Vietnamdefence.com

 

GRU - Từ “bể cá” nhìn thấu cả thế giới (1)

VietnamDefence - Năm 1990, những cánh cửa toà nhà trụ sở KGB đồ sộ trên phố Lubyanka lần đầu tiên chính thức mở cho các phóng viên Liên Xô và nước ngoài. Hai năm sau, đến lượt một tổ chức khác, không kém quan trọng và bí mật là Tổng cục Tình báo (GRU)thuộc Bộ Tổng tham mưu

Con gà trống thức dậy đã sớm.
nhưng kẻ hung ác thức dậy còn sớm hơn.

K. Prutkov. “Những trước tác”



Tổng cục Tình báo - Bộ tổng tham mưu GRU

Năm 1990, những cánh cửa toà nhà trụ sở KGB đồ sộ trên phố Lubyanka lần đầu tiên chính thức mở cho các phóng viên Liên Xô và nước ngoài. Thời đó, người ta đã viết nhiều về việc này, nhiều lần đưa các câu chuyện lượm lặt được ở đó thành các sự kiện giật gân trong các chương trình truyền hình được mến mộ. Hai năm sau, đến lượt một tổ chức khác, không kém quan trọng và bí mật là Tổng cục Tình báo (GRU) thuộc Bộ Tổng tham mưu mà báo chí gọi là “Bể cá” (Akvarium). Căn nguyên của cái tên đó có thể bắt nguồn từ cuốn sách cùng tên của một cựu sĩ quan GRU có bí danh Viktor Suvorov (họ tên thật của gã là Vladimir Bogdanovich Rezun), trong đó hắn đã kể tỉ mỉ về các bí mật của tình báo quân sự Liên Xô. Mà cũng có thể GRU có cái tên này là do toà nhà trụ sở trên một phố yên tĩnh của Moskva lắp quá nhiều kính.

Mục tiêu chính của tình báo Liên Xô cũng như của các nước khác là thu thập, phân tích, khái quát các tin tức cực kỳ khác nhau, trên cơ sở đó đưa ra kết luận về mức độ nguy cơ chiến tranh tiềm tàng đối với quốc gia. Tình hình quân sự-chính trị trên thế giới đã thay đổi nhanh chóng, nhiệm vụ của tình báo quân sự cũng có những thay đổi. Chúng thay đổi trong một dải rộng - từ theo dõi hoạt động hàng ngày của lực lượng vũ trang nước ngoài cho đến việc tập trung nỗ lực trên các hướng tác chiến nguy hiểm nhất đối với Liên Xô. Các mục tiêu chú ý của GRU là quân đội, binh khí kỹ thuật và trang bị của chiến trường tưởng định. Trong đó có cả hệ thống đường giao thông - các con đường, sân bay, sông ngòi. Và dĩ nhiên là có cả khu vực kinh tế phục vụ quốc phòng của một nước đối thủ tiềm tàng của Liên Xô trong cuộc chiến tranh sắp tới.

Để đạt được các mục đích đặt ra, GRU luôn có các phương pháp đặc biệt của mình. Trước hết, thông tin cho GRU được những người hoạt động ở nước ngoài cung cấp. Mà đó không chỉ là các công dân Liên Xô mà cả người nước ngoài. Việc thăm viếng các triển lãm, triển lãm hàng không, đọc các ẩn phẩm sách báo nước ngoài cũng mang lại nhiều điều. Các phương pháp này được sử dụng chủ yếu bởi tình báo chiến lược, hay nói khác đi là điệp báo. Nhưng cung cấp thông tin có giá trị cho các chuyên gia phân tích của GRU không chỉ có con người.

Một hướng thu thập tin tình báo thứ hai là đặc quyền của tình báo vô tuyến điện tử. Nó bao gồm việc nghe lén toàn bộ làn sóng điện trên các tần số quân sự. Ngoài các loại hình tình báo nêu trên, còn có tình báo chiến dịch và trinh sát bộ đội - trên mặt đất, trên không và trên biển. Nó bao gồm các đơn vị trinh sát ở các quân khu và hạm đội trực thuộc các vị tư lệnh tương ứng.

Tuy thua kém KGB về nhiều mặt, GRU cũng tiến hành tình báo vô tuyến điện tử không kém phần mạnh mẽ. Cục 6 của GRU phụ trách thu thập tin tình báo ở dạng các tín hiệu điện tử. Các nguồn chủ yếu của thông tin này là các mạng truyền thông của không quân chiến lược và lục quân của Mỹ, của các nước NATO và Trung Quốc. GRU chặn thu cả các bức điện mã hoá và bức điện rõ đi qua các kênh liên lạc của các mạng này. Các trạm chặn thu của Cục 6-GRU bố trí tại thành phố Klimovsk ở ngoại ô Moskva, tại các quân khu của Bộ Quốc phòng trên lãnh thổ Liên Xô, cũng như trong các nhóm quân đóng ở Đông Âu.

Nhờ tên gián điệp Oleg Penkovsky, đại tá GRU, người Mỹ đã nắm được các tin tức chi tiết và chính xác về tình hình bố trí các trạm chặn thu của GRU ở các quân khu Liên Xô tiếp giáp với các nước không thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Những thông tin này hiển nhiên đã được một điệp viên Mỹ khác bổ sung. Đó là Dmitri Polyakov, một viên tướng tương lai của GRU mà vào cuối thập niên 1960 hắn là trưởng trạm chặn thu của GRU ở Rangoon (Myanmar). Polyakov cũng đã chuyển cho CIA tất cả các tài liệu về quân đội Trung Quốc và Việt Nam mà tình báo vô tuyến điện tử quân sự Liên Xô thu thập được ở đó.

Cục 6-GRU gồm có 4 phòng.

Phòng 1 - Phòng Tình báo vô tuyến điện tử - làm nhiệm vụ chặn thu và giải mã các bức điện thu từ các kênh liên lạc của nước ngoài. Phòng này lãnh đạo cái gọi là các đơn vị đặc nhiệm viết tắt là OSNAZ ở các quân khu và các nhóm quân Liên Xô ở Hungary, Cộng hoà Dân chủ Đức, Ba Lan và Tiệp Khắc. Theo chỉ đạo của Phòng Tình báo vô tuyến điện tử, OSNAZ đã thực hiện các hoạt động chặn thu các bức điện từ các mạng truyền thông nước ngoài là đối tượng theo dõi tình báo vô tuyến điện tử của GRU. Nhằm mục đích này, Phòng 1 - Cục 6 được biên chế 300 người cộng với 1.500 quân nhân và nhân viên dân sự khác.

Phòng 2 - Phòng Trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện của Cục 6-GRU - cũng sử dụng các trạm chặn thu đó và tiến hành theo dõi bằng các phương tiện điện tử đối với các nước giống như Phòng 1. Tuy vậy, đối tượng quan tâm của Phòng 2 là các tín hiệu vô tuyến điện, viễn trắc và các tín hiệu điện tử khác do các máy móc chỉ huy, phát hiện và theo dõi quân dụng bức xạ ra. Để chặn thu các tín hiệu này, Phòng 2 được sự hỗ trợ của các đơn vị OSNAZ tại các quân khu và nhóm quân của Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Phòng 3 - Phòng Bảo đảm kỹ thuật - làm nhiệm vụ bảo dưỡng các trạm chặn thu với máy móc thiết bị bố trí tại các toà nhà sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ Liên Xô trên khắp thế giới, cũng như các trạm chặn thu độc lập ở Cuba và Mông Cổ.

Phòng 4 - Phòng theo dõi của Cục 6-GRU - tiến hành theo dõi suốt ngày đêm toàn bộ thông tin mà Cục 6 thu được bằng các phương tiện tình báo vô tuyến điện tử. Nhiệm vụ chính của Phòng là theo dõi tình hình quân sự trên thế giới và nhất là những thay đổi lớn trong lực lượng vũ trang Mỹ. Mỗi sĩ quan của phòng này phụ trách một mục tiêu theo dõi của mình, trong đó có Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược, Bộ Chỉ huy Không quân Chiến thuật Mỹ và các mục tiêu khác. Trên cơ sở các tin tức thu được từ Phòng theo dõi, sĩ quan trực chiến phụ trách Cục 6 viết báo cáo tin ngày để đưa vào báo cáo tin hàng ngày của toàn bộ GRU.

Cục 6 còn được hỗ trợ bởi một số đơn vị và cơ quan GRU cũng liên quan đến tình báo vô tuyến điện tử. Sở chỉ huy GRU với nhiệm vụ tiến hành theo dõi suốt ngày đêm nhằm phát hiện các dấu hiệu một cuộc tấn công đang chuẩn bị vào Liên Xô cũng sử dụng thông tin mà Cục 6 gửi đến cho việc này. Các cục bảo đảm thông tin làm nhiệm vụ đánh giá các báo cáo tin tình báo do Cục 6 cung cấp. Cơ quan mã thám làm nhiệm vụ giải phá các bức điện mật mã chặn thu được. Bộ phận này trực thuộc trực tiếp Tổng cục trưởng GRU và nằm trên đại lộ Komsomolsky ở Moskva.

Mục tiêu chính của bộ phận mã thám là đọc các bức điện mật mã  từ các mạng liên lạc quân sự chiến thuật. Trung tâm máy tính đặc biệt của GRU xử lý bằng máy tính thông tin thu được nhờ các phương tiện tình báo vô tuyến điện tử được đưa đến. Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương ở Moskva tiến hành phát triển các thiết bị tình báo vô tuyến điện tử chuyên dụng, còn việc sản xuất thì do Cục Kỹ thuật tác chiến của GRU đảm nhiệm. Cục Trinh sát Vũ trụ của GRU thu thập tin tình báo bằng vệ tinh.

Cần nói riêng về hạm đội tình báo vô tuyến điện tử của Liên Xô. Tại vùng Đông Địa Trung Hải, trong thập niên 1970, ở ngoài tầm nhìn từ bờ biển Israel, thường xuyên có 3 tàu Liên Xô bề ngoài bình thường là Kavkaz, Krym và Yuri Gagarin. Chúng tuần tiễu dọc bờ biển Israel suốt ngày đêm. Các tàu này không mang theo vũ khí mà chỉ được lắp đặt rất nhiều thiết bị điện tử, trong thuỷ thủ đoàn gồm có các chuyên gia điện tử và các chuyên gia về chính sách đối ngoại Israel. Mục đích duy nhất của họ là tiến hành tình báo vô tuyến điện tử chống nước này.

Các tàu tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô ghi các cuộc đàm thoại vô tuyến và các cuộc gọi điện thoại trên toàn lãnh thổ Israel. Tuy các chuyên gia Liên Xô trên các tàu do thám này có thể độc lập phân tích thông tin chặn thu được, nhưng phần lớn thông tin vẫn được gửi về Moskva theo kênh liên lạc được duy trì suốt ngày đêm, kể cả qua kênh vệ tinh.

Theo các chuyên gia Israel, các tàu tình báo vô tuyến điện tử của Liên Xô đã được trang bị các thiết bị đặc chủng có thể làm tê liệt toàn bộ hệ thống liên lạc của Israel. Các bài học với tàu Pueblo và Liberty không phải vô dụng với các tàu Krym, Kavkaz và Yuri Gagarin. Ngay trước chiến tranh Arập-Israel năm 1973, các tàu này biến mất để nhanh chóng xuất hiện trở lại nhưng đã cùng một lực lượng Hải quân Liên Xô hộ tống hùng hậu. Từ đó, chúng có thể thực hiện các chức năng của mình kể cả trong thời gian các cuộc xung đột quân sự mà sợ bị  tổn thất khi bị đối phương tấn công vũ trang.

Print Print E-mail Print