VietnamDefence -
Trong cuốn sách “Bể cá” của Suvorov-Rezun, ngoài những thứ khác, có thể tìm thấy thông tin về vị trí của tình báo vô tuyến điện tử trong cơ cấu tổ chức của bộ tham mưu Tập đoàn quân 13, quân khu Prikarpat trong thập niên 1970.
Phòng 1 của bộ tham mưu tập đoàn quân này là Phòng Tác chiến, phụ trách lập kế hoạch tác chiến. Phòng 2 là Phòng Quân báo cung cấp cho Phòng 1 toàn bộ thông tin thu được về địch. Đứng đầu Phòng 2 của bộ tham mưu Tập đoàn quân 13 là trung tá Kravtsov, cấp trên của Suvorov-Rezun. Phòng này gồm có năm ban, trong đó Ban 5 phụ trách tình báo vô tuyến điện tử. Thuộc quyền của ban này có hai tiểu đoàn định vị và chặn thu, ngoài ra ban này còn kiểm soát hoạt động tình báo vô tuyến điện tử ở tất cả các sư đoàn thuộc Tập đoàn quân 13.
Rồi Kravtsov được thăng chức và cử giữ chức chỉ huy quân báo của toàn quân khu Prikarpat. Tác giả của “Bể cá” nối gót thủ trưởng của mình nên hắn có cơ hội tìm hiểu cơ cấu tổ chức của quân báo quân khu. Tổ chức của bộ tham mưu quân khu cũng giống như của bộ tham mưu tập đoàn quân, chỉ khác là tất cả đều ở một bậc cao hơn. Thay cho các phòng là các cục, các cục chia thành các phòng, còn các phòng chia thành các ban. Khi đã biết tổ chức của quân báo thuộc bộ tham mưu tập đoàn quân thì có thể dễ dàng hình dung cơ cấu các cơ quan quân báo bộ tham mưu quân khu.
Phòng 5 của quân báo bộ tham mưu quân khu lấy tin tức từ đâu? Theo Suvorov-Rezun thì cái mà tình báo vô tuyến điện tử của bộ tham mưu quân khu “mớm” cho khâu lập kế hoạch tác chiến có xuất xứ hoàn toàn tầm thường. Nguồn tin này được gọi là các biểu đồ hoạt động và bản chất của phương pháp thu tin tình báo này là theo dõi sát hoạt động của các đài vô tuyến điện đối phương. Với mỗi đài vô tuyến điện, họ lập một hồ sơ đặc biệt trong đó có các tin tức về chủng loại, chức năng, đơn vị và tần số làm việc.
Có rất nhiều bức điện mật mã được chính Phòng 5 giải mã. Nhưng cũng có những đài vô tuyến điện mà các bức điện mật mã của chúng nhiều năm không thể đọc được. Chính chúng là mối quan tâm chính bởi chúng là các đài quan trọng nhất. Dù có đọc được các bức điện của đài đó hay không thì vẫn phải lập một biểu đồ hoạt động của đài và bất kỳ lần nào nó lên sóng đều phải được ghi lại. Mỗi đài đều có tính chất, đặc điểm riêng: có đài chỉ hoạt động ban ngày, có đài chỉ hoạt động ban đêm, còn các đài khác lại có ngày nghỉ, số đài khác thì không. Và nếu như mỗi lần đài vô tuyến điện lên sóng đều được ghi lại và phân tích (công việc do chính Phòng 5 thực hiện) thì có thể nhanh chóng đoán trước hoạt động của đài.
Có giá trị vô giá đối với các cơ quan tình báo là các tin tức từ các lái xe ôtô tải của Liên Xô ở nước ngoài, các trưởng toa tàu, các tổ lái máy bay, các vận động viên thể thao và dĩ nhiên là từ điệp viên. Các thông tin vụn vặt này được máy tính so sánh với cường độ hoạt động trên làn sóng. Người ta cũng nhận được các quy luật, tính đến các trường hợp đặc biệt và các ngoại lệ ngoài nguyên tắc. Và kết quả của nhiều năm phân tích có thể là chẳng hạn như tiên đoán nếu một đài vô tuyến điện được Phòng 5 quân báo bộ tham mưu quân khu Prikarpat đặt mật danh là S-1000 hoạt động thì khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân Mỹ ở châu Âu sau một thời gian sẽ tăng lên.
Sau thời gian phục vụ tại quân báo quân khu Prikarpat, Kravtsov đã được cử làm Cục trưởng Cục 5 GRU. Ông cũng không quên những người “mình” nên Suvorov-Rezun đã trở thành thanh viên của “Bể cá” và vào giữa thập niên 1970, hắn lọt vào biên chế trung tâm tình báo GRU ở Tây Âu. Hắn đã mô tả chi tiết khu nhà trung tâm tình báo GRU trong toà nhà sứ quán Liên Xô ở Viên, cũng như hoạt động của Nhóm kỹ thuật và Nhóm kiểm soát vô tuyến điện thuộc Phòng 3-Cục 6 ở đây.
Phòng của trung tâm tình báo này chỉ có ba cửa sổ. Nó tách biệt với các phòng làm việc của GRU bởi hàng chục tầng cửa, vách ngăn bêtông và tường. Người ta cấm thảo luận các vấn đề bí mật tại đó. Đồng thời, cả ba cửa sổ đều được bảo vệ giống như mọi cửa sổ của mọi căn phòng của GRU. Nhìn từ bên ngoài, chúng không khác gì các cửa sổ khác, cũng có những chấn song như mọi nơi khác. Nhưng kính các cửa sổ này rất dày và hơi mờ nên từ bên ngoài rất khó thấy cái gì đang diễn ra bên trong. Thêm vào đó, các lớp kính dày ít rung động vì tiếng động bên ngoài. Kính cửa sổ được làm có vẻ không cẩn thận, chỗ dày, chỗ mỏng. Đây cũng là một mẹo tinh quái. Có người nào đó đã được giải thưởng vì phát minh loại kính không phẳng này. Nếu chiếu tia laser vào kính này (một cách để nghe lén từ xa qua cửa sổ đóng kín) thì nó sẽ tán xạ tia laser chiếu vào về các hướng một cách hỗn loạn nên không thể thu được tín hiệu phản xạ có chất lượng đảm bảo.
Dĩ nhiên là các cửa sổ không có cửa thông hơi, còn các hệ thống thông gió thì là loại đặc biệt và được bảo vệ cẩn mật. Mỗi cửa sổ đều lắp ba lớp kính, các khung cửa làm bằng kim loại, còn giữa các chi tiết bằng kim loại có các lớp đệm để giảm rung động. Các kính bên trong và bên ngoài cũng có vẻ bình thường, nhưng nếu nhìn gần vào khung ở giữa thì có thể thấy các lớp kính không ở chung một mặt phẳng. Mỗi kính đều được đặt chếch một góc khác nhau theo tính toán bằng máy tính và hơi mở về phía chính diện. Điều đó được thực hiện cũng là để ngăn ngừa sử dụng cửa sổ để nghe lén. Các bức tường hiển nhiên còn được bảo vệ tốt hơn. Các cửa phòng của trung tâm GRU ở sứ quán giống như cửa nắp kín của tàu ngầm và cũng được đóng kín chặt như thế. Trên các cánh cửa có khóa số với các bẫy cạm - bẫy cạm sẽ hoạt động nếu bấm không đúng tổ hợp số.
Đến Nhóm kỹ thuật cũng được che giấu và bảo vệ như thế đối với tai mắt người ngoài và tiến hành chặn thu, giải mã suốt ngày đêm các bức điện vô tuyến quân sự và chính phủ. Nhóm này làm việc phục vụ các cục bảo đảm tin tức của GRU bằng cách thu thập từng mẩu tin tức nhỏ để sở chỉ huy và một máy tính lớn ở đó thường xuyên ghép thành bức tranh chung của thế giới cho bộ chỉ huy cấp cao Lực lượng vũ trang Xô-viết.
Nhóm kiểm soát vô tuyến điện cũng tiến hành chặn thu, nhưng đó là loại hình hoạt động hoàn toàn khác. Nó chỉ hoạt động phục vụ trung tâm tình báo GRU tại chỗ và theo dõi hoạt động của cảnh sát. Nhóm này luôn biết cảnh sát đang làm gì, lực lượng cảnh sát được bố trí ra sao, các nhân viên mặc thường phục của họ đang theo dõi ai. Kiểm soát vô tuyến luôn có thể cho biết chẳng hạn hôm nay cảnh sát đang theo dõi một người Arập khả nghi, còn hôm qua tất cả lực lượng được tung vào việc bắt giữ bọn buôn ma tuý. Rất nhiều khi hoạt động của cảnh sát không thể giải thích được, nhưng khi đó Nhóm kiểm soát vô tuyến đã sẵn sàng cảnh báo những người quan tâm là ở quận nào của thành phố họ phát hiện ra hoạt động gia tăng đột biến khó hiểu này.