Vietnamdefence.com

 

J-20 dùng công nghệ F-35 ăn cắp

VietnamDefence - Các nhà thiết kế máy bay Trung Quốc đã lấy được các công nghệ của F-35 Lightning II bằng hoạt động gián điệp mạng của tình báo Trung Quốc từ năm 2007, báo chí Mỹ dẫn các nguồn tại Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin.

Theo tờ Washington Freebeacon, công ty Lockheed Martin, hãng phát triển F-35, đã trở thành nạn nhân nhiều năm của gián điệp mạng nhằm vào các chương trình mục tiêu của chính phủ và công nghiệp Mỹ.

Tháng 1/2014, tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu) dẫn các nguồn tin trong đảng cộng sản Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc đã nắm được các công nghệ then chốt của tiêm kích Mỹ F-35 Lightning II và các nhà thiết kế máy bay đã sử dụng chúng để chế tạo tiêm kích thế hệ 5 J-20 mẫu số 2011. Tuy nhiên, tờ báo không xác nhận việc đánh cắp dữ liệu.

Theo Global Times, trong số các công nghệ có được có hệ thống dẫn đường quang-điện tử, loa phụt phản lực có điều khiển và các hệ thống radar tối tân.

Các chuyên gia quân sự Mỹ thì cho rằng, các công nghệ đã bị đánh cắp. Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, dữ liệu đã bị Phòng Tình báo kỹ thuật ở Thành Đô lấy được và chuyển cho tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc AVIC.

Công ty con của AVIC là hãng chế tạo máy bay Thành Đô đã sử dụng các công nghệ này để chế tạo J-20 vốn được giới thiệu vào cuối tháng 2/2014, các nguồn tin trong tình báo Mỹ tiết lộ với Freebeacon.

Lầu Năm góc lo ngại rằng, việc thất thoát công nghệ có thể xảy ra do hợp đồng lập liên doanh ký năm 2011 giữa hãng General Electric và AVIC.

Chính quyền Obama đã phớt lờ sự lo ngại của Bộ Quốc phòng Mỹ nên đã làm suy yếu có hệ thống việc kiểm soát chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.

Các bức ảnh chụp J-20 mà báo chí Trung Quốc loan truyền đã khẳng định những phỏng đoán của các quan chức Mỹ về “những công nghệ bị đánh cắp”.

Lần đầu tiên, các bức ảnh chụp mẫu chế thử này xuất hiện vào tháng 12/2013 và tháng 1/2014. Có vẻ như các bức ảnh đã bị xử lý số, nhưng vẫn rõ số hiệu 2011, cũng như những thay đổi nhằm cải thiện hoạt động của động cở và khả năng chiến đấu.

Mép trên của các bộ hút khí động cơ được kéo xuống, các cánh đứng bị gọi bớt theo phần trên mép sau, cửa càng chính và các khoang vũ khí thấy rõ hơn các răng cưa để giảm độ bộc lộ radar, vòm kính buồng lái có “lưỡi trai” như ở F-35.

Ngoài ra, trên J-20 cũng ứng dụng hệ thống sensor hồng ngoại phân tán như ở F-35. Một trong những khí tài mới đáng kể nhất ở J-20 là hệ thống dẫn đường quang-điện tử gắn ở dưới phần mũi máy bay.

Các chuyên gia cho rằng, các công nghệ mà Trung Quốc đánh cắp được gây tổn hại nặng nề cho tính độc đáo của F-35.

J-20 bay lần đầu năm 2011, nhưng hồi đó mẫu chế thử vẫn chưa đạt được trình độ của các đối thủ F-22 của Mỹ và T-50 của Nga.

Trong số các nhược điểm của J-20 các nhà bình luận quân sự nêu lên công suất động cơ không đủ mạnh, không thể bay siêu hành trình, hệ thống radar lạc hậu và công nghệ tàng hình radar kém.

J-20 bay thử từ tháng 1/2011. Không lâu sau chuyến bay đầu tiên của J-20, nhiều chuyên gia Mỹ tuyên bố, khi thiết kế J-20, Trung Quốc đã sử dụng nhiều công nghệ tàng hình mà Mỹ đã áp dụng cho F-117 Nighthawk. Họ cho rằng, các chuyên gia Trung Quốc đã nghiên cứu các mảnh vỡ chiếc F-117 bị bắn rơi ở Serbia năm 1999.

Tháng 2/2011, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, họ không sử dụng công nghệ tàng hình Mỹ, không sao chép các công nghệ này để chế tạo J-20.

Tiêm kích hạng nặng J-20 được thiết kế theo sơ đồ khí động kiểu “vịt” với cánh hình tam giác đặt cao, tích hợp với thân. Các cánh đứng đuôi quay toàn phần có góc ngả lớn về hai bên trục dọc; các bầu động cơ nằm dưới cánh. Các mẫu chế thử số 2001, 2002 và 2011 được trang bị 2 động cơ thuộc các loại AL-31F hay AL-41F của Nga, cũng như WS-10A của Trung Quốc. Hiện chưa rõ các tính năng kỹ thuật của J-20.

Nguồn: Washington Freebeacon, VZ, 13.3, Lenta, 14.3.2014.

Print Print E-mail Print