Vietnamdefence.com

 

KGB: Các sứ quán - Toà nhà đồ sộ trên phố Chaikovsky... (6)

VietnamDefence - Trong thập niên 1970-1980, sứ quán Mỹ ở Moskva nằm trên phố Chaikovsky, trong một toà nhà đồ sộ màu hạt cải. Tầng chín là nơi thâm nghiêm nhất của sứ quán với một dãy phòng cơ yếu bọc thép.

Dãy phòng này bên trong trông như một chiếc tủ lạnh khổng lồ và được các nhân viên sứ quán biết đến với tên gọi Bộ phận các chương trình truyền thông. Trong bộ phận này có hơn một tá nhân viên cơ yếu của Bộ Ngoại giao, NSA và CIA Mỹ. Các máy mã đặt trong Bộ phận các chương trình truyền thông suốt ngày đêm gửi đến và nhận từ các cơ quan chính phủ Mỹ những bức điện cực kỳ quan trọng.

Thông qua kênh liên lạc vệ tinh, các bức điện mã hoá được chuyển liên tục từ phòng cơ yếu của CIA về đại bản doanh của nó và ngược lại. Chúng liên quan đến các nội dung siêu mật của các chiến dịch gián điệp của CIA chống Liên Xô. Trong Bộ phận các chương trình truyền thông còn đặt các máy mã của NSA dùng để chuyển về Mỹ các tin tức chặn thu từ các kênh liên lạc của chính phủ Liên Xô. Còn các máy mã của Bộ Ngoại giao Mỹ thì tiến hành thu nhận các chỉ thị của Bộ Ngoại giao Mỹ cho vị đại sứ ở Moskva. Nói chung là công việc lúc nào cũng sôi sục.

Nếu như KGB đọc được các bức điện mật mã gửi qua Bộ phận các chương trình truyền thông thì họ có thể biết được những điểm hiểm yếu của Mỹ tại các cuộc đàm phán về vũ khí chiến lược. KGB đã có thể biết cách bảo vệ Điện Kremlin chống NSA nghe trộm. Nhưng hậu quả khủng khiếp nhất đối với người Mỹ của việc KGB đọc được điện tín mật mã liên lạc của sứ quán Mỹ là các nhân viên KGB có thể biết được tên tuổi các điệp viên của CIA. Với các điệp viên này, điều đó cũng giống như kết án tử hình họ.

Cuối cùng, trên tầng mười, ngay dưới mái toà đại sứ với cả rừng anten, chòi và phần thượng tầng có đặt một trạm chặn thu của NSA. Tại đây đúng là chật chội hết chỗ nói. Mỗi xăngtimet đều được tính toán chi li. Bởi lẽ không phải là dễ bố trí nhiều loại máy móc vô tuyến điện, thiết bị xử lý và ghi thông tin cũng như các máy tính điện tử công suất lớn trên một diện tích nhỏ như thế.

Chương trình tiến hành hoạt động tình báo vô tuyến điện tử từ sứ quán Mỹ có mật danh “Cobra Eyes”. Chương trình này nhằm thu thập thông tin từ các kênh liên lạc quân sự và chính phủ ở khu vực Moskva và Podmoskovie. Khi chặn thu tín hiệu từ các kênh liên lạc quân sự, NSa đặc biệt chú trọng xác định chính xác các tham số bức xạ và đặc tính các hệ thống bức xạ của các phương tiện phòng thủ tên lửa và phòng không của Liên Xô.

Người Mỹ đặc biệt quan tâm đến một số kênh liên lạc. Trong một bức điện mật mã được gửi từ Mỹ đến trạm chặn thu tại sứ quán có nói: “... chúng ta đã nhận được nhiệm vụ chính thức liên quan đến kênh liên lạc hoạt động từ góc phương vị 2050 và 2000. Lệnh thực hiện nhiệm vụ có hiệu lực vào lúc nửa đêm. Nhiệm vụ là tiến hành ghi bức xạ từ 3 đến 6 giờ sáng giờ địa phương. Cần phải nhân bản số bản sao giống như hiện nay. Chúng tôi đang đánh giá nội dung các băng ghi bổ sung và sẽ đưa ra quyết định... Chúng tôi hiểu rằng bắt đầu làm việc vào lúc sáng sớm như thế là rất mệt, nhưng chúng tôi đang rất cần các thông tin chặn thu có chất lượng tốt từ kênh liên lạc này”.

Các trang thiết bị vô tuyến điện tử tối tân bố trí trên các tầng cao của sứ quán Mỹ tiêu thụ điện rất lớn nên nhiều lần đã làm quá tải mạng điện và cháy dây dẫn gây ra hai vụ hoả hoạn lớn thiêu trụi gần như hoàn toàn mái và các tầng trên. Mỗi lần sau cháy, sứ quán Mỹ ở Moskva lại tiến hành gấp rút sửa chữa và tất cả lại như cũ, thậm chí còn hiện đại hơn.

Chẳng hạn, vào năm 1978, phần cao nhất của mái nhà (diện tích 150 m2) đã được làm bằng vật liệu trong suốt vô tuyến nên cho phép bố trí một phần các thiết bị anten của máy móc do thám dưới một mái che chung ở tầng sát mái. Trên nền của các chòi bị cháy đã mọc lên ba công trình mới cao 4 mét, thể tích mỗi cái đến 30 m3. Hệ thống do thám vô tuyến điện tử tự động hoá mới nhận từ Mỹ được trang bị máy tính có bộ nhớ lớn để điều khiển hệ thống này và xử lý thông tin thu được.

Từ thập niên 1970, phía Mỹ đã nhiều lần chú ý tới sự gia tăng đáng kể các chiến dịch tình báo vô tuyến điện tử của KGB nhằm vào sứ quán Mỹ và không phải không thành công. Dưới đây là bản miêu tả ngắn.

Năm 1976, Cục 16-KGB bắt đầu đọc được điện tín mật mã liên lạc của sứ quán Mỹ. Việc này tiếp diễn trong mấy năm cho đến khi người ta phát hiện được một anten linh hoạt trong dàn lò sưởi của phòng cơ yếu sứ quán. Trong một bức điện mật mã đọc được của Mỹ gửi từ Moskva vào năm 1979 không lâu sau khi người đứng đầu chính phủ Afghanistan Noor Muhammad Taraki bị giết có nói: “Người Liên Xô không hề vui thích, nhưng họ hiểu rằng bây giờ họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc ủng hộ Hafizullah Amin tàn bạo và đầy tham vọng”.

Bức điện này rất thú vị. Amin đã quẳng sống những người ủng hộ Taraki vào hố canxi clorua. Hàng ngàn người đã bị dẹp tan như tro tàn. Còn đối với người Xô-viết, họ chả còn cách gì ngoài chờ đợi cho đến lúc tên độc tài mới nảy nòi tự bán mình cho đô la của Mỹ và người Mỹ sẽ xuất hiện ở biên giới phía Nam Liên Xô. Nội dung bức điện của Mỹ đã được báo cáo lên trên và hiển nhiên đã có vai trò thúc đẩy quyết định của ban lãnh đạo Liên Xô can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan vốn đã bắt đầu trực tiếp đụng chạm đến lợi ích của Liên Xô trong khu vực này.

Một biện pháp hiệu quả, tạo điều kiện cho tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô chặn thu điện tín liên lạc của sứ quán Mỹ ở Moskva trong thập niên 1970 là lệnh cấm người Mỹ gửi các bức điện của mình qua vô tyến điện. Lệnh cấm tương tự đã được chính quyền Mỹ áp dụng cả đối với các cơ quan đại diện toàn quyền Liên Xô ở Mỹ. Lý do của việc đó là cả KGB lẫn NSA đều dễ theo dõi hơn các bức điện gửi qua các kênh liên lạc cáp hơn là theo dõi làn sóng trên nhiều tần số. Các kênh liên lạc của các sứ quán đã trở thành đối tượng đặc biệt chú ý của hai cơ quan này. Bởi vậy, khi sứ quán Liên Xô ở Washington than phiền với Moskva về những chỗ đứt liên tục và vô lý trên các kênh liên lạc của mình trong tháng vừa qua thì khiếu nại này đã làm cho chính Chủ tịch KGB chú ý.

Để đối phó, Andropov đã hạ lệnh cho cấp dưới làm cho liên lạc của sứ quán Mỹ với thế giới bên ngoài bị gián đoạn. Thời lượng và tần suất xảy ra các sự cố này được tính toán sao cho lớn hơn các sự cố tương tự xảy ra với sứ quán Liên Xô để người Mỹ chấm dứt làm những trò tương tự. Hành động này còn có một mục đích khác nữa. Vấn đề là ở chỗ sau mỗi lần kênh liên lạc bị gián đoạn, đối phương lại phải khởi động lại các thiết bị tạo khoá mã trong các máy mã. Mà bức xạ tạo ra khi khởi động lại các thiết bị tạo khoá mã này mang theo thông tin hữu ích về các khoá mã được sử dụng. Kênh liên lạc hoạt động trơn tru chỉ đòi hỏi bật các thiết bị tạo khoá mã một lần trong một ngày.

Năm 1984, các nghệ nhân khéo tay của KGB đã cài được “rệp” vào 13 máy chữ chở từ Mỹ sang để lắp đặt trong sứ quán Mỹ ở Moskva và lãnh sự quán Mỹ ở Leningrad. Đó là các thiết bị có chức năng ghi các tín hiệu điều khiển chuyển động đầu máy chữ và chuyển thông tin thu được bằng cách đó ở dạng mã hoá đến một trạm nghe lén của KGB đặt trong ngôi nhà đối diện. Người Mỹ cho rằng, chính vì thế mà KGB đã biết được tên tuổi các nhân viên sứ quán đang làm việc cho CIA.

Print Print E-mail Print