Vietnamdefence.com

 

Tình cũ Ai Cập-Nga trở lại?

VietnamDefence - Sau khi bị Tổng thống Sadat đá đít nhục nhã hơn 30 năm trước, người Nga đang tìm cách trở lại Ai Cập.

Hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 (Bộ Quốc phòng Nga)
Rosoboronoexport đã chào hàng với Bộ Quốc phòng Ai Cập các trực thăng chiến đấu các hệ thống tên lửa phòng không, cũng như sửa chữa và nâng cấp vũ khí trang bị do Liên Xô/Nga sản xuất, đại diện Rosoboronoexport, ông Mikhail Zavaly cho biết nhưng không tiết lộ các chủng loại vũ khí cụ thể.

Theo đại diện Rosoboronoexport, trong thế kỷ XXI “không có vùng trống” trên thị trường vũ khí thế giới và nếu một nhà cung cấp rời khỏi một thị trường nào đó thì nhà cung cấp khác lập tức thế chỗ. Có lẽ ông Zavaly muốn ám chỉ hành động của Mỹ, quốc gia cho đến gần đây vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ai Cập.

Mùa hè năm 2013, chính phủ mới được thành lập ở Ai Cập sau khi quân đội lật đổ Tổng  thống Mohamed Morsi. Không lâu sau, Mỹ đóng băng viện trợ quân sự cho Cairo và tạm dừng chuyển giao tiêm kích F-16 Fighting Falcon.

Trước đó, có tin Cairo và Moskva đang đàm phán mua bán vũ khí có tổng trị giá 2 tỷ USD. Trong các loại vũ khí mà Ai Cập quan tâm có tiêm kích MiG-29М/M2, các hệ thống phòng không tầm ngắn và tên lửa chống tăng Kornet.

Việc đàm phán hợp tác kỹ thuật sự Ai Cập-Nga đã diễn ra ngày 14/11/2013 trong chuyến thăm Cairo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov .

Theo ông Shoigu, Nga “đã tiếp tục thảo luận các dự án hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự, đã thỏa thuận trong thời gian tới sẽ có những bước đi về mặt thủ tục pháp lý” cho các thỏa thuận đã đạt được.

Tiền mua vũ khí Nga của Ai Cập có thể do Saudi Arabia thanh toán. Nguyên nhân chính khiến Cairo một thời là đồng minh trung thành của Mỹ quyết định mua vũ khí Nga là việc Mỹ đóng băng viện trợ quân sự cho Ai Cập và đình hoãn chuyển giao tiêm kích F-16 Fighting Falcon.

Liên Xô từng hợp tác kỹ thuật quân sự mật thiết với Ai Cập cho đến năm 1972. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Anwar Sadat đã yêu cầu các cố vấn quân sự Liên Xô rời khỏi Ai Cập. Năm 1977, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Ai Cập ký thỏa ước hòa bình Trại David với Israel, và quan hệ với Liên Xô hầu như bị chấm dứt. Mất Ai Cập là thất bại lớn nhất của Liên Xô ở Trung Cận Đông sau biết bao của cải, vũ khí và cả máu bỏ ra cho Ai Cập.




Nguồn: RIA Novosti, Lenta, 15.11.2013.

Print Print E-mail Print