Vietnamdefence.com

 

“Cha đẻ” bom hạt nhân Iran nói gì?

VietnamDefence - Nhà khoa học Liên Xô Vyacheslav Danilenko, người đã xuất hiện nhưng không được nêu tên trong phần phụ lục mật của báo cáo của IAEA, bác bỏ sự dính líu của ông với việc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, theo Kommersant-Ukraine.

Khoa học gia Vyacheslav Danilenko
Theo tờ báo này, phụ lục mật của báo cáo đã được đăng tải trên site của Viện Khoa học và an ninh quốc tế (Institute for Science and International Security). Trong đó có nói đến một chuyên gia nước ngoài có vai trò then chốt giúp Iran tạo được đột phá trên con đường đi đến vũ khí hạt nhân.

“Theo thông tin của IAEA, người này từng làm việc ở Trung tâm Vật lý hạt nhân Iran từ năm 1996-2002, đào tạo người Iran mô hình hóa bằng máy tính các đầu đạn hạt nhân. Trong tài liệu không nêu tên người này, song trước đó tờ The Washington Post đã đưa tin đó là nhà khoa học hạt nhân của Liên Xô trước đây Vyacheslav Danilenko”, Kommersant-Ukraine cho hay.

Tiến sĩ KHKT Vyacheslav Danilenko, cựu cán bộ của Trung tâm Hạt nhân liên bang Nga (Viện Nghiên cứu toàn Nga Vật lý kỹ thuật mang tên Viện sĩ Zababakhin, VNIITF) ở Snezhinsk, tỉnh Chelyabinsk. Ông Danilenko hiện 76 tuổi, đã làm việc tại VNIITF, một trong 2 trung tâm vũ khí hạt nhân đẳng cấp thế giới đang hoạt động tại Nga từ những năm 1950 cho đến khi về hưu.

Bản thân nhà khoa học khẳng định, ông không có liên quan gì đến chương trình hạt nhân Iran. “Tôi không phải là nhà vật lý hạt nhân và không phải là người sáng lập ra chương trình hạt nhân Iran”, ông Danilenko nói và từ chối trả lời các câu hỏi sau đó.

Ông Vladimir Padalko, Giám đốc các công ty sản xuất kim cương nano Alit (Ukraine) và Nanogroup (Czech), một cựu đồng nghiệp của ông Danilenko cho biết, ông Danilenko được coi là cha đẻ của kim cương nano vì chính ông vào năm 1962 đã tìm ra cách tổng hợp chúng bằng phương pháp nổ. Theo ông Padalko, các chuyên gia IAEA và Bộ Ngoại giao Mỹ trong mấy năm gần đây đã mấy lần gặp ông Danilenko, thậm chí vào tháng 12.2010 còn kiểm tra các cơ sở của Alit.

“Tôi đã giải thích cho họ là kim cương nano chẳng có liên quan gì đến vũ khí hạt nhân. Họ đã quan tâm đến công việc của Danilenko ở Iran”, ông Padalko nói thêm.

Ông xác nhận là quả thực Danilenko đã làm việc ở Iran vào nửa cuối những năm 1990. Ở Iran, ông ấy cũng làm việc về kim cương nano và giảng bài.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2010 “Nổ: vật lý, kỹ thuật, công nghệ” của ông Danilenko không chỉ nói về kim cương nano mà còn về các vấn đề khác liên quan đến nổ và sử dụng năng lượng của nó.

Ông Danilenko đã phát minh ra kim cương nano khi làm việc ở VNIITF tại phòng thí nghiệm của nhà khoa học nổi tiếng Konstantin Kruppnikov, người đã tham gia chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên (ở Arzamas-16), cũng như phát triển các mẫu vũ khí hạt nhân sau đó của Liên Xô (ở Ural).

Một nguồn tin gần gũi với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nga Rosatom nói rằng, tuy việc sản xuất kim cương nano quả thực là một chuyên ngành hẹp, song một phần kiến thức của Danilenko, chẳng hạn về động học khí và sóng xung kích hiển nhiên có thể có ích khi thiết kế đầu đạn hạt nhân”.

Ngày 8.11.2011, báo chí đã đăng tải các nội dung trích từ báo cáo của IAEA trong đó khẳng định Iran đến năm 2003 đã nghiên cứu thiết kế vũ khí hạt nhân và khoong loại trừ việc đó đang được tiếp tục.
Ngày 28.12.2010, Tổng thống Iran Ahmadinejad tuyên bố Iran là một quốc gia hạt nhân.
  • Nguồn: Newsru, 10.11.11.

Print Print E-mail Print