Vietnamdefence.com

 

KGB: Các sứ quán - Điều tra (12)

VietnamDefence - Ngày 22 tháng 12 năm 1986, sau khi Lonetree khai nhận ở Viên, phòng điều tra Hải quân Mỹ đã bắt đầu cuộc điều tra riêng về vi phạm chế độ bảo mật ở sứ quán Mỹ tại Moskva.

Thông thường, mọi vụ việc gián điệp đều do FBI tiến hành. Nhưng khi gián điệp là quân nhân và trong vụ việc không có các nhân vật dân sự thì vụ này thuộc thẩm quyền pháp lý của các cơ quan tình báo quân sự. Người ta đã thẩm vấn hơn 1,5 nghìn người, trong số đó có 260 người bị kiểm tra trên máy phát hiện nói dối. Dĩ nhiên là cả Lonetree cũng bị kiểm tra trên máy phát hiện nói dối. Kết quả kiểm tra thật đáng ngại: hoá ra Lonetree không phải lúc nào cũng khai thật trong các buổi thẩm vấn, đúng hơn là có cái gì anh ta chưa nói hết. Theo phỏng đoán của các điều tra viên, điều đó liên quan đến việc đánh cắp tài liệu mật từ sứ quán Mỹ ở Viên.

Hàng phục trước sự kiên trì của các điều tra viên, Lonetree khai đã đánh cắp ba tài liệu mật từ phòng cơ yếu của Bộ phận các chương trình truyền thông ở tầng bốn sứ quán Mỹ ở Viên và 200 tài liệu mà anh ta được giao tiêu huỷ. Trong vòng 48 giờ tiếp sau lời khai nhận này của Lonetree, các điều tra viên đã xác định được số tài liệu mà Lonetree đã khai nhận đánh cắp không hề tồn tại và Lonetree cũng không trực vào ngày nói là có vụ đánh cắp.

Cho đến tháng 3 năm 1987, đã có 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ bị thẩm vấn, nhưng chưa đến lượt Bracy vì anh ta được coi là gương mẫu trong thực hiện công vụ và là một trong những người cuối cùng trong danh sách nghi can. Tất cả đã thay đổi vào ngày 16 tháng 3 năm 1987 khi điều tra viên David Moyer khi đang công tác ở Viên được biết từ trưởng trung tâm CIA ở đây rằng, Bracy đã từng phục vụ ở Moskva. Moyer khẩn cấp gửi điện báo về phát hiện này về phòng điều tra Hải quân Mỹ.

Ngày 18 tháng 3 năm 1987, đợt thẩm vấn Bracy bắt đầu. Ban đầu, Bracy khẳng định không có quan hệ xác thịt với Galya, nhưng sau khi máy phát hiện nói dối cho kết quả kiểm tra tiêu cực, anh ta đã thay đổi lời khai. Bracy khai là đã có quan hệ tình dục với Galya tại căn hộ của vị phó bí thư báo chí sứ quán do Galya chủ động. Sau này, Galya đã đề nghị Arnold gặp một “chú Sasha” nào đó, người chú này rất quan tâm đến hành vi của một số nhân viên sứ quán.

Hôm sau, Bracy còn có lời khai chấn động nữa. Anh ta khai một lần đã gặp Lonetree ở quầy bar đang trong tình trạng rất say. Lonetree đã nói với Bracy là anh ta đã tìm ra cách trả thù - đó là giúp người Nga nhiều lần đột nhập sứ quán.

Hai tuần sau, Bracy khai đã từng trông thấy Lonetree đưa ai đó vào khuôn viên sứ quán. Bracy không báo cáo việc này theo quy định vì thương xót cậu Lonetree đáng thương. Còn từ tháng 2, Bracy đồng ý không bật hệ thống báo động khi Lonetree dẫn các nhân viên KGB đi tham quan các mục tiêu bí mật trong toà nhà sứ quán và kịp thời cảnh báo họ khi trưởng kíp gác xuất hiện. Anh ta còn ba lần giúp Lonetree tổ chức cho các nhân viên KGB đi thăm hàng giờ các phòng của Bộ phận các chương trình truyền thông và nhờ vậy đã được nhận đúng một ngàn đô la.

Khi ký bản khai mới của mình, Bracy nghe thấy một điều tra viên nói với một điều tra viên khác: “Chà thằng gián điệp này bự đây!” Thế là Bracy liền phản cung và nói rằng lời khai của anh ta là giả và anh ta thà bị xử về tội khai cung giả còn hơn là bị buộc tội gián điệp. Thế là phòng điều tra Hải quân Mỹ đã mất đi chứng cớ duy nhất chống lại Bracy - đó là lời khai của chính anh ta.

Thật khó nói tại sao Bracy lại nhận một tội chưa thực hiện. Hay là anh ta quả thực có lỗi, hoặc anh ta đã bị tra hỏi, hoặc là người ta chỉ nói đến việc giúp điều tra vụ Lonetree. Trong trường hợp cuối cùng, người ta thừa biết rằng khai chống lại một ai đó mà ta không có tình cảm thân thiết là một chuyện, còn làm chứng chống lại bản thân mình lại là một chuyện khác.

Quả thực vào lúc 23 giờ 30 giờ Moskva, tay lính thuỷ đánh bộ này rời trạm gác số 1 và nhân viên bảo vệ ở trạm gác số 3 có thể dễ dàng cho một nhân viên KGB đi vào sứ quán qua cổng chính. Cản trở tiếp theo là cánh cửa khoá số vào phòng của Bộ phận các chương trình truyền thông. Tổ hợp số dùng để mở cửa được cất trong một hộp nhựa có niêm phong. Nhưng làm giả cả chiếc hộp lẫn dấu niêm phong thì dễ như bỡn. Cuối cùng, tại bảng điều khiển của nhân viên bảo vệ có các bóng đèn hiệu màu đỏ và vàng và máy con ve báo động khi có ai đó mở cửa vào phòng của Bộ phận các chương trình truyền thông. Gã lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở trạm gác số 3 có thể bật lẫy khoá để tắt cả máy con ve và đèn đỏ. Thật ra thì anh ta không có quyền tắt đèn vàng, nhưng do thông tin về các thời điểm bật tín hiệu báo động không hề được ghi lại nên không gì ngăn cản được một lính bảo vệ nói dối về thời gian xuất hiện tín hiệu báo động.

Tuy vậy, giả thiết có âm mưu đồng loã của Lonetree và Bracy thật khó tin. Lonetree và Bracy cùng trực chỉ có 2 lần - vào tháng 10 và tháng 11 năm 1985. Họ không ưa nhau. Cũng khó có chuyện tay Lonetree kín đáo khi quá chén lại kể với Bracy về việc giúp các nhân viên KGB đột nhập toà nhà sứ quán. Trong bối cảnh đó, lời khai của Bracy có vẻ như lời mê sảng của người bị tâm thần phân liệt. Một mặt, bức tranh hoàn toàn thực tế (ở chỗ có liên quan đến chính Bracy), còn mặt khác (liên quan đến Lonetree) thì không. Thế nếu Bracy không cần Lonetree tiếp tay thì sao?

Thoạt nhìn thì giả thiết này đáng tin hơn và giải thích được nhiều điều. Để đề phòng, Bracy đã thú nhận quan hệ của mình với Galina. Khi bắt đầu bị các điều tra viên của phòng điều tra Hải quân Mỹ thẩm vấn thì Bracy thú nhận và tìm cách đổ mọi tội lỗi cho Lonetree. Nhưng anh ta quên rằng, số phận của chính anh ta dù là với tư cách đồng loã cũng chẳng khác mấy số phận của Lonetree.

Trong phòng cơ yếu của CIA cũng có riêng hệ thống báo động có ghi lại thời gian bật tín hiệu báo động. Người ta không tìm thấy sự tương ứng nào về mặt thời gian giữa các lần trực của cặp Lonetree-Bracy với những lần thiết bị báo động làm việc. Nhưng điều đó chỉ cho thấy là các nhân viên KGB đã chẳng hề đến phòng cơ yếu của CIA. Chỉ có thế thôi.

Ngày 12 tháng 6 năm 1987, các cáo buộc đối với Bracy bị rút bỏ. Anh ta được chuyển tới một căn cứ hải quân, rời khỏi Thuỷ quân lục chiến và cưới một phụ nữ đang tại ngũ.

Tháng 8 năm đó, Lonetree đã bị xử 30 năm tù vì tội gián điệp. Sau này anh ta được giảm án 5 năm. Sau khi thụ án bắt buộc 1/3 tổng thời gian hạn tù, án của anh ta có thể được chuyển thành án treo. Trong một lá thư gửi từ trong tù cho cha, Lonetree yêu cầu báo tin anh ta vẫn ổn cho Violetta. Anh ta nghĩ Violetta vẫn còn yêu anh ta.

Print Print E-mail Print