốc phòng Mỹ DAO sau cuộc tấn công cho biết. "Sáu quả đã rơi trúng khu vực đỗ máy bay của không quân Sài Gòn, phá hủy nhiều chiếc, trong đó có ít nhất 3 chiếc AC-119 và vài chiếc C-41. Hai quả bom khác rơi trúng khu vực nằm giữa Trung tâm Chỉ huy và đài kiểm soát. Không có máy bay nào của không quân Mỹ bị hư hại".

Fred Fine ghi nhận: "Ngày 28/4, 6 giờ 20 phút chiều, lấy xe của Reed Chase. Bỏ cái túi xách hàng không lại phòng ở rồi lái xe tới phi trường. Khi cách cổng phi trường khoảng 100 yards (khoảng 90 mét), tôi nghe thấy 6 tiếng nổ lớn của loại bom 500 pound. Những chiếc A-37 của không quân Việt Nam Cộng hoà trong tay quân giải phóng. Ba người Mỹ trên chiếc xe chạy đằng trước bỗng nhào ra khỏi xe với vẻ hoảng sợ, bò lổm ngổm trên vỉa hè về phía sau đuôi xe của họ".

"Tôi lái xe tới gần và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Họ nói cái gì đó tôi không hiểu được. Tôi hỏi lại và một người trong bọn hét lên: 'Có tiếng súng bộ binh'. Tôi không nghe thấy gì hết. Cả đại úy John Fenburg đi cùng tôi cũng vậy. Những người lính quân cảnh ở Sài Gòn chạy tới và nói bọn tôi nên rời khỏi đấy. Một chỉ dẫn thật thông minh, tôi nói. Tôi lái xe qua thảm cỏ phân cách sang bên đường ngược chiều rồi quay đầu xe về thành phố. Cả hai chúng tôi đều nghi ngờ về chuyện có tiếng súng bộ binh và quân giải phóng đã có mặt tại khu vực này của thành phố. Đến nửa đường về thành phố, xe của tôi sa vào một đám tắc đường. Rất nhiều xe quay đầu 180 độ và phóng ngược ra phi trường. Điều đó cho thấy hoặc là vụ tắc nghẽn giao thông này rất khủng khiếp, hoặc là đã có những hoạt động quân sự trong thành phố".

"Ngay trước khi sa vào đám tắc đường, có thể nghe thấy hàng loạt tiếng nổ và trông thấy những loạt đạn súng phòng không nhằm vào hai chiếc A-37. Những loạt đạn này không trúng mục tiêu. Không muốn rúc vào đám tắc đường lâu hơn hoặc sa vào những cuộc đụng độ, tôi quay đầu xe một lần nữa và trở lại 249, khu nhà của Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID, nơi có khoảng 40 phi công và nhân viên giám sát của Air America. Đó là một tòa nhà 7 tầng nằm cách phi trường khoảng 1 km. Tôi lên sân thượng và có thể quan sát thấy rất nhiều đám cháy cũng như khói đen kịt bốc lên từ phía sân bay".

"Lệnh giới nghiêm lúc 24 giờ đã khiến cho người dồn cục lại ở 259. Quả là sáng suốt khi để cái túi xách hàng không với hộ chiếu, sổ ghi séc, tiền và các vật dụng giá trị khác ở lại 87 Nguyễn Đình Chiểu. Tìm được một chiếc giường để ngủ chung cùng đại úy Fred Stiklel và các phi công lái trực thăng khác. Gặp tướng Dương Trọng Phương. 7 giờ 30 tối. Một vụ nổ khủng khiếp cách khoảng 10-15 dặm về phía đông bắc. Có thể là khu kho Long Bình. Nổ thế mới là nổ chứ! Đơn vị 112 của chúng tôi di chuyển. Đứng trên sân thượng có thể quan sát thấy khá rõ rất nhiều vụ nổ khác trong đêm. Tất cả các phi công của Air America vẫn bị mắc lại tại chỗ. Một số ở ngoài sân bay".

***

Biệt động và
quân giải phóng
trong ngày chiến thắng

Hầu như không thể biết được điều gì đang diễn ra. Các phi công Air America chỉ còn cách trông chờ vào việc nghe đài BBC để cố gắng hình dung điều gì đang xảy ra ở cái thành phố mà họ bị mắc kẹt lại này.

"Nếu bạn nghe đài của quân đội, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì đang xảy ra ở Việt Nam bởi toàn tin thời tiết, bầu cử và có cả tin một vụ tai nạn ô tô nữa", Art Kenyon kể. "Trong khi ấy, BBC cung cấp cho chúng tôi những tin tức thời sự. Một vài điều khá nghiệt ngã nghe được trên BBC chúng tôi biết là sự thật bởi chính mắt tôi đã từng chứng kiến, còn những điều khác thì chúng tôi cũng nghĩ là chúng chân thực".

Kenyon muốn giữ riêng căn hộ của anh ta trong tòa nhà của Cơ quan viện trợ Mỹ USAID, nhưng rồi đêm 28/4, anh ta đột nhiên đổi ý, mời các phi công khác vào ở chung trong căn hộ 3 buồng ngủ có đầy đủ đồ đạc tiện nghi nhưng hầu như không còn được ngó ngàng gì tới nữa. Họ uống vài ly rượu, nghe chương trình hải ngoại của đài BBC trước khi đi ngủ. "Tôi không thể nhớ chính xác là đã nghe tin gì nhưng chắc chắn đó toàn là những tin tồi tệ", Kenyon nói.

Toàn thành phố bị đánh thức vào lúc 4 giờ sáng hôm sau bởi tiếng gầm rú của hàng loạt tiếng nổ liên tiếp. Wayne Lannin hét lên với người bạn cùng phòng Izzie Freedman: "Izzie, chắc họ sắp tấn công rồi".

"Không, không, đấy chỉ là tiếng sấm thôi", Freedman trả lời vẻ ngái ngủ. Lannin leo lên sân thượng và trông thấy những vụ nổ ở ngoài phi trường. "Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: 'Ôi trời ơi, họ đã đánh trúng các máy bay' và như vậy chúng tôi không thể nào thoát ra khỏi thành phố được nữa", Lannin kể. "Khi ấy, bạn cảm thấy bản thân hụt hẫng và tôi cảm thấy một nỗi khiếp sợ chưa từng thấy. Nếu như có một chiếc trực thăng, bạn luôn có cảm giác là bạn sẽ thoát được ra khỏi đó. Bạn không biết những người khác ra sao nhưng chắc chắn có một cỗ máy sẽ đưa bạn thoát đi. Nếu phá hủy những cỗ máy đó thì tôi hoàn toàn không còn gì để bấu víu vào nữa".

Trong khi đó, Art Kenyon bị đánh thức bởi người bạn cùng phòng đập cửa với tiếng hét: "Lên sân thượng mau lên".

Kenyon lên sân thượng tòa nhà Cơ quan viện trợ Mỹ USAID và nhìn thấy những đám cháy ở ngoài phi trường. "Trông giống như một đường chân trời bằng lửa vậy”, Kenyon nói. "Hỏa tiễn vẫn tiếp tục bắn vào, những tiếng nổ liên miên không dứt và chúng tôi có thể trông thấy phần đuôi một chiếc C-46 của Air America chổng ngược lên trời trong ánh sáng bập bùng của một chiếc C-130 cháy gần đó trên đường băng cũ hướng Bắc-Nam".

"Một chiếc C-119 của không quân Nam Việt Nam trang bị những khẩu súng Gatling đang bay vòng vòng trên khu vực phía bắc của phi trường vãi đạn xuống. Phải tận mắt nhìn thấy cái cảnh tượng ấy trong đêm, bạn mới có thể thấy nó khủng khiếp đến mức nào. Giống như có một cái lưới bằng lửa đang chụp xuống mặt đất, với những đường đạn nối nhau không dứt như cái máy bay đó nối với mặt đất bằng một tấm màn bằng lửa vậy. Tôi đã đứng đó, nhìn thấy chiến tranh diễn ra ngay trước mặt, với một ly bia trong tay. Tôi quay xuống phòng mình để lấy một ly bia khác và khi quay lên thì chiếc C-119 đã bị bắn rơi. Nó đã bị một quả tên lửa đất đối không do Mỹ chế tạo bắn trúng".

Các phi công của Air America tụ tập trên sân thượng, như thể là họ đang tham dự một bữa tiệc cocktail và họ đã cùng nhau chứng kiến cuộc chiến tranh diễn ra trong suốt buổi sáng hôm ấy.

Ai đó bê ra một cái bàn và bắt đầu bày lên đó mấy chai rượu. Những người làm việc cho sứ quán Mỹ hoặc CIA đã có tên trong danh sách sắp sửa ra đi rất vui lòng để lại cho các phi công phải ở lại gia tài rượu của họ. Chẳng mấy chốc, cái bàn dài đã oằn mình dưới sức nặng của hàng đống những chai Courvoisier hay Jack Daniel. Một tiệc rượu Thánh cuối cùng.

"Sau cùng thì mọi việc có vẻ cũng không đến nỗi tồi tệ lắm", Lannin nói. "Tôi đi xuống dưới và cố gắng ngủ nhưng quả thật là khó có thể ngủ được trong tiếng pháo kích như thế".

Hầu hết các phi công quyết định ở lại trên sân thượng. Kenyon có một máy bộ đàm và thường xuyên liên lạc với phi trường. Một nhân viên kiểm soát không lưu mệt mỏi gặp khó khăn trong việc cho các phi đội máy bay cất cánh. Chỉ có hai phi công Air America trực ở sân bay khi cuộc pháo kích bắt đầu và tình hình ở đó cực kỳ hỗn loạn. Thùng nhiên liệu máy bay, bom chưa lắp, các trang thiết bị la liệt ở khắp nơi, trong khi các trực thăng của không quân Nam Việt Nam hỏng hóc đỗ đầy trên đường băng.

Một chiếc phản lực F-5 bị để lại trên đường dẫn ngay phía trước một cái cầu thang di động dùng để lên máy bay mà động cơ của nó vẫn còn đang hoạt động. Các phi công bị kẹt lại tại tòa nhà USAID được thông báo rằng cứ ở lại đó chờ cho tới khi có thể tổ chức được các trực thăng tới để bốc họ đi.

Mãi tới 8 giờ rưỡi sáng 29/4, bộ phận thực hiện chiến dịch mới thực hiện việc đưa các phi công ra khỏi sân thượng của tòa nhà. Kế hoạch sử dụng các máy bay của Air America để di tản ban đầu định chia làm hai phần liên tiếp nhau, với việc các xe ô tô sẽ tới những địa điểm ở trong khu trung tâm thành phố đón người đưa tới phi trường. Song do một số lượng lớn các phi công bị kẹt lại ở trụ sở USAID nên khi các ô tô bắt đầu hành trình thì mới có rất ít trực thăng có thể cất cánh được. Hơn nữa, một số thang di động lên xuống máy bay bị hỏa tiễn bắn trúng, và một nhóm lính dù Nam Việt Nam đã cướp 4 chiếc trực thăng khiến cho công việc bị chậm trễ.

***

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập.
Fred Fine, phi công của Air America cũng nằm trong số người bị kẹt lại trên sân thượng của trụ sở USAID. Cũng như những người khác, anh ta bị đánh thức vào lúc 4h sáng bởi hàng loạt tiếng nổ.

"Có thể thấy sân bay Tân Sơn Nhất đang phải chịu những đợt pháo kích nặng nề bởi đại bác 130 mm, hỏa tiễn 120 mm và súng cối. Cuộc pháo kích kéo dài tới 8h30 rồi giảm dần", Fred Fine viết trong nhật ký. "Khu vực cất cánh của Air America bị trúng đạn nặng nề, ba chiếc hỏng nặng và hai chiếc khác hư hại nhẹ. Sau khi vụ pháo kích bắt đầu, rất nhiều máy bay của không quân Nam Việt Nam đã cất cánh mặc dù nhiệm vụ của chúng là để tấn công quân giải phóng từ trên không nhưng chẳng nghi ngờ gì nữa là chúng sẽ lảng dần rồi chuồn sang căn cứ Utapao bên Thái Lan..."

"Đến 10h45 thì tôi cũng được báo tín hiệu cất cánh. Nhìn qua cửa kính máy bay, một trong những hình ảnh cuối cùng là đám đông người di tản đang leo lên bức tường xi măng bao quanh khu để máy bay. Tất cả chúng tôi đều trang bị vũ khí và một vài nhân viên hành quân đang đứng canh chừng không để cho một số binh sĩ Nam Việt Nam có vũ trang leo lên những chiếc máy bay của chúng tôi".

"Cảnh tượng hỗn loạn khủng khiếp trên đường băng xung quanh. Những chiếc máy bay bị trúng đạn nằm khắp nơi, một số trực thăng vẫn còn đang cháy, mảnh văng tứ tung. Tôi phát hiện ra một phần đường băng đã bị một chiếc C-130 khổng lồ cháy trụi chắn ngang. Chỉ có một khe hẹp có thể lách qua ở phía đuôi con quái vật khổng lồ đã bị tử thương này. Tôi vòng qua và ơn Chúa, máy bay không hề gì cho tới khi dễ dàng nhấc mình lên không trung".

"Chúng tôi biết rằng máy bay chỉ mang theo 500 galons xăng, có nghĩa là không thể đủ nhiên liệu để bay tới địa điểm có trong kế hoạch là Brunei, cách khoảng 700 dặm về phía đông nam. Chúng tôi cũng không thể tới một đường băng dự trữ cách Sài Gòn khoảng 125 dặm về phía nam để tiếp thêm nhiên liệu cất giấu tại đó trong những tình huống khẩn cấp. Khả năng duy nhất có thể lựa chọn là bay sang Thái Lan, mặc dù chúng tôi biết chắc chắn rằng người Thái chẳng muốn bất cứ một chiếc máy bay nào của Sài Gòn hạ cánh xuống lãnh thổ của họ".

"Khi tôi cất cánh rời khỏi Sài Gòn có 2 chiếc C-46 và một chiếc Volpar bay về hướng lãnh thổ Thái Lan cùng với 4 chiếc C-47 nữa. Những cuộc pháo kích trong đêm 28 đã ngăn cản toàn bộ kế hoạch tiếp nhiên liệu và hầu hết số máy bay của chúng tôi chỉ có thể mang theo rất ít. Chỉ có chiếc C-47 mang số hiệu 083 là có đầy và nó bay đi Brunei".

"Chúng tôi bay dọc theo bờ biển và do phải tiết kiệm nhiên liệu, chúng tôi nín thở bay ở độ cao 8.500 bộ (khoảng hơn 2.700 m) qua vùng châu thổ quân giải phóng đang kiểm soát và hướng ra biển xa khoảng 80 dặm, bay song song cách bờ biển phía tây nam Campuchia khoảng 15 dặm, sau đấy ngoặt vào bờ biển phía tây Campuchia để vào đất Thái Lan, tới U-Tapao. Không gặp bất cứ một rắc rối nào".
"Hạ cánh xuống U-Tapao và nhận được sự đón chào nồng nhiệt của các nhân viên không lực Mỹ tại đây. Quả thật dễ chịu khi gặp được người quen", Fred Fine kể.

Chiếc C-47 mà Fine kể trong nhật ký là có đầy nhiên liệu và bay đi Brunei chính là chiếc mà Art Kenyon cầm lái. Nhưng đó không phải là một chuyến đi bình an vô sự. Kenyon được một trực thăng đón từ nóc trụ sở cơ quan USAID đưa tới phi trường, trong tay khư khư cái mà anh ta gọi là "bộ đồ chạy trốn", bao gồm một khẩu tiểu liên, một cái cặp tài liệu và một va ly nhỏ, được lèn kỹ càng tiền nong và bộ quần áo.

Những người trên máy bay di tản cùng Kenyon khi đó chủ yếu là những nhân viên mặt đất của Air America. Lúc 11 giờ trưa, họ đưa chiếc máy bay lăn ra đường băng, ngang qua chỗ chiếc C-130 đã cháy trụi. Sau hai giờ rưỡi bay trên Biển Đông, hệ thống dẫn dầu bị bung ra. "Có một tiếng nổ lớn và đường ống dẫn nối vào thùng dầu - nằm ngay phía sau ghế của phi công phụ - bị vỡ", Kenyon kể. "Do áp suất lớn nên dầu lỏng rất nóng, dẫn tới nguy cơ có thể gây cháy trong buồng lái. Khi ấy, trong khoang lái đầy dầu bắn tung tóe, quang cảnh giống như trong một bộ phim về thế chiến thứ nhất mà bạn đã từng xem, khi mặt viên phi công bị phủ đầy dầu".

Đoàn người di tản được hướng dẫn có thể bay tới đâu họ muốn song tốt nhất là hạ cánh xuống Đài Loan nhưng Kenyon đã quyết định sẽ tới Thái Lan. "Sau 5 tiếng rưỡi bay khỏi Sài Gòn, chúng tôi quay lại U-Tapao và cố gắng hạ càng để máy bay có thể hạ cánh khi hệ thống dẫn dầu không hoạt động. Nhưng tín hiệu đèn đỏ báo hiệu không an toàn vẫn sáng. Vậy là nếu hạ cánh chúng tôi sẽ phải chấp nhận nguy hiểm và có thể sẽ không hạ được. Tôi bèn điều chỉnh van xăng đề phòng khả năng khi hạ cánh sẽ bị nguy hiểm.

Đèn hiển thị trong buồng lái báo cho chúng tôi biết rằng một bánh máy bay không bật ra được và giữ ở vị trí cố định, nhưng không rõ đó là bánh nào. Nhìn qua cửa sổ buồng lái có thể thấy một phần của cái bánh, thế nhưng không thể xác định được là nó an toàn hay không. Cả tôi lẫn phi công phụ đều không chắc chắn điều gì đã xảy ra".

Kenyon gọi cho đài kiểm soát và thông báo chuẩn bị hạ cánh khẩn cấp. Như một điềm gở, một chiếc C-47 khác đã bị trượt ra bên ngoài đường băng chạy theo hướng nam và nằm cách vài trăm bộ về phía bên trái. Nếu như bánh bên trái chiếc máy bay của Kenyon không được cố định vào vị trí và bộ phận hãm bị gãy khi hạ cánh thì rất có thể nó sẽ trượt sang phía trái đường băng và đâm vào chiếc C-47 ở đó. Để tránh nguy hiểm, Kenyon lựa chọn phương án hạ cánh xuống sát chiếc C-47 bị nạn, bớt mất một khoảng cách chừng ba ngàn bộ trên đường băng dài mười ngàn bộ.

Nhưng càng máy bay vẫn hạ được và họ đáp xuống an toàn, trong khi đèn đỏ vẫn báo hiệu nguy hiểm. Chiếc máy bay nhanh chóng ngốn hết quãng đường bảy ngàn bộ còn lại trong khi vẫn ở tốc độ cao. Gió không đủ mạnh để cản chiếc máy bay lại trong khi phía cuối đường băng theo hướng nam là vịnh Thái Lan!

Họ cố gắng hãm động cơ, đồng thời quay mũi máy bay. "Khi quay mũi ở đó, máy bay chúng tôi lao ngang qua một bãi thải và ngay khi quay đúng 180 độ, chúng tôi nhìn thấy đường băng chạy theo hướng bắc ở rất gần máy bay. Đúng vào thời điểm ấy thì chúng tôi mới nhận ra rằng không thể hãm cố định bánh sau của máy bay được".

"Chúng tôi tăng công suất của một động cơ và máy bay chạy sang bên phải; tăng công suất động cơ bên kia để bù lại thì máy bay lại chạy sang trái. Tôi ngồi đấy, điều chỉnh hết cái van này đến cái van khác, trong khi máy bay cứ lao ngày càng gần tới đường băng phía trước. Cả hai chúng tôi đều biết rõ là khó có thể làm gì khác để thay đổi tình thế".

"Cuối cùng chúng tôi quyết định tắt động cơ và để cho máy bay chạy tới đâu thì chạy. Lúc ấy, đường băng nằm cách chúng tôi một bãi cỏ rộng, có khả năng sẽ hãm được máy bay. Ngay lúc ấy, một chiếc B-52 cũng đang cất cánh ở phía đối diện với chúng tôi. Nếu như bãi cỏ không hãm được máy bay của chúng tôi thì rất có thể chiếc B-52 sẽ đâm vào chúng tôi từ phía phải. Rồi chúng tôi quyết định khóa tất cả các van và công tắc, mặc kệ ra thế nào thì ra. Trong điều kiện gió thổi giật khá mạnh giúp cho máy bay hướng về cái rãnh và đâm xuống đấy".

Cả Kenyon và viên phi công phụ cắm mặt xuống, nhìn thấy cỏ ngay trước mặt, máy bay chổng ngược lên, lắc lư một lúc rồi lại hạ đuôi xuống, lấy lại vị trí thăng bằng. Cuối cùng thì họ cũng đã tới nơi!

***

Nhân viên sứ quán Mỹ di tản

Tại Sài Gòn, các phi công lái trực thăng của Air America bay từ sân thượng tòa nhà cao tầng này sang sân thượng tòa nhà cao tầng khác, nhặt những ai cần phải thoát ra khỏi Nam Việt Nam. Họ bắt đầu chiến dịch một cách bất thình lình.

Sau khi chờ nhiều giờ đồng hồ trên nóc trụ sở USAID rồi được đưa tới sân bay Tân Sơn Nhất, họ lại biết có khả năng chiến dịch di tản tiếp tục bị trì hoãn và điều này dẫn tới một cuộc cãi vã giữa các phi công với những người điều hành chiến dịch. Tình hình ở sân bay ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu, các phi công mất hết cả kiên nhẫn.

"Hãy bình tĩnh nào", người phụ trách điều hành chiến dịch bảo họ. "Ông đại sứ vẫn chưa cho lệnh bắt đầu".

"Này, hãy để cho người của chúng tôi ra đi", Lannin sửng cồ. "Mẹ kiếp, hãy đưa xe tới đón họ đi".

Không thể tin nổi là đến giai đoạn này rồi mà đại sứ Mỹ vẫn còn cho rằng có thể sử dụng các máy bay vận tải quân sự cánh cố định loại C-130 cho chiến dịch di tản mà không phải chuyển sang Phương án IV là sử dụng trực thăng.

Nhưng rồi cuối cùng các phi công cũng nhận được lệnh dùng trực thăng để bắt đầu chiến dịch di tản. Wayne Lannin và Izzie Freedman chuẩn bị leo lên chiếc Huey của họ thì một chiếc xe Jeep chở đầy lính Việt Nam Cộng hoà xịch tới. Một người trong số đó giải thích rằng họ là phi công và sẽ lái chiếc trực thăng.

"Các anh sẽ không lái chiếc trực thăng của tôi", Lannin nói. Anh ta cố tình để cho những người lính Nam Việt Nam trông thấy khẩu tiểu liên đang cầm ở tay nhưng vẫn cẩn thận không để mũi súng chĩa vào người họ. "Frank", Lannin hét to với người thợ cơ khí máy bay. "Bọn họ định cướp chiếc máy bay này". Sau đấy, những người lính Nam Việt Nam có trang bị vũ khí đó bị lùa ra khỏi khu vực.

Lannin quay trở lại và leo lên chiếc trực thăng thì cũng là lúc quân giải phóng khởi sự một đợt tấn công khác nhằm vào phi trường. Một loạt tiếng nổ dậy lên chỉ cách chiếc máy bay vài mét. Freedman chạy vội về phía Lannin nhưng anh ta dừng lại ngay lập tức khi những quả đạn bắn tới nơi. Freedman bèn nhảy vội vào ngay chiếc trực thăng đầu tiên anh ta bắt gặp rồi cả hai cùng cho máy bay cất cánh.

Đài kiểm soát không lưu của phi trường buộc phải rời vào khu nhà tương đối an toàn của Cơ quan Bộ Quốc phòng Mỹ DAO. Khó khăn lớn nhất khi ấy là thiếu các thiết bị tiếp nhiên liệu, do vậy các phi công buộc phải bay ra tận hạm đội ngoài khơi để lấy nhiên liệu. Thoạt tiên, chiến dịch di tản diễn ra có vẻ không hiệu quả lắm, cho đến khi các trực thăng chở đầy người bắt đầu đưa thẳng họ ra ngoài hạm đội chứ không dừng lại để thả họ xuống những trạm trung chuyển như trụ sở Bộ Quốc phòng DAO hay sứ quán Mỹ nữa. Điều đó có nghĩa là các máy bay của Air America đã thực hiện chiến dịch di tản từ rất lâu trước khi quân đội Mỹ tham gia vào chiến dịch này.

Mãi đến 12h30 ngày 29/4, chiếc trực thăng đầu tiên của lính thủy đánh bộ Mỹ mới rời hạm đội 7 và thực hiện chuyến bay dài 40 phút vào Sài Gòn. Trong đợt đầu tiên có tổng cộng 36 chiếc trực thăng "Hiệp sĩ biển khơi" được các máy bay Cobra hộ tống bay vào, mặc dù việc di tản người của quân đội Mỹ bị trì hoãn tới tận 2 giờ chiều mới bắt đầu.

Lannin và Freedman đã bay được vài giờ, hạ cánh xuống những điểm chỉ dẫn trên sân thượng các nhà cao tầng và đưa người đi thì bỗng dưng nhận được lệnh ngừng các chuyến bay. Người ta không nói cho họ biết nguyên nhân, chỉ nói hãy tìm một nóc nhà, hạ máy bay xuống đấy và chờ.

Ngay khi Lannin hạ cánh xuống nóc nhà, một viên đại tá Mỹ tới chỗ máy bay và bảo anh ta chở một số người và hàng hóa ra một chiếc tàu của hạm đội 7. Lannin xin lệnh và được những người điều hành chiến dịch di tản cho phép. "Máy vô tuyến điện của tôi hỏng nên tôi phải tự tìm lấy chiếc tàu mà viên đại tá nọ muốn tôi tới. Cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy nó, trên boong có 5 chiếc trực thăng của không quân Nam Việt Nam đã đỗ sẵn ở đấy. Tôi không muốn phí nhiên liệu nên cho máy bay của mình hạ cánh xuống phía sau của tàu. Tôi cho người và hàng hóa xuống, yêu cầu họ sửa giúp máy vô tuyến điện nhưng họ từ chối; tôi bảo họ tiếp thêm nhiên liệu. Khi vừa mới bắt đầu tiếp nhiên liệu cho máy bay của tôi thì một tiếng nổ cực lớn vang lên từ phía mũi tàu. Những người Việt Nam đang đẩy những chiếc trực thăng của họ xuống biển. Tôi nhìn thấy một chiếc lộn nhào qua thành tàu rồi chìm dần xuống dưới mặt nước".

Cái cánh quạt của một chiếc máy bay bị nổ bay trên không trung khoảng năm trăm bộ như một lưỡi dao và chặt đứt đường ống đang dẫn nhiên liệu vào chiếc máy bay của Lannin, đánh bật cả máy bơm đi. Tay xách chiếc cặp, Lannin nhảy vội ra khỏi buồng chỉ huy chạy về hướng chiếc máy bay của mình, hy vọng sẽ cứu được một số thiết bị trên máy bay. Trong khi cánh quạt chiếc máy bay của anh ta vẫn còn đang quay thì đúng lúc ấy, một chiếc trực thăng của Nam Việt Nam, chở khoảng 20 người, tìm cách hạ cánh xuống boong tàu, ngay cạnh chiếc máy bay của Lannin. Khoảng trống chỗ đó quá hẹp nên cuối cùng Lannin bèn chạy thục mạng để thoát hiểm.

Cánh quạt của hai chiếc trực thăng đậu quá gần móc vào nhau, khiến cho chiếc trực thăng Nam Việt Nam gần như bị quăng ra phía sau của boong tàu. Những người trên chiếc trực thăng Nam Việt Nam liều mạng nhảy ra khỏi máy bay để tìm đường sống, còn cả hai chiếc trực thăng đều bị đẩy xuống biển.

Tom Grady, người đã lái chiếc trực thăng Huey 204 trong suốt những ngày cuối cùng của chiến dịch di tản, nói rằng khi chiến dịch bắt đầu vận hành thì các điều kiện có vẻ khả quan hơn. Trong chuyến bay đầu tiên, anh ta đã phải bay cực thấp ngay phía trên khu vực trung tâm của thành phố, trông ra phía mặt sông Sài Gòn. "Lý do khiến chúng tôi phải bay cực thấp là vì tôi thấy hai chiếc máy bay của chúng tôi khi cất cánh đã bị chính những người lính Việt Nam Cộng hoà bắn rơi. Họ bắn vào chúng tôi từ mọi hướng. Đó là điều mà chúng tôi đã chờ đợi ở phía những người lính Nam Việt Nam và suy cho cùng thì chưa bao giờ chúng tôi tin tưởng nhiều ở họ cả. Trong những tuần lễ cuối cùng, chúng tôi luôn ở trong tình trạng căng thẳng tại bất cứ đâu, bởi vì chúng tôi bị chính đồng minh của mình bắn, dù trên không hay trên mặt đất".

Đến khoảng 11h30 phút ngày 29/4 thì Tom Grady cũng nhận được lệnh tạm dừng công việc. Anh ta tìm một mái nhà, đỗ chiếc Huey xuống và chờ ở đó khoảng nửa giờ đồng hồ. "Rồi tôi nghĩ, thế là đủ rồi", Tom nói. Anh ta cho lên máy bay của mình một số người, trong đó có cả một cô bạn gái của anh ta, rồi đưa họ ra hạm đội 7. Anh ta tiếp tục các phi vụ của mình cho tới tận tối, sau đấy bay chuyến cuối cùng và đậu chiếc máy bay xuống boong một chiếc tàu chiến.

***

Air America có ba chiếc trực thăng trên nóc nhà trụ sở Cơ quan viện trợ Mỹ USAID, nơi một đám đông đang gào thét. Đạn pháo của quân giải phóng đã bắt đầu bắn tới phi trường Tân Sơn Nhất, cách đó khoảng nửa dặm.

Trên con đường phía trước tòa nhà trụ sở USAID có một đám đông hàng ngàn người, được trang bị vũ khí và trong tâm trạng tuyệt vọng cùng cực, cố gắng đột nhập vào bên trong tòa nhà.

Trưởng trạm CIA Sài Gòn Thomas Polgar rất lo lắng về việc di tản một nhóm khoảng ba chục người Việt Nam, bao gồm bạn bè và những người mà ông ta đã hứa sẽ giúp đỡ. Polgar đã dặn nhóm người này, gồm các chính trị gia, cảnh sát và một số bạn bè tới tập trung tại nhà riêng của ông ta vào lúc 11 giờ trưa ngày 29/4. Polgar dự tính sẽ tự bố trí cho nhóm người này di tản, thế nhưng, khi thời gian ngày càng trở nên gấp gáp, ông ta lại bị mắc kẹt ở sứ quán Mỹ.

Trực thăng Mỹ trong chiến dịch di tản
ngày 29/4/1975

Polgar từng làm việc với những người đó nên cảm thấy hết sức thất vọng bởi vì không tìm ra cách nào để cứu giúp họ cả. Tình trạng hỗn loạn khi đó, với những tay súng bắn tỉa có mặt ở khắp nơi khiến cho việc đưa đám người bị kẹt ra khỏi khu vực đó là điều gần như không thể được. Một đồng nghiệp của Polgar gợi ý rằng có lẽ nên liên lạc với đám người đó, bảo họ leo lên sân thượng một tòa nhà cao tầng gần đấy rồi đưa trực thăng tới đón. Thành bại của chiến dịch giải cứu này, viên chỉ huy trạm CIA Sài Gòn đều trông chờ vào một viên phi công dày dạn kinh nghiệm của Air American có biệt danh là T.D.Latz.

Latz là một cựu phi công lái máy bay U-2, chân đi cà nhắc, chột một mắt và rất can đảm. Polgar dùng máy vô tuyến gọi anh ta và sau 20 phút, Latz đã đậu chiếc máy bay của mình xuống nóc sứ quán Mỹ. Anh ta vừa đi vào buồng khách của viên trưởng trạm CIA, vừa lầu bầu gì đó về chuyện nhiên liệu của máy bay.

"Này, tôi muốn anh tới số 6 Quảng Trường Chiến Sĩ và đón ba chục người của tôi ở đó”, Polgar nói. "Được chứ?" Polgar vừa hỏi, vừa nắm chặt tay viên phi công.

Viên phi công biết rằng đậu máy bay xuống nóc nhà ở đó rất nguy hiểm vì diện tích của nó rất nhỏ, đồng thời rất có thể dính đạn từ dưới đất bắn lên. "Được thôi, ông Polgar", Latz đáp. "Nhưng tôi phải mang theo vũ khí cá nhân để đảm bảo an toàn".

Latz leo lên máy bay, bay lòng vòng phía trên khu vực rồi đáp xuống nóc nhà.

Thế nhưng ba chục người Việt đó không thể nào tới được bởi đám đông xung quanh sẵn sàng phá tan ngôi nhà nếu như cổng của nó mở ra. Latz ở lại đó khoảng một giờ đồng hồ, nhưng những người mà anh ta muốn đón vẫn bị kẹt trong đám đông và anh ta buộc phải quay về sứ quán mà không có họ.

"Không có cách nào để đưa được ba chục người này ra", Latz nói với viên chỉ huy trạm CIA Sài Gòn vẻ có lỗi. "Đám lính người Nùng canh gác khóa chặt cổng trước, không chịu mở ra ngay cả khi tôi chĩa cái này vào họ". Latz chỉ khẩu súng anh ta mang theo. "Mà cũng không trách họ được. Có tới 500 người ở bên ngoài đang tìm mọi cách xông vào bên trong. Họ sẽ bị giẫm bẹp ngay trước khi có thể rút được lên sân thượng".

Một nhân viên CIA có mặt hỏi có tiếng súng bộ binh ở đấy không. "Lác đác thôi", Latz trả lời. "Nhưng hầu hết những người Việt đang cố sống cố chết thoát khỏi cái thành phố này sẽ không cho phép chúng ta làm được cái gì hết".

Polgar cố gắng làm giảm căng thẳng bằng một ngụm lớn rượu cognac rồi tiếp tục vạch ra một kế hoạch giải cứu mới. Ba chục người Việt Nam đó sẽ được chỉ dẫn tới một khoảnh sân thượng nhỏ trên nóc một tòa nhà khác gần đó. "Chỗ đấy không đủ rộng để dễ dàng hạ máy bay xuống được đâu, nhưng nếu khéo léo thì có thể đủ để đón Út (tài xế riêng của Polgar) và nhóm của anh ta", một phi công giải thích.

Latz quay lại máy bay của anh ta và bay đến điểm hẹn mới. Sau đấy, anh ta quay lại sứ quán với cánh tay phải đầy máu: "Mẹ kiếp cái bọn di tản", anh ta lầm bầm chửi rủa. "Bọn chúng ép tôi ở trên cái sân thượng đằng đó. Tôi đã phải đấm vào mặt mấy người để buộc họ xếp hàng có trật tự. Đông khủng khiếp. Một số bị trượt chân ngã cả xuống dưới. Tôi thậm chí còn suýt nữa không chui được vào trong máy bay. Nó đậu chênh vênh trên cái mảnh sân bé xíu".

Trong khi Latz thực hiện phi vụ này, một phóng viên đã chụp được ảnh Latz cùng với chiếc máy bay của anh ta đậu chênh vênh trên nóc nhà trong khi hàng người đi di tản đang nối đuôi nhau leo lên sân thượng để tìm cách lên chiếc máy bay cứu tinh. Bức ảnh này đã được đăng trên báo chí khắp thế giới và trở thành một hình ảnh đáng nhớ về những ngày cuối cùng đầy lo âu về sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Trong lúc bối rối, Latz cũng không dám chắc là đã đón đúng được những thành viên thuộc nhóm người mà Polgar muốn hay không.

"Không thấy những người phiên dịch đâu cả", một nhân viên CIA nói. "Có lẽ chúng ta lại phải cố gắng thực hiện một chiến dịch đón người nữa mất".

Polgar không nói gì.

"Tôi không thể nào quay lại đó một lần nữa", Latz nói. "Ngay cả vào ban ngày cũng không dễ hạ cánh xuống một cái sân thượng lạ. Còn khi đêm xuống rồi thì đó là hành động tự sát".

***

Người Việt Nam đi di tản
tại sân bay Tân Sơn Nhất

Do ít nhiên liệu nên các máy bay của Air America phải bay cực thấp, rất nguy hiểm trong điều kiện quân giải phóng đã áp sát xung quanh. Đến khi đêm xuống thì chiến dịch di tản đã trở thành một điệp vụ bất khả thi.

Hàng nghìn người thuộc diện “nhạy cảm” đã bị bỏ lại. Quân giải phóng cuối cùng đã chiếm toà sứ quán Mỹ, thu giữ toàn bộ những tài liệu chi tiết về các điệp viên cũng như những người từng cộng tác với Mỹ.

Trong số cuối cùng rời thành phố có những người Mỹ đã tổ chức chiến dịch di tản bằng trực thăng trên các mái nhà. Một trong số đó là Walt Martindale, lúc đó ở trên sân thượng một toà nhà cao tầng gần sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay khi chiếc trực thăng đáp một trong những chuyến cuối cùng trước khi bóng đêm sập xuống, hàng trăm người Việt trong tâm trạng tuyệt vọng đã phá vỡ được cánh cổng và tràn tới lối dẫn vào toà nhà. Hai viên sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà đề nghị sử dụng vũ khí để ngăn đám đông nếu như Martindale đảm bảo sẽ cho họ cùng thoát thân.

Đám đông người Việt đã vây lấy cầu thang trong khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân thượng. “Nhanh lên, nhanh lên”, phi công hét to thúc giục Martindale nhưng anh ta lắc đầu. Anh ta gọi những người lính Nam Việt Nam đang ghìm đám đông ở lại bên ngoài trạm gác để tổ chức đưa người lên máy bay. Cuối cùng, với số người gấp đôi khả năng cho phép, chiếc máy bay đã bay đi mà không có Martindale.

Khi chiếc máy bay đã bay được một quãng thì làn sóng người đánh bật những người lính đang ghìm giữ họ và tràn lên sân thượng. Martindale bị dồn một cách nguy hiểm ra bên rìa sân thượng. Anh ta bị đánh vào đầu nhưng cố gắng đánh trả. Ngay khi trước trời tối, một chiếc trực thăng khác hạ cánh xuống giữa đám đông hỗn loạn. Một người thợ máy sử dụng khẩu M-16 dồn đám người Việt cuồng loạn sang một phía trong khi phi công thúc giục Martindale: “Mau lên, mau lên”. Cả ba rút vào bên trong máy bay và họ cất cánh trong tiếng gào thét tuyệt vọng của đám người cầu xin sự giúp đỡ.

Trước khi bay ra Hạm đội 7 ngoài biển Đông, do lo không có đủ nhiên liệu nên họ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất đang bốc cháy bởi những đợt pháo kích dữ dội để tiếp thêm nhiên liệu. Việc hạ cánh xuống đây còn có một lý do khác nữa: những người quản lý Air America đã lơ đễnh để quên 50.000 USD trong một căn phòng an toàn tại phi trường. Khi chiếc máy bay hạ cánh, không hề có một ai ở gần đó cả và trong khi viên phi công phụ tiếp nhiên liệu cho máy bay, tay thợ cơ khí người Philippines chạy thật nhanh lại phía căn phòng an toàn và cố gắng mở cửa căn phòng này. Một nhóm binh lính Nam Việt Nam bất thần xuất hiện từ phía xa và bắt đầu bắn bừa bãi về phía chiếc máy bay. Chưa kịp lấy được tiền nhưng tình thế buộc tất cả phải leo vội trở lại máy bay, cất cánh và thực hiện chuyến bay cuối cùng trong ngày ra hạm đội 7.

Như vậy là chiến dịch di tản người trên các mái nhà ở khu trung tâm Sài Gòn của Air American chấm dứt lúc 6h30 tối. Các phi công được lệnh bay ra hạm đội 7. Một chiếc trực thăng chở đầy rượu ra tới nơi nhưng viên thuyền trưởng nhìn rồi hét: “vứt, vứt, vứt”. Thế là chiếc máy bay với đầy rượu quý đã bị hất ra bên ngoài mạn tàu xuống nước. Hầu hết các máy bay khác cũng chịu chung số phận. Các phi công treo máy bay sát trên mặt nước rồi nhảy ra bên ngoài, một phương pháp đầy may rủi và liều lĩnh. “Ngay khi các máy bay rơi xuống nước, những cánh quạt của chúng vẫn còn quay tít và nhiều phi công có thể bị cuốn vào đấy”, Bob Murray, một phi công của Air America, nhớ lại. Một phi công Nam Việt Nam khi đó đã treo máy bay trên mặt nước ở độ cao gần 20m rồi nhảy ra ngoài.

Khi đã lên đến những tàu chiến khác nhau của hạm đội 7, các phi công của Air America chợt nhận ra rằng họ bị đối xử một cách tồi tệ. “Chúng tôi bị lính thuỷ đánh bộ trên tàu đối xử một cách thô bạo như thể chúng tôi là những tên tội phạm”, Wayne Lannin nhớ lại. “Có thể họ đã nghe được câu chuyện về những tên lính đánh thuê được trả lương hậu hĩnh để chuyên chở ma tuý. Họ lục soát thân thể chúng tôi kỹ lưỡng, tịch thu vũ khí cá nhân của chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ còn thấy được vũ khí của mình nữa. Một người trong chúng tôi bị mất 500 USD, hộ chiếu của anh ta bị một lính thuỷ đánh bộ lấy mất. Chỉ trong một đêm ở trên tàu của Hạm đội 7, chúng tôi mất nhiều hơn toàn bộ những gì đã mất trong suốt những năm hoạt động ở Việt Nam”.

Đến 8h sáng hôm sau, những người tham gia chiến dịch di tản của Air America đã ngồi trong một căn phòng nóng tới 37 độ C và không có máy điều hoà nhiệt độ. Người của sứ quán Mỹ đã cố can thiệp nhưng các phi công vẫn phải ở đó cho tới 6h chiều. Lính thuỷ đánh bộ gác ngoài cửa và bất cứ ai muốn rời khỏi phòng đều bị ngăn cản thô bạo. “Trong đời tôi chưa bao giờ lại cảm thấy tồi tệ như khi ấy”, Lannin nói. “Nó làm tôi bị tổn thương nặng nề. Tôi không muốn mình rời Việt Nam theo cách này”.
Phương án IV, chiến dịch di tản trong những ngày cuối cùng của Mỹ ở việt Nam, là chiến dịch di tản bằng máy bay lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong 18 giờ cuối cùng, 70 máy bay cùng 865 lính thuỷ đánh bộ đã thực hiện hơn 630 phi vụ, di tản 1.373 người Mỹ, 5.595 người Việt và 85 người có quốc tịch khác nhau. Một cuộc chiến tranh của Mỹ được ghi dấu bằng những vụ thảm sát, ném bom, cướp đi sinh mạng của bao người đã chấm dứt với chiến dịch tháo chạy trên quy mô lớn như thế. Hết.

(Theo Thanh Niên)

Print Print E-mail Print