Vietnamdefence.com

 

Cuộc chiến giành Đài Loan sẽ như thế nào và ảnh hưởng thế nào đến toàn thế giới

VietnamDefence - Ngày nay, vấn đề Đài Loan được Bắc Kinh coi là trở ngại chính trong quan hệ với Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, cả Mỹ và TQ đều lên kế hoạch phát triển lực lượng của mình ở Thái Bình Dương trong khi cân nhắc các phương án căng thẳng xung đột khác nhau xung quanh hòn đảo này.

Hoạt động quân sự của TQ đã tăng đột biến ở gần Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo này vào tháng 8.2022. Mặc dù chính quyền TQ tiếp tục tuyên bố rằng, vấn đề Đài Loan phải được giải quyết chủ yếu bằng các biện pháp hòa bình, nhưng có những dấu hiệu rất rõ cho thấy tất cả các bên liên quan (Đài Loan, TQ và Mỹ) đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quy mô lớn.

Sự chuẩn bị này ở cả hai bên eo biển Đài Loan từ lâu đã vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường là tăng cường mua sắm quân sự và tăng tần suất tập trận. Hiện nay, đó là việc nâng cao khả năng sẵn sàng động viên của ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế nói chung; cải thiện hệ thống nghĩa vụ quân sự; thắt chặt chế độ an ninh; các chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác dân chúng; tăng cường hoạt động công khai của các cơ quan phản gián.

Tất nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là một cuộc đụng độ quân sự đã được định trước. Nhưng bây giờ nó có khả năng xảy ra nhiều hơn trước nhiều. Và nếu một cuộc chiến vì Đài Loan nổ ra, chắc chắn nó sẽ gây ra những hậu quả toàn cầu.

TQ là quốc gia lớn nhất thế giới về quy mô sản xuất của công nghiệp sản xuất chế tạo. Nước này gần như độc quyền sản xuất một số loại sản phẩm - từ phức tạp đến đơn giản nhất quyết định cuộc sống hàng ngày của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ví dụ, TQ sản xuất 70% tổng số đồ chơi trẻ em, 90% tổng số máy tính xách tay, 80% tổng số linh kiện cho thiết bị năng lượng mặt trời và hơn 60% tổng số điện thoại thông minh. Còn Đài Loan sản xuất 60% tổng số vi mạch và hơn 90% vi mạch được sản xuất bằng các quy trình công nghệ tiên tiến.

Với mức độ phụ thuộc công nghiệp của thế giới vào TQ và Đài Loan như vậy, chiến tranh sẽ là sự kiện chia lịch sử kinh tế thế giới thành trước chiến tranh và sau chiến tranh. Cảm nhận được những hậu quả của cuộc xung đột không chỉ là mỗi quốc gia mà còn mỗi hộ gia đình trên thế giới. Chính vì vậy mà câu hỏi xung đột sẽ như thế nào nếu như nó bắt đầu có tầm quan trọng to lớn và rất thực tế. Tính chất của các hoạt động chuẩn bị chiến tranh của TQ, Mỹ và Đài Loan, cũng như kinh nghiệm của cuộc xung đột ở Ukraine cho phép đưa ra một số phỏng đoán về vấn đề này.

Xung đột sẽ nổ ra đột ngột

Từ tháng 8.2022, TQ duy trì hoạt động cường độ cao ở các khu vực mà trước đây quân đội nước này cực kỳ hiếm khi hoạt động. Ví dụ, ở khu vực phía đông đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Đến năm 2020, các lực lượng không quân và hải quân TQ hầu như không vi phạm đường này, nhưng khi quan hệ TQ-Mỹ xấu đi, máy bay TQ đã bắt đầu bay ở khu vực này ngày càng thường xuyên hơn.

Sau chuyến thăm Đài Bắc của Pelosi, từ ngày 1.9-31.12.2022, số vụ vi phạm đường trung tuyến đã lên tới 564 phi vụ, nhiều gấp 24 lần so với toàn bộ thời gian quan sát trước đó, tính từ năm 1954. Trong năm nay, chỉ trong tháng 8, đã có hơn 300 máy bay vượt qua ranh giới này.

Các chuyến bay được thực hiện theo các tốp lớn, bao gồm các máy bay ném bom, tiêm kích, máy bay trinh sát và tác chiến điện tử giống như khi thực hiện một cuộc tấn công và đôi khi có treo cả vũ khí. Cả máy bay của cả Không quân và Hải quân TQ đều tham gia vào các chuyến bay như vậy.

Từ tháng 8.2022, các cuộc tập trận của Hải quân TQ liên tục diễn ra gần hòn đảo này, còn trên bờ biển đại lục gần đó thì diễn ra các cuộc tập trận của Lục quân TQ. Các hoạt động quy mô như vậy vượt ra ngoài khuôn khổ huấn luyện chiến đấu. Nhiệm vụ đầu tiên rõ ràng đang được TQ thực hiện là làm kiệt sức và mất tinh thần quân đội Đài Loan, cũng như làm giảm bớt sự cảnh giác của họ. Cường độ hoạt động cao như vậy cũng rất tốn kém cho TQ. Nhưng do có ưu thế nhiều lần về quân số, quân đội TQ có thể tiến hành luân chuyển các lực lượng quanh hòn đảo, trong khi quân đội Đài Loan, đặc biệt là không quân và hải quân, luôn ở trong tình trạng căng thẳng, với mức độ hao mòn trang bị cao và binh sĩ mệt mỏi.

Khi cường độ hoạt động cao như vậy trở nên quen thuộc, sẽ xuất hiện cơ hội thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ dưới vỏ bọc của nó. Chừng nào TQ duy trì nhịp độ hoạt động quân sự hiện nay xung quanh Đài Loan, họ có cơ hội tốt để đạt được bất ngờ chiến dịch khi tấn công. Tuy nhiên, hoạt động hiện tại của TQ xung quanh Đài Loan có thể được thay bằng cả việc giảm căng thẳng - tùy thuộc vào các sự kiện chính trị trong những tháng tới. Chẳng hạn, phụ thuộc vào cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Đài Loan được ấn định tổ chức vào tháng 1.2024, cũng như những bước đi đầu tiên của chính quyền mới ở Đài Loan. Sự hòa hoãn, nếu nó thực sự xảy ra, có thể chỉ là tạm thời và sẽ kết thúc bằng một bước leo thang mới nhằm đáp trả những hành động của Washington hoặc Đài Bắc mà TQ coi là không thân thiện.

Khó dự đoán tính chất của cuộc xung đột

Một bài học quan trọng từ cuộc xung đột ở Ukraine là cả hai bên đều không có khả năng đánh giá đúng tính chất, phạm vi và thời lượng của chiến sự, cũng như mức độ tổn thất. Cơ sở công nghiệp quốc phòng của cả Nga và phương Tây đều không hoàn toàn sẵn sàng cho những gì đang xảy ra, điều đó dẫn đến tình trạng thiếu kinh niên đạn dược và nhiều loại vũ khí. Đồng thời, người ta phát hiện ra rằng, sự không sẵn sàng của phương Tây còn lớn hơn nhiều so với sự không không sẵn sàng của Nga, quốc gia trong năm 2022-2023 đã tăng được nhịp độ sản xuất các loại vũ khí cơ bản nhanh hơn so với đối phương.

Chiến sự ở Ukraine cũng đã làm bộc lộ sự vô dụng của phần lớn kinh nghiệm từ các cuộc xung đột quân sự cục bộ giai đoạn 1992-2021, cũng như những lỗ hổng nghiêm trọng trong nghệ thuật chiến tranh và chính sách kỹ thuật quân sự của các bên tham gia xung đột.

Ví dụ, cả hai bên đều không hiểu UAV cỡ nhỏ và đạn tuần kích (UAV cảm tử) có tầm quan trọng như thế nào; đánh giá thấp vai trò của pháo binh và chưa dành sự quan tâm đúng mức cho việc phát triển phần vật chất của pháo binh; đã không chuẩn bị đủ số lượng xe vận tải tiền duyên hạng nhẹ.

Ngoài ra, Chiến dịch quân sự đặc biệt còn làm phát lộ sự thất bại của Nga trong sản xuất khí tài thông tin liên lạc và chỉ huy cấp chiến thuật, và thất bại của phương Tây trong sản xuất hàng loạt các hệ thống phòng không lục quân giá rẻ.

Xét về mức độ phức tạp, cuộc xung đột xung quanh Đài Loan sẽ là cái gì đó giống như cuộc khủng hoảng Ukraine nâng lên lũy thừa 3. Cuộc chiến giành Đài Loan sẽ bao gồm giao tranh trên bộ, nhưng ngay điều này cũng sẽ phức tạp hơn các trận đánh ở Ukraine do diện tích khu vực đô thị lớn hơn và bề mặt địa hình núi non ở khu vực giữa hòn đảo.
Đây sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao lớn đầu tiên trên biển kể từ năm 1945. Trong suốt thời kỳ sau Thế chiến II, chỉ có vài cuộc đụng độ quy mô hạn chế giữa các hạm đội của các cường quốc trong khu vực. Nhiều thủ đoạn chiến thuật và chủng loại vũ khí hải quân tồn tại hiện nay chưa bao giờ được sử dụng đầy đủ trong thực chiến hoặc chỉ được sử dụng trong các tình huống đơn lẻ.

Tình hình sẽ còn phức tạp hơn do sự tham gia hạn chế vào cuộc xung đột của quân đội Mỹ và những nỗ lực có thể xảy ra của TQ nhằm cô lập chiến trường bằng cách tổ chức phong tỏa Đài Loan. Lần đầu tiên trong điều kiện chiến đấu, các loại vũ khí như tên lửa đường đạn chống hạm siêu vượt âm, tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm, máy bay hải quân mang tên lửa, phương tiện không người lái tấn công dưới nước và trên không hạng nặng sẽ được sử dụng để chống lại một kẻ thù tương đương. Vẫn chưa rõ tất cả những vũ khí đó sẽ thể hiện mình như thế nào trong điều kiện Thái Bình Dương. Mức độ bất định ở đây là tối đa, nhiều điều có thể xảy ra không theo kế hoạch và kết cục của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào nguồn lực và khả năng thích ứng của mỗi bên.

Cuộc xung đột có lẽ sẽ diễn ra trong một thời gian khá dài

Dựa trên kinh nghiệm của cuộc xung đột ở Ukraine, việc đánh chiếm chớp nhoáng Đài Loan hầu như bị loại trừ. Việc đánh chiếm nhanh chóng hòn đảo nhanh chóng chỉ có thể nếu hệ thống chính trị và quản lý nhà nước Đài Loan không chịu được cú sốc khi chiến tranh bùng nổ và những tổn thất đầu tiên, ngừng hoạt động ngay trong những ngày đầu giao tranh. Trong mọi trường hợp khác, chiến tranh sẽ kéo dài ít nhất nhiều tháng.

Bản thân việc đổ bộ lên đảo Đài Loan sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài của phía TQ: chế áp phòng không, tiêu diệt hạm đội Đài Loan, loại khỏi vòng chiến các căn cứ không quân hiện có trên đảo, tấn công vào cơ sở hạ tầng và các lực lượng lục quân, giành quyền kiểm soát các đảo nhỏ ở eo biển Đài Loan.

Mỗi thành tố này là một chiến dịch độc lập, rất khó khăn về mặt kỹ thuật. Một số trong số đó sẽ là độc nhất về độ phức tạp trong suốt lịch sử hậu Thế chiến II. Và chỉ sau khi hoàn thành các chiến dịch đó, quân đội TQ mới có thể đổ bộ lên Đài Loan, nơi họ sẽ phải đối đầu với lực lượng lục quân thời bình của Đài Loan có quân số tới 200.000 quân, được tăng cường bởi hàng trăm nghìn quân dự bị.

Khi ưu thế của không quân và hải quân TQ ngày càng rõ ràng, thì lực lượng lục quân TQ đã trở thành đối tượng được bộ chỉ huy Đài Loan đặc biệt chú ý. Công tác huấn luyện chiến đấu của Lục quân và lực lượng dự bị lục quân Đài Loan được tăng cường, thời gian quân dịch được tăng gấp ba lần (từ bốn tháng lên một năm). Công tác huấn luyện lực lượng vũ trang dự bị được tổ chức lại.

Đài Loan tự sản xuất được nhiều loại vũ khí. Hòn đảo này có tổ hợp công nghiệp quốc phòng khá phát triển, sản xuất được tất cả các loại vũ khí bộ binh, xe bọc thép hạng nhẹ, khí tài thông tin liên lạc, pháo phản lực, một số loại hệ thống tên lửa phòng không và UAV. Đồng thời, họ cũng đã ký với Mỹ các đơn đặt hàng xe tăng M1A2 Abrams, pháo phản lực HIMARS, pháo tự hành M109A6 và các loại vũ khí khác. Thực ra một số đợt giao hàng bị trì hoãn nghiêm trọng do Ukraine: tổng khối lượng đơn đặt hàng Mỹ chưa thực hiện cho Đài Loan lên tới gần 20 tỷ USD, nhưng gần đây Mỹ và Đài Loan đang cố gắng giải quyết nhanh hơn vấn đề này. Hạm đội TQ sẽ cố gắng phong tỏa Đài Loan, cắt đứt nguồn tiếp tế của hòn đảo, nhưng sự thành công của một cuộc phong tỏa như vậy trong bối cảnh có sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột là đáng nghi ngờ. Vì vậy, nếu hệ thống chính trị của Đài Loan vượt qua được cú sốc ban đầu, còn quân đội của họ sẽ chiến đấu thì việc đánh chiếm hòn đảo này sẽ là một chuyện lâu dài.
TQ nhiều khả năng giành chiến thắng

Trong một cuộc xung đột kéo dài, yếu tố quyết định như mọi khi sẽ là nền kinh tế quân sự. Các biện pháp trừng phạt quy mô lớn sẽ được áp dụng đối với Bắc Kinh vào đầu cuộc xung đột, sẽ tăng dần (như trường hợp với Nga trong bối cảnh Chiến dịch quân sự đặc biệt) và sẽ có hiệu lực vĩnh viễn trong tương lai.

Nhưng ở đây, cần phải nhớ rằng, TQ không chỉ là cường quốc lớn nhất về quy mô sản xuất chế tạo (chiếm hơn 28% sản lượng thế giới - nhiều hơn cả Mỹ và Nhật Bản cộng lại) mà còn là quốc gia có hệ thống động viên quốc phòng nền kinh tế phát triển và không ngừng hoàn thiện, điều không tồn tại ở phương Tây. Khả năng mở rộng đột biến sản xuất công nghiệp các vật liệu cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng đã được thể hiện rõ trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi chỉ trong vài tuần, TQ đã chuyển từ việc mua vật liệu y tế trên khắp thế giới sang xuất khẩu chúng với số lượng khổng lồ.

Về sản xuất vật tư tiêu hao quan trọng của chiến tranh hiện đại, UAV hạng nhẹ, TQ vượt xa toàn bộ thế giới còn lại cộng lại. Hơn nữa, họ vượt trội cả chục lần: chỉ riêng công ty DJI của TQ đã có thị phần toàn cầu gần 70%.

TQ được bảo đảm tốt về nhiều loại tài nguyên thiên nhiên và ngoài ra, trong nhiều năm qua, đã tích lũy được những nguồn dự trữ khổng lồ các loại nguyên liệu thô chiến lược và thực phẩm. Tính đến giữa năm 2022, TQ chiếm 69% lượng ngô dự trữ của thế giới, 60% lượng dự trữ gạo và 51% lượng dự trữ lúa mì. Dự trữ dầu chiến lược của TQ được cho là đủ đáp ứng nhu cầu của đất nước trong ít nhất một quý.

Sự phụ thuộc của TQ vào nhập khẩu dầu vào năm 2021 là 72%. Mỹ có thể tìm cách ngăn chặn nguồn cung cho TQ bằng đường biển, nhưng không thể có cách nào gây ảnh hưởng đến việc cung cấp dầu và các loại nguyên liệu thô khác bằng đường bộ từ Nga và các nước Trung Á.

Sự ủng hộ chắc chắn từ phía Nga, nước sản xuất hàng đầu thế giới về năng lượng, thực phẩm và nhiều nguyên liệu thô khác, kết hợp với các nguồn dự trữ chiến lược lớn, có lẽ sẽ cho phép TQ chiến đấu vô thời hạn, có tính đến khả năng hạn chế hành chính về chi tiêu cho các mục đích thứ yếu. Các hành lang giao thông xuyên qua Trung Á, Pakistan và Myanmar được tạo ra với sự tham gia của TQ cũng có thể đóng một vai trò của mình.

Cuối cùng, việc chiến trường sẽ nằm gần TQ và cách xa Mỹ cũng có tầm quan trọng. TQ có thể gặp những khó khăn và thất bại trong cuộc chiến giành Đài Loan, nhưng nhiều khả năng họ sẽ giành thắng lợi.

Điều này có thể gây ra những hậu quả gì

Tính chất thảm khốc của cuộc chiến này đối với nền kinh tế toàn cầu khó có thể ngăn cản các bên tham gia tiềm năng vượt qua dòng sông Rubicon (tức là vượt qua giới hạn). Những vấn đề cơ cấu to lớn đã tích tụ ở tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, gánh nặng nợ khổng lồ thậm chí có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác nhau đi tới việc “khởi động lại hệ thống” bằng cách áp dụng các công cụ quân sự khẩn cấp để kiểm soát nền kinh tế theo cách thủ công.

Một cuộc chiến kéo dài sẽ dẫn đến cú sốc ban đầu với việc đóng cửa hàng loạt cơ sở sản xuất, xem xét lại chính sách tài chính và kinh tế của các nước lớn, sự sụp đổ của hệ thống hiệp định thương mại hiện có và các biện pháp khẩn cấp để khởi động lại và mở rộng ngành công nghiệp.

Có lẽ nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với số phận tương tự như ngành công nghiệp ô tô Nga vào năm 2022 - một cú sốc, ngừng sản xuất, còn sau đó là tiếp tục sản xuất ở trình độ kỹ thuật thấp hơn và với giá cao hơn nhiều. Các nước phương Tây phát triển sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ tái công nghiệp hóa trong thời gian ngắn và bằng mọi giá. Vấn đề mấu chốt ở đây sẽ là tình trạng thiếu lao động. Giá trị của lao động sẽ tăng vọt, công nhân lành nghề và năng lực sản xuất sẽ bị săn lùng trên khắp thế giới.
Không loại trừ tình hình này sẽ trở thành cơ hội đột phá kinh tế cho các quốc gia Nam Á vẫn đứng bên lề xung đột. Thay vì tách rời dần dần, thế giới sẽ nhanh chóng chia thành các khối kinh tế-chính trị-quân sự đối kháng. Thị trường nguyên liệu toàn cầu cũng có thể bị chia thành nhiều phân khúc kết nối lỏng lẻo, điều có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế trầm trọng và bất ổn ở nhiều nước đang phát triển.

Những hậu quả của chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn tiêu dùng của mỗi hộ gia đình: xu hướng giảm dần chi phí và tăng tính sẵn có của một số loại hàng hóa (trước hết là đồ điện tử) sẽ bị đảo ngược. Nga có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng mở rộng mạnh mẽ quan hệ kinh tế thứ hai với TQ - nay là do những hạn chế mạnh mẽ đối với quan hệ kinh tế đối ngoại của TQ với nhiều đối tác truyền thống. Mức độ phụ thuộc lẫn nhau đó sẽ đòi hỏi tư duy mới về chiến lược kinh tế và cách tiếp cận của Nga đối với quan hệ với Bắc Kinh.

Đồng thời, sự cô lập đã diễn ra của hệ thống tài chính và kinh tế Nga với phương Tây, khả năng bảo đảm tài nguyên dồi dào và hoạt động thay thế nhập khẩu ngày càng mạnh cho phép hy vọng rằng, Nga sẽ vượt qua cú sốc này tốt hơn các nước lớn khác.

Nguồn: Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế, Trường Kinh tế Cao cấp Nga / Profile, 28.11.2023. 

Print Print E-mail Print