Vietnamdefence.com

 

KGB: Các sứ quán - Đồ quỷ quái trong sứ quán Mỹ ở Moskva (5)

VietnamDefence - Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Liên Xô được thiết lập vào tháng 11 năm 1933. Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Moskva là Bullittt vào năm 1936 đã viết về Bộ Ngoại giao Mỹ: “Trong mọi hoàn cảnh, không được phái gián điệp sang Liên Xô. Trong quan hệ với những người cộng sản, không có phương tiện nào hiệu quả hơn và có tác dụng giải giới mạnh hơn sự trung thực tuyệt đối”.

Lập trường đó của vị đứng đầu sứ quán Mỹ ở Moskva cùng với việc Mỹ không có một cơ quan tình báo chính phủ, còn giới quân sự chỉ có một đội ngũ nhân viên khiêm tốn và có tổ chức đủ trình độ tiến hành các chiến dịch phản gián ở nước ngoài đã nhanh chóng có ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh của sứ quán.

Một trong các nhân viên đầu tiên của Bullitt ở Moskva sau này nhớ lại rằng, mùa đông năm 1933-1934, sứ quán không có cả két sắt lẫn mật mã, giao thông viên, thậm chí không có cả những quy tắc an ninh sơ đẳng nhất: “Chúng tôi liên lạc với chính phủ qua máy điện báo thông thường, còn các bức điện của chúng tôi thì cứ nằm chềnh ềnh trên bàn cho tất cả mọi người trông thấy”.

Ban đầu, để bảo quản các tài liệu mật, người ta đã gửi từ Mỹ sang Moskva một số két sắt khoá số. NKVD không biết cấu tạo các ổ khoá. Một nhân viên của NKVD là Boris Schteiger đã được giao nhiệm vụ lấy cho được một ổ khoá giống như các ổ khoá két trong sứ quán Mỹ. Anh là người thích hợp nhất cho việc này. Là một cựu nam tước gốc Thuỵ Sĩ, nay là công dân Liên Xô, được học hành và giáo dục tốt, Schteiger nói thông thạo tiếng Pháp, thân thiết với giới ngoại giao và có nhiều người quen biết trong các nhà ngoại giao Mỹ và vợ của họ ở Moskva.

Tại một buổi chiêu đãi ngoại giao, Schteiger đã than phiền với phu nhân đại sứ Mỹ về sự lạc hậu của người Nga trong lĩnh vực kỹ thuật và hỏi phu nhân đại sứ liệu bà ta có thể kiếm cho anh một chiếc két sắt giống như các két sắt mà người Mỹ mới nhận được. Bà này đã bảo chồng đặt mua thêm ở Mỹ một chiếc két nữa. Khi chiếc két đó cuối cùng được đưa tới, các kỹ thuật viên của NKVD đã tháo ổ khoá két và nghiên cứu cách tháo gỡ. Vì khi đó toà nhà sứ quán chưa có bảo vệ suốt ngày đêm nên sau đó tất cả các tài liệu của sứ quán Mỹ đều bị các nhân viên NKVD thường xuyên chụp lại dễ dàng sau khi đột nhập toà nhà nay vào ban đêm.

Schteiger đã kể lại chiến dịch này cho một người bạn cùng buồng giam khi ông bị giam tại nhà tù nội bộ của NKVD năm 1937 do bị cáo buộc “làm gián điệp có hệ thống cho một nước ngoài”. Câu chuyện của cựu nam tước cho thấy hoặc là sự ngây thơ của các nhà ngoại giao Mỹ (bởi lẽ ngay tại các tiệc chiêu đãi ngoại giao, người ta cũng bàn tán về sự hợp tác của Schteiger với NKVD), hoặc là sự không chuyên của các nhân viên Cheka (chưa bao giờ nghe thấy chuyện một đại sứ Mỹ lại mang đến cho tình báo nước ngoài một bản sao ổ khoá các két sắt đang dùng của sứ quán mà không có dụng ý lâu dài). Chắc chắn là thế.

Khi có được bản sao các tài liệu lấy từ các két sắt của Mỹ, NKVD biết rằng, đây hoàn toàn là thông tin giả không hơn không kém và có thể xác định chính xác là người Mỹ muốn NKVD tin vào cái gì. Nhưng cả người Mỹ cũng biết là các nhân viên tình báo Liên Xô sẽ nhanh chóng hiểu ra là họ bị “bơm” tin rởm. Có nghĩa là tin giả của Mỹ phải được tính toán kỹ để Liên Xô khám phá ra.... Và cứ như thế cho đến bất tận.

Mà cũng có thể là ngược lại, mọi thứ đơn giản hơn nhiều. Schteiger đã nói dối hoặc tù nhân cùng buồng đã lừa dối, hoặc cả hai. Nhưng dù sao chăng nữa thì trên thực tế sự ồn ào xung quanh mấy chiếc két sắt ấy là nỗ lực đầu tiên đột nhập  được biết đến của NKVD vào sứ quán Mỹ ở Moskva.

Không lâu sau khi lắp đặt các chiếc két, người Mỹ đã quyết định bố trí bảo vệ suốt ngày đêm cho sứ quán của mình. Theo yêu cầu của đại sứ Bullitt, người ta đã cử lính thuỷ đánh bộ Mỹ đến Moskva để làm việc này. NKVD nhanh chóng tìm hiểu tận dụng hoàn cảnh mới theo cách nào là tốt nhất.

Borlan, người đã phục vụ tại sứ quán Mỹ ngày từ những ngày đầu và sau này trở thành đại sứ, đã nhớ lại là vào khoảng giữa thập niên 1930, ông ngồi trong phòng nghỉ của khách sạn Savoi ở thủ đô Moskva, nơi tạm trú cho các lính thuỷ đánh bộ Mỹ đến Moskva. Bỗng có một phụ nữ son phấn loè loẹt đi đến bàn lễ tân và nói cô ta cần đến phòng của trung sĩ O'Dean. “Tôi, - cô ta nói, - là cô giáo tiếng Nga của anh ta”. Nhờ những cô giáo đó, NKVD đã nhanh chóng làm tiêu tan hết hiệu quả tích cực mà sự xuất hiện của các lính thuỷ đánh bộ bảo vệ suốt ngày đêm mang lại.

Các nữ diễn viên ba lê của đoàn kịch Moskva đã cố gắng thiết lập quan hệ gần gũi với các nhân viên cao cấp của sứ quán Mỹ. Họ ăn trưa, ăn tối, uống và ba hoa gần như đến sáng. Một nữ diễn viên ba lê đã thường xuyên thể hiện tình yêu bốc lửa của mình với Bullitt bằng cách gọi tâng bốc ông ta là “mặt trời, mặt trăng và ngôi sao của em”.

Đầu năm 1940, tuỳ viên quân sự sứ quán Mỹ vừa sợ hãi vừa mạo hiểm phải mời đến Moskva một nhân viên FBI để kiểm tra hệ thống an ninh và ngăn ngừa mất mát mật mã. Nhân viên FBI đến dưới vỏ bọc giao thông viên ngoại giao đã vào phòng cơ yếu ban đêm và thấy các két trong đó không được khoá, còn các quyển mã thì nằm chềnh ềnh bên ngoài cùng với chính các bức điện. Nhân viên cơ yếu trực ban chắc là đi đâu đó có việc riêng mà vẫn để cửa phòng cơ yếu mở toang.

Trong sứ quán có không ít người đồng tính luyến ái. Chuyện tồi tệ đến mức phòng cơ yếu đã bị những kẻ pêđê chọn làm nơi hẹn hò.

Năm 1945, đại sứ Mỹ tại Liên Xô Averell William Harriman(1891-1986) đã nhận được một món quà tặng là chiếc quốc huy Mỹ khắc bằng gỗ. Chiếc quốc huy được treo trang trí trên tường văn phòng làm việc của bốn đời đại sứ Mỹ và mãi đến đầu thập niên 1950, các chuyên gia về phát hiện các phương tiện điện tử bí mật của sứ quán Mỹ mới tìm thấy trong chiếc quốc huy một thiết bị nghe lén.

“Chúng tôi đã tìm ra nó, nhưng không biết nguyên lý hoạt động của nó, - S. Peter Carlow, trưởng phòng thiết bị đặc biệt của CIA nói. Trong quốc huy có một thiết bị trông giống như một con nòng nọc có cái đuôi nhỏ. Người Liên Xô có nguồn tín hiệu vi ba để buộc các bộ cảm thụ ở bên trong quốc huy cộng hưởng”. Giọng nói của người có ảnh hưởng đến tính chất các dao động cộng hưởng của thiết bị và như vậy cho phép chặn thu lời nói ở xa theo kênh vô tuyến điện được tổ chức. “Xét từ giác độ kỹ thuật, thiết bị này thuộc loại thụ động: nó không có dòng điện, không có pin, chỉ có nằm chờ chung thân”.

Sau vụ phát giác này, các chuyên gia CIA đã tái chế được thiết bị nghe lén dựa trên một nguyên lý hoàn toàn mới đối với họ. Bởi lẽ việc thu thông tin rõ, sau đó nó tự biến thành dạng mã hoá trong các kênh liên lạc là ước mơ của bất kỳ chuyên gia mật mã nào.

Mỹ đã im lặng về vụ chiếc quốc huy trong gần 10 năm và phải đến cuối năm 1960, sau chuyến bay do thám của Powers, đã công bố việc Liên Xô sử dụng thiết bị nghe lén này.

Năm 1953, toà nhà mới của sứ quán Mỹ bắt đầu xây dựng trên phố Chaikovsky. Trong thời gian thi công, các nhân viên bảo vệ Mỹ trực suốt ngày trên công trường để ngăn cản tình báo Liên Xô gắn máy nghe lén. Nhưng việc trực gác này chẳng còn ý nghĩa gì nữa bởi phía Mỹ đã do sơ suất hoặc muốn tiết kiệm tiền đã rút bảo vệ đi trong một đêm. Năm 1964, những lời khai báo của Nosenko đã giúp phía Mỹ phát hiện ra trong sứ quán Mỹ ở Moskva hơn 40 “con rệp” giấu trong các ống tre che một mảng tường phía sau dàn lò sưởi để các máy dò kim loại không thể tìm ra.

Về vấn đề này, Borlan tuyên bố việc nghe lén được hai tầng nhà nơi có phòng làm việc của đại sứ, thiết bị máy mã và văn phòng CIA vẫn không có nghĩa là “người Nga dò la được những bí mật thật sự nào đó”. Nhận định đó là sự biện hộ thô thiển cho sự lạc quan vội vàng khiến Borlan rút bỏ bảo vệ khỏi công trình xây dựng sứ quán trong một đêm. Bởi lẽ chỉ trong bốn năm Borlan làm đại sứ ở Moskva, 12 nhân viên của ông ta đã bị đưa về nước khi thú nhận bị chụp ảnh lúc quan hệ tình dục, còn sau đó người ta định sử dụng các bức ảnh đó chống lại họ.

Print Print E-mail Print