Vietnamdefence.com

 

Nga đuổi tàu ngầm, máy bay Mỹ chạy té khói

VietnamDefence - Cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine, những cuộc chạm trán giữa máy bay, tàu chiến Nga-Mỹ cũng nóng và nhiều lên.

Tiêm kích Nga vừa đuổi một máy bay do thám RC-135 của Mỹ chạy trối chết vào không phận Thụy Điển
Theo một quan chức cao cấp tại Bộ Tư lệnh Hải quân Nga, các lực lượng chống ngầm của Hạm đội Phương Bắc của Nga đã phát hiện và xua đuổi khỏi vùng biển biên giới Nga một tàu ngầm nước ngoài.

“Ngày 7/8/2014, các lực lượng trực chiến của Hạm đội Phương Bắc tại vùng biển Barents đã phát hiện một tàu ngầm nước ngoài, dự đoán là thuộc lớp Virginia của Hải quân Mỹ”, nguồn tin nói và cho biết thêm: “Nhờ các hành động tích cực của các lực lượng chống ngầm của Hạm đội Phương Bắc, chiếc tàu ngầm đã bị “đẩy” khỏi vùng biển biên giới Liên bang Nga. Thời gian tiếp xúc với chiếc tàu ngầm kéo dài gần 27 phút, sau đó, tàu ngầm Mỹ đã rời khỏi khu vực”.

Nguồn tin cũng nói rằng: “Đây không phải là trường hợp duy nhất phát hiện các tàu ngầm nước ngoài ở biển Barents gần đây. Cách hành xử như vậy của tàu ngầm các nước NATO tại các vùng biển Barents nhiều khi trở thành nguyên nhân những sự cố dẫn đường nguy hiểm”.

Ví dụ, vào năm 1992, ở đường ra khỏi vịnh Kola đã xảy ra va chạm giữa tàu ngầm nguyên tử USS Baton Rouge của Hải quân Mỹ với tàu ngầm K-276 của Hạm đội Phương Bắc của Nga, còn vào năm 1986 là giữa tàu ngầm nguyên tử HMS Splendid của Hải quân Anh với tàu ngầm tuần dương tên lửa chiến lược Taifun của Hạm đội Phương Bắc.

Một trong những giả thiết tàu ngầm nguyên tử Kursk bị đắm vào năm 2000 là va chạm với tàu ngầm nguyên tử USS Toledo của Hải quân Mỹ.

Mới đây, cũng xảy ra sự kiện buồn cười liên quan đến máy bay Nga và Mỹ. Khi bị tiêm kích Nga truy đuổi ngày 18/7/2014, một máy bay do thám Mỹ RC-135 hoảng quá chạy tọt vào vào không phận Thụy Điển mà không kịp xin phép nước này.

Chiếc máy bay do thám Mỹ đã bay hơn 200 km bên trong không phận Thụy Điển, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Thụy Điển đã tìm cách che giấu thông tin về sự cố này. Phải đến ngày 30/7, một tuần sau vụ việc, người ta mới lần đầu tiên biết đến vụ này. Tờ báo lớn của Thụy Điển Svenska Dagbladet đã có được một tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Thụy Điển từ các nguồn tin của mình.

Lúc gần 17 giờ 00, ngày 18/7, chiếc máy bay trinh sát Mỹ RC-135 đã hai lần vi phạm không phận Thụy Điển. Trước đó, máy bay này bay 1,5 giờ trên biển Baltic. Khi một tiêm kích Nga cất cánh từ Kaliningrad lên ngăn chặn, chiếc RC-135 thay vì không phận quốc tế lại tìm cách bay trốn vào Thụy Điển mà không được phép từ trước.

Chính phủ Thụy Điển tìm cách che giấu quốc tịch của chiếc máy bay vi phạm. Ban đầu, một nguồn tin giấu tên báo với Svenska Dagbladet rằng, đó là chiếc RC-135 của Không quân Mỹ.

Tiếp đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã xác nhận đó là máy bay Mỹ, nhưng sau đó, ông này lại lỡ lời là đã yêu cầu tờ báo không công bố những thông tin này.

Chuyến bay của chiếc máy bay trinh sát Mỹ đã làm ngay cả các chuyên gia Thụy Điển cũng ngạc nhiên. “Đáng chú ý là chiếc máy bay đã đột ngột bay ngoặt về hướng Thụy Điển và định bay trên nước này không phép. Trong các phi vụ trinh sát như thế, máy bay thường bay theo đường bay đã phê chuẩn nghiêm ngặt qua không phận quốc tế. Nếu Nga đưa tiêm kích lên, chắc chắn là họ cần nhận dạng chiếc máy bay. Trong tình huống đó, có thể quay về hướng khác và cố thoát khỏi nó để chiếc tiêm kích đó có thể bay xa hơn, thế nhưng nó lại bay vào không phận nước khác - đó là điều kỳ lạ và đáng khiển trách”, ông  Stefan Persson-Turling, chủ nhiệm Bộ môn Hoạt động đường không, Học viện quân sự Thụy Điển nhận định.

Mặc dù, Không quân Thụy Điển không cho xuất kích ngăn chặn chiếc máy bay Mỹ, nhưng sự cố cũng đã gây ra những hậu quả ngoại giao. Đại diện sứ quán Mỹ chỉ đến Bộ Ngoại giao Thụy Điển 12 ngày sau khi chiếc RC-135 vi phạm không phận. Việc một máy bay quân sự nước ngoài bay trái phép 14 phút trên lãnh thổ Thụy Điển đã gây ra phản ứng gay gắt của giới lập pháp Thụy Điển.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Thụy Điển Peter Hultqvist đã tuyên bố rằng, ông coi đây là vấn đề nguyên tắc, hành động vi phạm là không thể chấp nhận. Đại diện đảng Cánh tả Turborn Borland cho rằng, chuyến bay của chiếc máy bay do thám Mỹ cho thấy, Thụy Điển đang ở “dưới gót giày” NATO, nhận xét. Thụy Điển phản ứng gay gắt đối với hoạt động của Nga ở biển Baltic, còn đối với các hành động của Mỹ thì làm lơ.

“Đối với tôi, đây là đạo đức giả và tiêu chuẩn kép - khi có một máy bay xuất hiện trên biển Baltic thì gào lên, còn khi máy bay Mỹ bay trên lãnh thổ của chúng tôi thì im bặt. Chính sách trung lập và không tham gia các liên minh của Thụy Điển là ảo tưởng”, ông Borland nói.

Ý kiến này cũng được ông Peter Rodberg, cũng là thành viên Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Thụy Điển: “Tôi nhận thấy sự khác biệt trong giọng điệu. Tôi có thể tưởng tượng, các tít báo sẽ thế nào nếu đây là một máy bay Nga”. Ông Alan Widman cũng có ý kiến như vậy: “Không cần biết máy bay này là của ai: Nga hay Mỹ. Điều chủ yếu là không phận Thụy Điển đã bị vi phạm”.

Sau vụ việc với chiếc RC-135, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích Thụy Điển đã tiếp tay cho Mỹ và tìm cách che giấu sự kiện này với công chúng Thụy Điển và thế giới.

Hồi tháng 4/2014, cũng đã xảy ra vụ va chạm nguy hiểm giữa một tiêm kích Su-27 của Nga và một chiếc RC-135 của Mỹ. Lầu Năm góc đã phải lên tiếng tố cáo các phi công Nga đã để xảy ra một trong những sự cố nguy hiểm nhất kể từ chiến tranh lạnh.
Khi bay lên ngăn chặn chiếc máy bay Mỹ ở khu vực Viễn Đông, chiếc Su-27 đã tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm chiếc RC-135 bên trên Thái Bình Dương.

Trước đó, chiếc RC-135 của Không quân Mỹ đang bay trinh sát cách bờ biển Nga ở Viễn Đông 100 km. Đại tá Steven Warren, thư ký báo chí Lầu Năm góc tuyên bố, các phi công Nga đã cản trở các phi công Mỹ thực hiện chuyến bay trinh sát bình thường và khẳng định: “Chiếc Su-27 đã tiếp cận chiếc RC-135U ở khoảng cách khoảng 100 bộ (30 m)”, hành động của phi công Nga là “liều lĩnh” và là một trong những sự cố trên không nguy hiểm nhất từ thời chiến tranh lạnh, Nga phải chịu trách nhiệm về vụ này.

Trung tướng Thomas McInerney, cựu Tư lệnh Không quân Mỹ ở Alaska cũng tỏ ý lo ngại các hành động khiêu khích của Nga và nói: “Ngay cả thời cao trào chiến tranh lạnh, chúng tôi cũng chưa từng thấy sự liều lĩnh như thế từ phía Liên Xô”. Theo ông McInerney, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, ban lãnh đạo hiện nay của nước Mỹ là yếu ớt và bằng cách đó đang định làm Mỹ sợ hãi.

Nguồn: Itar-tass, RIA, VZ, 3.6, 1, 7, 9.8.2014.

Print Print E-mail Print