Vietnamdefence.com

 

Bài học chiến tranh Ukraine: T-90M biến thành “xe thồ pháo bọc thép”

VietnamDefence - Chuyên gia quân sự, Đại tá hải quân Nga về hưu Sergey Ishchenko chê trách thậm tệ lý luận quân sự Nga, đặc biệt là việc thành lập Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1.

Đại tướng Baluevsky: Không chỉ Nga mà trên cả thế giới cũng không ai chuẩn bị cho những trận chiến diễn ra ở khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt.

Không còn nghi ngờ gì nữa, một trong những nhiệm vụ trước hết của Andrey Belousov, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nga, sẽ là tổ chức các cuộc tìm kiếm quy mô lớn để tìm câu trả lời cho câu hỏi chính hiện nay đối với quân đội Nga, và cả nước Nga nói chung: điều gì và tại sao Nga vẫn chưa thành công trong cuộc chiến ở Ukraine? Và cần phải khẩn trương làm lại, hoàn thiện hoặc bắt đầu lại từ đầu cái gì và bằng cách nào để cuối cùng có thể giành chiến thắng?

Theo nghĩa này, dường như không thể bỏ qua bản phân tích những gì đang diễn ra ở mặt trận, được công bố trên tạp chí Armeisky Standard của Nga.Trong giới quân sự, tác giả của những suy tư lý luận này là người có uy tín cực cao, đó là cựu Tổng Tham mưu trưởng Các LLVT Nga (2004-2008), sau đó là Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Đại tướng Yury Nikolaevich Baluevsky.

Tướng Baluevsky cho biết: “SVO cho thấy sự thiếu thuyết phục trong nhiều dự báo về sự phát triển của các vấn đề quân sự và đòi hỏi phải đánh giá lại vai trò và vị trí của các loại vũ khí khác nhau”. Đặc biệt, ngay trước mắt chúng ta, một quân đội Nga vốn được cơ giới hóa cao và dường như thích nghi với cơ động chiến lược mạnh mẽ nhất từ lâu đã chuyển sang “chiến tranh chiến hào” thực sự. Và cuộc tấn công ở Ukraine diễn ra với tốc độ đơn giản là “rùa bò” không phải tháng đầu tiên. Rất giống với các sự kiện trong Thế chiến I ở đâu đó gần Verdun hoặc trên sông Marne.

Tướng Baluevsky viết, đây rõ ràng là “thời kỳ phục hưng của tác chiến bộ binh mà sau Thế chiến II, quân đội các nước hàng đầu thế giới đã không chuẩn bị cho cả binh lính lẫn các sĩ quan của họ”. Theo cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, “một diện mạo mới của chiến tranh đang được vẽ lên mà phần nhiều là mâu thuẫn với những hình dung trước đó. Các dấu hiệu chính của nó là độ phân tán cao và mật độ thấp của binh sĩ, khả năng trinh sát và đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao trong thời gian thực tăng mạnh”.

Và tại sao lại thế? Bởi vì trên bầu trời phía trên tiền tuyến ở Ukraine các máy bay không người lái (UAV) trinh sát thật sự đang lồng lộn, gào rú. Còn các UAV cảm tử bay lảng vảng bên cạnh chúng sẽ giảm được thời gian dành cho việc tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào của kẻ thù (và thậm chí cả một người lính đơn lẻ) với độ chính xác cao xuống còn vài phút hoặc  thậm chí vài giây.

Còn nữa. Xuất hiện khả năng thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao bằng UAV ở hầu như ở bất kỳ độ sâu nào, cho đến tận độ sâu chiến lược. Hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn kilômét.

Tất cả những điều này, cũng như các hệ thống chỉ huy mạnh tác chiến cấp chiến thuật và chiến dịch, các hệ thống tình báo, giám sát và thông tin liên lạc hoạt động liên tục ở chế độ trực tuyến làm cho việc bí mật và kịp thời tập trung các cụm quân đột kích lớn để chuyển sang một cuộc tấn công quyết định bất ngờ đối với đối phương trên một khu vực đột phá hẹp trở nên không thể. Giống như đã từng xảy ra trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

“Bất kỳ sự tập trung quân nào cũng trở thành mục tiêu tiêu diệt ngay lập tức”, Tướng Baluevsky khẳng định. Không còn có thể bí mật tập trung lực lượng và cơ động bất ngờ. Không thể giống như ít ra là vài thập kỷ trước bí mật tích lũy vài trăm xe tăng và độ hai mươi nghìn quân trên một khu vực hẹp của mặt trận để đột phá. Sẽ không thể, dù có cố gắng đến đâu, che giấu sự di chuyển của các lực lượng đó ở dải cận tiền tuyến. Không thể, cả ban ngày lẫn ban đêm.

Đối với máy bay chiến đấu có người lái, thì theo Baluevsky, trong cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, nó thua trắng hệ thống phòng không về mọi mặt. Kết quả là các tổ lái cả của Nga và Ukraine đều “không chỉ bị mất đi khả năng hoạt động quy mô lớn trên lãnh thổ đối phương mà còn buộc phải bay và trú đóng một cách thận trọng trên lãnh thổ của mình”.

Thay vào đó, pháo binh trong SVO một lần nữa được nâng lên thành “vị thần chiến tranh” bởi những hoàn cảnh ở mặt trận. Số lượng đạn pháo mà các bên đối kháng bắn ra trở thành yếu tố gần như quyết định trong mọi trận đánh và thậm chí chiến dịch.

Cuối cùng, UAV đã chiếm lĩnh vùng trời một cách nhanh chóng và vô điều kiện. Bầu trời tràn ngập những đám mây của các thiết bị bay siêu nhỏ - các UAV nhiều cánh quạt, FPV-drone đang săn lùng gần như từng người lính bộ binh. Cuộc cách mạng không người lái đã bảo đảm sự trong suốt chưa từng có của chiến trường và đã bắt đầu chèn ép vai trò của pháo binh ngay cả trong tác chiến phản pháo.

Đây là cách những kết quả chiến thuật tạm thời của trận chiến ở Ukraine nói chung được trang 19FortyFive của Mỹ nhìn nhận: “Nga đã không thể đạt được bất ngờ về mặt chiến lược hoặc chiến thuật trong chiến dịch ban đầu vì các lực lượng của họ bị nhìn thấy đang tiếp cận biên giới Ukraine trong mấy tuần trước ngày 22.2.2022. Còn ở đỉnh điểm cuộc phản công năm 2023 của Ukraina, quân Ukraine đã chỉ tiến được trung bình 90 m/ngày.

Một trong những vấn đề trọng yếu trong cả hai trường hợp là bên tấn công đã nhanh chóng bị phát hiện bởi nhiều loại cảm biến. Trong trường hợp tốt nhất thì điều này có nghĩa là họ đã mất đi yếu tố bất ngờ, còn tệ nhất là khi còn đang trong giai đoạn tập trung hoặc tiến vào khu vực tấn công, quân đội đã phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo binh hoặc không quân."

Ngoài ra, xe tăng vốn cho đến gần đây vẫn được xem là là lực lượng chủ yếu của mọi cuộc tấn công lớn rõ rang đang mất đi vai trò trước đây của mình. Giờ đây, chúng thường chỉ đơn giản là “xe thồ pháo” được bọc thép, theo cách diễn đạt hình ảnh của nhà phân tích quân sự Nga nổi tiếng, đại tá đã nghỉ hưu Viktor Murakhovsky, từng là một trung đoàn trưởng trung đoàn xe tăng.

Hiện giờ, ở Ukraine, thậm chí không ai nghĩ đến việc sử dụng xe tăng quy mô lớn. Dù là trong thành phần tiểu đoàn hoặc trung đoàn. Đơn giản là vì ngày nay bất kỳ chiếc xe tăng nào đang tác chiến ở Ukraine đều bị biến thành một loại vũ khí yểm trợ bộ binh thông thường khác. Giống như một pháo tự hành thông thường và có khả năng bảo vệ kém hơn. Vì vậy, trên chiến trường Ukraine, xe tăng hiếm khi xuất hiện với số lượng lớn hơn một trung đội.

Và một lần nữa: tại sao? Tất cả là do cả hai bên tham chiến ở Ukraine từ lâu đã đảm bảo được sự “trong suốt” chưa từng có của chiến trường và mức độ nắm bắt tình hình cao nhất về bất kỳ thay đổi đáng kể nào diễn ra trên chiến trường ở phía bên kia mặt trận. Chính vì vậy cuộc tấn công của quân Nga vào các trận địa của quân đội Ukraine ở khắp nơi được thực hiện bằng các xe chiến đấu riêng lẻ và các toán đột kích nhỏ (mỗi nhóm có 3-10 lính). Và những gì đang diễn ra dọc theo toàn bộ tuyến tiếp xúc chiến đấu ở cả hai bên gợi nhớ một cách đau đớn đến câu chuyện tiếu lâm trong quân đội ngày xưa về “một trận chiến ác liệt kéo dài nhiều ngày giành một túp lều của kiểm lâm”.

Nếu cố gắng khái quát tất cả những gì đã trình bày: theo tôi, những kết luận đầu tiên của quân đội Nga trong tình huống như vậy là gì?

Nếu mọi thứ vẫn được dạy trong trường và học viện quân sự Nga chỉ còn là ngày hôm qua, thì có lẽ cần nhanh chóng tiến hành rà soát lại các thư viện khoa học quân sự. Và vứt bỏ không thương tiếc mọi thứ đã lỗi thời ra khỏi đó. Kiểu như những cuốn sách về lý luận chiến dịch tiến công chiến lược được phát triển từ thời Liên Xô.

Đó là khi các phương diện quân được phân công dải tấn công rộng 200-300 km. Trong dải tấn công của mỗi phương diện quân đã ấn định một hoặc mấy khu vực đột phá có tổng chiều dài không quá 50 km. Ở đó, các cụm đột kích mạnh của lực lượng mặt đất và không quân được triển khai. Các tập đoàn quân của thê đội 1 được bố trí các dải tấn công rộng từ 40-50 km trở lên, các khu vực đột phá rộng tới 20 km và được giao các nhiệm vụ chiến đấu ở độ sâu lên tới 200 km.

Như vậy là cuộc chiến ở Ukraine đã phá vỡ tan tành lý luận này. Trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh lớn, để đạt được những mục đích quyết định, nền khoa học quân sự Nga chắc chắn sẽ phải vắt óc tìm kiếm một điều gì đó hoàn toàn khác. Và thực tế hơn hôm nay.

Việc thừa nhận thực tế này, đến lượt nó, lại đặt ra trước lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga một câu hỏi thực tế quan trọng: tại sao chúng ta lại cần có Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1 chỉ mới được tái lập gần đây (năm 2016, ngay sau khi xuất hiện cuộc khủng hoảng gay gắt ở Ukraine) và là tập đoàn quân xe tăng duy nhất không chỉ ở châu Âu?

Rốt cuộc, vì sao chúng ta lại thành lập nó cách đây 8 năm và đưa khoảng 800 xe tăng và xe chiến đấu bọc thép khác vào biên chế chiến đấu của nó? Tóm lại thì tập đoàn quân xe tăng là gì? Và chức năng chiến đấu của nó là gì?

Dựa trên kinh nghiệm chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, về lý thuyết, bất kỳ tập đoàn quân xe tăng nào cũng là một cụm lực lượng cơ động của phương diện quân, chủ yếu dùng để phát triển chiến dịch nhanh chóng vào độ sâu lớn sau khi bộ binh chọc thủng tuyến phòng thủ chính của đối phương.

Còn sau đó, xe tăng phải tiêu diệt hậu phương của kẻ thù đang rút lui, dùng xích của chúng đè bẹp các lực lượng dự bị của địch và gieo rắc sự hoảng loạn. Lý tưởng nhất là khép gọng kìm các vòng vây xung quanh các cụm quân chưa bị đánh tan hoàn toàn của địch.

Đây chính là cách chúng ta đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại... Chính là để ý định táo bạo này được thực hiện lập tức trong trường hợp xảy ra chiến tranh lớn, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga đã bắt tay vào thành lập quả đấm đột kích chủ yếu mới của mình với các sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn tinh nhuệ nhất trên chiến trường phía Tây.

“Mục đích của các binh đoàn này là xuyên thủng hệ thống phòng ngự của các lực lượng NATO, triển khai và đập tan mọi thứ trên đường đi của mình. Các binh đoàn này có thể tiến hành các chiến dịch trên bộ quy mô lớn một cách nhanh chóng và chất lượng. Sức sống mới đã được thổi vào chúng từ nhiều năm trước, chúng được trang bị vũ khí trang bị mới nên có quyết tâm cao nhất giành chiến thắng”, đây là bình luận của nhà phân tích quân sự nổi tiếng Scott Ritter, cựu thanh tra vũ khí của Liên hợp quốc về những cải cách khẩn cấp này trong quân đội Nga.

Và quả thực như vậy: trên giấy tờ, ý tưởng về Tập đoàn quân xe tang số 1 trông khá đáng sợ. Và dường như không có gì có thể ngăn cản quả đấm tăng-thiết giáp hùng mạnh này cắt Ukraine làm đôi gần như ngay lập tức bằng một đòn tấn công từ đâu đó trên thảo nguyên Kherson hoặc Zaporozhie. Chẳng hạn dọc theo song Dnieper tới tận Sumy, Kiev hoặc Cherkassy.

Giá như điều đó đã có thể làm được, thì quân đội Ukraine từ lâu đã chìm ngập trong vô số các vòng vây tác chiến lớn nhỏ thường được gọi là “các nồi hơi”. Nhưng đã không có chuyện như thế xảy ra với kẻ thù ở đâu cả!

Nếu nói về “các nồi hơi”, có thể hơi miễn cưỡng nhớ lại “nồi hơi” duy nhất ở Mariupol. Nơi mà vào mùa xuân năm 2022, theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, trong đống đổ nát của Azovstal, quân Nga đã bao vây tới 8,5 nghìn binh lính và sĩ quan Ukraine. Trong đó, có tới 4,5 nghìn người sau đó đã đầu hàng làm tù binh.

Tuy nhiên, “cái nồi hơi” Mariupol vẫn chưa phải là thật sự. Bởi vì các đơn vị quân đội Ukraine mắc vào đó đã cố ý lùi về hệ thống đường hầm của Nhà máy Azovstal với hy vọng biến lãnh thổ của nhà máy khổng lồ thành “pháo đài” đầu tiên của Ukraine. Việc họ đã không thành công là một câu chuyện khác.

Nhưng nếu trong hai năm rưỡi chiến đấu liên tục ở Ukraine, “quả đấm đột kích tăng-thiết giáp” của Nga đã không thể thực hiện được một cuộc tấn công đột phá mặt trận sâu nào, thì theo tôi, câu hỏi đặt ra là: chẳng phải chúng ta đã làm một điều quá ngu ngốc khi 8 năm trước đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc cho việc thành lập Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1? Dù cho nó đang chiến đấu tất nhiên rất anh dũng.

Nhưng trên chiến trường, nó thực tế không khác gì bất kỳ tập đoàn quân hợp thành thông thường nào vốn đang sát cánh bên cạnh nó chiến đấu đúng như thế?

Và nếu vậy, chẳng phải nên thừa nhận rằng, việc tạo ra “nắm đấm đột kích” của chúng ta chẳng mang lại kết quả gì sao? Và hóa ra bây giờ mới thấy đơn giản là đã không thể?

Nguồn: Sergey Ishchenko / svpressa, 12.6.2024.

Print Print E-mail Print