VietnamDefence -
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, cuộc xung đột vũ trang lớn đầu tiên giữa các quốc gia trong thế kỷ XXI, là kết quả thực hiện các kế hoạch dài hạn của các đại cường, trước hết là Mỹ và Nga. Cuộc xung đột Ukraine là cuộc giao tranh của họ trên lãnh thổ Ukraine, còn đối với Mỹ đây còn là cuộc chiến thông qua Ukraine.
Sở hữu tiềm lực quân sự đáng kể và lực lượng lục quân mạnh nhất ở châu Âu ngoài Nga, Ukraine chưa bao giờ có các nguồn lực của riêng mình để chống lại Nga quá một vài tháng. Đến giữa năm 2022, rõ ràng là khả năng của Kiev tiếp tục cuộc chiến bắt nguồn từ việc phương Tây sẵn sàng cung cấp cho nước này sự viện trợ kinh tế và quân sự lớn.
Từ tháng 10.2022, khi tình hình quân sự có vẻ thuận lợi nhất cho Kiev, còn các cuộc oanh tạc của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine vẫn chưa bắt đầu, người ta đã cho rằng, 58% ngân sách Ukraine cho năm 2023 sẽ được bảo đảm bằng các khoản vay và viện trợ nước ngoài [1]. Trên thực tế, sự phụ thuộc của Ukraine vào sự tài trợ từ bên ngoài có thể tiệm cận mức độ phụ thuộc của chính phủ Afghanistan của Tổng thống Ashraf Ghani và đạt tới 80%. Ngoài ra, sự cạn kiệt nguồn dự trữ vũ khí trang bị và đạn dược khổng lồ của Liên Xô có vào đầu chiến dịch có nghĩa là các nỗ lực quân sự của Ukraine được quyết định bởi giới hạn cung cấp viện trợ của phương Tây.
Như vậy, tiến trình và kết cục của cuộc xung đột trước hết được xác định, một mặt, bởi các mục tiêu và khả năng của Mỹ, mặt khác, bởi các mục tiêu và khả năng của Nga. Những mong muốn của các đấu thủ khác, bao gồm chính Ukraine, gây ảnh hưởng đến tiến trình của cuộc đối đầu ở mức độ thấp hơn.
Không nên phóng đại sự kiểm soát của Mỹ đối với nước Ukraine đang tham chiến. Những dữ liệu hiện có, trong đó có các tài liệu của Mỹ xuất hiện trên mạng vào tháng 4.2023 (mức độ tin cậy của chúng, tuy nhiên, đang bị nghi ngờ), cho thấy rằng, Washington gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin đầy đủ về “tình hình trên thực địa”. Trong nhiều trường hợp, Mỹ đã buộc phải đối mặt với sự dối trá, những xuyên tạc và im lặng từ phía Ukraine, những điều này được bù đắp phần nào bằng việc tiến hành hoạt động tình báo quy mô lớn đối với đồng minh Ukraine. Người Mỹ lo ngại tình trạng tham nhũng trầm trọng hơn ở Ukraine trong quá trình cuộc xung đột, nhưng họ không phải lúc nào cũng có thể sa thải các quan chức bị nghi ngờ biển thủ viện trợ của phương Tây.
Ukraine, giống như nhiều đối tác đàn em khác của Washington, đang tích cực cố gắng gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của Mỹ bằng cách sử dụng các công cụ vận động hành lang truyền thống và các hoạt động thao túng chính trị đã được thể chế hóa của Mỹ. Tuy nhiên, những hạn chế gay gắt nhất về nguồn lực và mức độ tham nhũng cao dễ thấy đối với các quan chức Mỹ am hiểu vấn đề Ukraine không cho phép “cái đuôi điều khiển con chó” như Kiev có thể mơ ước.
Các mục tiêu của Mỹ
Cả Nga và Mỹ đều đã xác định khá rõ ràng các mục tiêu chiến lược của mình trong khuôn khổ cuộc xung đột. Đối với Mỹ, đó là gây thất bại chiến lược cho Nga, tức là làm suy yếu nước Nga về chính trị, quân sự và kinh tế đến mức sẽ loại bỏ Nga khỏi các thành tố quan trọng của cán cân sức mạnh thế giới. Mục tiêu này đã được cho là đạt được bằng cách kích động sự bất ổn kinh tế và chính trị của Nga dưới ảnh hưởng kết hợp của các biện pháp trừng phạt, chiến dịch tuyên truyền và những tổn thất quân sự. Mỹ đã tính toán đạt được những kết quả này trong một thời gian ngắn, có thể là trong vài tuần đầu tiên sau khi bùng nổ chiến sự.
Mỹ cũng đã có kế hoạch cho trường hợp cuộc đối đầu vũ trang kéo dài. Năm 2020-2021, người Mỹ và các đồng minh của họ đã áp dụng các biện pháp tích lũy các kho dự trữ các loại vũ khí Liên Xô ở Đông Âu, với sự hỗ trợ của phương Tây, một hệ thống động viên hiệu lực tốt đã được xây dựng ở Ukraine, các kho dự trữ quân sự đã được phân tán. Nhưng các biện pháp chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài là cực kỳ hạn chế, điều này phản ánh những quan niệm sai lầm của người Mỹ về mức độ vững chắc của nền kinh tế Nga, quy mô sản xuất quốc phòng của Nga và tình hình chính trị nội bộ ở Nga.
Các mục tiêu của Nga
Mục tiêu của Nga là loại bỏ Ukraine với tư cách một nguồn đe dọa đối với an ninh quân sự và ổn định chính trị nội bộ của mình mà theo cách nói của các nhà lãnh đạo Nga là ngăn chặn việc tạo ra “một quốc gia chống Nga”. Giới lãnh đạo Nga rõ ràng đã coi việc gây bất ổn và đập tan nhà nước Ukraine trong vòng vài tuần thông qua sự kết hợp của các chiến dịch đặc biệt, áp lực chính trị và tiến quân nhanh chóng vào sâu nội địa Ukraine là cách tối ưu nhất để đạt được mục tiêu này. Kết quả lẽ ra phải là việc áp đặt cho Ukraine một thỏa thuận hòa bình theo những điều kiện có lợi cho Nga, biến Ukraine thành một quốc gia trung lập, yếu ớt về quân sự, với quyền tự trị hoặc sáp nhập một phần lãnh thổ vào Nga.
Thông tin được biết cho đến nay cho thấy rằng, một vai trò quan trọng trong chiến dịch của Nga đã được dành cho thành phần “đặc biệt”, liên quan đến hoạt động của lực lượng điệp báo bí mật và lực lượng tác chiến đặc biệt.
Những điều kiện ban đầu
Nga vốn dĩ đã không đủ lực lượng để nhanh chóng đè bẹp một cường quốc quân sự cỡ như Ukraine nếu như chính quyền và bộ chỉ huy quân đội Ukraine không bị bất ổn trong những ngày đầu của cuộc chiến. Mọi so sánh giữa cuộc chiến ở Ukraine và cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, cũng như các cuộc xung đột khác sau chiến tranh lạnh đều mang tính bề ngoài. Chỉ cần nói rằng, tại thời điểm bắt đầu đụng độ trực tiếp, Ukraine đã có 38 tiểu đoàn TLPK S-300PT/PS và S-300V, 15 tiểu đoàn TLPK Buk và hàng trăm hệ thống TLPK tự hành tầm ngắn Osa, Strela-10, Tor với các kho dự trữ TLPK khổng lồ.
Quân số quân đội Ukraine trong thời bình lớn hơn quân số quân đội Nga có thể tham gia chiến tranh do những hạn chế chính trị đối với giới lãnh đạo Nga (không sử dụng lính nghĩa vụ; tiếp tục thực hiện chế độ phục vụ theo hợp đồng theo các quy tắc thời bình với quyền hủy hợp đồng và không chịu động viên đến tận tháng 9.2022). Số lượng vũ khí lục quân hạng nặng (xe tăng, xe bọc thép hạng nhẹ, pháo binh) mà Ukraine có vào đầu năm 2022 ở một số thành phần có thể so sánh được với Lục quân Nga (không tính số dự trữ tại các căn cứ cất giữ VKTB) với chất lượng tương đương. Trên thực tế, thiếu vũ khí chưa bao giờ là vấn đề chủ yếu của quân đội Ukraine. Khả năng của quân đội Ukraine mô hình năm 2014 bị hạn chế không phải do thiếu VKTB mà là khả năng sẵn sàng chiến đấu thấp, động lực chiến đấu yếu, tham nhũng và thiếu kỷ luật.
Cần thay thế khẩn cấp chủ yếu là khí tài thông tin, tình báo và chỉ huy/điều khiển - chính là những lĩnh vực mà công nghệ thời chiến tranh lạnh đã hoàn toàn không còn phù hợp. Và lượng viện trợ chính của phương Tây hướng vào chính là các lĩnh vực này. Ukraine đã tự lực nghiên cứu chế tạo vũ khí chính xác cao (pháo phản lực Vilkha, đạn pháo có điều khiển Kvitnik) và đã hiện đại hóa đội xe tăng-thiết giáp, dẫn đến sự gia tăng nhiều lần số lượng phương tiện sẵn sàng chiến đấu mà không phải nhập khẩu quy mô lớn. Nhu cầu cung cấp số lượng lớn vũ khí hạng nặng do phương Tây sản xuất tới Ukraine để bù đắp tổn thất vốn đã trở nên rõ ràng từ tháng 4-5.2022 rõ ràng là một bất ngờ khó chịu đối với Mỹ và các đồng minh. Họ đã không chuẩn bị nghiêm túc cho việc này, và thiếu sót như vậy đã khiến Ukraine phải trả giá đắt.
Phản ứng muộn màng của Nga
Quá trình hiện đại hóa kỹ thuật của quân đội Ukraine có thể được đánh giá khách quan bằng cách quan sát các hoạt động mua sắm, sản xuất và tập trận mặc dù các sự kiện lớn, có tiếng vang như các đợt cung cấp các lô lớn vũ khí tối tân đã không xảy ra. Một quá trình chuyển đổi quan trọng không kém của xã hội Ukraine, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc, sự củng cố đồng thuận chống Nga vững chắc trong giới tinh hoa Ukraine rõ ràng đã không được Nga nhận thức thực ngay, điều này dẫn đến nhận thức sau này về tính tất yếu của chiến tranh.
Theo Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov, Ukraine đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc chiến quy mô lớn không thể tránh khỏi với Nga sau thất bại của cuộc họp định dạng Normandy tại Paris vào tháng 12.2019. Nước Nga dường như đã đi đến kết luận chiến tranh là không thể tránh khỏi muộn hơn nhiều, có thể là vào mùa xuân năm 2021 (các cuộc tập trận quy mô lớn gần biên giới Ukraine đã bắt đầu vào tháng 4) mặc dù một số biện pháp chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn cũng đã được thực hiện từ trước đó. Phản ứng muộn màng đối với các hành động của phía bên kia đã quyết định trước sự chuẩn bị vội vàng và không đầy đủ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Nhìn chung, việc Nga không có hoạt động nghiên cứu khoa học quy mô lớn, có hệ thống về nước Ukraine hiện đại (cũng như đối với các nước hậu Xô-viết khác) rõ ràng đã đóng phần làm cho Nga không thể đánh giá kịp thời sự biến đổi của xã hội và nhà nước Ukraine. Đây là thất bại đắt giá nhất về mọi góc độ của chính sách khoa học của Nga trong suốt thời kỳ hậu Xô-viết.
Chiến dịch đặc biệt
Việc không thể đánh bại Ukraine nhanh chóng bằng quân đội thời bình của Nga mô hình đầu năm 2022 đã trở nên rõ ràng đối với các chuyên gia quân sự đang cố gắng thực sự hiểu quy mô của vấn đề (có thể nhớ lại bài báo của Mikhail Khodaryonok “Những dự báo của các nhà khoa học chính trị khát máu” xuất bản vào đầu tháng 2 năm 2022) [ Ходаренок М. Прогнозы кровожадных политологов // Независимое военное обозрение, 3.2.2022]. Do đó, việc đặt cược mạo hiểm vào thành tố “đặc biệt” của chiến dịch quân sự đặc biệt là hệ quả bắt buộc của sự yếu kém của thành phần quân sự của chiến dịch quân sự đặc biệt. Đồng thời, sự cần thiết phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, theo quan điểm của giới lãnh đạo Nga, là không có gì phải nghi ngờ do quá trình quân sự hóa nhanh chóng của Ukraine và sự hợp tác ngày càng sâu rộng của Ukraine với NATO. Cuộc xung đột với Ukraine vì khu vực Donbass và Crimea đã được coi là không thể tránh khỏi, việc trì hoãn bắt đầu nó sẽ chỉ dẫn đến làm xấu đi cán cân sức mạnh và gia tăng tổn thất.
Sự thất bại của thành phần đặc biệt của chiến dịch quân sự đặc biệt trong những ngày đầu tiên của nó (có thể là ở khắp nơi trừ miền nam Ukraine) phần lớn là liên quan đến các hành động khẩn cấp, quy mô lớn và cứng rắn của các cơ quan đặc vụ Ukraine nhằm “thanh lọc hậu phương”, được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật quy mô lớn của Mỹ trong những tháng cuối cùng trước và những tháng đầu tiên sau khi bắt đầu chiến tranh.
Số phận của những người ngay cả bị nghi ngờ hợp tác với Nga vào thời kỳ đó thật là tồi tệ. Thông tin được tình báo quân đội Ukraine công bố sau đó về cái chết của đặc vụ đặc biệt có giá trị Denis Kireev của họ là bằng chứng cho điều này. Kireev, một thành viên của phái đoàn Ukraine tại vòng đàm phán hòa bình đầu tiên với Nga, đã bị SBU bắt vào ngày 5.3.2022 tại Kiev và ngay lập tức bị giết bằng một bắn vào sau gáy như một kẻ phản bội. Không hề có nỗ lực nào được thực hiện để điều tra, xét xử hoặc thu thập bằng chứng. Không có thủ tục nào được tuân theo. Lý do cho việc bắt giữ và hành quyết là Kireev, theo chỉ thị của tình báo quân sự Ukraine, đã duy trì liên lạc có hệ thống với nhiều cơ quan khác nhau của Nga và lọt vào tầm mắt của SBU. Vụ hành quyết đã diễn ra chớp nhoáng đến mức tình báo quân đội Ukraine đã không kịp can thiệp để cứu điệp viên của họ. Do đó, con số thực tế những người ít được biết đến hơn đã bị thủ tiêu trên cơ sở những bằng chứng rất phù du về tội lỗi của họ có lẽ là khá nhiều.
Cuộc chiến tranh kéo dài
Việc Nga đặt cược vào thành tố “đặc biệt” đã có vẻ lung lay ngay từ đầu; Hầu như không có lĩnh vực hoạt động nào của con người khó lường hơn điệp báo. Giai đoạn “đặc biệt” đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt là nỗ lực tuyệt vọng nhằm tránh một cuộc chiến tranh thực sự, kéo dài, và nỗ lực này trước hết là không thành công và hai là tốn kém về chính trị và quân sự đối với Nga.
Việc đặt cược vào các công cụ đặc biệt chỉ hiệu lực ở tỉnh Kherson, nơi mà theo các tuyên bố sau đó của SBU, các điệp viên Nga đã làm rối loạn được hoạt động phòng thủ Ukraine. Nỗ lực đánh chiếm nhanh chóng Kharkov của lực lượng đặc nhiệm dựa vào sự hỗ trợ của các điệp viên bên trong thành phố đã thất bại với những tổn thất đáng kể của phía Nga, cũng như nỗ lực gây sốc và hoảng loạn trong giới lãnh đạo Ukraine bằng sự di chuyển nhanh chóng của quân Nga đến thủ đô Kiev kết hợp với hoạt động của các điệp viên bên trong.
Nhận thấy sự bấp bênh của các công cụ “đặc biệt”, giới lãnh đạo Nga cũng đã chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Năm 2021, việc sản xuất một số loại VKTB (rõ ràng là tên lửa hành trình và tên lửa dành cho các hệ thống phòng không) đã tăng đáng kể, và việc chuẩn bị động viên nền kinh tế đã được triển khai.
Khi nhìn lại, có thể hiểu một số bước đã được thực hiện trong những tháng ngay trước chiến tranh. Ví dụ, cuộc kiểm tra đột ngột Ban quân sự địa phương Cheryomushkinsky ở Moskva của BTQP Sergei Shoigu vào ngày 8.6.2021. Các ban quân sự địa phương đã không được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo quân đội Nga kể từ “cuộc cải cách của Serdyukov” (BTQP Nga giai đoạn 2007-2012); sau khi tận mắt thấy đống đổ nát tự nhiên tại ban quân sự, không có máy tính và một nhúm nhân viên già nua, ông Shoigu đã chỉ trích kịch liệt các thuộc cấp và yêu cầu sửa chữa những thiếu sót. Việc này đã không thể làm được cho đến tận khi bắt đầu động viên được tuyên bố vào tháng 9.2022 bất kể các biện pháp đã được thực hiện (ví dụ cập nhật dữ liệu đăng ký quân sự trên toàn quốc vào cuối năm 2021-đầu năm 2022).
Nhiều biện pháp chuẩn bị đã gặp phải những khó khăn do tính bí mật xung quanh toàn bộ quá trình chuẩn bị, điều có thể bị quy định bởi vai trò lớn của thành tố “đặc biệt” trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Những câu nói “hãy đưa các ban chỉ huy quân sự địa phương vào nề nếp” và “hãy đưa các ban chỉ huy quân sự địa phương vào nề nếp bởi vì ngày mai là chiến tranh” hàm chứa các chỉ thị giống hệt nhau, nhưng chúng sẽ được thực hiện khác nhau. Chế độ bí mật và việc không có bất kỳ công tác tuyên truyền chuẩn bị nào cho chiến dịch sắp tới liên quan đến nó cũng đã đưa quân đội Nga trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột đến một thảm họa truyền thông (PR) hoàn toàn do con người tạo ra mà những hậu quả của nó cho đến nay vẫn chưa được khắc phục. Những kỳ vọng quá cao của xã hội về chiến thắng trước một kẻ thù được cho là yếu đã làm trầm trọng thêm nhiều lần tác động tiêu cực của những thất bại của quân đội Nga ở giai đoạn đầu.
Đến nay, dưới ảnh hưởng của chấn thương đã trải qua, hoạt động tuyên truyền của Nga lại có đặc trưng đảo ngược: tính chất kéo dài, cực kỳ khó khăn của những gì đang xảy ra được nhấn mạnh. Trong các tin bài của các kênh Telegram quân sự Nga và đa số các bình luận trên các phương tiện truyền thông, người ta kiên trì lan truyền ý nghĩ rằng, trước mắt sẽ là một cuộc chiến lâu dài, những tổn thất và những thất bại mới có thể xảy ra. Đồng thời, đáng chú ý là bất chấp thảm họa thông tin vào tháng 3.2022 và những khó khăn, tổn thất sau đó, trong xã hội Nga vẫn duy trì sự ủng hộ cao đối với các hành động của chính quyền và niềm tin vào chiến thắng. Những hy vọng của phương Tây về một sự bất ổn nhanh chóng ở Nga tỏ ra lố bịch giống như những hy vọng của Nga về khả năng rối loạn chính trị nhanh chóng ở Ukraine.
Chúng ta đã đi đến đâu
Ngay từ tháng 11.2022, việc Mỹ không đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trong cuộc xung đột ở Ukraine đã trở nên. Sự sụp đổ kinh tế và bất ổn chính trị của Nga đã không xảy ra. Trong phần lớn năm 2022, Nga nói chung đã tiến hành “cuộc chiến tranh viễn chinh” bằng một quân đội của thời bình, hoạt động động viên một phần đã có tính chất rất hạn chế. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn đã vẫn tiếp tục được thực hiện ở Nga chẳng hạn như việc hoàn thành xây dựng tuyến tàu điện ngầm vành đai dài nhất thế giới ở Moskva. Số lượng nhà ở đưa vào sử dụng ở Nga vào tháng 1.2023 đã vượt 19% so với chỉ số của năm ngoái.
Nga tiếp tục duy trì kiểm soát đối với thâm hụt ngân sách và vẫn có thể tiến hành chiến sự mà không cần dùng đến các biện pháp tài trợ khẩn cấp cho chi tiêu công chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương mua trái phiếu chính phủ. Việc củng cố quan hệ với Trung Quốc được thể hiện rõ ràng trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moskva vào tháng 3.2023 cho phép nhìn vào vào triển vọng kinh tế với sự lạc quan nhất định. Không còn nghi ngờ gì nữa, các biện pháp trừng phạt đã và sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của “chiếc bánh kinh tế” Nga trong dài hạn. Nhưng chúng đã không dẫn đến suy giảm đáng kể của nó. Đồng thời, rõ ràng là một phần lớn hơn nhiều của chiếc bánh này giờ đây sẽ thuộc về quân đội, các cơ quan đặc vụ và bộ máy đối ngoại. Vào tháng 12.2022, Nga đã thông báo về việc tăng gấp rưỡi quân số thường trực của quân đội Nga lên đến 1,5 triệu quân. Đã có sự gia tăng nhanh chóng sản xuất quốc phòng và quân sự hóa ngày càng tăng các khía cạnh khác nhau của xã hội.
Những thất bại của Nga ở mặt trận (thất bại ở tỉnh Kharkov và việc rút lui khỏi thành phố Kherson) đã không đi kèm với việc bao vây và hy sinh của các cụm quân Nga lớn. Chúng đã không phá hoại được khả năng tiếp tục chiến sự của Nga. Những tổn thất của Nga về sinh lực và tốc độ tăng trưởng của chúng không lớn đến mức dẫn đến bất ổn nội bộ và tăng mạnh tâm lý phản chiến.
Trên thực tế, cuộc xung đột Ukraine không dẫn đến việc loại bỏ Nga với tư cách là đối thủ của Mỹ trên trường quốc tế mà là biến Nga thành một kẻ thù thậm chí còn khó chịu hơn - một kẻ thù căm giận, đã trải qua một trường học khắc nghiệt và được vũ trang tốt hơn.
Mặt khác, việc đạt được các mục tiêu tối đa của Nga là “thủ tiêu quốc gia phản Nga (Ukraine)” đã và đang tiếp tục có vẻ, nói một cách nhẹ nhàng, là một viễn cảnh cực kỳ xa vời. Tốc độ tấn công của Nga ở Donbas vẫn còn thấp, cuộc phản công lớn của Ukraine đang được chờ đợi.
Nga rõ ràng đang gây ra những tổn thất cho các lực lượng Ukraine vượt trội đáng kể các lực lượng Nga. Những thông tin rời rạc cho phép phỏng đoán rằng, quy mô thương vong của Ukraine có thể, như lời của đại sứ Ukraine tại Anh, Vadym Prystaiko, là “to lớn và không thể đo lường được”. Ukraine đã buộc phải mở rộng việc động viên đến các nhóm dân cư ngày càng mới và sử dụng đến các biện pháp động viên ngày càng cực đoan. Tuy nhiên, hiện chưa có những bằng chứng về sự ách tắc trong hoạt động của bộ máy động viên liên tục của Ukraine, cũng như sự suy giảm mức độ sẵn sàng của các nước phương Tây trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine.
Đến tháng 1.2023, tổng lượng viện trợ cho Ukraine đã lên tới gần 157 tỷ USD và có lẽ năm thứ hai của cuộc chiến sẽ khiến phương Tây phải tốn kém hơn nhiều do các nguồn dự trữ quân sự của chính Ukraine đã cạn kiệt. Nhưng hiện thời, Mỹ và các đồng minh vẫn sẵn sàng cho những hy sinh như vậy. Triển vọng dài hạn phụ thuộc phần nhiều vào tốc độ gia tăng sản xuất quốc phòng của Nga và sản xuất quốc phòng ở phương Tây. Hiện thời, có vẻ như Nga đang mở rộng sản xuất ít nhất là một số loại vũ khí nhanh hơn do có sự chuẩn bị sơ bộ nhất định và khả năng bảo đảm nguồn lực.
Với những nguồn lực ít hơn, Nga tập trung tất cả vào Ukraine, trong khi Mỹ cũng phải đối mặt với các nhiệm vụ kiềm chế Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và hàng loạt vấn đề khác. Đồng thời, chúng ta không thể dự đoán tình hình sản xuất quốc phòng của các nước tham gia cuộc xung đột trên cơ sở thông tin công khai. Không loại trừ, Moskva sẽ làm kiệt sức được kẻ thù trong một chiến dịch kéo dài và giành được ưu thế áp đảo trên mặt trận. Ví dụ, làm mất máu và chế áp lực lượng phòng không Ukraine ở những khu vực quan trọng, điều này sẽ mở ra cơ hội quay trở lại chiến tranh cơ động và tiến hành các cuộc tấn công lớn. Nhưng cũng có thể các nước phương Tây, bằng cách cắt giảm sự hiện diện của họ ở những nơi khác trên thế giới và đôi khi là lột sạch vũ khí của quân đội của chính họ, sẽ có thể ngăn chặn điều này.
Nếu Nga sẽ không thể chiếm được và giữ được trong tương lai gần các trung tâm kinh tế lớn của Ukraine và tước đi sức sống kinh tế của nước này, thì có thể nói rằng, nỗ lực của Nga giải quyết “vấn đề Ukraine” đã thất bại cũng như nỗ lực của Mỹ giải quyết “vấn đề Nga”.
Nước Ukraine chống Nga trong trường hợp này sẽ tiếp tục tồn tại. Các nguồn lực của Ukraine sẽ bị phá hoại triệt bởi chiến dịch quân sự đặc biệt, bởi sự tàn phá của nền kinh tế bị, mất mát lãnh thổ và di cư của một phần đáng kể dân số. Tuy nhiên, Ukraine sẽ trở thành vấn đề chính trong chính sách đối ngoại của Nga trong nhiều thập kỷ tới, giống như Pakistan đã trở thành vấn đề muôn thuở đối với Ấn Độ.
Triển vọng
Làn sóng những tin đồn và tín hiệu đầu tiên về khả năng đàm phán giữa Nga và Mỹ bắt đầu rộ trở lại vào mùa thu năm 2022 và kết thúc bằng cuộc gặp thất bại giữa Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns và Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin tại Istanbul vào tháng 11.2022. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã đưa ra một loạt tuyên bố về việc không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Ukraine. Lúc đó, người ta đã thấy rõ rằng, lập trường của các bên là rất khác nhau.
Toàn vẹn lãnh thổ của các chủ thể mới của Liên bang Nga vẫn là một mâu thuẫn không thể giải quyết bởi vì Moskva không sẵn sàng thỏa hiệp về vấn đề này. Đối với Mỹ, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không phải là ưu tiên miễn là Ukraine duy trì được sức sống của mình với tư cách là một quốc gia và cho phép sử dụng nước này như một bàn đạp chống Nga. Nhưng những thành quả lãnh thổ lớn mà Nga giành được ở Ukraine có thể tạo ra các vấn đề đối với chính trị trong nước và uy tín quốc tế của Mỹ. Các bên cũng chưa sẵn sàng cho thỏa thuận về quy chế tương lai của Ukraine, các cơ chế đảm bảo an ninh có thể cho Ukraine và Nga, khả năng quân sự của Ukraine và các điều kiện, theo đó một lệnh ngừng bắn có thể chấp nhận được.
Năm 2023, có sự gia tăng gay gắt lời lẽ một cách tự tin ở cả phía Mỹ và Nga. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói về chuyện chiến tranh chỉ có thể kết thúc trong trường hợp khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và rút quân Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tuyên bố rằng, “chúng tôi sẽ không dung thứ cho sự tồn tại của một quốc gia công khai chống Nga ở biên giới của mình, bất kể biên giới của nó là gì”. Cả hai bên đều mong đợi sự leo thang chiến sự quy mô lớn vào mùa xuân và mùa hè năm 2023.
Mỹ hy vọng rằng, thành công của Ukraine sẽ cho phép tiếp cận các cuộc đàm phán với vị thế mạnh hơn. Trong trường hợp giành chiến thắng, Nga có cơ sở để tin tưởng vào việc đè bẹp Ukraine và thiết lập kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ rộng lớn mới. Việc không có những kết quả quyết định trong chiến dịch quân sự sắp tới, hoặc thành công rõ ràng của Nga trong việc tiến đến ranh giới của các chủ thể mới của Liên bang Nga một lần nữa có thể dẫn đến những nỗ lực bắt đầu đối thoại hoàn toàn có thể là lâu dài và với những triển vọng không rõ ràng.
Hiện tại, không thể loại trừ khả năng lặp lại tình thế của Chiến tranh Triều Tiên, khi mà nhận thấy đang gặp bế tắc chiến lược vào tháng 7.1951, các bên đã tiến hành đàm phán trong hai năm trong bối cảnh chiến sự vẫn đang tiếp diễn. Nếu chiến cuộc xuân hè diễn biến thất bại đối với Nga, nhiều khả năng Nga sẽ tiến hành các bước bổ sung nhằm động viên dân chúng và nền kinh tế. Khả năng thỏa hiệp về vấn đề Ukraine của Nga hạn chế hơn nhiều so với Mỹ.
Hiện nay, cả Moskva và Washington đều đang thực hiện các chương trình dài hạn nhằm mở rộng năng lực CNQP với tính toán cho một cuộc xung đột kéo dài nhiều năm. Đồng thời, không bên nào cho phép xảy ra khả năng mình thất bại hoàn toàn trong cuộc xung đột này và khi có mối đe dọa thất bại đó, thì sẽ leo thang với mối đe dọa xung đột trực tiếp giữa hai bên. Mối đe dọa này xác định giới hạn của những gì có thể đối với cả Nga và Mỹ.
Nguồn: Kashin V.B. Năm đầu tiên của cuộc chiến lớn // Nga trong nền chính trị toàn cầu. 2023. V. 21. N.3.-Tr.10-21.