Vietnamdefence.com

 

GRU - Tuyển mộ (3)

VietnamDefence - Một trong những nguồn tin giá trị cho tình báo vô tuyến điện tử quân sự là ngành điệp báo của GRU.

Chẳng hạn như Thủ tướng Canada King có cơ quan cơ yếu riêng của mình. Nhưng bất chấp điều đó, các bức điện mà Churchill gửi cho ông ta vẫn bị các nhân viên trung tâm GRU ở sứ quán Liên Xô tại Ottawa đọc trước tiên, rồi sau đó chúng mới được báo cáo cho King. Còn các bức điện của King gửi Churchill thì ở Moskva người ta đọc trước cả khi chúng đến được với thủ tướng Anh. Và tất cả là nhờ GRU đã thu hút được nhân viên cơ yếu của King hợp tác.

Thực ra cũng lại chuyện thường xảy ra với phụ nữ như mọi khi - một sự không ăn khớp nhỏ đã xuất hiện. Cô ta đã phải lòng liên lạc viên của mình là trung uý GRU Pavel Angelov. “Cô ta lúc nào cũng đòi hôn hít”, Angelov than phiền với cấp trên. Đáp lại cấp trên trả lời anh rất có lý: “Nếu cần cho công việc thì dù đến con ma anh cũng phải hôn. Đây là lệnh - cứ hôn đi!”

Nhưng không phải lúc nào sự nhiệt tình mà điệp báo thể hiện trong việc thu thập mật mã nước ngoài đều dẫn đến các kết quả tích cực như trong câu chuyện của Dmitri Volokhov.

Dmitri Volokhov là công dân Pháp, sinh năm 1942 trong một gia đình người Nga di cư từ Nga sang Pháp sau Cách mạng tháng Mười năm 1917. Đến năm 27 tuổi, Volokhov đã kịp tốt nghiệp Trường Ngôn ngữ phương Đông ở Paris, là cử nhân khoa học tự nhiên và có bằng đại học của Viện Nghiên cứu hạt nhân Pháp, nơi sau này anh cũng bảo vệ luận án tiến sĩ. Năm 1959, Volokhov bị gọi nhập ngũ vào một trung đoàn công binh. Tại đây nguồn gốc dân tộc Nga của Volokhov đã khiến một sĩ quan quan tâm. Một lần, viên sĩ quan đó hỏi anh ta có muốn làm một báo cáo tổng hợp về các kế hoạch năm năm của Liên Xô cho các bạn đồng ngũ không. Nếu cần thì viên sĩ quan này có thể cấp cho Volokhov giấy phép đặc biệt đi Paris để lấy tư liệu. Volokhov vui sướng nhận lời.

Khi đến Paris, Volokhov lập tức đến ngay phố nhà số 8, Pronie vốn là trú sở của Phòng Thông tin Liên Xô. Tiếp anh ta là Trưởng Phòng Thông tin Aleksei Striganov, một sĩ quan GRU. Câu chuyện diễn ra thật dễ chịu và Striganov nhanh chóng biết mọi chuyện về Volokhov. Cả xuất xứ dân tộc Nga, học vấn, phục vụ trong quân đội - tất cả điều đó làm sĩ quan tình báo Nga sướng mê. Ngay trước khi chia tay, Striganov nói anh cần một phiên dịch viên. Những chuyện không quan trọng nhưng điều đó làm cuộc sống của Striganov sẽ dễ dàng hơn nếu chàng thanh niên này có thể giúp đỡ! Dĩ nhiên là có thù lao.

Volokhov không do dự lấy một giây bởi vì anh ta mới cưới vợ, đã là bố và anh ta rất chật vật chu cấp cho vợ và đứa nhỏ bằng đồng lương lính èo uột. Volokhov ra về với mấy bài báo kẹp dưới nách để dịch. Sau đó, anh ta còn đến phố Pronie nhiều lần để lấy tài liệu dịch. Striganov nói là rất hài lòng với chất lượng bài dịch của Volokhov và trả rất hậu. Mỗi lần thanh toán, anh lại yêu cầu Volokhov ký giấy biên nhận tiền. Nhưng Striganov đã xua tan mọi nghi ngờ của Volokhov bằng cách liên tục nhắc đi nhắc lại rằng: “Anh có thể viết tên ai cũng được. Điều đó chả quan trọng gì. Cái đó chỉ để báo cáo ấy mà”. Mọi việc tiếp diễn như thế trong mấy tuần.

Trong khi đó, Volokhov được chuyển từ trung đoàn công binh sang phòng thí nghiệm đo lường bức xạ. Việc điều chuyển Volokhov cũng trùng với mưu toan đầu tiên của Striganov bắt đầu dò hỏi về công việc của anh ta. Volokhov sợ hãi không dám đến ngôi nhà trên phố Pronie nữa. Thế là Striganov hậu đậu đã bị loại, không cho làm việc tiếp với Volokhov và được thay bằng một sĩ quan tình báo quân sự Liên Xô khác là Poroinyakov. Anh này đã nối lại quan hệ với Volokhov, rút kinh nghiệm từ bài học cay đắng của Striganov nên anh không vội vã.

Sau một số cuộc nói chuyện thân mật, Poroinyakov đã phát hiện ra Volokhov mộ đạo khủng khiếp, nhưng lại thú nhận về tính vô thần của mình, đồng thời cũng thừa nhận là đôi khi có những nghi ngờ len lỏi vào tâm hồn vô thần của anh ta. Giữa Volokhov và Poroinyakov đã nảy sinh một tình bạn thân thiết. Volokhov cố giúp người bạn Liên Xô tìm đường đến với Chúa, đồng thời tăng đáng kể thu nhập của mình. Tuy nhiên, lúc này anh ta không dịch tài liệu nữa mà là bán tài liệu mật cho tình báo Liên Xô.

Sau khi xuất ngũ năm 1960, Volokhov làm kỹ sư nguyên tử tại một hãng chuyên xây dựng nhà máy tách đồng vị phóng xạ ở Paris. Trong bốn năm tiếp đó cho đến khi Volokhov bỏ việc ở đây để vào làm ở một hãng kém hấp dẫn hơn đối với tình báo Liên Xô, Volokhov đã là nguồn tin hiệu quả nhất của GRU ở Pháp.

Tháng 10 năm 1972, sau khi lần lượt ở dưới sự “bảo trợ” của bốn sĩ quan GRU, Volokhov rơi vào tay sĩ quan thứ năm - đại tá Yuri Ryleyev, trợ lý tuỳ viên quân sự sứ quán Liên Xô ở Paris và kể với ông ta một chuyện chưa từng kể với sĩ quan nào trước đó. Bố vợ Volokhov là Jacques P. là một nhân viên cơ yếu ở sứ quán Pháp tại Beograd (thủ đô Nam Tư trước đây). Do quá quan tâm, Ryleyev đã yêu cầu Volokhov thăm dò Jacques xem ông ta có hợp tác với GRU không. Volokhov với giọng đùa cợt đã nói chuyện với bố vợ về vấn đề gai góc này và mang triển vọng kiếm được nhiều tiền ra làm mồi nhử. Nhưng Jacques không bắt chuyện. Hôm sau, Ryleyev hỏi về phản ứng của nhân viên cơ yếu kia và Volokhov nói rằng ông ta im lặng. Do hiểu nhầm sự ngập ngừng này nên Ryleyev đã cầm thư giới thiệu của Volokhov đến gặp Jacques sau khi đã trả cho anh ta 1500 Franc và lên đường đi Beograd để tuyển mộ điệp viên mới.

Tối 30 tháng 8 năm 1971, tại nhà Jacques P. xuất hiện một người lạ mặt, tự xưng là bạn của Volokhov và đưa lá thư giới thiệu của anh ta làm chứng. Sau mấy câu nói vớ vẩn về mùa hè đang kết thúc, Jacques nghe thấy vị khách không mời này nói là đến Beograd không phải để du lịch mà anh ta quan tâm hơn nhiều đến các loại mật mã mà các sứ quán Pháp sử dụng. Dĩ nhiên, Jacques sẽ nhận được nhiều tiền cho các thông tin này. Jacques sửng sốt. Mấy phút sau khi hiểu được điều nghe thấy, ông ta nổi khùng và tống cổ chuyên gia tuyển mộ điệp viên không mời mà đến nọ ra khỏi nhà.

Hôm sau, sau khi kết luận điều mới xảy ra không phải là chuyện đùa, Jacques đã báo cáo cho cấp trên của mình ở Bộ Ngoại giao Pháp. Nhưng điều xảy ra chẳng hề giống với hành động của một tình báo viên nước ngoài nhà nghề nên Jacques nghĩ đây là biện pháp kiểm tra mới của Cơ quan an ninh Bộ Ngoại giao Pháp. Bởi vậy, anh ta đã kể hầu như hết tất cả, kể cả lá thư giới thiệu của con rể mình.

Ngày 3 tháng 5 năm 1972, toà án an ninh quốc gia Pháp đã kết án Dmitri 10 năm tù.

Print Print E-mail Print