Vietnamdefence.com

 

Bàn về nghệ thuật của Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

VietnamDefence - Đến cuối mùa thu chiến tranh thứ hai, nước Nga vẫn tiếp tục hành động thận trọng, nếu không muốn nói là thụ động, và các bản tin chiến sự từ lâu đã trở thành luồng thông tin đơn điệu, buồn tẻ. Có một số lý do dẫn đến điều này: có cả mong muốn chờ cho đến khi Ukraine kiệt sức, còn viện trợ của phương Tây yếu đi, có cả công việc xây dựng quân đội Nga và tích lũy kinh nghiệm cần thiết vẫn chưa đạt được hiệu ứng cần thiết, và cả việc không muốn đẩy chiến dịch quân sự đặc biệt vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc xung đột hạn chế vốn cho phép duy trì cuộc sống hòa bình bình thường ở Nga và quan trọng hơn là một nền kinh tế bình thường.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu các ưu tiên của giới lãnh đạo Nga, xem điều gì đang xảy ra với đối phương, điều gì đang thay đổi ở mặt trận và các sự kiện trong năm nay có thể ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của cuộc xung đột.

Một là phá tan các âm mưu của kẻ thù

Thoạt nhìn, kết quả chiến cuộc hè-thu đối với quân đội Nga không tốt lắm: quân Nga không tiến lên mà ngồi trong chiến hào đằng sau các bãi mìn, quân Nga thậm chí còn rút lui - xem ra chẳng có gì đáng khoe khoang. Tuy nhiên, thành quả khiêm tốn xét từ góc độ hình thức này có lẽ là chiến thắng lớn nhất của vũ khí Nga kể từ chiến dịch tấn công Mãn Châu năm 1945.

Một năm trước, chúng ta đã chịu cú sốc bởi thất bại ở gần Kharkov, từ việc rút quân khỏi Kherson và các cuộc tấn công vào cầu Crimean. Hết đòn này đến đòn khác, và một số nhà bình luận Nga choáng váng nhất đã tuyên bố Nga đã thua trong cuộc xung đột với Ukraine và đếm từng tuần và từng tháng cho đến khi Nga để mất Mariupol và Crimea.

Kẻ địch lại có tâm trạng trái ngược: sự hưng phấn ngự trị ở phương Tây và Ukraine, dường như chỉ cần một đòn quyết định nữa là đủ - và quân đội Nga sẽ sụp đổ hoàn toàn, và tiếp sau đó là “chế độ Putin” chống phương Tây sẽ sụp đổ. Hoạt động tuyên truyền của họ trong mùa đông và đầu mùa xuân năm ngoái dữ dội đến mức nó đã át đi tiếng nói riêng của những người hoài nghi, ngay cả khi những người hoài nghi này là quân nhân cấp cao của Mỹ như Tướng Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Họ đã chuẩn bị cho cuộc phản công Azov như thể chuẩn bị cho một ngày hội, đó là một vụ đánh cược toàn lực, nhưng không tuyệt vọng mà ngược lại là trên làn sóng phấn khích chung. Dường như mọi thứ đang diễn ra không thể nào tốt đẹp hơn: sức mạnh quân sự, công nghệ và kinh tế của phương Tây và nước Ukraine đang hăm hở lao vào trận chống lại kẻ thù chung đơn giản là không thể thua - bởi lẽ họ ở bên lẽ phải của lịch sử.

Cú sốc càng sâu sắc hơn khi cuộc phản công đã diễn ra không theo kế hoạch. Vào thời điểm đó, điều đó không rõ ràng, nhưng bây giờ, 5 tháng sau, mọi chuyện đã rõ ràng: đã bốc cháy trên các bãi mìn ở gần Rabotino không phải xe tăng phương Tây mà là ý đồ chính gây thất bại quân sự đối với nước Nga bằng quân đội Ukraine, là ý tưởng mà Ukraine và phương Tây đã hướng tới trong suốt thời kỳ hậu Xô-viết.

Giờ đây, ở phương Tây ngày càng có sự hiểu biết phổ biến rằng, trong tương lai gần, điều này là không thể: Ukraine không có đủ nguồn nhân lực, quân đội Ukraine không có khả năng tiến hành các chiến dịch ở quy mô cần thiết, còn phương Tây ở đây và bây giờ cũng không thể cung cấp đủ vũ khí và tiền bạc và bản thân họ cũng không sẵn sàng chiến đấu. Hoặc là cần phải bắt đầu lại từ đầu (mà việc này phải mất nhiều năm) hoặc từ bỏ ý đồ.

“Có vẻ như đang xảy ra một bước ngoặt trong cuộc xung đột vốn bắt đầu rất không thành công đối với chúng ta. Và việc bước ngoặt này đã đạt được trong phòng ngự không hề làm giảm đi ý nghĩa của nó - mà ngược lại”.

Hai là phá vỡ các liên minh của kẻ thù

Mất đi mục tiêu nên ngay cả liên minh quân sự giữa phương Tây và Ukraine cũng đã bắt đầu lung lay. Về thực chất, phương Tây là hậu phương của Ukraine:  Như các quan chức của cả Kiev và lãnh đạo cấp cao phương Tây đã nhiều lần nhấn mạnh, nếu không có sự viện trợ thì không chỉ mặt trận mà cả nhà nước Ukraine nói chung sẽ sụp đổ. Hồi tháng 5 năm ngoái, trước tất cả các sự kiện kịch tính ở gần Kharkov và Kherson, chúng ta đã tự đặt câu hỏi: liệu phương Tây có sẵn sàng nuôi dưỡng Ukraine và chiến đấu với chúng ta bằng Ukraine khi không có triển vọng chiến thắng rõ ràng hay không?

Câu trả lời là: Ít nhất, họ không vui mừng, các nhà lãnh đạo phương Tây đang cố gắng giảm tối đa chi phía của nước họ hoặc đổ lỗi cho nước láng giềng. Việc duy trì Ukraine về mặt quân sự, kinh tế và nhân đạo tiêu tốn 250-350 triệu USD/ngày; khoản tiền này bảo đảm duy trì hình thức chiến tranh tiêu hao chết chóc cho Ukraine hiện tại, nhưng không mang lại ưu thế đủ để giành chiến thắng. Hiện nay thì cả mức độ chu cấp này cũng đang bị đặt dấu hỏi: cuộc sống vẫn tiếp diễn, ngày càng có nhiều yếu tố thu hút sự chú ý khỏi Ukraine - cuộc xung đột ở Trung Đông, chiến dịch bầu cử ở Mỹ, trong đó việc tài trợ cho Ukraine có nguy cơ trở thành trở ngại chính, cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp diễn ở châu Âu. Những tiếng nói về sự cần thiết phải đàm phán với Moskva đang vang lên ngày càng to ở phương Tây.

Biến chuyển không phải lúc nào cũng rõ ràng này có thể được đánh giá qua thái độ đối với cá nhân Zelensky: một năm trước, ông ta đã được công kênh trên tay, được tuyên bố là nhân vật của năm và được hoan nghênh nhiệt liệt trong các tòa nhà quốc hội. Sau đó, thế giới phương Tây nín thở chờ đợi một cuộc phản công, sau thất bại của nó, thì ngay vào tháng 7, sự xa lánh đã đến, đến mùa thu thì đã được thay thế bằng sự cáu kỉnh và có nơi thậm chí là sự thù địch công khai.

“Khó có khả năng Ukraine sẽ bị cắt hoàn toàn nguồn nuôi dưỡng - điều này quá tốt để có thể là sự thật - nhưng có thể khẳng định với mức độ chắc chắn cao: trong tương lai gần, đỉnh điểm can dự của phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine đã qua”

Giờ đây, thậm chí người ta không nói về các đợt viện trợ ồ ạt có thể so sánh với hồi đầu năm 2023, khi cuộc phản công đang được chuẩn bị - và những đợt viện trợ đó, như chúng ta thấy, cũng là không đủ. Các tiêm kích và tên lửa tầm xa được hứa hẹn sẽ không giúp ích gì: các tiêm kích về thực chất sẽ thay thế các máy bay và hệ thống phòng không Liên Xô đã bị tiêu diệt, còn tên lửa tầm xa mặc dù chúng có thể khiến chúng ta đau đầu thêm trong các cuộc tấn công sâu vào hậu phương trên các vùng lãnh thổ mới và ở Crimea, nhưng không tăng cường khả năng tấn công của quân đội Ukraine.

Như vậy, Ukraine đang tiến gần đến cuối năm thứ hai của cuộc xung đột với sự hỗ trợ ngày càng suy yếu của phương Tây, suy yếu sau các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng, với nền kinh tế đang thở ngoải nhờ sự trợ giúp của máy thở hay trục trặc (đây là nói về nguồn tài trợ của phương Tây), với một quân đội đang suy yếu và già đi, tiếp tục mất đi những chiến binh có động cơ chiến đấu nhất, - và tất cả những điều này là để chống lại một kẻ thù quyết tâm, có tiềm năng động viên lớn hơn 5 lần, công nghiệp quốc phòng đang tang tốc, còn quân đội thì đang được mạnh lên khi vượt qua các vấn đề của chính mình.

Ba là đánh tan quân đội của kẻ thù


Bằng cách đập tan các ý đồ và làm lung lay các liên minh, chúng ta đã mở ra một cửa sổ cơ hội - câu hỏi đặt ra là quân đội của chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào và vào lúc nào.

Điểm chung là quan điểm về sự bế tắc trận địa chiến trên mặt trận có thể sánh với cuộc chiến Iran-Iraq hay thậm chí là Thế chiến I về sự vô vọng. Lý do dẫn đến sự bế tắc thường được coi là cuộc cách mạng máy bay không người lái (UAV): sự phổ biến ồ ạt của UAV trinh sát và tấn công ở cấp chiến thuật thấp cho phép kiểm soát suốt ngày đêm đối với khu vực tiền duyên của đối phương và các tuyến đường ở vùng hậu phương gần. Nói một cách đơn giản, gần như mỗi người lính hiện nay đều có đôi mắt bên trên chiến trường và quả đạn chính xác sẵn sàng sử dụng trong vài phút. Người ta còn nêu ra việc thiếu quân số: trong điều kiện mặt trận trải dài và số lượng quân ở cả hai bên xấp xỉ bằng nhau, rất khó để tạo ra ưu thế quân số cần thiết ở khu vực này hay khu vực khác.

Điều này đúng, nhưng không phải là tất cả. Có vẻ như nguyên nhân thứ ba dẫn đến tình trạng trì trệ ở mặt trận là do sự không sẵn sàng của cả quân đội Nga và quân đội Ukraine để hành động hiệu quả trong đội hình các binh đoàn.

Khi đọc các báo cáo chiến sự, giao tiếp với các binh sĩ và chỉ huy, có thể nhận thấy: một cuộc tấn công điển hình cho cả phía quân đội Nga và quân đội Ukraine là một trung đội hay một đại đội. Ngay cả các cuộc tấn công của cấp tiểu đoàn cũng rất hiếm, còn các hành động thống nhất của các lữ đoàn hoặc quân đoàn thì gần như hoàn toàn không nghe thấy kể từ khi hình thành mặt trận ít nhiều dày đặc vào mùa xuân năm ngoái. Pháo binh cũng hoạt động tương tự: các đợt pháo kích cấp tiểu đoàn rất hiếm mà thường là, các pháo tự hành hoạt động đơn lẻ hoặc theo cặp. Các UAV tấn công và máy bay chiến thuật cũng bay đơn lẻ hoặc theo cặp. Do đó, những lượng lớn quân ở mặt trận vẫn phân tán, không chuyển thành khối tấn công, còn các cuộc tấn công của một trung đội hoặc đại đội thì bị vô hiệu hóa bởi các  UAV nhỏ, pháo binh và các bãi mìn, chúng sẽ bất lực trước một binh đoàn hành động như một thể thống nhất.

“Điều này giống như những trận chiến thời cổ đại hoặc trung cổ, khi mà chiến trường của hai quân đội đã được chia ra thành nhiều trận đánh; trong trường hợp của chúng ta, thay vì các chiến binh riêng lẻ cầm giáo và kiếm là các trung đội và đại đội riêng lẻ, được tăng cường bằng các khẩu pháo riêng lẻ, các UAV hạng nặng và trực thăng riêng lẻ”.

Phải nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là vấn đề của chúng ta mà nó có lẽ ở mức độ ít nhiều là đặc điểm của hầu hết các quân đội trên thế giới. Lý do là vì cách diễn giải các nhiệm vụ của chúng trong những thập kỷ gần đây: chiến đấu với kẻ địch không chính quy, với quân nổi dậy, kiểm soát lãnh thổ, chống khủng bố, các chiến dịch hạn chế nhằm cưỡng chế hòa bình, bất cứ điều gì - ngoại trừ các hoạt động tác chiến trên bộ trên mặt trận trải dài 1.000 km. .

Đối với tất cả các nhiệm vụ “nhỏ” này, các nhóm chiến thuật tiểu đoàn được lập ra linh hoạt mà hành động do sở chỉ huy cấp trên trực tiếp chỉ huy là rất phù hợp. Quân đội Liên Xô đã đi theo con đường này ít nhất kể từ thời Afghanistan, và thậm chí còn sớm hơn - với việc chuyển đổi sang hệ thống các đơn vị khung, trong đó sự phục vụ của đội ngũ sĩ quan là một loại hình công việc không đòi hỏi duy trì các kỹ năng chỉ huy chiến đấu và công tác tham mưu.

Sự suy thoái tự nhiên hàng thập kỷ đã dẫn đến việc cả chúng ta (Nga), lẫn kẻ thù và (chúng tôi đồ rằng) cả ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều không có đủ số lượng tướng lĩnh có khả năng chỉ huy hiệu quả các lữ đoàn, quân đoàn và tập đoàn quân trong tác chiến - huống chi là không có đủ số lượng sĩ quan có khả năng làm việc hiệu quả tại các sở chỉ huy cấp tương ứng. Kết quả là một lực lượng vũ trang trên bộ bao gồm các đơn vị phân tán vô tận, không thể tập hợp thành các binh đoàn lớn hơn; có thể nói việc các đơn vị này thuộc về các lữ đoàn và quân đoàn chỉ có tính danh nghĩa.

Vấn đề này sẽ không thể giải quyết nhanh chóng: vấn đề không chỉ ở chỗ các chỉ huy có năng lực, tài năng và kinh nghiệm không mọc ra trên cây (còn các học viện quân sự dường như cũng gặp những khó khăn tương tự với đội ngũ giảng viên), mà vấn đề là ở chỗ rõ ràng một lớp văn hóa tương ứng đã bị mất đi hoàn toàn hoặc một phần. Các phương tiện tác chiến mới nhất (thông tin liên lạc, trinh sát, vũ khí chính xác cao và UAV) đã làm giảm đáng kể giá trị của kinh nghiệm cũ của 60-70 năm trước. Chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu.

Tin tốt là chúng ta đang học. Rõ ràng, giới lãnh đạo quân sự cao cấp Nga hiểu được vấn đề và không lùa binh lính vào chỗ chết, mà họ dùng các chiến dịch tấn công cục bộ, chẳng hạn như ở gần Avdeevka, để tích lũy kinh nghiệm cho các binh lính và người chỉ huy, nhân viên tham mưu, cho các cơ quan hậu cần và kỹ thuật. Các nhà phân tích quân sự của đối phương ngày càng khó chịu khi thấy quân đội Nga phản ứng linh hoạt như thế nào với diễn biến trận đánh, không gây sức ép bằng mọi giá; trong trường hợp thất bại, liền rút lui và thay đổi chiến thuật. Trình độ phối hợp hiệp đồng ngày càng cao: vào đầu tháng 11.2023, các cuộc tấn công quân Nga đã thực sự là các cuộc tấn công cấp tiểu đoàn, các nguồn tin ở mặt trận cũng ghi nhận chất lượng chỉ huy tăng dần.

Tin tốt thứ hai: như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, thời gian dường như đang đứng về phía chúng ta. Quân đội Nga có cơ hội duy trì thế phòng thủ chiến lược, đồng thời mở rộng sản xuất công nghiệp quốc phòng và tích lũy kinh nghiệm. Sớm hay muộn, với sự kiên trì cần thiết, tất cả các quá trình này sẽ mang lại hiệu quả mong muốn, lượng sẽ chuyển thành chất, và chúng ta sẽ có một công cụ được chờ đợi từ lâu để đánh bại kẻ địch đang suy yếu.

Bốn là tránh vây hãm các pháo đài

Như chúng tôi đã nhiều lần lưu ý, cuộc xung đột Ukraine được tiến hành không phải để giành đất đai (Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã công khai nói ra ý tưởng này vào đầu tháng 10.2023); việc chiếm giữ và kiểm soát một số vùng lãnh thổ nhất định có tính chất công cụ: hoặc mang tính chiến lược như hành lang Azov, hoặc thuần túy quân sự, như thị trấn Artyomovsk (Bakhmut), nơi mà về bản chất, đã diễn ra việc đánh đổi các nhóm đột kích của Công ty quân sự tư nhân Wagner với các đơn vị Ukraina sẵn sàng chiến đấu nhất mà sau đó đã không đi về phía nam để tham gia cuộc phản công. Trong trường hợp có mối đe dọa đối với quân đội, chúng ta không ngần ngại rút lui ở nơi có thể cho phép (thành phố Kherson, tỉnh Kharkov).

Mục tiêu chính của Chiến dịch quân sự đặc biệt không thay đổi: Ukraine không được trở thành một mũi lao của phương Tây nhằm vào chúng ta. Có thể thấy, Nga đang tiến tới mục tiêu này một cách nhất quán, mặc dù chậm chạp.

Vì những lý do hợp lý, phương Tây cần đạt được thỏa thuận với Nga càng sớm càng tốt trong khi Ukraine vẫn còn là sức mạnh quân sự đáng kể - có thể là trước đó là thay thế Zelensky bằng ai đó dễ bảo hơn. Tuy nhiên, những tuyên bố quá cứng rắn và không thể dung hòa đã được đưa ra khi trông đợi những chiến thắng tất yếu, quá nhiều cây cầu đã bị đốt cháy, mà điều đó có nghĩa là thế hệ chính trị gia phương Tây hiện nay sẽ khó có thể nghe theo lời khuyên “quay ngoắt 360 độ” của Annalena Baerbock [1] và ứng xử một cách hợp lý.

Mặt khác, những ranh giới mà Nga sẵn sàng đi đến là không hoàn toàn hiểu rõ, và các khả năng quân sự trong tương lai của chúng ta cũng cũng không hoàn toàn rõ ràng: xét cho cùng, bất kỳ xung đột quân sự nào, dù là hạn chế, đều là gánh nặng lớn cho nền kinh tế, ngoài ra còn tổn thất ngày càng tăng và sự mệt mỏi của xã hội ngày càng tích tụ. Cho đến nay, các tuyên bố của giới lãnh đạo Nga tựu trung lại là: chúng tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng sẽ không có đình chiến gì hết. Có vẻ như Điện Kremlin tin chắc rằng, thời gian đang đứng về phía chúng ta.

Như vậy, có thể trông đợi rằng, các cuộc đàm phán hòa bình ban đầu sẽ được tiến hành trong bối cảnh chiến sự vẫn đang diễn ra. Kết quả chiến sự sẽ quyết định các đường nét của hòa bình. Còn triển vọng chiếm được các pháo đài mới sẽ không chỉ phụ thuộc vào khả năng của chúng ta mà còn phụ thuộc vào mức độ ngoan cường của đối phương vốn đang giữ lập trường hoàn toàn không khoan nhượng và buộc Nga phải từng bước loại bỏ mối đe dọa cùng với nhà nước Ukraine như nó vốn có.

Những kẻ mơ về một cuộc giành lại lãnh thổ của Ukraine cần hy vọng rằng, đối phương sẽ duy trì sự không khoan nhượng của mình càng lâu càng tốt.

Nguồn: Sergey Poletaev / Globalaffairs, 8.11.2023.

Print Print E-mail Print