Vietnamdefence.com

 

Những bài học của hai năm chiến tranh ở Ukraine

VietnamDefence - VietNamDefence giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Nga nổi tiếng Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ (CAST), trong đó nêu ra những bài học đáng chú ý của hai năm chiến sự ở Ukraine.

Hai năm chiến sự vạch ra những đường nét của những thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực quân sự, có lẽ sẽ định trước diện mạo của chiến tranh và nghệ thuật chiến tranh trong toàn bộ thế kỷ XXI.

Vào đầu năm thứ ba của Chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) của Nga tại Ukraine, có thể nói rằng, những sự kiện đã bắt đầu vào tháng 2.2022, giống như bất kỳ cuộc chiến tranh lớn nào trong những thế kỷ gần đây, đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều quan niệm, lý thuyết và nhân vật danh tiếng trong các lĩnh vực chính trị và quân sự. Những người khởi xướng, những người tham gia chính và những người quan sát từ mọi phía đã nhận được và đã nhìn thấy điều mà họ đã không dự kiến hoặc mong đợi.

Hai năm chiến sự vạch ra những đường nét của những thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực quân sự, có lẽ sẽ định trước diện mạo của chiến tranh và nghệ thuật chiến tranh trong toàn bộ thế kỷ XXI.

Chiến dịch Danube thất bại

Quay lại ban đầu, có thể kết luận rằng, ý định của chiến dịch đã thực sự trù tính tiến hành trước tiên chiến dịch đặc biệt, còn thứ hai mới là chiến dịch quân sự, và đã cho rằng, nhiệm vụ có thể được giải quyết mà không có các hoạt động quân sự quy mô lớn và sự kháng cự quân sự có tổ chức. Các nhà sử học tương lai sẽ trả lời tại sao Moskva lại đã cho rằng, có thể thực hiện một kịch bản như vậy, đặc biệt khi tính đến thực tế là quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc chiến tranh “nhỏ” liên tục ở Donbass kể từ năm 2014. Bản thân kế hoạch Chiến dịch quân sự đặc biệt có thể nhận thấy, về thực chất, đã sao chép kế hoạch của Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc năm 1968, được biết đến là Chiến dịch Danube. Các yếu tố chính trong kế hoạch Chiến dịch quân sự đặc biệt giống với Chiến dịch Danube, bao gồm việc lực lượng đổ bộ đánh chiếm sân bay thủ đô và sau đó tung các đơn vị Bộ đội đổ bộ đường không (VDV) đến đó để phong tỏa thủ đô và các cuộc hành quân thần tốc của các đơn vị tăng-thiết giáp và cơ giới đến các thành phố lớn để phong tỏa chúng và sau đó là nhanh chóng “càn quét tiễu trừ” bằng lực lượng của “các đơn vị nhẹ”, lực lượng đặc nhiệm và các cơ quan đặc vụ.

Sự khác biệt về bối cảnh của Chiến dịch Danube và Chiến dịch tháng 2.2022 không chỉ là việc giới lãnh đạo chính trị Ukraine và bộ chỉ huy quân đội Ukraine đã phản kháng. Chiến dịch Danube đã được tiến hành bởi một cụm quân hùng mạnh được động viên của Tổ chức Hiệp ước Varsava vượt trội đáng kể so với lực lượng của Quân đội Nhân dân Tiệp Khắc. Những người khởi xướng Chiến dịch quân sự đặc biệt đã quyết định đưa quân vào một quốc gia có diện tích lớn hơn nhiều so với Tiệp Khắc với lực lượng của một cụm quân hạn chế ước tính khoảng 185.000 quân (dù cho là bao gồm phần lớn Lục quân và VDV của Nga) hay là gần 140 nhóm chiến thuật tiểu đoàn. Ngay cả khi tính đến việc động viên các lực lượng của CHND Donetsk (DPR) và CHND Lugansk (LPR) (thêm gần 110.000 quân nữa), cụm quân này vẫn thua kém về quân số so với lực lượng của quân đội và các cơ cấu sức mạnh Ukraine vốn đã được động viên một phần. Việc động viên lực lượng dự bị cấp 1 bắt đầu ở Ukraine một ngày trước khi bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt đã bổ sung trong vài ngày cho quân đội Ukraine 150.000 quân có kinh nghiệm chiến đấu ở Donbass (những người đã tham gia cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” - “Chiến dịch của các lực lượng thống nhất”) và tạo điều kiện để bổ sung đủ quân cho các lữ đoàn chủ lực tuyến 1, khiến cán cân lực lượng trở nên hoàn toàn bất lợi cho Nga.

Trong hoàn cảnh  đó, kết cục của giai đoạn 1 Chiến dịch quân sự đặc biệt đã được quyết định chỉ bởi mỗi cán cân lực lượng. Các cụm quân Nga bị phân tán mỏng trên 8 hướng đã nhanh chóng bị chặn lại và buộc phải giao chiến với kẻ thù có ưu thế về quân số. Ở phía bắc, các cụm đột kích chính của SVO tiến quân từ Belarus qua đầm lầy Pripyati và từ lãnh thổ Nga qua các tỉnh Sumy và Chernigov  đã đến được Kyiv, nhưng đã không thể phong tỏa thủ đô Ukraine (chứ đừng nói đến việc chiếm giữ), cũng không thể đảm bảo được các tuyến đường tiếp tế kéo dài của mình. Cuộc đổ bộ vào Gostomel, trong điều kiện bị kháng cự và pháo kích mãnh liệt, đã từ đầu cầu biến thành một cái bẫy.

Trên hướng Kharkov, quân Nga đã bị chặn lại trên các đường tiếp cận Kharkov và ở đường biên giới. Những nỗ lực của các lực lượng được động viên vội vã và không được trang bị đầy đủ của DPR và LPR nhằm đẩy lùi các lực lượng Ukraine đã cố thủ từ năm 2014 khỏi tuyến tiếp xúc chiến đấu ở Donbass đã không mấy thành công. Việc không thể chế áp phòng không Ukraine đã làm hạn chế rất nhiều hiệu quả của không quân Nga trên toàn bộ chiến tuyến và lãnh thổ Ukraine, tước đi một trong những con át chủ bài chính của quân đội Nga.

Quân Nga đã giành được những thắng lợi lớn nhất ở miền nam Ukraine, nơi mà rõ ràng là những “tay trong ”, điệp viên “nằm vùng” và những người thân Nga đã phát huy tác dụng (và chỉ ở đây). Điều này cho phép quân Nga tiến từ Crimea trong vẻn vẹn mấy ngày đã chiếm được tỉnh Kherson và phần lãnh thổ phía nam của tỉnh Zaporozhye mà chỉ vấp phải sự kháng cự tối thiểu từ phía quân đội Ukraine, tiến tới Mariupol ở phía đông, còn ở phía tây thì phát tấn công đến Nikolaev và vòng qua nó từ phía bắc đến Odessa. Tuy nhiên, quân Nga đã không giành được hai giải thưởng chính này của khu vực Cận Biển Đen (các thành phố Nikolaev và Odessa). Các tàu đổ bộ với lực lượng thủy quân lục chiến được tập hợp từ trước từ cả ba hạm đội ở khu vực châu Âu của Hải quân Nga đã bị chặn lại bởi thủy lôi và tên lửa chống hạm Neptune do chính Ukraine sản xuất “bất ngờ” xuất hiện trong trang bị của Ukraine. Trên mặt đất, quân đội Ukraine sau khi tỉnh táo lại đã nhanh chóng chặn đứng các lực lượng tiên phong của quân đội Nga ở gần Nikolaev và Voznesensk, và đến giữa tháng 3.2022, đã đẩy lùi các lực lượng Nga về địa giới các tỉnh Kherson và Nikolaev.

Nga bỗng thấy mình lâm vào tình trạng chiến tranh quy mô lớn trên một mặt trận rộng lớn với một kẻ thù đông đảo và được trang bị tốt mà tất cả các cường quốc phương Tây đều lao vào viện trợ, áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có và bắt đầu các đợt cung cấp vũ khí ồ ạt và ngày càng tăng cho Kiev.

Hướng khó khăn nhất ngay từ đầu là hướng Kiev, nơi mà thực chất một cụm quân từ hai quân khu của quân đội Nga đã được “ném” vào các khu rừng và đầm lầy xung quanh Kiev mà không có triển vọng rõ ràng về việc sử dụng hiệu quả nó và với mối nguy cơ thường trực đối với các tuyến đường tiếp tế được “xâu chuỗi” trên những con đường rừng xuyên qua các tỉnh Sumy và Chernigov trên thực tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Ukraine. Cụm quân này là không đủ để chiếm và thậm chí là bao quanh và vây hãm Kiev. Nhìn chung, chỉ có sự quá chậm chạp và thiếu táo bạo của bộ chỉ huy Ukraine và quân đội Ukraine mới không làm cho tình hình trên hướng Kiev phát triển thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với phía Nga. Với một kẻ thù mạnh mẽ hơn, quân Nga ở gần Kiev sẽ có nguy cơ lặp lại trận chiến Varsava thảm bại năm 1920.

Bộ chỉ huy Nga đã nhận thức được tình thế và đâu đó vào giữa tháng 3.2022 đã quyết định rút quân khỏi Kiev, và đến ngày 5.4.2022, quân Nga đã rút hoàn toàn khỏi các tỉnh Kiev, Sumy và Chernigov và từ phía bắc tỉnh Kharkov ra ngoài biên giới Ukraine. Thực chết, tại thời điểm này, chiến dịch với các mục tiêu cương quyết ở Ukraine có thể được coi là đã kết thúc vì mục tiêu chính của nó rõ ràng là chiếm Kiev. Giới lãnh đạo Nga đương nhiên coi việc rút quân khỏi khu vực gần Kiev và miền bắc Ukraine là một “hành động thiện chí” trong thời gian các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng, chính “hành động” này chứ không phải các thủ đoạn âm mưu của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã dẫn đến phá sản của các cuộc đàm phán ở Istanbul. Việc rút quân đội khỏi thủ đô của kẻ thù không bao giờ giúp đạt được hòa bình thỏa hiệp.

Kiev đã coi việc rút quân Nga khỏi miền bắc Ukraine là đại thắng của chính sách kháng cự và coi đây là một bước ngoặt khi họ nghĩ là sẽ có thể đạt được mục tiêu đánh đuổi hoàn toàn quân Nga. Điều này được củng cố bởi làn sóng ào ạt hỗ trợ chính trị-xã hội và quân sự của phương Tây, đạt đến đỉnh điểm vào mùa xuân năm 2022. Ngày 9.5.2022, Quốc hội Mỹ thậm chí còn thông qua luật cho thuê vũ khí đối với Ukraine mà về mặt lý thuyết nó cho phép Ukraine tiếp cận khối lượng viện trợ quân sự không giới hạn của Mỹ. Phương Tây thì tin vào khả năng sử dụng tổ hợp các biện pháp quân sự và kinh tế để gây “thất bại chiến lược” đối với Nga, điều mà trong hoàn cảnh thuận lợi có thể dẫn đến sự thay đổi chính quyền ở Moskva.

Sau nỗ lực không thành công trong việc thỏa hiệp rút khỏi cuộc chiến và hứng chịu nhiều đòn đau đớn (kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen là tàu tuần dương tên lửa Moskva bị đánh chìm trong ngày 13-14.4.2022), phía Nga chỉ còn cách tiếp tục chiến dịch quân sự trong khi xem xét lại các mục tiêu và khả năng của mình. Theo chừng mực có thể đánh giá, kế hoạch mới đã trù định sử dụng lực lượng Nga rút khỏi miền bắc Ukraine để tập trung giải phóng hoàn toàn lãnh thổ của DPR và LPR, và có thể là bao vây một phần lực lượng của quân đội Ukraine ở khu vực hữu ngạn sông Dniepr của Ukraine. Có lẽ, việc đạt được những mục tiêu này đã được coi là có thể thực hiện được vào tháng 5-6.2022. Từ giữa tháng 3.2022, một cuộc tấn công đã được thực hiện ở khu vực Izyum và mạnh lên vào tháng 4.2022; kế hoạch ban đầu rõ ràng là tiến vào hậu phương của cụm quân ở Severodonetsk của quân đội Ukraine thông qua Slavyansk và một cuộc tấn công quy mô và tham vọng hơn về hướng Zaporozhie, về phía lực lượng Nga ở phía nam. Sau đó, các hành động tấn công đã bắt đầu trên mấy hướng khác ở tỉnh Kharkov và LPR. Tuy nhiên, quân đội Nga đã vấp phải vấn đề thiếu lực lượng và phương tiện nghiêm trọng. Sau khi rút một phần các nhóm chiến thuật tiểu đoàn để bổ sung quân số về Nga, đến giữa tháng 4.2022, quân đội Nga đã chỉ có không quá 100 nhóm chiến thuật tiểu đoàn đã bị tổn thất trên toàn bộ chiến tuyến, còn các nhóm chiến thuật tiểu đoàn được tung từ hướng bắc đã được lần lượt được đưa vào trận mà không được bổ sung, tăng cường lực lượng cần thiết.

Còn tại Ukraine, ngay vào tháng 3.2022, đợt động viên lần thứ ba đã được công bố, mở rộng đến cả các học viên tốt nghiệp các khoa quân sự và những người trước đây chưa từng tham gia nghĩa vụ quân sự, đến giữa tháng 4.2022, đã đưa quân số quân đội Ukraine lên tới 400.000 quân, không kể những người đang học hành và đến cuối tháng 5.2022 - lên tới 600.000 quân. Như vậy, quân đội Ukraine đã giành được ưu thế đáng kể về quân số so với cụm quân thống nhất của quân đội Nga, các lực lượng DPR, LPR và các công ty quân sự tư nhân, và thực chất, cuộc tấn công của Nga đã được thực hiện nhằm chống lại kẻ thù vượt trội về quân số.

Một yếu tố quan trọng trong giai đoạn đầu của chiến sự là cuộc chiến đấu tranh giành Mariupol từ ngày 2.3-16.5.2022. Cuộc vây hãm thành phố đã trở thành điềm báo về tính “trận địa” trong tương lai trong cuộc xung đột này và trói chân cụm quân 30.000 người của “các lực lượng đồng minh”, phần lớn định trước khả năng Nga không thể phát huy các thắng lợi ở phía nam hoặc các hành động tấn công ở Donetsk.

Cuộc tấn công của quân đội Nga trên hướng Izyum, do không có ưu thế về lực lượng so với đối phương, cũng đã diễn biến chậm và khó khăn, và kết quả là thay vì bao vây, nó chỉ đơn giản là “đẩy lùi” đối phương ở cấp độ chiến thuật. Vào đầu tháng 5.2022, các lực lượng Nga đã gặp những khó khăn và tổn thất nghiêm trọng trong các nỗ lực vượt song Seversky Donets ở gần Belogorovka, khi sự kém hiệu quả của các phương pháp tập trung lực lượng và phương tiện kiểu “truyền thống” đã được bộc lộ trong điều kiện của cuộc chiến này. Đến đầu tháng 7.2022, sau khi chiếm Lisichansk, cuộc tấn công của Nga đã hết đà. Gần như toàn bộ lãnh thổ tỉnh Lugansk (LPR) và phần phía đông của tỉnh Kharkov đã bị Nga chiếm, nhưng Ukraine vẫn giữ lại được phần lớn tỉnh Donetsk (DPR). Thậm chí quân Nga đã không thể tiến đến được Slavyansk và Kramatorsk. Chiến dịch này đã làm suy yếu các lực lượng của quân đội Nga mà về cơ bản vẫn là cụm quân đã tiến vào Ukraine vào tháng 2.2022. Ukraine thì đã phát động “động viên thường xuyên” và ngày càng giành được ưu thế rõ rệt về quân số.

Con đường đến trận địa chiến

Vào cuối mùa xuân - đầu mùa hè năm 2022, các yếu tố quyết định chiến sự là việc Ukraine nhận được vũ khí và phương tiện kỹ thuật của phương Tây. Ngay từ đầu, những năng lực tình báo khổng lồ của phương Tây đã được huy động phục vụ cho quân đội Ukraine, đảm bảo cho phía Ukraine ưu thế về tình báo và chỉ thị mục tiêu. Điều này đặc biệt đúng với trinh sát vũ trụ vốn được bảo đảm bởi tổ hợp các vệ tinh trinh sát quân sự của phương Tây và vô số công ty vệ tinh thương mại phương Tây chuyên cung cấp hình ảnh địa lý. Điều này cho phép giám sát vùng chiến sự và lãnh thổ Nga một cách liên tục và gần như theo thời gian thực.

Hệ thống Internet vệ tinh bao trùm Starlink của công ty SpaceX của Elon Musk đã nhanh chóng trở thành hệ thống chỉ huy chiến đấu và truyền dữ liệu chủ chốt của Ukraine, đưa quân đội Ukraine bước vào thế kỷ XXI. Với khả năng hoạt động ở mọi nơi, đưa luồng thông tin phân tán tới một số lượng lớn người dùng cá nhân, duy trì liên lạc Internet khi di chuyển và điều khiển các phương tiện vận tải ở mọi khoảng cách, Starlink đã mang đến cho giới quân sự những khả năng mà ngay cả quân đội Mỹ cũng không tính có được cho đến giữa thập niên 2030.

Với Starlink, việc kết nối bất kỳ “đơn vị” nào vào mạng ở bất cứ đâu, trao đổi các luồng video trực tuyến, tạo ra các cuộc chat chiến đấu và các hệ thống điều khiển khác để trao đổi dữ liệu giữa hàng nghìn thuê bao trong thời gian thực, tính bí mật cao trong thông tin liên lạc nhờ có kênh liên lạc định hướng hẹp tới vệ tinh, khả năng cung cấp mạng bằng Wi-Fi để liên lạc cấp chiến thuật tại mỗi điểm truy cập đã trở thành hiện thực. Trên thực tế, mỗi “đơn vị” chiến đấu và mỗi phương tiện hỏa lực, khi được kết nối với Starlink, đều trở thành các đơn vị/phương tiện lấy mạng làm trung tâm với những khả năng chỉ thị mục tiêu, dẫn đường và hiệu chỉnh trong thời gian thực và với tiềm năng của vũ khí chính xác cao.

Pháo tầm xa hiện đại 155 mm và các hệ thống rocket mặt đất HIMARS và MLRS với các đạn tên lửa chính xác cao GMLRS tầm bắn tới 90 km đã bắt đầu được sử dụng từ cuối tháng 6.2022, kết hợp với các loại phương tiện trinh sát, chỉ thị mục tiêu và các phương tiện liên lạc, chỉ huy và truyền dữ liệu lấy mạng làm trung tâm đã giúp phía Ukraine có được ưu thế hỏa lực và khả năng tấn công chính xác cao, tầm xa vào nửa cuối năm 2022, gây nhiều khó khăn cho quân đội Nga.

Kết quả chính của việc quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống pháo phản lực HIMARS với tên lửa GMLRS vào mùa hè năm 2022 không chỉ là việc phá hủy các sở chỉ huy và kho đạn dược mà là các cuộc tấn công vào các vị trí của các đơn vị quân đội và lực lượng dự bị của Nga. Phía Nga đã phải rút lực lượng dự bị về sâu hơn vào lãnh thổ do họ kiểm soát, thậm chí một phần về lãnh thổ Nga. Kết hợp với tình trạng thiếu quân chung trong quân đội Nga và ưu thế quân số của quân đội Ukraine, đây chính là tiền đề cho cuộc tấn công thành công của Ukraine ở tỉnh Kharkov vào tháng 9.2022. Không thể đưa vào trận chiến các lực lượng dự bị đã phải rút về phía sau một cách nhanh chóng và hiệu quả, phía Nga đã phải bỏ lại phần phía đông của tỉnh Kharkov và sử dụng các lực lượng dự bị được điều đến xây dựng một phòng tuyến ở địa giới phía tây của LPR, nơi cuộc đột kích ào ạt của Ukraine đã bị chặn lại và nó đã hình thành cơ sở cho chiến tuyến ở phía Bắc tồn tại đến ngày nay.

Thắng lợi quân sự thực sự đầu tiên của Ukraine đã đặt ra một cách gay gắt trước Moskva vấn đề chênh lệch quân số của cụm quân Nga với tiềm lực của kẻ thù. Ngày 21.9.2022, ban lãnh đạo Nga buộc phải tiến hành động viên một phần đã lần đầu tiên trong thời hậu Xô-viết khi gọi nhập ngũ hơn 300.000 người. Đồng thời, Nga cũng bật đèn xanh cho phép tăng mạnh quân số của Wagner, công ty quân sự tư nhân này thực tế đã bắt đầu biến thành một quân đội tồn tại song song, kể cả bằng việc tuyển mộ ồ ạt tù nhân trong các nhà tù - đến tháng 1.2023, quân số của Wagner đã lên tới 50.000 quân.

Tất cả các biện pháp này chỉ bắt đầu có hiệu quả vào cuối năm 2022. Còn hiện thời, quân Nga đã rải thành một “vạch đỏ mỏng” kéo dài. Và vào mùa thu năm 2022, Ukraine vốn đang ở đỉnh cao của tương quan lực lượng có lợi cho họ, đã có cơ hội hiếm có để giáng hàng loạt thất bại đáng kể cho phía Nga với hiệu ứng chính trị quy mô lớn có thể đi kèm theo.

Ukraine đã có thể tiếp tục các hành động tấn công ngay trên lãnh thổ LPR hoặc là cố gắng đột phá ở miền nam từ Zaporozhie đến biển Azov để cắt rời lực lượng Nga ở tỉnh Kherson và tiến tới phần phía bắc bán đảo Crimea. Không rõ tại sao Kiev lại từ bỏ các hướng có lợi như vậy cho mình - liệu đó có phải là sự xảo quyệt của vị Tổng tư lệnh Ukraine thận trọng và có thiên hướng thụ động Valery Zaluzhny hay, theo một số tin tức mới, là hậu quả của áp lực từ phía Mỹ vốn hoài nghi về khả năng của quân đội Ukraine thực hiện các hành động quy mô lớn như vậy. Thay vì tấn công với những mục tiêu kiên quyết, phía Ukraine đã hướng đến một nhiệm vụ hạn chế hơn, đồng thời có lợi về mặt chính trị là đẩy các lực lượng Nga ra khỏi thành phố Kherson, tỉnh lỵ duy nhất của Ukraine mà Nga đã chiếm được vào đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt.

Quân đội Nga ở bờ tây hạ lưu sông Dnieper được cung cấp hậu cần qua mấy cây cầu vốn đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa GMLRS. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Ukraine vào các vị trí của Nga ở gần Kherson vào tháng 9-11.2022 đều không mấy hiệu quả, kèm theo những tổn thất lớn và đã trở thành minh chứng quy mô lớn đầu tiên về sự bế tắc trận địa chiến vốn đã biểu hiện đầy đủ vào năm sau. Tuy nhiên, sự hư hại của các cây cầu bắc qua sông Dniepr do các cuộc tấn công tên lửa đã đóng vai trò của mình. Lo ngại xảy ra khủng hoảng về hậu cần, bộ chỉ huy Nga, theo sáng kiến của Đại tướng Sergei Surovikin, người trở thành Tư lệnh Cụm quân thống nhất của Nga tại Ukraine vào tháng 10.2022, vào ngày 9.11.2022 đã quyết định rời bỏ thành phố Kherson và rút quân về hữu ngạn song Dniepr. Cuộc rút quân đã được tiến hành trong vòng hai ngày đêm với trình độ tổ chức và bí mật cao và hầu như không có tổn thất.

Đối với Ukraine, việc giải phóng Kherson mà không cần giao tranh ngay trong thành phố đã là một thắng lợi chính trị-quân sự lớn, giúp tăng mạnh vị thế của nước này ở phương Tây. Ở phương Tây, người ta đã đi đến kết luận rằng, nếu Ukraine được cung cấp viện trợ quân sự quy mô lớn, thì nước này sẽ có thể tự đánh đuổi quân Nga, ít nhất là cho đến ranh giới ngày 24.2.2022. Từ cuối năm 2022, hàng quân sự của phương Tây cung cấp cho Ukraine đã bắt đầu tăng mạnh, bao gồm cả các đợt chuyển giao xe tăng và xe chiến đấu bộ binh đầu tiên. Một chương trình đào tạo và huấn luyện cho 12 lữ đoàn Ukraine ở phương Tây cũng được triển khai. Giới lãnh đạo quân đội Ukraine, sau khi nhận được bổ sung lớn về người và vũ khí trang bị, đã bắt đầu tăng cường mạnh mẽ tiềm năng chiến đấu và quân số của quân đội Ukraine, bao gồm cả việc thành lập các binh đoàn. Đến mùa xuân năm 2023, quân số Lực lượng Phòng vệ Ukraine (quân đội Ukraine và các bộ ngành sức mạnh khác) đã vượt quá 1 triệu quân, còn các lữ đoàn chiến đấu đã vượt quá một trăm.

Bộ chỉ huy Nga sau khi tiến hành động viên một phần và tăng cường tuyển dụng lính hợp đồng cũng đã bổ sung quân số cho các lực lượng tại khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt và bắt tay vào thành lập các binh đoàn mới khi tuyên bố về kế hoạch tăng quân số quân đội Nga trong tương lai lên đến 1,5 triệu quân. Rõ ràng, dựa trên các thành quả của đợt động viên, vào mùa đông năm 2022-2023, Moskva đã dao động giữa các phương án “lạc quan-tấn công” và “phòng thủ thận trọng” cho chiến lược ở Ukraine. Việc thử nghiệm phương án “lạc quan-tấn công” đã được thể hiện trong cuộc tấn công trên hướng Soledar-Bakhmut (từ tháng 11), trong đó công ty quân sự tư nhân Wagner đóng vai trò đột kích chủ yếu. Ngày 10.1.2023, Soledar bị đánh chiếm và sau những trận giao tranh ác liệt kéo dài đến ngày 20 tháng 5, đến lượt Bakhmut bị đánh chiếm.

Cuộc tấn công của Nga kéo dài gần 6 tháng đi kèm với những trận giao tranh ác liệt với rất ít tiến bộ về lãnh thổ và sự phá hủy gần như hoàn toàn các thành phố chiếm được. Điều này đã thể hiện một diện mạo mới của chiến sự vốn ngày càng có tính chất trận địa chiến hơn. Vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân năm 2023, phía Nga đã nỗ lực thực hiện một loạt các cuộc tấn công cục bộ ở Donbass - ở gần Donetsk, ở Marinka, vào Ugledar, nhưng chúng đã chuyển thành các trận đánh trận địa chiến gay go và không có kết quả đáng kể hoặc thậm chí kết thúc thất bại như ở Ugledar.

Tất cả những điều này đã đưa bộ chỉ huy Nga đến lựa chọn dứt khoát và hợp lý nhất là chọn chiến lược phòng thủ cho chiến cuộc năm 2023 dựa vào phòng thủ trận địa. Từ đầu mùa xuân năm 2023, việc xây dựng quy mô lớn mạng lưới các trận địa dã chiến và công sự được gọi là “phòng tuyến Surovikin” đã bắt đầu ở phía mặt trận của Nga, đồng thời việc tích lũy lực lượng dự bị được tiến hành. Để bổ sung quân, một kế hoạch đã được đưa ra nhằm tuyển mộ trong vòng một năm 420.000 lính hợp đồng vào quân đội với mức lương cao.

Ukraine đang đánh mất cơ hội cuối cùng

Đến đầu năm 2023, về nguyên tắc, Ukraine đã có cơ hội thành công đáng kể trong các hành động tấn công. Quân đội Nga trong khu vực chiến đấu không chỉ gặp phải tình trạng thiếu quân đáng kể (hiệu quả của đợt động viên chỉ mới bắt đầu được cảm nhận) mà cả thiếu thốn vũ khí trang bị. Ngay từ mùa hè và mùa thu năm 2022, phía Nga đã bắt đầu đưa ồ ạt khỏi các kho chứa các mẫu xe tăng, xe bọc thép và pháo binh lạc hậu, kể cả những mẫu của thập niên 1950-1960 đã sống sót một cách thần kỳ sau những đợt “cắt giảm” thời hậu Xô-viết, nhưng điều này chỉ khắc phục được một phần tình hình. Theo vụ rò rỉ tài liệu giật gân của Cục Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) qua mạng xã hội Discord vào giữa năm 2023, tính đến ngày 28.2.2023, tính đến ngày 28.2.2023, quân đội Nga có 419 xe tăng, 2.928 xe bọc thép và 1.209 hệ thống pháo trên tuyến tiếp xúc chiến đấu. Quân đội Ukraine có 809 xe tăng, 3.498 xe bọc thép và 2.331 hệ thống pháo. Phía Nga cũng gặp phải tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng.

Như vậy, rõ ràng là ba tháng đầu năm 2023 đã là thời điểm có tương quan lực lượng tốt nhất đối với quân đội Ukraine và là thời điểm tiềm năng chiến đấu của quân đội Nga tụt xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ukraine đã liên tục trì hoãn phát động tấn công để chờ đợi gửi đến lượng vũ khí trang bị tối đa của phương Tây và hoàn thành huấn luyện các lữ đoàn mới ở phương Tây. Phía Nga đối địch đã không khoanh tay ngồi yên và tương quan lực lượng đã thay đổi. Nhưng sự kỳ diệu của công nghệ phương Tây và “các phương pháp phương Tây” đã lớn đến mức đã làm cho cho người Ukraine tràn đầy cảm giác tự tin và sự coi thường kẻ thù.

Tháng 3, tháng 4, tháng 5 trôi qua và chỉ đến đầu tháng 6, lực lượng Ukraine cuối cùng mới chuyển sang các hành động tích cực.

Mặc dù nhiều người mong đợi một số bước đi khác thường và sáng tạo nào đó từ phía quân đội Ukraine (hay đúng hơn là từ phía các nhà hoạch định phương Tây của họ), nhưng từ ngày 4.6.2023, bộ chỉ huy Ukraine đã phát động một cuộc tấn công theo hướng rõ ràng và hứa hẹn nhất để đạt được thành công chiến dịch-chiến lược lớn nhất từ Zaporozhye về phía nam tới biển Azov, nơi mà phía Nga đã chuẩn bị tốt nhất. Việc chia cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam thành hai hướng – Orekhovsky về hướng Melitopol, và Vremyevsky về hướng Temryuk và Berdyansk - vẫn còn có thể hiểu được. Nhưng đồng thời, quân đội Ukraine đã bắt đầu tấn công theo hướng thứ ba hoàn toàn độc lập ở phía bắc để cố giành lại Bakhmut đã mất. Một số lữ đoàn lão luyện nhất đã được huy động ở đó, trong khi ở phía nam, sự đóng góp chính đến từ các lữ đoàn mới được phương Tây huấn luyện. Ý nghĩa của việc phân tán lực lượng giữa hướng chính phía nam và Bakhmut vẫn chưa rõ ràng đối với cả các nhà quan sát và theo đánh giá của báo chí Mỹ thì là cả đối với các ông chủ ở Lầu Năm Góc.

“Bộ chỉ huy Ukraine đã tạo ra một hỗn hợp thần kỳ của việc trì hoãn chuẩn bị, thiếu sự bất ngờ về chiến dịch và chiến lược, việc phân tán lực lượng và coi thường đối phương”.

Về lý thuyết, tất cả những điều này đã có thể được bù đắp bằng những thành công chiến thuật ở tiền tuyến, nhưng điều này cũng đã không làm được. Tính trận địa được thể hiện trên quy mô toàn bộ - các đoàn xe và đội hình tấn công của xe tang, xe bọc thép của quân đội Ukraine lao vào mìn, chen chúc nhau và trở thành mục tiêu tấn công cho các tên lửa chống tang có điều khiển, pháo binh và máy bay không người lái của Nga. Bất chấp những ưu thế của quân Ukraine có được nhờ sự hỗ trợ của phương Tây về tình báo và chỉ thị mục tiêu, cũng như sở hữu vũ khí chính xác cao, họ đã không đạt được ưu thế hỏa lực hiệu quả và không thể chế áp pháo binh Nga trong dải tấn công của quân đội Ukraine. Kết quả là cuộc tấn công ở phía nam đã biến thành một cuộc “gặm nhấm” chậm rãi, đẫm máu các trận địa của quân Nga, ngay từ nửa cuối tháng 6.2023, quân Ukraine đã thôi không còn dựa vào các xe tăng, xe bọc thép được ca ngợi của phương Tây và chuyển sang các hành động đột kích bộ binh thuần túy bằng các phân đội nhỏ.

Trên hướng Orekhovsky, ngôi làng Rabotino mà theo kế hoạch của Ukraine phải bị chiếm được vào ngày đầu tiên của cuộc tấn công, nhưng chỉ bị quân Ukraine chiếm được vào cuối tháng 8.2023. Trong tháng 9.2023, quân đội Ukraine đã tiến được thêm vài ki-lô-mét về phía đông nam Rabotino và tại đó, cuộc tấn công đã ngừng hẳn. Ở phía đông, trên hướng Vremevsky, vào tháng 6.2023, quân Ukraine đã cắt đứt được cái gọi là điểm lồi Vremevsky nhô chui sâu vài ki-lô-mét vào trận địa của họ, nhưng trong ba tháng tiếp theo, họ đã chỉ tiến được 2-3 km về phía nam. Vào cuối mùa hè, trong những trận giao tranh ác liệt, quân đội Ukraine đã “bẻ cong” chiến tuyến vài km về phía nam cách Bakhmut, nhưng không hề có chuyện bao vây gì, chứ đừng nói đến chuyện chiếm được thành phố Bakhmut. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, “phòng tuyến Surovikin” khét tiếng hầu như không có vai trò gì trong việc đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam - trong hầu hết các trường hợp, quân Ukraine đơn giản là không tiếp cận được phòng tuyến, ngoại trừ một khu vực phía đông nam Rabotino.

Ngay cả biến động chính trị nội bộ ở Nga mà Ukraine đã rất mong đợi là cuộc nổi dậy của công ty quân sự tư nhân Wagner nổ ra vào ngày 23-24.6.2023 cũng đã không giúp ích gì cho Ukraine. Màn trình diễn ngu ngốc của các nhà lãnh đạo công ty Wagner, những người không hiểu hết những gì họ muốn, đã nhanh chóng “xì hơi” và như thường xảy ra với những kết cục như vậy, đã dẫn đến sự đoàn kết và củng cố vị thế của chính quyền Nga.

“Đối với Ukraine, thất bại của cuộc tấn công mùa hè năm 2023 đã là triệu chứng của một cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị căn bản cho thấy sự thiếu vắng các phương tiện và nguồn lực thực sự cho một chiến thắng quân sự trước Nga”.

Chính sự hiểu biết này đã khiến các nước phương Tây ngần ngại về khối lượng viện trợ quân sự. Nếu kết quả của chiến cuộc năm 2022 mang lại cho Kiev sự tín nhiệm lớn về chính trị-quân sự ở phương Tây thì chiến cuộc năm 2023 đã làm họ mất đi đáng kể điều đó. Ngay cả với những đợt cung cấp viện trợ quân sự quy mô lớn mới của phương Tây, tương quan lực lượng đặc biệt có lợi cho Ukraine ở giữa hai năm 2022-2023 sẽ không bao giờ lặp lại.

Hợp âm cuối cùng trong các hành động tấn công của Ukraine trong năm 2023, và như có thể đánh giá, được thực hiện trước hết chính là để thể hiện ít nhất một vài thành công nào đó với phương Tây, là các cuộc đổ bộ vào tháng 9-10.2023 của các lực lượng nhỏ ở tả ngạn sông Dniepr vốn đã cho phép quân đội Ukraine thiết lập được vài đầu cầu nhỏ. Tuy nhiên, những đầu cầu này, từ góc đọ tác chiến, hóa ra lại là ngõ cụt vì chúng tái tạo ra chính cái tính chất trận địa vốn đã trói chặt và làm tê liệt phần còn lại của mặt trận.

Trong ngõ cụt

Một khía cạnh khác của sự thất bại của cuộc tấn công của Ukraine vào mùa hè năm 2023 là việc không thể “nghiền nát” và tiêu hao lực lượng đáng kể của quân đội Nga. Quân đội Nga vẫn bảo toàn được các lực lượng chủ lực và lực lượng dự bị, điều này đã cho phép Nga chuyển sang đẩy mạnh các hoạt động tác chiến ở mặt trận. Ngay vào đầu tháng 7.2023, quân đội Nga đã phát động cuộc tấn công ở phía bắc trên hướng Kupyansk để cố gắng chiếm lại một phần lãnh thổ đã mất vào tháng 9.2022. Mặc dù những thành công vẫn còn nhỏ, nhưng kể từ mùa thu năm 2023, khi các hành động tấn công của Ukraine dần tắt, các lực lượng Nga đã triển khai  một loạt cuộc tấn công gần như trên toàn bộ mặt trận, nhanh chóng làm cho quân đội Ukraine bị mất thế chủ động và buộc phải chuyển sang thế thủ.

Cuộc tấn công đáng kể nhất của Nga kể từ đầu tháng 10.2023 đã nhắm vào Avdeevka, thành phố ngoại ô phía tây của thành phố Donetsk, thủ phủ của tỉnh Donetsk và DPR mà quân đội Ukraine vẫn kiểm soát vững chắc kể từ năm 2014. Ngay cả thắng lợi đạt được ở đó cùng với các cuộc tấn công đang tiếp diễn của Nga trong nhiều khu vực khác nhau vẫn cho thấy sự thiếu vắng những phương tiện để vượt qua tính chất trận địa của chiến sự. Tuy nhiên, phía Nga vẫn duy trì áp lực quy mô lớn lên các vị trí của Ukraine hầu như trên toàn chiến tuyến trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt và gây ra các cuộc khủng hoảng chiến thuật cho quân đội Ukraine trên nhiều hướng. Rõ ràng, chiến lược tích cực “gây ra nhiều vết cắt” cho kẻ thù nhằm làm suy yếu quân đội Ukraine và tạo các tiền đề để “làm rung chuyển” mặt trận của Ukraine và đạt được những thành công đáng kể hơn. Tuy nhiên, chiến lược này rất tốn kém đối với quân đội Nga về mặt tổn thất và tiêu tốn nguồn lực và có thể dẫn đến sự suy kiệt lực lượng quá mức, điều này có thể một lần nữa sẽ đẩy ít nhất là một phần quyền chủ động cho phía Ukraine –có lẽ những tính toán của Kiev bây giờ chính là đang dựa vào đây.

Tính chất trận địa sâu sắc kết hợp với sự thiếu lực lượng của cả hai bên sẽ đẩy họ vào một cuộc chiến trận địa giằng dai trong năm 2024. Như cuộc chiến trong suốt năm 2023 đã cho thấy, cả hai bên đều không thể chuyển những thắng lợi chiến thuật thành những thắng lợi chiến dịch. Giờ đây, quân đội Nga đang nắm thế chủ động hầu như trên toàn bộ chiến tuyến, còn quân đội Ukraine đã chuyển sang phòng ngự chiến lược vốn vẫn khá ổn định và không nơi nào cho phép quân đội Nga đạt được bất cứ điều gì hơn những thành công chiến thuật một phần. Các lực lượng Ukraine cũng vẫn duy trì được các lực lượng dự bị đáng kể, bao gồm phần lớn các vũ khí hạng nặng của phương Tây nhận được vào năm 2023 và đang chờ nhận máy bay chiến đấu của phương Tây là các tiêm kích F-16. Trong khi đó, sự bất định chính trị liên quan đến khối lượng viện trợ quân sự tiếp theo (chủ yếu từ Mỹ) không cho phép Kiev xây dựng các kế hoạch chiến dịch rõ ràng cho chiến cuộc năm 2024 và buộc Ukraine phải áp dụng chiến lược chờ đợi. Vấn đề chính đối với quân đội Ukraine dường như không phải là việc thiếu vũ khí và đạn dược mà là việc giới lãnh đạo Ukraine, vì các động cơ chính trị, không muốn triển khai một đợt động viên thực sự đối với nam giới dưới 25 tuổi (hiện nay, chỉ những người trên 30 tuổi mới bị động viên).

Tiềm lực của quân đội Nga trong năm 2024 cũng sẽ ở mức độ đáng kể được quyết định bởi sự sẵn sàng của ban lãnh đạo Nga sử dụng đến các biện pháp động viên mới bởi vì tiềm năng tuyển lính hợp đồng đang giảm đi.

Vào đầu năm 2024, cả hai bên dường như có quân số lực lượng tương đương nhau ở mặt trận - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về sự hiện diện của hơn 600.000 quân “trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt”, trong khi Ukraine và phương Tây đánh giá quân đội Nga có khoảng 400.000-450.000 quân trực tiếp trên chiến tuyến. Quân số của cái gọi là Các lực lượng Phòng vệ Ukraine được các nguồn tin chính thức của Ukraine ước tính vào cuối năm 2023 là khoảng 1,1 triệu quân, trong đó có tới 800.000 quân trong quân đội Ukraine. Rõ ràng ở mặt trận, họ có số quân tương đương với con số được dẫn ra đối với Nga.

“Nhìn chung, theo như người ta có thể đánh giá, lục quân của cả hai bên đều có trình độ tổ chức, trang bị vũ khí, huấn luyện, đội ngũ chỉ huy, văn hóa, trạng thái tinh thần và những thứ khác như nhau hoặc tương đương nhau – điều này thể hiện tính chất “một dân tộc” ở ý nghĩa nào đó” của người Nga và người Ukraine".

Cả hai bên đều đang chiến đấu với phong cách gần giống nhau và rõ ràng là với mức độ tổn thất tương đương.

Triển vọng trước mắt

Cả hai bên tham chiến và phương Tây đều chưa sẵn sàng cho một giải pháp hòa bình; tình thế chính trị-quân sự đang hình thành tương tự như giai đoạn trận địa chiến của Chiến tranh Triều Tiên năm 1951-1953 - một kết quả mà Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (CAST, Nga) đã dự đoán trong một số bài phân tích và bình luận trong trường hợp có thể xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine vào năm 2021 và đầu năm 2022. Sự bế tắc trận địa chiến có thể vượt qua hoặc là bằng cách tăng mạnh số quân để đạt được ưu thế về quân số gấp nhiều lần so với đối phương, hoặc là nhờ ưu thế kỹ thuật quân sự - trước hết là tăng đáng kể số lượng và tiềm năng của các vũ khí chính xác cao. Cả hai yếu tố này cả hai bên đều khó có thể đạt được trong tương lai gần.

Điều này làm cho một cuộc chiến tranh kéo dài là điều khó tránh khỏi với các mặt trận tương đối ổn định theo kiểu chiến tranh Triều Tiên hay chiến tranh Iran-Iraq. Nó sẽ được tiến hành trong nhiều năm, nhằm tiêu hao đến kiệt sức, không phải với hy vọng buộc đối phương phải thỏa hiệp mà là để trông đợi những thay đổi nội bộ ở phía đối phương vốn sẽ dẫn đến thay đổi lập trường chính trị. Sự kết thúc của chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953, ngay cả trong điều kiện nguyên trạng, chỉ trở nên có thể được sau cái chết của Iosif Stalin. Theo đó, đối với Ukraine và phương Tây, điều kiện để thay đổi dường như là sự rời bỏ quyền lực dưới hình thức này hay hình thức khác của Tổng thống Nga Vladimir Putin (điều ít có khả năng xảy ra trong tương lai gần), trong khi đó, ban lãnh đạo Nga dường như đặt hy vọng vào sự thay đổi quyền lực có thể xảy ra ở Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11.2024 . Bởi vậy, Moskva rất có thể có ý định tiếp tục chiến sự ít nhất cho đến năm 2025, và có thể còn lâu hơn nữa với sự trông đợi giành được ưu thế quân sự mạnh mẽ trước Ukraine.

Sau thất bại của cuộc phản công của Ukraine trong năm 2023, Ukraine và phương Tây hóa ra không có một chiến lược chiến tranh mạch lạc. Rõ ràng, mục tiêu chủ yếu của cuộc phản công là gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở Liên bang Nga và tối đa là thay đổi chế độ ở Moskva. Về bản chất, Ukraine và phương Tây từ mùa xuân năm 2022 đã đặt cược vào một giải độc đắc nhưng nó đã không xuất hiện và hiện giờ thì vẫn chưa biết phải làm gì tiếp theo. Đối với Ukraine và phương Tây, sự lựa chọn nằm giữa hai phương án: tiếp tục “cuộc chiến tranh chống Putin” trong thời gian dài với những triển vọng không rõ ràng và mối đe dọa leo thang liên tục hoặc là chấp nhận đình chiến kiểu chiến tranh Triều Tiên trên cơ sở các điều kiện hiện trạng. Về thực chất, cả hai phương án đều đề xuất gác lại giải pháp hòa bình thực sự cho đến thời hậu Putin với hy vọng có “ban lãnh đạo thực tế hơn ở Moskva”. Cho đến nay, Volodimyr Zelensky, phần lớn giới tinh hoa Ukraine và phương Tây đều bác bỏ phương án đình chiến “kiểu Triều Tiên”. Điều này có nghĩa là trong năm 2024, các bên có ý định “cho cuộc chiến tranh một cơ hội nữa” và tiếp tục thử sức trong điều kiện giao tranh trận địa chiến nhằm kiểm tra sức chịu đựng về các khả năng nguồn lực và ý chí chính trị.

Trong bối cảnh bế tắc ở mặt trận và với ý đồ trước hết gây áp lực chính trị lên đối phương, hai bên sẽ dành sự chú ý lớn hơn cho các cuộc tấn công nhạy cảm về mặt chính trị và có ý nghĩa tuyên truyền nhằm vào các mục tiêu ở hậu phương của nhau, ngày càng chuyển sang “cuộc chiến tranh giữa các thành phố” theo tinh thần chiến tranh Iran-Iraq. Xu hướng này có thể nhận thấy rõ ràng ở phía Ukraine, bao gồm cả việc Ukraine liên tục đòi hỏi phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa. Vì vậy, chúng ta có thể dự kiến thương vong dân sự và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dân sự sẽ tăng lên.

Nga có những nguồn lực lớn, nhưng chỉ đơn thuần tăng cường sản xuất và sửa chữa các xe tăng, hệ thống pháo và đạn pháo lỗi thời sẽ không đảm bảo thắng lợi quân sự mà chỉ biến cuộc chiến tranh thành một cuộc chiến lâu dài, với nhiều năm tiêu tốn khổng lồ của cải quốc gia và những hậu quả tiêu cực về kinh tế-xã hội và chính trị nội bộ sớm hay muộn cũng sẽ bắt đầu.Bước ngoặt chỉ có thể đạt được bằng cách trang bị cho quân đội Nga các phương tiện chiến tranh hiện đại, trước hết là vũ khí chính xác cao và phương tiện không người lái, cũng như các phương tiện trinh sát, chỉ thị mục tiêu và tác chiến điện tử. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản xét cả từ góc độ công nghệ và cả từ góc độ công nghiệp quốc phòng. Nga sẽ khó có thể vượt qua được bằng các giải pháp chính trị, quân sự và công nghiệp rẻ tiền và mang tính giảm nhẹ. “Bài kiểm tra sức chịu đựng” triệt để bắt đầu vào ngày 24.2.2022 hệ thống sẽ phải vượt qua đến cùng.

Nguồn: Từ “đặc biệt” đến “quân sự” / Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ (CAST) // Globalaffairs, 23.2.2024.

Print Print E-mail Print