VietnamDefence -
Mùa hè năm 1987, lãnh đạo NSA đã được phép của Tổng thống Reagan thay thế toàn bộ máy móc đã bị “nhiễm” ở sứ quán Mỹ tại Moskva, cũng như ở lãnh sự quán tại Leningrad.
Chiến dịch có mật danh “Xạ thủ”. Người ta đã phải dùng tới 120 hòm chỉ để vận chuyển máy móc của sứ quán. Sau khi nhận được hàng, 20 chuyên gia ở Fort Meade đã bắt tay vào rờ mó, dò xét, chiếu tia Roentgen kỹ lưỡng và dò khám các thiết bị kỹ thuật được đưa tới ở dải hồng ngoại.
Có hai giả thiết lý giải khác nhau về kết quả kiểm tra máy móc được đưa khẩn cấp khỏi Liên Xô. Cả hai giả thiết đều đồng nhất ở chỗ trong các máy in máy tính đặt trong phòng của Bộ phận các chương trình truyền thông đã tìm thấy những con rệp là các vi mạch lắp pin nhỏ. Tiếp đó thì hai giả thiết này khác nhau.
Theo giả thiết đầu tiên, người ta không tìm thấy gì thêm khi kiểm tra số máy móc của các phòng cơ yếu. Ban đầu, trong một máy mã được kiểm tra đã tìm thấy một bản mạch từng được dùng để thay thế một bản mạch giống như vậy. Bản mạch mới này khiến người ta nghi ngờ vì nó không được phủ bằng một chất dẻo đặc biệt vốn là bằng chứng cho thấy chính các chuyên gia đã tiến hành thay thế. Tín hiệu báo động này là giả vì khi tiếp tục khám xét, người ta phát hiện được chính các kỹ sư của Bộ Ngoại giao Mỹ đã sửa chữa máy mã và họ chưa từng nghe thấy loại hợp chất dẻo đặc biệt nào để phủ bản mạch.
Sau đó, các nhân viên NSA đã tìm thấy trong một máy mã khác một dây dẫn đáng ngờ chạy từ trong phần thân máy được bọc kín ra ngoài. Nhưng sau họ hiểu ra đây là phát minh của nhân viên cơ yếu dùng để nối thiết bị báo hiệu với máy mã để báo hiệu khi các bức điện bắt đầu chạy qua máy mã. Các phát hiện bất ngờ chấm dứt ở đây.
Nếu nhìn từ giác độ giả thiết thứ nhất thì chỉ còn một câu hỏi vẫn còn để ngỏ. Đó là các vi mạch trong các máy in làm việc nhờ pin thì đối phương phải có cách để đột nhập vào sứ quán để thay pin chứ. Uỷ ban đặc biệt đã kiểm tra chế độ an ninh ở sứ quán. Một thành viên uỷ ban đã viết báo cáo trong đó cảnh báo rằng, các nhân viên KGB ban đêm đã bò theo tường nhà sứ quán và đột nhập qua cửa tò vò nhỏ xíu.
Các nhân viên CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đến chỗ cửa tò vò đề cập trong báo cáo thì thấy nó đã bị bịt kín. Số phân chim tích tụ trên khung cửa và bậu cửa đã nằm yên ở đó ít ra khoảng 20 năm. Nhưng nếu như các nhân viên KGB không chui vào sứ quán qua các cửa sổ (như kiểm tra cho thấy) hay qua các cánh cửa (các lính thuỷ đánh bộ Mỹ đứng suốt ngày đêm) thì họ vào bằng cách nào? Bởi lẽ Lonetree, theo lời anh ta, đã cài rệp ở chỗ đại sứ, phó đại sứ và trưởng bộ phân an ninh sứ quán chứ không phải trong các phòng của Bộ phận các chương trình truyền thông. Có nghĩa là việc đó là do Bracy, kẻ đã được công nhận vô tội, làm ư?
Theo giả thiết khác, việc tìm kiếm của các chuyên gia NSA còn có một thành công khác. Họ đã phát hiện ra đường dây cấp điện cho phòng Bộ phận các chương trình truyền thông đã bị thay bằng một đường dây bề ngoài giống như thế nhưng lại có thể là một bộ tiếp phát cho bản rõ các bức điện mật mã gửi đến sứ quán được in trên các máy in đã bị cài rệp. Các thông tin đó do chính các con rệp công suất nhỏ trong các máy in đưa đến đường dây điện kiêm bộ tiếp phát. Nhưng cả giả thiết này cũng vẫn còn có câu hỏi thể giải đáp - làm thế nào để các con rệp và đường dây lưỡng dụng kia lọt được vào sứ quán? Chớ có hoài công tìm kiếm câu trả lời của NSA đó bởi vì nó luôn giữ im lặng tuyệt đối về công việc của mình, hơn nữa đây lại nói về những sơ xuất, thất bại của họ.
Bên ngoài NSA, nhiều quan chức chính phủ và các cơ quan nhà nước Mỹ, kể cả cựu tổng thống Reagan, đã được cung cấp thông tin trung thực về vở kịch được diễn trong thập niên 1980 ở toà nhà sứ quán Mỹ trên phố Chaikovsky. Họ đã có thể khẳng định hay phủ nhận các giả thiết nêu trên và đưa ra các giả thiết của mình khác với các giả thiết kia. Nhưng cả các quan chức vì những lý do dễ hiểu cũng im lặng.
Sau khi phát giác được sĩ quan CIA cao cấp Aldrich Ames vào năm 1994, người đã trong nhiều năm cung cấp tên tuổi các gián điệp CIA cho tình báo Liên Xô, người ta đã phải phải nhìn nhận khác đi về vụ Lonetree. Khi đã ở sau song sắt nhà tù, trong nhiều cuộc phỏng vấn báo chí, Ames tuyên bố việc tuyển mộ Lonetree và cài rệp trong toà nhà sứ quán là những mắt xích của một kế hoạch chung có mục đích chính là đánh lạc hướng nghi ngờ khỏi anh ta, khỏi Ames. Các luật sư của Lonetree đã chộp lấy các lời khai này. Theo họ, cần phải xem xét lại bản án quá nghiêm khắc đói với Lonetree vì anh ta đã cung cấp cho KGB những thông tin “vô ích” vốn đã được một điệp viên Liên Xô khác (Ames) cung cấp cho Moskva với quy mô lớn hơn. Mà điều đó thì lại chứng tỏ là vẫn còn sớm để đánh dấu chấm hết cho việc mô tả các sự kiện xung quanh toà đại sứ Mỹ ở Moskva trong thập niên 1980 và những khám phá mới có thể sẽ rọi thêm ánh sáng cả cho vụ Lonetree, cả cho hành vi lạ lùng của Bracy, cả vào vai trò thực sự của tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô trong thu thập tin tức về các điệp viên CIA ở Liên Xô.