Vietnamdefence.com

 

Tổng hợp tình hình chiến sự Nam Ossetia. Ngày 11-12/08/2008

VietnamDefence - Chiều thứ ba, ngày 12/8, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tuyên bố hoàn thành chiến dịch cưỡng chế hòa bình đó, quân đội Gruzia đã bỏ lại Gori, Gruzia bắt đầu kéo quân về Tbilisi để bảo vệ thủ đô. Hẻm Kodori ở Abkhazia, nơi lực lượng Abkhazia đã bắt đầu chiến dịch đánh đuổi các đơn vị Gruzia, đã trở thành chiến trường chính.

Hướng Nam Ossetia

Nga giành thắng lợi trong cuộc xung đột với Gruzia

Đêm 10, rạng sáng 11/8/2008, Tskhinvali lại bị pháo kích. Không quân Gruzia đánh bom các vị trí của lực lượng gìn giữ hoà bình Nga, thêm 3 binh sĩ gìn giữ hoà bình hy sinh.

Giữa ngày, đã nhận được tin nói rằng, tình hình đang ổn định lại, việc bắn phá tuyến đường Zarskaya chạy từ Tskhinvali đến đường hầm Roksky, nối Nam Ossetia với Bắc Ossetia, đã ngừng. Cũng lúc đó, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tuyên bố chiến dịch cưỡng chế hoà bình “phần nhiều đã hoàn thành”.

Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili, người trước đó nhiều lần tuyên bố về việc ngừng bắn tại khu vực xung đột, đã ký văn kiện mới về vấn đề này, nhưng nội dung của nó vẫn không được tiết lộ.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga tuyên bố tất cả những hứa hẹn của Saakashvili đều là lừa dối, còn đại sứ Nga tại NATO Dmitri Rogozin tuyên bố Nga không định bàn thảo hiệp định hoà bình với nhà lãnh đạo Gruzia.

Buổi chiều, giao tranh ở Ossetia không còn dữ dội lắm bởi vì các mặt nhân đạo và chính trị của cuộc xung đột được ưu tiên nhất. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, hơn 1.600 người thiệt mạng do cuộc tấn công của Gruzia ở Nam Ossetia. Nửa cuối ngày, việc cấp nước uồng cho Tskhinvali được nối lại, gần 16 giờ 00, một đoàn xe chở đồ cứu trợ từ Nga đến thành phố.

Ngoài ra, người ta bắt đầu chú ý nhiều hơn không phải tới các báo cáo quân sự mà các thông tin cá nhân hơn, ví dụ về những phóng viên bị lọt vào tầm pháo kích hay bị mất tích.

Buổi tối, các nhân viên Uỷ ban Điều tra trực thuộc Viện Tổng công tố Nga đến Nam Ossetia, trong đó có lãnh đạo Ủy ban Aleksandr Bastyrkin. Nga đã khởi tố vụ án hình sự về các vụ giết người tại khu vực xung đột. Ngoài ra, Hội đồng Liên bang cam kết tiến hành cuộc điều tra của quốc hội về các tội ác chiến tranh. Dmitri Medvedev cũng đã yêu cầu chuẩn bị các tư liệu về những tội ác tại khu vực xung đột. Gruzia cũng tuyên bố có ý định kiện Nga ra toà án LHQ.

Gruzia đã nằm ở bờ vực của sự phong toả hoàn toàn về giao thông vận tải: các hãng hàng không liên tiếp nhau tuyên bố tạm dừng hoạt động vận tải đường không với Gruzia, người nước ngoài rời khỏi nước này (họ thường bắt xe đi sang Armenia, sau đó là bay về nước). Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố chính quyền Gruzia đang cố ngăn cản người Nga rời khỏi nước này. Phía Gruzia bác bỏ lời tuyên bố này.

Khu vực xung đột
Buổi chiều, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili tới thành phố Gori, nằm cách khu vực xung đột Gruzia-Nam Ossetia khoảng 30 km. Tại đây, ông ta đã gặp ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner, người tới khu vực xung đột để tham gia giải quyết cuộc xung đột. Tại Gori đã xảy ra một chuyện tức cười với Saakashvili: khi nghe thấy tiếng động nào đó có vẻ đe doạ, các vệ sĩ đã quật ông ta xuống đất và lấy thân mình che chắn. Theo các giả thiết khác nhau, đó hoặc là tiếng động của các máy bay Nga bay qua Gori hoặc là tiếng đạn pháo của Gruzia.

Đêm 11, rạng sáng 12/8/2008 là đêm đầu tiên khá yên tĩnh đối với Tskhinvali kể từ đầu cuộc chiến vì thành phố không bị pháo kích ồ ạt. Buổi chiều, đoàn xe cứu trợ thứ hai từ Nga đã đến Nam Ossetia.

Cuộc tiến công buổi tối của quân Nga

Trước buổi tối, tình hình lại căng thẳng. Gần 17 giờ 30, đã xuất hiện những tin tức từ phía Gruzia nói rằng, quân Nga đã vượt ra khỏi khu vực xung đột và đang tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia. Gần 20 giờ 00, thứ trưởng ngoại giao Gruzia Grigol Vashadze tuyên bố rằng, quân Nga tiến sang từ lãnh thổ Abkhazia đã đánh chiếm thành phố Senaki. Đồng thời, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Gruzia tuyên bố rằng, quân Nga đã chiếm được thành phố Gori trống vắng. Tuy nhiên, hãng tin Reuters đưa tin rằng, ở Gori không hề có cả quân Gruzia, lẫn quân Nga, đa số dân chúng đã rời khỏi thành phố. Qua tuyên bố của chính phủ Gruzia công bố sau vài phút, được biết rằng, binh lính trên toàn quốc đang được kéo về để bảo vệ Tbilisi. Gần 22 giờ 00, Mikhail Saakashvili tuyên bố phần lớn lãnh thổ Gruzia đã bị quân Nga chiếm đóng. Tờ báo Anh The Times mô tả cuộc rút lui của quân Gruzia khỏi Gori là một cuộc tháo chạy hoảng loạn.

Không lâu sau, dân chúng Tbilisi kinh hoàng khi nghe tin các xe tăng Nga đang tiến về thủ đô. Nhưng không lâu sau người ta biết rằng, Tbilisi không bị ai tấn công cả, còn các xe tăng là của Gruzia đã kéo đến phòng thủ thủ đô. Trước 23 giờ 00, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phía Nga không có kế hoạch tiến về hướng Tbilisi. Liên quan đến Senaki, giới quân sự Nga giải thích lực lượng gìn giữ hoà bình Nga đã có mặt ở đó để  loại trừ nguy cơ bắn phá đối với lãnh thổ Nam Ossetia. Tại Senaki có một căn cứ quân sự lớn là nơi lữ bộ binh 2 của quân đội Gruzia trú đóng. Tối muộn, “các biện pháp phòng ngừa” đã hoàn thành, quân Nga rời khỏi thành phố, nhưng vẫn duy trì sự kiểm soát đối với căn cứ quân sự.

Đêm 11, rạng sáng 12/8/2008, có tin Nga đưa quân vào cảng Poti của Gruzia, nhưng phía Nga bác bỏ tin này.

Gần 13 giờ 00, thứ ba, 12/8, Dmitri Medvedev, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov và Tổng tham mưu trưởng Nikolai Makarov, đã tuyên bố trước ống kính truyền hình: “Tôi đã quyết định kết thúc chiến dịch cưỡng chế hoà bình đối với chính quyền Gruzia. Mục tiêu của chiến dịch đã đạt được. An ninh của các lực lượng gìn giữ hoà bình của chúng ta và thường dân đã được khôi phục. Kẻ xâm lược đã bị trừng phạt và chịu những tổn thất rất đáng kể. Quân đội xâm lược đã bị rối loạn”.

Sau đó, Medvedev đi gặp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người muốn đóng vai trò trung gian cho việc giải quyết hoà bình cuộc xung đột.

Hướng Abkhazia

Tối chủ nhật, 10/8, 9.000 quân Nga và 350 xe thiết giáp đã tới Abkhazia. Buổi chiều, Tướng Valery Yevtukhovich, Tư lệnh Bộ đội đổ bộ đường không Nga, tới khu vực. Trước đó, đội quân gìn giữ hoà bình tại huyện Gali ở phía Nam Abkhazia đã được tăng cường.

Ngày 11/8, bắt đầu loang ra tin đồn nói rằng, người chỉ huy quân đội Nga tại Abkhazia là “viên tướng Chechnya” nổi danh, Anh hùng nước Nga Vladimir Shamanov, người lãnh đạo Tổng cục Huấn luyện chiến đấu và quân dịch từ tháng 11/2007. Tại cuộc họp báo chiều ngày 12/8, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Anatoly Nogovitsyn đã không xác nhận thông tin này.

Do tình hình trên hướng Nam Ossetia đến trước ngày 11/8 đã hoàn toàn rõ ràng nên trọng tâm chú ý được chuyển sang hẻm Kodori. Gruzia kiểm soát khu vực này từ cuộc chiến tranh hồi những năm 1990. Ông chủ thực tế tại đây trong suốt thời gian qua là Emzar Kvitsiani, chỉ huy đơn vị “Thợ săn”, chỉ phục tùng chính quyền Gruzia về hình thức. Mùa hè năm 2006, Kvitsiani đã từ chối phục tùng Tbilisi sau khi buộc tội Bộ trưởng Quốc phòng Iraklia Okruashvili và Bộ trưởng Nội vụ Vano Merabishvili có những hành động hà hiếp. Đáp lại, chính quyền Gruzia buộc tội ông ta nổi loạn vũ trang và đưa quân vào khu vực thuộc Gruzia của hẻm Kodori. Đơn vị “Thợ săn” bị đánh tan, Tbilisi chiếm giữ phần Đông Kodori và đưa nhiều đơn vị vũ trang tới đây (về hình thức là các đơn vị cảnh sát chứ không phải quân đội).

Sau khi chiến dịch ở Nam Ossetia mở màn, chính quyền Abkhazia đã công bố ý định đánh đuổi quân Gruzia ra khỏi Kodori vì lo ngại đây có thể trở thành bàn đạp tấn công Abkhazia giống như chiến dịch trên hướng Nam Ossetia. Đêm 10, rạng sáng 11/8, không quân Abkhazia đã ném bom Kodori, còn pháo binh thì pháo kích vào các trận địa của Gruzia. Buổi sáng, phía Abkhazia tuyên bố các đơn vị Gruzia đã bị phong toả. Lực lượng gìn giữ hoà bình Nga đề nghị các đơn vị Gruzia ở hẻm Kodori tự nguyện giao nộp vũ khí, nhưng khi tối hậu thư bị bác bỏ, họ đã tự né tránh tình huống này.

Buổi chiều, bắt đầu yên ắng: quân Abkhazia chờ đợi quân Gruzia giải giáp nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trích biên bản các phiên họp
của Hội đồng Bảo an LHQ

Ngày 11/8/2008

Zalmay Khalizad:
Xin lỗi là tôi một lần nữa lại phải xin phát biểu. Nhưng tôi muốn nhắc lại câu hỏi của tôi đối với ngài Churkin. Ông ấy đã không trả lời câu hỏi của tôi: mục đích của Nga có phải là thay đổi lãnh đạo của Gruzia?

Vitaly Churkin:
Tôi đang chờ ngài Khalizad đeo tai nghe của mình lên. Có lẽ, lần đầu, vấn đề là ở chỗ ngài Khalizad đã không kịp đeo tai nghe. (Ông Khalizad liền đeo tai nghe lên.) Tôi cho rằng, đã có câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi này. Xin cảm ơn quý vị.

Ngày 25/10/1962

Đại sứ Mỹ Aidlai Stevenson:
Zorin, tôi nhắc lại câu hỏi của tôi với ông một lần nữa. Có phải tên lửa Liên Xô đang được bố trí ở Cuba? Phải hay không phải? Ông cứ để tai nghe đấy, ông đừng chờ dịch, ông hiểu câu hỏi còn gì.  Phải hay không phải?

Sáng 12/8/2008, quân Abkhazia chuyển sang tấn công, đồng thời họ luôn nhấn mạnh rằng, quân Nga không tham gia vào chiến dịch của họ. Đến giữa chiều, họ thông báo quân Gruzia đã bị vây bọc trong một vành đai vững chắc, cờ Abkhazia được kéo lên phần Đông Kodori.
Hướng ngoại giao

Khi ở Moskva đang là đêm 10, rạng sáng  11/8, ở New York đã diễn ra phiên họp tiếp theo của Hội đồng Bảo an LHQ về cuộc khủng hoảng ở Nam Ossetia.

Phiên họp nổi bật ở cuộc đấu khẩu giữa các đại sứ Zalmay Khalizad của Mỹ và Vitaly Churkin của Nga: Khalizad hỏi Churkin có phải Nga đang mưu toan thay đổi chế độ ở Gruzia, Churkin trả lời rằng, “thay đổi chế độ” đó là thuật ngữ của Mỹ.

Ngoài ra, Churkin còn so sánh tình hình ở Nam Ossetia với tình hình ở Srebrenica và lưu ý rằng nếu như năm 1995 ở Bosnia, lực lượng gìn giữ hòa bình (Churkin không nêu quốc gia cụ thể nhưng đó là Hà Lan) không bỏ chạy tán loạn thì đã có thể tránh được vụ tàn sát nổi tiếng năm 1995 mà vì vụ này Radovan Karadjic đang bị xét xử.

Theo lời Khalizad, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã buột miệng nói đến việc thay đổi chế độ ở Gruzia trong cuộc mật đàm qua điện thoại với ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. Tiết lộ vô tình hay có chủ ý của Khalizad đã có tác dụng: các nhà báo bây giờ luôn hỏi các nhà ngoại giao Nga là quả thực Nga cóp định lật đổ Mikhail Saakashvili không. Bộ Ngoại giao Nga chính thức tuyên bố rằng, việc ông ta ra đi không nằm trong số những điều kiện mà phía Nga đặt ra khi đàm phán giải quyết cuộc xung đột.
 

Đêm 11, rạng sáng 12/8, Hội đồng Bảo an LHQ lại họp, lần này là họp kín. Pháp đưa ra dự thảo nghị quyết do mình soạn thảo, nhưng Churkin tuyên bố rằng, Nga sẽ không cho dự thảo được thông qua bởi vì trong đó “không có lấy một từ nói về cuộc xâm lược của Gruzia và những tội ác mà Gruzia gây ra”.

Ngày 11/8, có thông báo là ngày hôm sau, theo sáng kiến của Nga, tại Brussels sẽ diễn ra phiên họp bất thường của Hội đồng Nga-NATO. Nhưng sau đó, phiên họp này đã bị hủy bỏ.

Chiều ngày 12/8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, các ngoại trưởng Bernard Kouchner của Pháp và Alexander Stubb của Phần Lan đã đến Moskva để đàm phán giải quyết xung đột. Pháp hiện đang là Chủ tịch EU, còn Phần Lan là Chủ tịch OSCE. Kouchner và Stubb đã kịp tới Gruzia và Nam Ossetia, và nói chuyện với những người chạy nạn ở Bắc Ossetia. Pháp đã chuẩn bị một loạt đề xuất giải quyết hòa bình cuộc xung đột.

Như vậy, kể từ ngày 12/8/2008, các diễn biến chính diễn ra trên hai hướng: Abkhazia và ngoại giao.

  • Nguồn: Lenta, 12.8.2008.

Print Print E-mail Print