Vietnamdefence.com

 

Lý giải vì sao Nga đang thua: Những sai lầm của tình báo, không quân kém hiệu quả, thua kém về vũ khí

VietnamDefence - VietNamDefence giới thiệu bài viết có tính tham khảo phân tích một số yếu kém thất bại của Nga trong hơn một năm đầu cuộc chiến ở Ukraine, trước khi quân đội Ukraine mở cuộc phản công thảm bại hè thu năm 2023. Cục diện chiến trường hiện đã đổi khác khi Nga chiếm thế chủ động chiến lược và thượng phong, Ukraine lùi về thế thủ. Tuy nhiên, một số đánh giá trong bài vẫn có giá trị bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Đoàn xe quân sự Nga dài 64 km tiến quân về Kiev (Maxar Technologies)

Các quan chức và tuyên truyền của Nga đã coi quân đội của họ là “đứng thứ hai trên thế giới”. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác đôi khi đồng ý với điều này. Ví dụ, vào năm 2016, Barack Obama đã gọi quân đội Nga là “hùng mạnh thứ hai”. Ngay cả Volodymyr Zelensky, trong phát biểu nhân dịp một năm kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, đã nói rằng, Ukraine đã đứng vững trước “quân đội đứng thứ hai thế giới”. Tuy nhiên, vài tháng sau khi Nga tiến quân vào Ukraine, cụm từ này đã trở thành một meme, còn các hành động của quân đội Nga ở Ukraine đặt ra những câu hỏi: tại sao quân đội Nga gần như ngay lập tức bắt đầu gặp thất bại trên mặt trận và tại sao họ tiếp tục rời bỏ các trận địa?

Tình báo Nga đã tỏ ra kém hiệu quả

Tháng 2.2022, khi Nga đang tập trung quân ở biên giới với Ukraine, các chuyên gia thuộc nhóm điều tra Conflict Intelligence Team đã thông báo rằng, số quân và vũ khí trang bị này đủ để “đánh chiếm các thành phố lớn”. Theo các đánh giá khác nhau, lúc đó Nga đã tập trung 150.000-190.000 quân tại biên giới. Đó là khoảng 90 nghìn binh sĩ quân đội, khoảng 30 nghìn lính Vệ binh Quốc gia, và phần còn lại là dân quân nhân dân của các nước CHND Lugansk và Donetsk. Tuy nhiên, mặc dù có lợi thế về quân số, Nga đã không chuẩn bị tốt cho chiến dịch quân sự đặc biệt. Một là quân đội Nga đã sử dụng các bản đồ lỗi thời từ thập niên 1970 để pháo kích. Thực ra, tình báo Liên Xô đã mô tả chi tiết về nhiều thành phố ở Ukraine có ghi rõ các cơ sở quân sự, nhưng sau 50 năm, những bản đồ này đã lỗi thời: nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc biến thành cơ sở hạ tầng dân sự. Ví dụ, Nga đã bắn phá sân bay Zhuliany ở Kiev, nơi trước đây từng có một kho quân sự.

Hai là tình báo Nga đã đánh giá sai tình cảm thân Nga ở Ukraine. Có vẻ như quân Nga đã thực sự mong đợi người Ukraine sẽ mang hoa ra đón họ. Lính Vệ binh Quốc gia Nga tiến vào các thành phố mà không mang súng, chỉ có dùi cui và khiên, còn các binh sĩ quân đội Nga thực thụ thì được trang bị kém và mặc trên mình quân phục diễu binh. Và điều này không chỉ được chứng minh bằng những bức ảnh do quân đội Ukraine công bố. Theo Mediazona và Ban tiếng Nga của BBC vốn đang thu thập dữ liệu về các binh lính Nga hy sinh, thì trong số những người hy sinh trong những ngày đầu xung đột có cả các binh lính của các trung đoàn quân nhạc.

Cuộc đột kích thất bại

Quân đội Nga đã tiến vào Ukraine: các trung đoàn tinh nhuệ, chủ yếu là lính hợp đồng đã hành quân dọc theo các xa lộ đến các thành phố lớn để cố gắng chiếm chúng. Các phương tiện truyền thông đã trông đợi Kiev sẽ bị đánh chiếm chóng vánh. Tuy nhiên, các đoàn xa Nga đã bị kéo căng và 190 quân đã bị phân tán, điều này giúp quân Ukraine dễ dàng bắn phá quân Nga, các đoàn xe Nga đã bị đốt cháy thui theo đúng nghĩa đen. Ngoài ra, quân đội Ukraine còn tấn công vào lực lượng hậu cần tiếp tế, làm cho quân Nga không có nhiên liệu và quân tiếp viện ngay trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Nếu nhìn vào những tổn thất binh khí kỹ thuật, thì số xe tăng Nga bị bỏ lại do thiếu nhiên liệu còn nhiều hơn số xe tăng bị quân đội Ukraine tiêu diệt. Ban đầu, quân đội Nga đã giành được một số thắng lợi ở hướng nam.

Các chuyên gia giải thích điều này bởi thực tế là Quân khu Miền Nam của Nga được coi là được chuẩn bị kỹ tốt hơn so với các lực lượng còn lại của Nga và người dân các khu dân cư giáp Crimea thực sự đã có tình cảm thân Nga.

Một sai lầm lớn của quân đội Nga là ngay từ đầu cuộc chiến, không rõ cụ thể ai là người chỉ huy cuộc tấn công. Khái niệm về một quân đội hiện đại bao hàm việc ra quyết định và phối hợp giữa các quân binh chủng khác nhau chính là ở cấp cơ sở. Ngoài ra, vào đầu cuộc chiến, các đơn vị thậm chí đã không được đặt mật danh liên lạc, các đơn vị sát cạnh nhau đã không thể liên lạc với nhau, còn các sĩ quan thì sử dụng điện thoại di động thay vì bộ đàm mà qua đó, pháo binh Ukraine dễ dàng lần ra vị trí của quân Nga. Các tướng lĩnh ra tiền tuyến đã nhanh chóng tử trận, còn các mệnh lệnh thì được đưa ra từ các sở chỉ huy khác nhau từ lãnh thổ Nga. Ví dụ, do các chỉ thị không phù hợp, các xe tăng Nga chẳng hạn đã đột kích vào Ugledar qua các bãi mìn hoặc đã cố gắng băng qua sông gần Belogorovka và đã mất hơn 100 xe cùng kíp xe.

Khả năng chiến đấu của quân Nga liên tục giảm sút

Vào đầu cuộc chiến, người ta đã thấy rõ là kế hoạch đánh chiếm nhanh chóng các thành phố Ukraine đã thất bại, nhưng Nga đã không thực hiện bất kỳ hành động nào ngoài việc bắn phá ồ ạt, làm lãng phí phần lớn các tên lửa. Sau khi tổn thất một số quân đáng kể, Nga đã huy động mọi lực lượng vào cuộc chiến để cứu vãn tình thế. Chính quyền Nga đã không tuyên bố động viên trong một thời gian khá dài, nhưng họ đã buộc phải làm điều này để thay đổi chiến thuật sang tiến hành một cuộc chiến kéo dài và công phá các cứ điểm.
Một số công ty quân sự tư nhân đã được phái ra mặt trận. Ngoài ra, Nga thậm chí còn phải huy động cả các binh lính bảo vệ biên giới quốc gia chẳng hạn như Sư đoàn pháo-súng máy 18  bảo vệ quần đảo Kuril hoặc các binh lính từ căn cứ quân sự ở Gyumri. Tuy nhiên, chất lượng đã giảm bất chấp số lượng.  Các chuyên gia lưu ý rằng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ sĩ quan, đánh giá qua các chiến dịch mà chúng ta đã thấy, là đáng nghi ngờ. Trong khi đó, binh lính quân đội Ukraine có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn bởi vì cuộc chiến ở Ukraine đã diễn ra hơn 8 năm.

Trong số tất cả các công ty quân sự tư nhân Nga có mặt ở Ukraine, chỉ có lực lượng Wagner đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến. Ngay từ đầu, sức chiến đấu, cũng như mức độ bảo đảm hậu cần của họ đã cao hơn so với quân đội Nga. Tuy nhiên, sau đó, do thiếu quân, Wagner đã bắt đầu tuyển mộ cả tù nhân. Họ đã công phá các cứ điểm của Ukraine, và điều này đòi hỏi một số lượng quân lớn. Tất nhiên, các tù nhân không phải là những chiến sĩ có động lực cao hoặc tinh nhuệ, nhưng họ đã mang lại khả năng đột kích các cứ điểm, bất chấp tổn thất.

Nga dần thua kém về uy lực vũ khí

Do những tổn thất nặng nề, những khó khắn về bảo đảm hậu cần cho quân Nga và không thể trụ vững trong các thành phố lớn, quân Nga đã chuyển từ các nhiệm vụ chiến lược sang các nhiệm vụ chiến thuật. Mặc dù học thuyết quân sự của Nga có viết rõ rằng, các cuộc chiến tranh hiện đại sẽ kết thúc nhanh chóng, nhưng quân đội Nga đã vẫn buộc phải chuyển sang một cuộc chiến kéo dài. Giờ đây, điều quan trọng không phải là chiếm càng nhiều lãnh thổ càng tốt mà là chỉ chiếm các tỉnh Donetsk và Lugansk. Tuy nhiên, ngay cả sau những thay đổi, chiến thuật của quân đội Nga vẫn quá đơn giản: họ chỉ sử dụng pháo binh quy mô lớn. Chiến thật đó đã có hiệu quả ở Bakhmut và Mariupol bởi vì vào thời điểm đó, Nga đã có thể cho phép mình tiêu hao mỗi ngày số lượng đạn pháo nhiều gấp nhiều lần so với quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, ngay cả các kho tên lửa dự trữ của Liên Xô cũng không phải là vô hạn, và theo thời gian, ưu thế này đã bắt đầu biến mất. Trong khi đó, quân đội Ukraine đã nhận được vũ khí chính xác cao.

Các đợt cung cấp vũ khí của phương Tây giúp Ukraine không chỉ bắn hạ các tên lửa hành trình mà còn làm tăng cơ hội tiêu diệt các tên lửa đường đạn của Nga. Việc chuyển giao gần đây các hệ thống Patriot thuộc các biến thể mới nhất chính là nhằm bắn hạ các tên lửa đường đạn. Ưu thế của quân đội Ukraine về vũ khí đã tăng lên và đang tiếp tục tăng. Ví dụ, trong hệ thống rocket phóng loạt HIMARS của Mỹ, khác với các hệ thống của Nga, mỗi tên lửa HIMARS đều có hệ dẫn vệ tinh. Nhờ việc quân đội Ukraine sử dụng máy bay không người lái, còn các cơ quan tình báo phương tây cung cấp cho họ ảnh vệ tinh, hiệu quả của các cuộc pháo kích tăng lên. Do thiếu vũ khí, Nga thậm chí đã bắt đầu phải lấy các xe tăng T-54 và T-55 được sản xuất từ những năm 1950 ra khỏi các kho cất giữ lâu dài. Các chuyên gia cho rằng, lý do duy nhất để quân đội Nga sử dụng chúng là để tỏ vẻ là có các xe tăng.

Không quân hoạt động kém hiệu quả

Một thiếu sót khác của quân đội Nga là hoạt động yếu kém của không quân. Trước khi xung đột bùng nổ, các chuyên gia đã nhấn mạnh ưu thế đáng kể của không quân Nga so với Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã không chế áp được hệ thống phòng không Ukraine, có nghĩa là không quân Nga không thể hành động ồ ạt, đặc biệt là sâu trong lãnh thổ Ukraine. Và không quân Nga trên thực tế chỉ yểm trợ quân Nga trên tiền tuyến. Nga có các máy bay Su-34 và Su-24 vốn vẫn đang sử dụng các loại bom như FAB-500 hay FAB-250. Đây là các loại bom không điều khiển, đã hơn 50 năm tuổi. Nhân tiện cũng phải nói rằng, Liên Xô đã phạm sai lầm tấn công mà không có sự yểm trợ của không quân ở Afghanistan, hồi đó, yếu tố đã làm suy yếu quân đội Xô-viết.

Ngoài ra, sau khi các máy bay F-16 được chuyển giao cho Ukraine, quân đội Nga sẽ rất khó tiến hành ngay cả những hoạt động hạn chế trên tiền tuyến hiện đang được thực hiện. F-16 có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác và đánh chặn các tên lửa hành trình - điều đó có thể làm cho không phận Ukraine hầu như không thể xuyên thủng.

Kết luận

Tình báo Nga đã thất bại, không hoàn thành được các nhiệm vụ của mình: họ đã dựa vào các thông tin đã lạc hậu và đánh giá sai tâm trạng của người dân Ukraine hoặc đã cung cấp những thông tin mà chính quyền Nga muốn nghe.

Vì thế, quân đội Nga đã không sẵn sàng cho một cuộc chiến quy mô lớn: quân số là không đủ, còn chiến lược đánh chiếm các thành phố lớn của Ukraine đã chỉ làm cho Nga mất đi những đơn vị lính hợp đồng có sức chiến đấu nhất.

Tiếp đó, sau thất bại, Nga đã mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định: việc động viên một phần chỉ được tuyên bố sau khi mặt trận gần Kharkov đã sụp đổ, hơn nữa việc động viên đã diễn ra vội vàng và không hiệu quả.

Cách thức tổ chức quân đội Nga cũng gây cản trở. Ngay cả sau nhiều năm hiện đại hóa và tăng ngân sách quân sự, Nga vẫn tiếp tục đưa ra các quyết định tập trung quá mức và các hành động của Nga mâu thuẫn với chính học thuyết của mình.

Sau khi quân Nga triệt thoái khỏi Kherson, ngoại trừ Bakhmut, Nga trên thực tế không chiếm được các khu dân cư nào, còn mặt trận chỉ tiến được vài kilômet kể từ mùa xuân năm ngoái. Giờ đây, Ukraine đã chuẩn bị lực lượng và với sự trợ giúp của các đợt cung cấp vũ khí và thông tin của phương Tây, họ có thể chuyển sang phản công.

Nguồn: Leonid Nersisyan, Georgy Aleksandrov // Novayagazeta.eu, 5.6.23.

Print Print E-mail Print