Vietnamdefence.com

 

Scandal 380 điệp viên bị “lột áo” và cô thư ký “vật ngã” 3 ông tướng

VietnamDefence - Chuyện hy hữu trong lịch sử tình báo mới nổ ra ở Czech danh tính hàng ngàn nhân viên, điệp viên tình báo quân sự Czech những năm 1948-1990, trong đó những người đang hoạt động, đã bị tiết lộ; cũng như vụ 3 ông tướng phải “về hưu non” bởi một cô thư ký.


Biểu trưng Cục Tình báo quân sự Czech VZ

Tạo ra scandal này là tờ Mlada fronta Dnes và nhà báo Jaroslaw Kmenta, người mà chỉ trong 5 năm gần đây đã làm cho 2 thủ tướng Czech về vườn, viết 3 cuốn sách về mafia Czech hiện đại.

Sự việc đã được Mlada fronta dnes (Hôm nay), nhật báo lớn thứ hai ở Czech, đưa tin ngày 2.8.2010.

Theo tờ Mlada fronta Dnes, Viện Nghiên cứu các chế độ toàn trị (USTR) đã công bố danh sách do các nhân viên và điệp viên tình báo quân sự làm việc đến tháng 2.1990 trên websita của Viện này vào tháng 4.2010.

Điều kỳ lạ là thông tin này do chính Cục Tình báo quân sự (Vojenské zpravodajství, VZ) của Bộ Quốc phòng Czech cung cấp và được Cơ quan An ninh và Thông tin (Bezpečnostní informační služba, BIS), cơ quan phản gián Czech, “cho qua”.

Hậu quả tai hại

Biểu trưng cơ quan phản gián Czech BIS

“Không ai để ý là từ năm 1989, nhiều điệp viên và cán bộ tình báo vẫn giữ nguyên cương vị và tiếp tục làm việc cho các cơ quan đặc vụ hiện nay”, Mlada fronta dnes viết, song cũng nói thêm là không biết chính xác số lượng điệp viên còn lại trong biên chế từ thời đó.

Chính phủ Czech tìm cách dìm vụ này đi. Hoảng quá, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Czech Jan Pejsek vội thanh minh, thanh nga ngày 2.8.2010, gọi đây là sự việc "rắc rối", nhưng khẳng định, việc này “không đe dọa hoạt động của các cơ quan tình báo bởi vì không có tên tuổi của điệp viên tại nhiệm nào bị tiết lộ”. Nhưng ông ta thú nhận, việc này “có thể gây phiền toái” cho những ai còn đang làm ngoại giao hay kinh doanh.

Giám đốc an ninh của Cục Tình báo quân sự VZ là Štefan Bačinský bào chữa là ông đã buộc phải cung cấp tài liệu về điệp viên Tiệp Khắc thời XHCN theo một đạo luật thông qua năm 2008, nhưng ông không thể giải thích vì sao cơ quan của ông lại không tính đến yếu tố một số nhân viên thời đó vẫn đang tiếp tục hoạt động tình báo.

USTR đã thừa nhận sai sót này và Giám đốc lưu trữ của viện này là Ladislav Bukovszky đã bị sa thải.

Phải 2 tháng sau, tình báo quân sự Czech mới hiểu ra sự tắc trách dại dột của họ có thể gây hậu quả bi thảm đối với một số nhân viên và điệp viên của họ.

Ông Štefan Bačinský đã phải gửi thư đến Viện USTR yêu cầu rút bỏ khỏi mạng Internet 356 cái tên trong số đó. Đáp ứng yêu cầu đó, Viện USTR đã rút bỏ 356 người khỏi danh sách. Nhưng 1 tháng sau, tình báo quân sự Czech lại phát hiện ra là thông tin về 24 điệp viên còn lại cũng còn bí mật quá nên lại viết lá thư nữa đến Viện USTR yêu cầu bỏ tên họ, và 1 tháng sau điều này đã được thực hiện.

Scandal này gây ra nhiều hậu quả tức thì và lâu dài đối với tình báo quân sự Czech. Các chuyên gia tình báo cho rằng, việc đăng danh sách này sẽ giúp các cơ quan tình báo nước ngoài khám phá các nguồn tin của các điệp viên đã bị lộ và làm cho VZ mất uy tín nghiêm trọng trong con mắt của các đối tác, và nhân viên, điệp viên của mình. Từ nay, tình báo quân sự Czech sẽ khó tuyển mộ điệp viên mới hơn nhiều.

Trong danh sách có danh tính 380 nhân viên và điệp viên tình báo quân sự tiếp tục làm việc cho Czech sau khi chế độ XHCN sụp đổ, thậm chí có không ít điệp viên của Slovakia. Trong số các điệp viên Czech bị cấp trên của mình “lột áo” có nhiều nhà ngoại giao cho đến gần đây làm việc ở các sứ quán Czech tại Nga, Ukraine và Belarus, một số đến nay vẫn làm việc ở Bộ Ngoại giao Czech.

Khi lá thư từ Cục Tình báo quân sự VZ đến được USTR thì việc đăng tải danh sách đã kịp hủy hoại sự nghiệp của hàng loạt nhà ngoại giao Czech. Theo MfD, nhân viên tình báo quân sự Czech mang hộ chiếu ngoại giao có mặt ở Nga, Ukraine và Macedonia.

Bộ Ngoại giao Czech đã lẳng lặng và nhanh chóng thay thế hàng loạt vị trí. Ông Václav Mleziwa, quan chức cao cấp, có thâm niên nhiều năm đã phải tức rốc rời khỏi cơ quan đại diện Czech tại thủ đô Skopje của Macedonia vì có tên trong danh sách.

Cựu đại biện lâm thời Czech tại Nga František Masopust (trái) và thị trưởng Moskva Yuri Luzhkov (bên phải) nay lộ nguyên hình là sĩ quan tình báo quân sự Czech

Trong danh sách có cả cựu đại biện lâm thời Czech tại Nga František Masopust, hiện là Giám đốc điều hành Viện hợp tác kinh tế với các nước SNG. Nay thì ai cũng biết František Masopust trong suốt thời gian đó còn cung cấp tin cho tình báo quân sự Czech. Vài điệp viên khác đã khẩn cấp rút khỏi Ukraine.

Hiện chưa biết còn ai nữa bị tổn hại bởi hành động vô trách nhiệm của lãnh đạo tình báo quân sự Czech, song nhà báo Jaroslaw Kmenta trong bài báo của mình đã viết rằng, một số cựu gián điệp hoặc điệp viên của họ có nguy cơ vào tù thậm chí mất mạng tùy thuộc vào địa bàn mà họ hoạt động.

Giới tình báo Czech, kể cả một số điệp viên bị “vạch áo” đã phản ứng gay gắt và phẫn nộ vì sự tắc trách của cấp trên.

Tướng Andor Šándor, cựu chỉ huy tình báo quân sự Czech cho rằng, “việc tiết lộ thông tin của những người đã hoạt động ở nước ngoài dưới vỏ bọc dân sự tại các sứ quán Cộng hòa Czech là đặc biệt không thể dung thứ” và hành động không khảo mà xưng ngu ngốc này có thể gây tổn hại lớn cho lợi ích quốc gia.

Tướng Andor Šándor, cựu chỉ huy tình báo quân sự Czech

Ông nói: “Quốc hội đã thông qua luật quy định tình báo quân sự phải cung cấp thông tin về các nhân viên của mình làm việc thời cộng sản cho Viện. Và cơ quan đặc biệt này đã lợi dụng không suy nghĩ lá bài này và công bố các thông tin, trong đó có thông tin về những người đã và đang tiếp tục làm việc cho tình báo sau khi thay đổi chế độ, bỏ qua mọi thủ tục kiểm duyệt cần thiết”.

Theo ông, hành động không khảo mà xưng ngu ngốc này có thể gây tổn hại lớn cho lợi ích quốc gia. Nhưng nếu chỉ công bố thông tin về các điệp viên đang hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao thì còn có thể chịu được, vì từ xa xưa người ta đã biết phần lớn nhân viên tại các sứ quán là tình báo chuyên nghiệp, thì thông tin về các tình báo viên đang tiếp tục hoạt động ở nước ngoài dưới các vỏ bọc khác, không phải của nhà nước sẽ tạo ra nguy cơ lớn cho họ, thậm chí đe dọa tính mạng của họ. “Cực kỳ ngu ngốc khi đăng danh tính những người làm việc cho anh dù là ở Praha hay ở nước ngoài”, Tướng Andor Šándor nói.

Cựu sĩ quan tình báo quân sự Czech Jiri Ruzek đánh giá đây là việc nghiêm trọng: “Nếu điều này là đúng thì đó sẽ là một vấn đề lớn, họ (các điệp viên bị nêu tên) sẽ phải về nhà ngay”. 

“Xét từ góc độ chuẩn mực của các cơ quan tình báo, việc bộc lộ điệp viên là việc làm rất mất thể diện. Điệp viên thường được giữ bí mật suốt đời”, cựu đại tá Igor Korotchenko, chuyên gia quân sự, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng của Nga nói.

Cựu đại biện lâm thời Czech tại Nga  František Masopust
trong suốt thời gian làm việc tại Nga
đồng thời cung cấp tin cho tình báo quân sự Czech

Ông Masopust, nay là Giám đốc Phòng thương mại công nghiệp về hợp tác với SNG, bình luận trên tờ MfD nói rằng, ông đã nổi điên với hành vi vô trách nhiệm của đồng nghiệp. “Luật pháp là luật pháp, song ở Czech còn có một luật khác nói rõ rằng, sự liên hệ với một cơ quan tình báo là thông tin mật, không được tiết lộ. Trong luật thậm chí không xác định thời hiệu mà đến lúc đó thông tin này có thể giải mật”.

Ông cho biết: “Tôi đã biết họ làm lộ tôi. Điều đó có xúc phạm tôi hay làm tôi tức giận không ư? Đó là nói nhẹ đi đó. Chuyện như thế này không thể xảy ra ở một quốc gia bình thường”.

Điều thú vị là có thể Praha còn gián tiếp làm hại người Mỹ. Bởi lẽ, các chuyên gia không loại trừ là từ 20 năm trước, tình báo Mỹ đã tuyển lại các điệp viên giá trị nhất của Czech sau khi nhận được danh sách điệp viên của Czech. Nay thì giá trị của họ là bằng không.

Thực ra, danh sách này cũng chẳng còn là bí mật gì đối với phương Tây. Đúng 20 năm trước, lãnh đạo Tiệp Khắc hồi đó đã ngoan ngoãn trao cho Washington và các đồng minh châu Âu toàn bộ thông tin về các lưới tình báo của CHXHCN Tiệp Khắc, trong chớp mắt bán đứng toàn bộ các nhân viên và điệp viên nước ngoài của mình. Không một nước Trung và Đông Âu nào từ bỏ con đường XHCN vào cuối năm 1989 dám làm điều đó.

Trước đó, điều tương tự đã xảy ra ở CHDC Đức trước đây khi mà sau khi thống nhất nước Đức, thông tin về các nhân viên Stasi dã bị công bố. Nhưng nhiều người trong số đó đã chuyển sang làm việc cho tình báo CHLB Đức và các chuyên gia Tây Đức cho rằng, việc làm này đã buộc tình báo Đức trả giá rất đắt. 

Tuy vậy, Liên Xô trước đây và NATO vẫn chưa phải là cả thế giới, nên việc đăng tải danh sách này vẫn là một khám phá thực sự đối với nhiều người.

Thời kỳ khó khăn đã bắt đầu với tình báo Czech khi chính đất nước họ hành động chống lại họ. Có thể gọi gì khác hơn việc đăng tải danh sách điệp viên, kể cả tại ngũ lên Internet?

Đến vụ mỹ nam kế

Cuối tháng 7, cũng xảy ra một scandal gián điệp ầm ĩ khiến 3 ông tướng Czech đã phải “tự nguyện” về hưu. Ngày 30.7.2010, tờ báo Die Welt của Berlin đưa tin từ Praha về “vụ nữ thư ký của 3 ông tướng”.

Trong vụ này, một nữ thiếu tá công tác tại Bộ Quốc phòng Czech đã mắc bẫy “mỹ nam kế” của tình báo Nga. Vì “say nắng” anh bạn Robert Rakhardzho bị nghi là điệp viên Nga, một nhà tâm lý học làm việc Tổng cục trại giam ở Praha, cô đã moi được khối bí mật từ 3 ông tướng và cung cấp cho người tình.

Đó là 3 ông tướng danh giá: trung tướng František Hrabal, cựu chánh văn phòng quân sự của Tổng thống Czech Vaclav Klaus; thiếu tướng Josef Sedlák, đại diện Czech tại Bộ tư lệnh tối cao NATO ở châu Âu; và thiếu tướng Josef Prokš, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất quân đội Czech.

Đôi này bị theo dõi 5 năm trời, song cuối cùng anh chàng Robert Rakhardzho đã kịp biến mất không dấu vết. Còn các vị tướng Czech tỏ ra ngơ ngác không hiểu họ đã có thể nhỏ to những bí mật gì với cô thư ký. Cựu nữ thiếu tá cũng không còn tại ngũ nữa, song cô thề sống thề chết là không dính dáng gì đến gián điệp và không biết bạn trai cô làm gì. 

Các nạn nhân của cô thư ký (từ trái qua phải): Trung tướng František Hrabal, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất Thiếu tướng Josef Prokš, Đại diện Czech tại Bộ tư lệnh tối cao NATO ở châu Âu, Thiếu tướng Josef Sedlák

Print Print E-mail Print