Vietnamdefence.com

 

Quân đội Nga sau hơn một năm chiến hỏa

VietnamDefence - Quân đội Nga đã thay đổi như thế nào kể từ tháng 2.2022.


Logic của cuộc xung đột quân sự trên lãnh thổ Ukraine khi mà quân đội Ukraine liên tục tăng quân số, trình độ huấn luyện và đang nhận được các vũ khí ngày càng uy lực hơn, đòi hỏi Nga, sau khi đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine, chuyển sang tấn công quy mô lớn với các mục tiêu cương quyết, không cho phép kẻ thù tăng cường sức mạnh hơn nữa và tiến hành báo thù. Nhưng quân đội Nga hiện đã sẵn sàng để thực hiện một nhiệm vụ như vậy chưa?

Những bài học của cuộc phản công

Trước hết, tất nhiên, cần phải tiến hành bổ sung quân số nghiêm túc cho quân đội Nga vốn đang phải chịu những tổn thất đau đớn, kể cả khi phòng ngự. Nhiều phóng viên quân sự và chuyên gia quân sự trong một thời gian dài đã nói về sự cần thiết phải đổi quân cho các lực lượng đang ở mặt trận và đưa quân số biên chế của các đơn vị và binh đoàn của quân đội Nga lên mức tiêu chuẩn, còn vài ngày trước, điều này đã được xác nhận trong lời kêu gọi của cựu Tư lệnh Tập đoàn quân 58, Thiếu tưởng Ivan Popov gửi tới các cấp dưới cũ của mình được công bố rộng rãi.
Đúng vậy, ngay cả để phòng thủ thành công trong vài tháng tới trước khi bắt đầu thời kỳ lầy lội mùa thu, khi các hoạt động tấn công trở nên không thể, quân Nga cần được bổ sung, luân chuyển và nghỉ ngơi cho những người đã ở tiền tuyến từ lâu. Để chuyển sang phản công, quân đội Nga sẽ phải tăng mạnh quân số, ít nhất phải đạt sự cân bằng với quân đội Ukraine, hoặc tốt hơn là đạt ưu thế gấp 2-3 lần trên hướng chiến lược. Điều đó khó có thể đạt được nếu không tổ chức đợt động viên thứ hai mà chỉ bằng cách thu hút lính hợp đồng mới.

Ngoài việc tăng cường quả đấm đột kích, quân đội Nga sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Tại sao, mặc dù được chuẩn bị trong thời gian dài, nhưng cuộc phản công của quân đội Ukraine lại bị đình trệ và họ không thể lặp lại cuộc tấn công chớp nhoáng kiểu tháng 9.2022?
Bởi vì quân đội Ukraine đã vấp phải một hệ thống trận địa nhiều lớp, trong đó, điều kỳ lạ là các bãi mìn lại đóng vai trò then chốt. Xe tăng, thiết giáp và bộ binh địch đơn giản là không thể tạo ra đột phá lớn vì vấp mìn. Quân Ukraine phải đi thành các đoàn xe và bò về phía trước, trở thành mục tiêu dễ dàng cho không quân chiến thuật và không quân lục quân, pháo binh và các khẩu đội tên lửa chống tăng có điều khiển của Nga. Quân đội Ukraine buộc phải từ từ gặm nhấm các bãi mìn và chịu tổn thất nặng nề, còn quân đội Nga nhanh chóng tạo ra những bãi mìn mới trước mặt họ bằng các hệ thống rải mìn từ xa.

Có vẻ như Ukraine không còn cơ hội nào và đã đến lúc phải cúi đầu trước Điện Kremlin để ký một thỏa thuận hòa bình với sự ghi nhận tuyến phân giới thực tế, thực ra là vẫn giữ lại được hai thành phố Zaporozhye và Kherson, cũng như một phần lãnh thổ của các tỉnh Donetsk và Lugansk. Tuy nhiên, điều này không xảy ra và quân đội Ukraine đang hết sức sử dụng tiềm năng viện trợ kỹ thuật quân sự do phương Tây cung cấp.

Vấn đề và giải pháp

Những tổn thất đau đớn của quân đội Nga trong phòng thủ là do phía Ukraine tích cực sử dụng các hệ thống vũ khí chính xác cao, cụ thể là pháo phản lực HIMARS. Nếu trước đó, quân đội Ukraine còn dè sẻn sử dụng các quả đạn đắt tiền của Mỹ và chỉ sử dụng chúng nhằm vào các mục tiêu quân sự giá trị nhất, thì giờ đây, các tên lửa này thậm chí còn bắn cả những khẩu pháo, cối hoặc súng máy riêng lẻ. Rất khó để quân Nga phản ứng với chúng một cách hiệu quả và nhanh chóng vì pháo phản lực HIMARS nằm ở khoảng cách xa và có sức cơ động cao. Đây cũng là vấn đề quá cũ về tác chiến phản pháo mà Thiếu tướng Popov đã nêu trong báo cáo gửi Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov, nhưng ngay lập tức bị cách chức Tư lệnh của Tập đoàn quân 58 vốn đang đẩy lùi cuộc tấn công của quân đội Ukraine trên hướng Zaporozhye.

Rõ ràng là quân đội Nga rất cần các phương tiện trinh sát đường không với số lượng đủ để chỉ định mục tiêu cho pháo phản lực và pháo có nòng, cũng như để sau đó hiệu chỉnh hỏa lực của chúng. Nếu không thể nhanh chóng giáng đòn tấn công trả đũa hiệu quả vào các pháo phản lực tầm xa của địch, thì quân Nga sẽ tiếp tục hứng chịu những tổn thất đau đớn. Vấn đề này cần được giải quyết càng sớm càng tốt bằng cách cung cấp các loại máy bay không người lái trinh sát-tấn công cho quân đội Nga, cũng như pháo phản lực tầm xa như Tornado-S của Nga hoặc Polonez của Belarus. Lúc đó, tình hình sẽ bắt đầu cải thiện theo hướng có lợi cho Nga.

Không quân chiến đấu Nga tác chiến hiệu quả chống lực lượng tăng-thiết giáp được Ukraine tung vào cuộc phản công, yểm trợ đắc lực cho bộ binh trên tiền tuyến.

Trong thời gian gần đây, không quân Nga không chịu tổn thất ngoại trừ những tổn thất do chính phòng không Nga và phòng không của công ty Wagner. Có được kết quả đó là nhờ phía Nga có chiến thuật sử dụng không quân đúng đắn, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tiêu diệt phòng không địch bằng tất cả các quân-binh chủng và do phía Ukraine hầu như không có không quân tiêm kích, còn số ít tiêm kích còn lại thì được cải hoán để sử dụng tên lửa hàng không chống radar và tác chiến chống UAV cảm tử Geran của Nga.

Sau một năm sau, các UAV hạng nặng Inokhodets và Okhotnik của Nga đã bắt đầu xuất hiện. Tại sao trong một năm? Bởi vì tất cả các mẫu hiện có của những UAV này đã bị tổn thất một cách ngu ngốc trong tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt. Và bây giờ, chúng ta nhìn thấy mẫu cháu chắt của chúng vốn đang được sử dụng cẩn thận và thành thạo hơn nhiều.

Hai phía tham chiến đang không ngừng học hỏi. Có thể nói rằng, giữa Lục quân và Không quân Nga của tháng 2 năm 2022 và quân đội Nga hôm nay là một trời một vực. Đúng ra là phải thế. Quân đội Nga đang học, và đối phương cũng đang học hỏi từ thực tế chiến tranh.

Tức là động lực nói chung là tích cực, không quân Nga cuối cùng đã học được cách chiến đấu hợp lý và hiệu quả sau khi có được kinh nghiệm chiến đấu quý giá phải trả bằng xương máu, cả khi độc lập tác chiến lẫn khi phối hợp với lục quân. Và đây là một tin tuyệt vời bởi lẽ chính sự thiếu phối hợp giữa các quân binh chủng đã là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại và tổn thất lớn ở giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Chính sự khống chế trên không của Không quân-vũ trụ và không quân lục quân Nga sẽ là yếu tố quyết định quyết định cuộc phản công của Nga có thành công hay không.

Và chính vì thế mà ý định của phương Tây chuyển giao tiêm kích thế hệ 4 và trực thăng tấn công của NATO cho quân đội Ukraine, điều có thể vô hiệu hóa đáng kể ưu thế của Nga lại gây lo ngại đến thế. Trên thực tế, Ba Lan đã bắt đầu quá trình chuyển giao trực thăng tấn công Mi-24 của Liên Xô cho Kiev. Rõ rang là cuộc phản công của quân đội Nga bị trì hoãn càng lâu thì những khó khăn sau đó họ sẽ phải đối mặt sẽ càng lớn hơn.

Và cuối cùng, quân đội Nga sẽ phải giải quyết bằng cách nào đó vấn đề các bãi mìn mà quân đội Ukraine sẽ bố trí trên đường đi của quân Nga. Đây là thách thức lớn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị phù hợp để vượt qua.

Nguồn: Topcor, 14.7.2023.

Print Print E-mail Print