Vietnamdefence.com

 

Cuộc phản công của Ukraine: thất bại và hậu quả

VietnamDefence - Mục tiêu cuộc tấn công lớn của Ukraine đã được tuyên bố là gây thất bại chiến lược nặng nề cho Nga bằng cách cắt đứt hành lang trên bộ tới Crimea.


Tuy nhiên, hầu như không ai trong giới quân sự và chính trị gia phương Tây thạo tin thực tế tin rằng, quân đội Ukraine có thể đạt được kết quả như vậy. Sẽ thật kỳ lạ nếu chờ đợi một thái độ khác vì trong suốt cuộc chiến, quân Ukraine chưa bao giờ đột phá được tuyến phòng ngự đã chuẩn bị sẵn của quân đội Nga.

Cuộc tấn công Kharkov vào tháng 9.2022 của Ukraine đã được thực hiện nhằm chống lại casc lực lượng Nga cực kỳ ít ỏi, trải dài theo chính diện mặt trận và không có hệ thống công sự, trận địa vững chắc. Cuộc tấn công của Ukraine ở tỉnh Kherson vào tháng 8-11.2022 cũng được tiến hành nhằm vào một cụm quân Nga kiệt sức và bị căng mỏng, nhưng chỉ tiến quân được hạn chế với cái giá phải trả là những tổn thất nặng nề - cho đến khi nguy cơ phá hủy các bến phà qua sông Dniepr đã buộc quân Nga phải rút lui về tả ngạn.

Nếu tính đến những điều nói trên, thì sẽ là vô lý nếu kỳ vọng rằng, phía Ukraine sẽ có thể thành công trong những điều kiện mới. Tương quan lực lượng vào mùa hè năm 2023 đã thay đổi theo hướng có lợi cho Nga. Tuyến phòng thủ của Nga đã được trang bị và củng cố rất tốt. Việc huy động công nghiệp Nga phục vụ chiến dịch quân sự đặc biệt cũng đã bắt đầu mang lại những kết quả rõ rệt.

Vì vậy, mục tiêu thực sự của cuộc tấn công của Ukraine không phải là đánh bại lực lượng Nga và tiến đến biển Azov mà là buộc Moskva phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho phương Tây. Điều này trước hết đòi hỏi phải cho thấy, Ukraine tiếp tục nắm giữ thế chủ động chiến lược, hai là tiếp tục gây cho quân đội Nga những tổn thất nặng nề để làm mất ổn định tình hình trong nước Nga, và thứ ba là đạt được bước tiến nào đó trên chiến trường để có thể tuyên bố về chiến thắng.

Sự khủng hoảng về chiến lược của Ukraine

Cuộc tấn công của Ukraine chủ yếu theo đuổi các mục tiêu chính trị, còn tiêu chí chính của sự thành công của nó lẽ ra phải là những thay đổi trong tâm trạng của xã hội Nga và trong nhận thức về tình hình của giới lãnh đạo Nga. Kiểu hoạch địch như vậy là đặc trưng cho phía Ukraine trong suốt cuộc xung đột. Một phần đáng kể trong các nỗ lực của Ukraine, và có lẽ phần lớn những tổn thất của Ukraine đều liên quan đến các chiến dịch được thiết kế nhằm tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.

Sự phòng thủ ngoan cường của các thành phố được tuyên bố là “các pháo đài” trong điều kiện rõ ràng là bất lợi, những cuộc tập kích rủi ro của các toán phá hoại được huấn luyện đặc biệt vào các vùng lãnh thổ “cũ” của Nga với việc tung các đoạn video lên TikTok, các cuộc tấn công vào các mục tiêu mang tính biểu tượng ở các thành phố Nga (Điện Kremlin, các tòa nhà chọc trời ở Moscow City) là những ví dụ điển hình của những hành động như vậy. Có khả năng chiến lược này dựa trên ý đồ đưa vào nước Nga một cách thiếu suy nghĩ những hình dung của phương Tây về thái độ của xã hội đối với chiến tranh đã được hình thành trong các “chiến dịch hải ngoại” của Mỹ và châu Âu như chiến tranh ở Việt Nam và Iraq.

Nếu sử dụng phép ẩn dụ điện ảnh, thì Ukraine đã cố gắng đóng vai một võ sư kungfu trong một bộ phim hành động cũ của Hồng Kông dùng ngón tay điểm vào những yếu huyệt với hy vọng hạ gục đối thủ vượt trội về sức mạnh và kích thước, nhưng vị võ sư lại không rành về giải phẫu nên liên tục trượt khi điểm ngón tay vào những chỗ có rất ít đầu dây thần kinh.

Thái độ của xã hội Nga đối với chiến dịch quân sự đặc biệt là sẽ đồng ý thừa nhận thất bại và rút khỏi cuộc xung đột chỉ sau một số thất bại tan nát trên chiến trường (các cụm quân lớn bị vây và đánh tan). Bất kỳ những thất bại nhỏ nào cũng sẽ chỉ kích động Nga huy động ngày càng nhiều nguồn lực để giành chiến thắng. Mà về mặt nguồn lực, thì Nga vượt trội nhiều lần so với Ukraine (thậm chí cả khi tính đến toàn bộ viện trợ mà phương Tây có thể cung cấp).

Tầm nhìn của phương Tây về việc chấm dứt xung đột

Như vậy, thất bại của cuộc phản công của Ukraine đã cho thấy rằng, chiến lược chấm dứt xung đột theo các điều kiện có thể chấp nhận đối với phương Tây đã đi vào ngõ cụt. Những điều kiện này là gì?

Việc quay trở lại biên giới năm 1991 hoặc thậm chí trở lại trạng thái ngày 23.2.2022 chưa bao giờ được xem xét nghiêm túc. Hơn nữa, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không nằm trong số những ưu tiên của Mỹ và các đồng minh. Cũng giống như mong muốn sáp nhập các vùng lãnh thổ mới không phải là động cơ chính để Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nguyên nhân xung đột là những bất đồng về vị trí của Ukraine trong hệ thống an ninh khu vực. Nga đã cố tìm cách loại bỏ Ukraine như một nguồn đe dọa tiềm tàng bằng cách buộc Ukraine chấp nhận quy chế trung lập và chấp nhận các hạn chế đối với công nghiệp quốc phòng và quân đội nước này.

Điều quan trọng đối với Mỹ là duy trì Ukraine như một bàn đạp quân sự tiềm năng. Vì vậy, có thể chấp nhận được đối với Washington là kết cục xung đột mà theo đó Ukraine mất một phần lãnh thổ đáng kể, nhưng vẫn là tiền đồn của Mỹ là - với việc tái vũ trang Ukraine sau đó, bố trí các căn cứ quân sự của Mỹ, v.v. Nói cách khác, việc Ukraine mất bao nhiêu đất không quan trọng đối với Mỹ miễn là Ukraine vẫn có khả năng tồn tại về mặt kinh tế, tức là nước này vẫn kiểm soát các trung tâm kinh tế và chính trị chủ yếu của mình.

Bằng cách chấm dứt cuộc xung đột theo những điều kiện như vậy trong tương lai gần, Mỹ có thể tạm thời giảm chi phí viện trợ quân sự cho Kiev và “đóng băng” cuộc xung đột. Điều này sẽ cho phép Mỹ chuyển sự chú ý của mình sang các cuộc khủng hoảng đang khai diễn ở những khu vực khác trên thế giới và tập trung nỗ lực trước hết vào việc kiềm chế Trung Quốc.

Trong tương lai, khi đã có một nước Ukraine được đưa vào hệ thống các thể chế phương Tây và dưới sự cai trị của chế độ dân tộc chủ nghĩa bài Nga, Washington có thể quay trở lại sử dụng nước này bất cứ lúc nào như một công cụ quân sự để kiềm chế hoặc đánh bại Nga về mặt chiến lược.

Nước Nga đang hướng đến điều gì?

Đối với Moskva, kết cục như vậy có nghĩa là xác suất cao sẽ xảy ra cuộc chiến tranh mới, có sức tàn phá còn lớn hơn nhiều có lẽ trong một tương lai không quá xa. Tất nhiên, cuộc chiến tranh này không được định trước. Ngay cả khi cho rằng, cuộc xung đột kết thúc theo những điều kiện chấp nhận được đối với Washington, thì nhiều chuyện có thể không diễn ra như họ mong muốn.

Ví dụ, Mỹ có thể sa lầy vào các cuộc xung đột ở Trung Đông với Iran và các đồng minh của nước này, cũng như ở Viễn Đông với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Nếu tình hình sẽ diễn biến không xuôn xẻ với người Mỹ ở các khu vực này, thì họ cũng sẽ không bao giờ có thể quay trở lại dự án khôi phục và tái quân sự hóa Ukraine.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ ta chỉ đang nói về những khả năng vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà Moskva không thể hoặc gần như không thể tác động.

Sự hoạch định của Nga phải xuất phát từ kịch bản xấu nhất là việc tái vũ trang nhanh chóng Ukraine. Do đó, theo quan điểm của Moskva, chiến dịch quân sự đặc biệt không thể kết thúc cho đến khi mối đe dọa này được loại bỏ.Vào tháng 3.2022, Nga đã gần như đồng ý ký hiệp định hòa bình mà theo các điều kiện của nó, Nga sẽ không giành lấy thêm các vùng lãnh thổ mới, nhưng sẽ nhận được sự đảm bảo về phi quân sự hóa và quy chế trung lập của Ukraine. Và chính thỏa thuận này, như chúng ta giờ đã biết chắc chắn, đã bị phá vỡ bởi sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và Anh.

Kể từ đó tình hình đã thay đổi. Nhiệm vụ đang đặt ra với Nga là tiến đến ranh giới bên ngoài của bốn chủ thể mới của Liên bang Nga (ND - 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhie). Hiến pháp Nga làm cho những thỏa hiệp về lãnh thổ trở nên không thể. Mối đe dọa cao về các hành động khiêu khích, phá hoại và khủng bố từ phía Ukraine có thể đặt ra yêu cầu phải tiến đến cả các ranh giới khác. Dù sao chăng  nữa, vấn đề lãnh thổ sẽ được giải quyết trên chiến trường. Biên giới thực tế có thể sẽ chạy dọc theo tuyến tiếp xúc tại thời điểm ngừng bắn.

Tương quan lực lượng

Vị thế chiến lược của Ukraine đang xấu đi. Các dấu hiệu kiệt sức của Ukraine ngày càng lộ rõ. Mệnh lệnh do Bộ Quốc phòng Ukraine công bố vào đầu tháng 9.2023 cho phép công nhận những người mắc bệnh viêm gan siêu vi, HIV không có triệu chứng, rối loạn tâm thần nhẹ, các bệnh về máu và cơ quan tuần hoàn, cũng như một số bệnh khác là phù hợp phục vụ nghĩa vụ quân sự. Các biện pháp khác cũng đã được thực hiện để tăng số lượng người phải động viên (những người đang học đại học bằng thứ hai và thứ ba; sinh viên đang nghỉ học bảo lưu; nữ chuyên gia y tế; người có người tàn tật phụ thuộc, v.v.). Các giấy chứng nhận khuyết tật đã cấp trước đây bị xem xét lại, các cơ quan quân sự địa phương bị kiểm tra, các biện pháp động viên (bắt lính) cực đoan được sử dụng rộng rãi - các cuộc đột kích, cưỡng ép đưa đến cơ quan quân sự địa phương, đánh đập những người trốn tránh.

Rõ ràng, những tổn thất không thể bù đắp là con số lớn so với nguồn động viên hiện có của Kiev. Đồng thời, tốc độ gia tăng tổn thất hiện tại đến mức Ukraine sẽ không thể chịu đựng được lâu. Có lẽ giới hạn chịu đựng không được tính bằng năm mà tính bằng tháng.

Tất nhiên, phạm vi những người bị động viên còn có thể được mở rộng hơn nữa. Ít ra thì Paraguay, trong cuộc Đại chiến Paraguay 1864-1870 đã đưa vào quân đội và tổn thất trên chiến trường tới 90% dân số nam giới, còn ở giai đoạn cuối cuộc xung đột, họ đã bắt cả phụ nữ và trẻ em cầm súng.

Tuy nhiên, khả năng kiểm soát xã hội của nhà nước Ukraine có hạn chế. Có tình trạng tham nhũng tràn lan và trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, việc liên tục bổ sung vào danh sách các diện đối tượng phải động viên dẫn đến chất lượng lính nghĩa vụ giảm sút và tổn thất tiếp tục tăng. Bằng cách đưa những tân binh có sức khỏe và được đào tạo ngày càng kém vào quân đội, Ukraine có thể mua được sự trì hoãn thất bại trong một thời gian ngắn với cái giá phải trả là những số lượng lớn nạn nhân.

Giờ đây, các chính trị gia và chuyên gia phương Tây đang lặp lại như một câu thần chú: cả Ukraine và Nga đều không có khả năng tiến hành các chiến dịch tấn công cơ động quy mô lớn. Phần đầu tiên của luận điểm này đã có được sự xác nhận là thất bại của cuộc phản công của Ukraine. Tuy nhiên, không có các cơ sở để kết luận Nga không có khả năng tạo được bước ngoặt trên chiến trường. Từ góc độ quân số và vũ khí, quân đội Nga tiếp tục được tăng cường so với đối phương.

Kể từ mùa Xuân, trong quân đội Nga đã bắt đầu xuất hiện số lượng lớn các loại vũ khí mà trước đây hoàn toàn không có (ví dụ, các module liệng và hiệu chỉnh bom vạn năng - UMPK - dùng để cải hoán bom thường thành bom liệng thông minh), hoặc được sử dụng với số lượng nhỏ (đạn tuần kích (UAV cảm tử), UAV cảm tử điều khiển trực quan (FPV-drone)). Ở một số lĩnh vực trước đây có khó khăn (sử dụng UAV để trinh sát), Nga đã đuổi kịp, thậm chí vượt qua đối phương.

Một thành tựu quan trọng là việc Nga chuyển sang sử dụng các loại đạn tuần kích mới, có khả năng tấn công mục tiêu một cách tự hoạt bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận dạng hình ảnh.

Cuối cùng, cuộc xung đột ở Trung Đông bùng nổ vào ngày 7.10.2023 và mối đe dọa ngày càng tăng nổ ra một cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự lớn xung quanh Đài Loan vào năm 2024 đã dẫn đến việc phân bổ lại các nguồn lực quân sự của Mỹ và cắt giảm khối lượng viện trợ cho Ukraine.
Khả năng chuyển sang một cuộc tấn công lớn phần nhiều phụ thuộc vào việc quân đội Nga phát triển các thủ đoạn chiến thuật mới cho phép vượt qua cuộc khủng hoảng trận địa chiến hiện nay. Nếu những thủ đoạn đó được tìm ra, tiến triển của cuộc xung đột có thể đột biến.

Giai đoạn nguy hiểm

Tình hình xấu đi ở Ukraine đã dẫn đến sự gia tăng thảo luận ở phương Tây về những con đường thoát khỏi cuộc xung đột. Điều này có thể làm được thông qua đàm phán. Nhưng việc phát động đàm phán bị cản trở bởi cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ thường trực ở Mỹ, cuộc đấu đá giữa các phe phái khác nhau trong chính quyền Mỹ hiện tại và nỗi lo sợ làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây.

Vấn đề về vị trí tương lai của Ukraine trong hệ thống an ninh châu Âu, chìa khóa để chấm dứt xung đột, được giải quyết một phần trong quá trình tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá. Các cuộc oanh kích các cơ sở năng lượng của Ukraine vào mùa Thu và mùa Đông năm 2022-2023 đã không dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống năng lượng chỉ vì mức giảm tiêu thụ điện, đặc biệt là trong ngành công nghiệp, mạnh đến mức vượt quá mức tổn hại về công suất phát điện và mạng lưới gây ra gây ra bởi tên lửa Nga.

Tiềm lực nhân khẩu học của Ukraine tiếp tục cạn kiệt: Những người Ukraine di cư ở châu Âu đang sống sung sướng (tìm được việc làm, con cái họ đi học tại các trường địa phương) - khả năng hồi hương của họ ngày càng giảm. Việc chấm dứt xung đột và mở cửa biên giới có thể không dẫn đến sự trở lại của người tị nạn mà dẫn đến cuộc di cư khỏi Ukraine của nhóm dân cư nam giới hiện đang bị nhốt ở nước này.

Chiến sự tiếp diễn cũng đang ảnh hưởng đến cả môi trường kinh doanh. Ukraine vẫn là một quốc gia cực kỳ tham nhũng. Đồng thời, dưới vỏ bọc của cuộc xung đột vũ trang và trong bối cảnh quân đội và phản gián được trao những thẩm quyền khẩn cấp đặc biệt, đang diễn ra một cuộc phân chia lại tài sản cưỡng bức lớn. Đây rõ ràng không phải là các điều kiện tiên quyết để nền kinh tế cất cánh sau chiến tranh.

Kết quả là quá trình phục hồi Ukraine có thể gặp khó khăn hoặc đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc hơn so với suy nghĩ trước đây. Tuy nhiên, những yếu tố này rất khó dự báo, nên trong mọi trường hợp, Nga cũng sẽ cố gắng đạt được những đảm bảo rằng, sẽ không có hoạt động tái vũ trang quy mô lớn ở Ukraine. Chỉ là cái giá của việc cung cấp những đảm bảo như vậy đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ hiện đang giảm xuống.

Câu chuyện về chủ đề này sẽ rất đau đớn đối với Washington và các đối tác của họ. Họ có thể cũng không muốn thấy Ukraine trong NATO, nhưng việc đưa ra các cam kết như vậy với Moskva vẫn là điều không thể chấp nhận được đối với họ. Hơn nữa, mức độ tin cậy giữa Nga và Mỹ được thể hiện bằng giá trị âm - hai bên có thể nghi ngờ nhau không có mong muốn đàm phán và chỉ có ý định rò rỉ thông tin về đối thoại nhằm đạt được hiệu ứng chính trị nhanh chóng.

Kết quả là cuộc xung đột bước vào giai đoạn nguy hiểm. Đối phương nhận ra rằng, vị thế của mình đang xấu đi và có thể cố gắng thoát khỏi thế bế tắc bằng cách leo thang mạnh mẽ.

Ngay hiện tại, chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều nỗ lực tấn công vào lãnh thổ Nga trong đường biên giới năm 1991 và vào Crimea. Cả việc chuyển giao vũ khí tên lửa mới cho Ukraine cũng cần được nhìn nhận trong bối cảnh này.

Hoạt động phá hoại, khủng bố do phía Ukraine tiến hành cũng ngày càng trở nên nguy hiểm. Âm mưu bất thành tổ chức vụ đầu độc hàng loạt học viên tốt nghiệp và giáo viên của Trường không quân Armavir mà do tình báo Ukraine thực hiện gần đây là dấu hiệu cho thấy các cơ quan đặc vụ Ukraine chuyển sang tổ chức các cuộc khủng bố hàng loạt vốn đặc trưng của thời kỳ chiến tranh ở Bắc Kavkaz.

Sự thay đổi mạnh mẽ về tương quan lực lượng trên chiến trường theo hướng có lợi cho Nga có thể đưa trở lại nghị trình cả các phương án đưa quân của một số nước NATO riêng lẻ vào lãnh thổ Ukraine, điều này có thể đẩy Nga và Mỹ đến bờ vực khủng hoảng hạt nhân.
Mưu toan làm thay đổi chiều hướng của cuộc xung đột thông qua leo thang sẽ không dẫn đến kết quả tích cực. Rủi ro là quá cao đối với cả Nga và Mỹ vì vậy, một cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể xảy ra có nguy cơ nguy hiểm chưa từng có. Tình huống này chỉ có thể tránh được nếu các bên tham gia chính trong cuộc xung đột bắt đầu cuộc đối thoại có tính đến các điều kiện khách quan hiện tại.

Nguồn: Vasily Kashin // russiancouncil.ru, 1.11.2023. 

Print Print E-mail Print