Vietnamdefence.com

 

Rogozin đề nghị nối lại sản xuất MiG-31

VietnamDefence - Tiêm kích MiG-31 sẽ phục vụ thêm 15 năm nữa nếu Nga nối lại sản xuất máy bay này, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin tuyên bố khi đến thăm Nhà máy chế tạo máy bay Sokol, nơi từng sản xuất MiG-31 và nay thuộc Tổng công ty Chế tạo máy bay thống nhất OAK.

MiG-31BM

>> Тiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31BM

Nhà máy Sokol hiện đang sửa chữa và hiện đại hóa MiG-31, loại máy bay tiếp tục phục vụ trong Không quân Nga.

Ông Rogozin nói rằng, MiG-31 là loại máy bay độc đáo, vô địch thủ, sẽ phục vụ thêm khoảng 15 năm nữa, có thể bay gần như ở tốc độ siêu vượt âm, có nhiều tương lai ên cần khôi phục sản xuất.

Tháng 8/2013, Tư lệnh Không quân Nga có nói rằng, dự trữ hiện đại hóa của MiG-31 cho phép duy trì các máy bay này trong biên chế ít nhất đến năm 2028. “Nếu như chúng ta thấy cần thiết thì có thể tăng hạn cả sau năm 2028 thêm 5-10 năm nữa”, ông Bondarev nói.

MiG-31 là tiêm kích đánh chặn tầm xa, mọi thời tiết, siêu âm, hai chỗ ngồi. Một biên đội 4 MiG-31 có thể kiểm soát không phận có chiều rộng 800-900 km. MiG-31 bắt đầu được sản xuất loạt vào năm 1979 và đã được nhiều lần cải tiến, nâng cấp cho phù hợp với các nhiệm vụ chiến đấu mới.

MiG-31 được nhận vào trang bị không quân Bộ đội Phòng không Liên Xô vào năm 1981 và bắt đầu trực chiến ở Viễn Đông vào năm 1983. Liên Xô/Nga đã sản xuất tổng cộng hơn 500 MiG-31 các kiểu loại cho đến khi dừng sản xuất loạt vào năm 1994.

Vào đầu năm 1992, phòng không các nước SNG có hơn 200 MiG-31. 24 chiếc đã được bán sang Trung Quốc. Hiện nay, MiG-31 còn trong trang bị của Nga và Kazakhstan.

Phó Thủ tướng Nga Rogozin cũng cho biết, sẽ có đơn đặt hàng lớn mua MiG-35. MiG-35 cũng có tiềm năng xuất khẩu lớn. Mùa xuân năm 2014, có tin Bộ Quốc phòng Nga đã có kế hoạch mua sắm trong tương lai gần 100 chiếc MiG-35S.

MiG-35 là tiêm kích đa năng thế hệ 4++ được chế tạo trên cơ sở MiG-29M. Máy bay được trang bị tên lửa không đối không, không đối diện có điều khiển, radar Zhuk-A cho phép tấn công đồng thời mấy mục tiêu và bảo vệ chống đối phó điện tử của đối phương. MiG-35 có các tham số chiến đấu gần với tiêm kích thế hệ 5.


Cuộc tranh cãi về số phận MiG-31

Trong những năm gần đây, các phi công chiến đấu, chuyên gia, nghị sĩ Nga tranh cãi không mệt mỏi về tính độc đáo và vô địch thủ của máy bay này. Phi công thiện xạ, Đại tá Valery Knysh cho rằng, mặc dù MiG-31 tốn kém trong khai thác (tiêu thụ gần 10 tấn nhiên liệu/h), nhưng cũng được thiết kế thành công và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình nên chưa bao giờ được bán ra nước ngoài. Biến thể đầu tiên của MiG-31 vốn được chế tạo cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 có thể coi là lạc hậu, nhưng không thể nói thế về các biến thể mới nhất.

Mùa xuân năm ngoái, các hạ nghị sĩ Nga cũng thảo luận sôi nổi về số phận MiG-31 và nhất trí là cần đưa trở lại sản xuất tiêm kích đánh chặn vô song này. Nhưng kỳ lạ là Tư lệnh Không quân Nga Bondarev lại phản đối và ông đề nghị tốt nhất là chi tiền để phát triển một máy bay mới cùng lớp.

Phi công thử nghiệm công huân, Anh hùng Nga, Đại tá Igor Malikov cho rằng, MiG-31 là loại máy bay đặc biệt. Nó không cơ động vì được chế tạo để tiêu diệt mục tiêu ở tốc độ cao và độ cao lớn, thậm chí có thể bắn hạ vệ tinh. Máy bay không chỉ có thể tác chiến chống mục tiêu bay mà cả các mục tiêu ở không gian vũ trụ gần. Nếu được nâng cấp MiG-31 có thể tiêu diệt cả mục tiêu mặt đất.

Ông Malikov nhắc lại rằng, khi Mathias Rust hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ ở Moskva năm 1987, đa số các máy bay Liên Xô đã “không nhìn thấy” máy bay của Rust mà “chỉ có MiG-31 đã nhìn thấy mục tiêu này và đã có thể tiêu diệt nó”.

MiG-31 bay tốp

Một thế mạnh của MiG-31 mà những người ủng hộ nối lại sản xuất máy bay này nêu ra là khả năng chặn đánh tên lửa hành trình. Một trong các chức năng then chốt của MiG-31 là chặn đánh tên lửa hành trình mà số lượng và tính năng liên tục tăng trong quân đội các nước phát triển.

Năm 2013, Tổng thống Nga Putin cũng đã nhiều lần nói đến xu hướng này. Tháng 7/2013, ông nói: “Vũ khí chính xác cao xét về các khả năng của mình thực tế không thua kém vũ khí chiến lược và đang ảnh hưởng đến cán cân sức mạnh toàn cầu”. Tháng 11/2013, ông Putin thừa nhận rằng, vũ khí chính xác cao tầm xa đang trở thành vũ khí thay thế cho vũ khí hạt nhân. “Ngày nay, nó về bản chất đang trở thành vũ khí thay thế cho vũ khí hạt nhân, xét về hiệu quả của mình, nó không thua kém vũ khí hạt nhân về nhiều thông số”, ông Putin nói.

Phó Chủ tịch Viện Các vấn đề địa-chính trị, Đại tá không quân dự bị Vladimir Anokhin cho rằng, việc quay lại sản xuất MiG-31 là sự đáp trả mối đe dọa tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình vào lãnh thổ Nga.

Ông Anokhin khẳng định rằng, “Các sự kiện gần đây ở Ukraine và xung quanh Ukraine nói lên rằng, chúng ta đã hơi muộn với việc đưa ra quyết định sản xuất MiG-31. Nó cần được thông qua 5-6 năm trước”.

Ông Malikov cũng cho rằng, đây là một trong các vũ khí chặn đánh tên lửa tấn công tốt nhất mà không nước nào có, kể cả Mỹ và quyết định lại sản xuất MiG-31 là đúng đắn.

>> Тiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31BM

Nguồn: Arms-expo, VZ, 8.8.2014.

Print Print E-mail Print