Vietnamdefence.com

 

Lời chào hạt nhân từ Trung Quốc

VietnamDefence - Tên lửa Trung Quốc dọa Mỹ, nhưng làm khổ Nga.


Tên lửa đường đạn chống hạm DF-21D - "sát thủ tàu sân bay"

Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) vì Nga vi phạm Hiệp ước và Trung Quốc tăng cường vũ trang. Trump đe dọa phát triển vũ khí của Mỹ đến chừng nào Nga và Trung Quốc đồng ý ký hiệp ước mới. Trung Quốc, quốc gia không ký kết INF, đã bác bỏ các yêu cầu của Mỹ. Nga thì đang có những nỗ lực nhằm bảo tồn hiệp ước về hình thức đang còn hiệu lực này. Nguyên nhân để tồn tại những lập trường khác nhau đến thế là ở chỗ INF bất lợi cho Mỹ không phải vì hoạt động của Nga, mà vì mối đe dọa tăng nhanh từ phía Trung Quốc.

Phần thắng không rõ ràng

INF được Liên Xô và Mỹ ký vào tháng 12/1987. Hiệp ước cấm các bên tham gia sản xuất, thử nghiệm và triển khai tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình triển khai trên mặt đất tầm trung (1.000-5.500 km) và tầm ngắn (500-1.000 km), cũng như buộc các bên thủ tiêu các bệ phóng tương ứng. Hiệp ước hoàn toàn có tính song phương, sau khi Liên Xô sụp đổ thì ngoài Nga, thì Ukraine, Kazakhstan và Belarus cũng phải tuân thủ INF.

Các tên lửa tầm trung và tầm ngắn bị cấm là vì nhờ lợi thế về thời gian bay đến mục tiêu, chúng có khả năng giải giáp đối phương nhanh hơn các tên lửa tầm xa. Ví dụ, tên lửa tầm trung Pershing II của Mỹ vốn bị cấm sau khi ký INF một khi phóng từ Trung Âu đã chỉ cần dưới 10 phút để bay đến phần lãnh thổ ở châu Âu của Liên Xô. Hơn nữa, hiệp ước có lợi hơn cho Moskva, chứ không phải cho Washington vì tên lửa tầm trung của Moskva khi phóng từ Kamchatka và Chukotka chỉ có thể tấn công lục địa nước Mỹ ở khu vực Alaska.

Tên lửa Pershing II (Thomas Kienzle / AP)

Sau khi Liên Xô sụp đổ và NATO mở rộng sang phía Đông, các khu vực có thể triển khai các hệ thống tên lửa mặt đất vi phạm INF đã tiến gần biên giới Nga thêm gần 1.000 km. Thời gian để các tên lửa Mỹ bay từ Ba Lan hay Rumani (tại đây bố trí các bệ phóng tên lửa thích hợp) bay tới lãnh thổ phần châu Âu của Nga đã được rút ngắn. Thậm chí nếu Moskva bố trí tên lửa tầm trung ở tỉnh Kaliningrad thì chúng cũng sẽ không bay được quá châu Âu.

Vành đai vây hãm

Các vũ khí phi truyền thống mà các quan chức Nga liên tục nói đến, cụ thể là tên lửa hành trình lắp động cơ hạt nhân cỡ nhỏ Burevestnik và đầu đạn liệng siêu vượt âm Avangard hiện nay vẫn chỉ đang được phát triển, sản xuất loạt nhỏ hoặc là có tính năng khiêm tốn hơn nhiều so với tuyên bố nên dù là ngay trong những năm tới cũng vẫn chưa thể trở thành phương án đáp trả việc Mỹ rút khỏi INF. Tầm tác chiến của hệ thống tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (phóng từ máy bay ném bom Tu-22M3 là khoảng 3.000 km, từ tiêm kích đánh chặn MiG-31K là hơn 2.000 km) mà Nga không loại trừ sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân thì lại không đủ xa để từ khu vực Viễn Đông của Nga tấn công lục địa nước Mỹ qua Thái Bình Dương.
Tiêm kích MiG-31 với hệ thống tên lửa đường đạn Kinzhal (Bộ Quốc phòng Nga / RIA)
 
Hệ thống tự động điều khiển đánh trả hạt nhân ồ ạt Perimetr mà việc sử dụng một số thành tố riêng lẻ của nó khi cần là không thể loại trừ thì lại được thiết lập hơn 30 năm trước ở Cộng hòa liên bang XHCN Xô-viết Nga với sự tham gia tích cực của Cộng hòa XHCN Xô-viết Ukraine. Nga cũng nhiều lần tuyên bố về khả năng hoạt động của hệ thống vốn được coi là yếu rố kiềm chế tối quan trọng này. Kiểm tra tính chân thực của những khẳng định đó là khó.

Từ năm 2014, Nga và Mỹ đặc biệt tích cực cáo buộc nhau vi phạm INF, đồng thời luôn tuyên bố những cáo buộc của đối phương là vô căn cứ.

Nga coi việc Mỹ triển khai các bệ phóng Mark 41 có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk (tầm bắn đến 2.500 km), đủ với tới gần như mọi mục tiêu trên phần lãnh thổ châu Âu của Nga là sự vi phạm trắng trợn các thỏa thuận hiện có.

Mỹ cáo buộc Nga che giấu khả năng thực sự của tên lửa hành trình 9М729 của hệ thống Iskander-M. Lầu Năm góc cho rằng, tên lửa mặt đất này có tầm đến 5.500 km, chứ không phải là 500 km như tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.

Lầu Năm góc trong tài khóa 2018 đã nhận được 58 triệu USD để phát triển một tên lửa mặt đất tầm trung. Ngân sách quốc phòng Mỹ quy định các biện pháp này không được vi phạm các thỏa thuận hiện có giữa Nga và Mỹ, có nghĩa là về hình thức, việc phát triển tên lửa này không được đi tới giai đoạn sản xuất.

Sự đáp trả thực tế đối với việc Mỹ rút khỏi INF có thể là tăng cường Hải quân và Không quân-vũ trụ Nga vì các tàu chiến và máy bay của các quân chủng này có thể là những phương tiện mang tên lửa hiệu quả. Vì lý do công nghệ và kinh tế, nước Nga hiện đại chưa có khả năng tiến hành việc hiện đại hóa như vậy. Việc sửa chữa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov với việc ụ tàu nổi PD-50 của nó bị chìm chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp, các tàu chiến đang già cỗi không thực hiện được các cuộc hành quân xa nếu thiếu tàu kéo, còn các tàu mới lại có nhược điểm về các động cơ mà đến năm 2014 Nga vẫn nhận từ Ukraine. Dự án máy bay không người lái hạng nặng Altair đã tiêu tốn hơn 3 tỷ rúp đã bị đóng băng. Tình hình trong không quân chiến đấu Nga, nơi số lượng máy bay hiện đại hay được hiện đại hóa còn ít hơn trong không quân chiến đấu Mỹ cũng không hề đơn giản.
Và một Trân Châu cảng nữa
Tất cả có vẻ như nguyên nhân chủ yếu để Washington rút khỏi INF không phải là do Moskva mà là do Bắc Kinh. Nếu như Trung Quốc tham gia vào INF thì trong hơn 2.000 tên lửa hành trình và đường đạn của Trung Quốc thì có hơn 1.800 tên lửa vi phạm các điều kiện của INF. Hiện nay, Trung Quốc, nước đang sở hữu kho vũ khí tên lửa đa dạng nhất so với các nước khác trên thế giới, ít quan tâm nhất đến những biện pháp hạn chế nào đó đối với các loại vũ khí này.

Khiến Mỹ đặc biệt lo lắng là các tên lửa đường đạn chống hạm (đúng hơn là giả đường đạn) DF-16, DF-21 và DF-26 của Trung Quốc. Các loại vũ khí này được phóng từ bệ phóng mặt đất cơ động, tầm bắn của chúng tùy thuộc vào loại tên lửa sử dụng dao động từ mấy trăm đến hàng ngàn kilômet. Ví dụ, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới sở hữu tên lửa đường đạn chống hạm hiện dụng DF-21D, có khả năng mang các đầu đạn thông thường và hạt nhân (đương lượng nổ đến 300 kT). Tầm bắn của tên lửa ước 2.700 km. Việc chỉ thị mục tiêu thông qua khí tài radar hoặc quang-điện tử của các vệ tinh Giao Cảm (Yaogan).
Tên lửa DF-21D trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh (Damir Sagolj / Reuters)
 
Hiện nay, DF-21D đang được nâng cấp thành DF-21G với uy lực tăng lên 30% và bệ phóng cơ động có khả năng di chuyển trên địa hình không đường sá.

Trên cơ sở DF-21D, Trung Quốc sẽ hoàn thành phát triển tên lửa CH-AS-X-13 vào năm 2025, sau khi thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 12/2016. Dự đoán đây là tên lửa đường đạn 2 tầng, nhiên liệu rắn phóng từ máy bay, có tầm bắn đến 3.000 km và là 1 trong 2 loại tên lửa Trung Quốc tương đương với tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga vốn được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”.
"Sát thủ Guam" DF-26

Tên lửa DF-26 còn có uy lực mạnh hơn nhiều, có thể từ cự ly 4.000 km tấn công đảo Guam, nơi bố trí căn cứ quân sự chiến lược lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương. Vì lý do đó, DF-26 nhiều khi được gọi là “sát thủ Guam”. Mỹ lo ngại tên lửa này của Trung Quốc đến mức vào tháng 8 và 9/2018, đã lần đầu tiên trong lịch sử tiến hành triển khai huấn luyện tại căn cứ không quân Hickam ở Trân Châu cảng các máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit. Trong cuộc tập trận, đã thao dượt khoa mục phối hợp của các máy bay đắt tiền nhất quả đất với các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor có nhiệm vụ bảo vệ các máy bay ném bom và trinh sát.

Do các tàu sân bay được coi là một trong những lực lượng đột kích chủ yếu của Lầu Năm góc, khả năng bị tổn thương của chúng, nhất là tại khu vực Biển Đông, nơi có đảo Đài Loan, cũng như tại vùng biển gần Nhật Bản và Hàn Quốc đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ mà để đối phó trong khi vẫn tham gia INF là gần như không thể. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về năng lực của hải quân và không quân Trung Quốc, làm cho tình hình phức tạp thêm là việc buôn bán vũ khí vô tội vạ của Trung Quốc, nước đã phát triển biến thể xuất khẩu của DF-16 có tầm bắn 290 km, tốc độ tối đa 6M. Một khi vũ khí này lọt vào tay CHDCND Triều Tiên hoặc Iran thì Mỹ và các đồng minh của họ sẽ buộc phải tổ chức đối thoại hoàn toàn khác với các nước này. Tình thế đó có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới, trước hết ở châu Á, trong bối cảnh đó, yếu tố Nga ở châu Âu đối với Mỹ tuy vẫn tồn tại, nhưng sẽ lui xuống hàng thứ yếu.

Nguồn: Andrei Borisov // Lenta, 8.11.2018.

Print Print E-mail Print