Vietnamdefence.com

 

Các chương trình chế tạo bom có điều khiển của Mỹ

VietnamDefence - Tháng 8/2008, Không quân Mỹ thông báo bắt đầu thử nghiệm ở Iraq bom GBU-54 với bộ khí tài dẫn/điều khiển LJDAM, cho phép tấn công tiêu diệt mục tiêu di chuyển với tốc độ tới 110 km/h.

Trước đây, thực hiện những nhiệm vụ như vậy là rất khó, nhưng trong vòng 7-10 năm gần đây, Lầu Năm góc đã bất ngờ đẩy mạnh phát triển các công nghệ cho phép cải hoán các loại bom không điều khiển thời chiến tranh lạnh thành vũ khí hiệu quả sát thương cao. Điều đáng ngại là lượng dự trữ các loại bom đạn này trong quân đội Mỹ liên tục tăng lên, tạo tiền đề cho những cuộc xung đột vũ trang quy mô hơn chiến tranh Iraq và Afghanistan.

 Bom GBU-38(V)1/B. Ảnh: Website của USAF

Cuối thập kỷ 1980, Không quân Mỹ (USAF) và Hải quân Mỹ đã đề xuất phát triển một phương pháp tương đối rẻ tiền và chính xác hơn để đưa các loại bom thông thường tới mục tiêu. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này được tiến hành trong khuôn khổ chương trình “Họ bom tiên tiến” (Advanced Bomb Family - ABF).

Các yêu cầu chung đối với các loại bom có điều khiển đã được Bộ Chỉ huy Không quân và Hải quân Mỹ đưa ra vào cuối năm 1991. Những hướng phát triển chính của vũ khí hàng không là bom có điều khiển JDAM (Joint Direct Attack Munition) và JSOW (Joint Stand-Off Weapon), cũng như tên lửa AGM/MGM-137 TSSAM (Tri-Service Standoff Attack Missile). Việc phát triển TSSAM đã bị đình chỉ năm 1994 và được thay thế bằng chương trình tên lửa JASSM (Joint Air-to-Surface Standoff Missile) AGM-158.

JDAM (Joint Direct Attack Munition) được phát triển dưới sự chỉ đạo của Không quân Mỹ. Ban đầu, chương trình có tên gọi AWPGM (Adverse Weather Precision Guided Munition), nhưng không lâu sau thì được đổi tên. Sau các vụ thử thành công các bộ điều khiển với các hệ dẫn quán tính và các máy thu tín hiệu từ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu NAVSTAR, Mỹ đã quyết định tập trung vào hiện đại hoá các loại bom có khối lượng 1.000 và 2.000 bảng (450 và 910 kg).
Năm 1994, Không quân Mỹ mở thầu cung cấp bộ điều khiển đáp ứng các yêu cầu đưa ra năm 1991. Tham gia tranh thầu có 2 công ty Mỹ là McDonnell Douglas và Martin Marietta.
Tháng 10/1995, McDonnell Douglas đã được chọn làm nhà thầu chính để tiếp tục phát triển các bộ điều khiển JDAM.
Các cuộc thử nghiệm bay đối với JDAM bắt đầu năm 1996, còn hợp đồng sản xuất một lô nhỏ các bộ điều khiển này đã được ký tháng 4/1997. Tháng 12/1998, bom có điều khiển JDAM đã được cấp phép sử dụng cho máy bay ném bom B-52H.

Bom GBU-54 LJDAM.
Ảnh: Website của USAF

Trong mấy năm sau đó, tất cả các máy bay ném bom và tiêm kích của Không quân Mỹ đã được nâng cấp để mang bom JDAM. Đa số bom sử dụng trong chiến dịch Iraqi Freedom (Tự do cho Iraq) năm 2003 chính là được lắp các bộ điều khiển JDAM. Tổng số bom kiểu này được sử dụng trong chiến dịch là hơn 6500 quả.

Ban đầu, các bom lắp bộ điều khiển JDAM chỉ có thể tiêu diệt các mục tiêu tĩnh. Mỹ cũng đã có những nỗ lực cải tiến JDAM, nhưng do sẵn có trong trang bị các bom điều khiển Paveway II và Paveway III nên việc cải tiến JDAM liên tục bị trì hoãn. Phải tới tháng 5/2007, công ty Boeing mới ký hợp đồng với Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ để phát triển và cung cấp 600 bộ điều khiển LJDAM với hệ dẫn laser, cho phép bom tấn công tiêu diệt các mục tiêu di động. trị giá gần Hợp đồng trị giá 28 triệu USD và phải hoàn tất trước tháng 6/2009.

Để thử nghiệm tại Iraq, Không quân Mỹ đã chọn bom GBU-38(V)/B nặng 500 bảng (227 kg), sau khi được lắp bộ LJDAM được gọi là GBU-54(V)/B.

Theo Defencetalk, những vụ thử đầu tiên bom có điều khiển GBU-54(V)/B LJDAM đã được Không quân Mỹ tiến hành vào tháng 8/2008 tại tỉnh Diyana, Iraq. Một máy bay tiêm kích F-16 thuộc phi đội tiêm kích viễn chinh số 77, đóng tại căn cứ Balad đã thực hành thả và điều khiển khoả bom. Bom đã tấn công và tiêu diệt thành công một mục tiêu động. GBU-54(V)/B được dẫn theo tia phản xạ của khí tài chỉ thị mục tiêu laser lắp trên khoang máy bay tiêm kích để làm nhiệm vụ chiếu xạ mục tiêu.  

Ngoài các bom GBU-38(V)/B, Mỹ dự kiến lắp LJDAM cho các loại bom có điều khiển GBU-32(V)/B và GBU-31(V)/B nặng lần lượt là 1.000 và 2.000 bảng (450 và 910 kg). Hai loại bom này sau khi lắp LJDAM được đặt tên là GBU-55(V)/B và GBU-56(V)/B.
 
Tổng cộng, trong khuôn khổ chương trình JDAM (Joint Direct Attack Munition), đã phát triển hơn 8 kiểu bom khác nhau, từ GBU-29/B cho đến GBU-38/B với điểm khác biệt ở phần đầu đạn và các hệ dẫn/điều khiển. Tham gia phát triển các loại bom mới, ngoài McDonnell Douglas (nay nằm trong hãng Boeing), còn có các công ty khác như Lockheed Martin. Cần lưu ý rằng, bom GBU-29/B và GBU-30/B là do công ty Martin Marietta chế tạo ở giai đoạn tranh thầu, nhưng sau đó không được đưa vào sản xuất loạt.
 
Đến nay, họ bom có điều khiển JDAM gồm có: GBU-31 lắp đầu đạn nổ phá Mk84 hoặc BLU-117; GBU-31 lắp đầu đạn BLU-109/B; GBU-31 lắp đầu đạn xuyên áp nhiệt BLU-118/B; GBU-31 lắp đầu đạn nổ phá BLU-119/B sêri Crash PAD; GBU-32 lắp đầu đạn Mk 83; GBU-34 lắp đầu đạn xuyên BLU-116; GBU-35 lắp đầu đạn nổ phá BLU-110; GBU-38 lắp đầu đạn nổ phá Mk82 hoặc BLU-111.

Bom JDAM lắp đầu đạn Mk84, BLU-109/B, Mk83 (từ trên xuống dưới).
Ảnh: Website của USAF

Mới đây, các chuyên gia của Không quân Mỹ đã tiến hành phân tích việc sử dụng bom có điều khiển lắp các bộ khí tài JDAM trong các cuộc xung đột vũ trang gần đây. Kết quả đã phát hiện một loạt nhược điểm của các loại bom này, cụ thể là tầm bay nhỏ và thiếu chính xác. Vì thế, cùng với việc sản xuất loại các bộ JDAM, người ta cũng tiến hành hiện đại hoá thiết kế của chính các quả bom có điều khiển. Các hướng ưu tiên là tăng tầm bay, nâng cao khả năng chống nhiễu cho các bộ điều khiển hiện có và phát triển những loại mới, sử dụng các hệ thống tự dẫn truyền hình hoặc radar ở giai đoạn bay cuối để tiêu diệt các mục tiêu động, lắp cho bom các loại đầu đạn xuyên bê tông mới hoặc trang bị đặc biệt.

Để tăng tầm bay, trong khuôn khổ chương trình JDAM-ER (Extended Range), Mỹ đang tiến hành nghiên cứu lắp cánh nâng gấp cho bom có điều khiển. Trong cuộc thi thiết kế, đã chọn thiết kế DiamondBack của hãng Alenia-Marconi. Thiết kế của mẫu này (nặng không quá 150 kg) bao gồm các tấm nâng khí động gấp được (sơ đồ khí động “cánh nối thêm”), nguồn cấp điện và cơ cấu bung cánh. Trong thành phần của cơ cấu bung cánh gồm có module bàn trượt và bộ dẫn động điện dịch chuyển dọc theo thân bom. Cánh nâng gồm 4 tấm thép hẹp nối với nhau bằng bản lề, cũng như nối với thân bom và bàn trượt - bàn trượt này khi cánh mở (thời gian mở là 3-4 giây) dịch chuyển tịnh tiến theo các thanh dẫn hướng. Việc sử dụng cánh nâng cho phép bom thực hiện các thao tác bay cơ động với quá tải tới 5g: lấy độ cao trong thời gian ngắn, vòng ngoặt rồi bổ nhào và bay xoắn ốc. Điều đó cho phép gia tăng đáng kể khu vực ném bom được phép và phi công không phải tuân thủ chính xác các thông số bay cho máy bay khi cơ động vào mục tiêu.

Bom JDAM-ER. Ảnh: Website của USAF

Các module DiamondBack được phát triển cho các bom có điều khiển GBU-31 và GBU-32. Dùng các module này sẽ tăng được tầm bay tối đa của bom lên đến 80 km. Dự kiến, module này sẽ được lắp cho các loại bom có điều khiển thuộc họ JDAM.

Nhằm nâng cao độ chính xác ném bom, các loại bom còn có thể được lắp khối điều khiển của hãng Harris, sensor ảnh nhiệt hoặc đầu tự dẫn lase bán chủ động. Khối Harris sẽ bảo đảm thu ổn định tín hiệu vệ tinh NAVSTAR hầu như ở bất kỳ địa điểm nào trên trái đất trong điều kiện có nhiễu với độ chính xác không dưới 5 m. Theo các chuyên gia Không quân Mỹ, khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong môi trường nhiễu phức tạp và ở bề mặt địa hình bên dưới đơn điệu thì việc sử dụng sensor quang học sẽ không bảo đảm xác suất diệt mục tiêu mong muốn. Vì thế, người ta dự kiến trang bị cho bom có điều khiển loại đầu tự dẫn radar khẩu độ tổng hợp tương đối rẻ tiền. Người ta cũng đang xem xét khả năng lắp radar sóng mm hoặc các hệ dẫn kết hợp (radar và quang-điện tử).

Bom GBU-39/B. Ảnh: Website của USAF

Cùng với việc hiện đại hoá JDAM, Mỹ đang thực hiện một loạt chương trình chế tạo các loại bom có điều khiển mới. Cụ thể, Boeing trong khuôn khổ chương trình SDB đang tiến hành phát triển toàn quy mô các bom nhỏ có điều khiển cỡ 250 bảng (120 kg) dùng để tiêu diệt mục tiêu tĩnh (GBU-39/B) và cơ động trên mặt đất (GBU-40/B) ở tầm xa tới 100 km. Các bom này dự định sẽ trang bị cho các máy bay chiến lược và chiến thuật, cũng như các máy bay chiến đấu không người lái. Các loại bom mới (chứa 25 kg thuốc nổ, dài 1,8 m, đường kính thân 0,19 m) sẽ xuyên được lớp bê tông cốt thép dày tới 2 m. Bom có thể sử dụng từ các khoang bên trong máy bay hoặc các điểm treo bên ngoài với tốc độ bay của máy bay mang tương đương 1,7M, với độ chính xác không dưới 3 m. Dự kiến bom sẽ được trang bị hệ dẫn quán tính có hiệu chỉnh theo số liệu của NAVSTAR, cánh nâng, các cánh lái khí động dạng lưới và ngòi nổ có lập trình FMU-152. Bom GBU-39/B đã được Không quân Mỹ nhận vào trang bị năm 2007, còn GBU-40/B được lắp bổ sung các hệ thống chuyển ngắm trong khi bay và tự dẫn để tiêu diệt mục tiêu động dự định sẽ được chuyển giao trước năm 2012.

Mỹ phát triển loại giá treo khí nén vạn năng SMER (Smart Eject Rack) để treo bom có điều khiển, với khả năng treo được 2-6 quả bom có điều khiển, có thể lắp cả trên các điểm treo ngoài lẫn bệ phóng quay trong các khoang bên trong. Để sử dụng bom, người ta đã phát triển hệ thống tự động nạp dữ liệu nhiệm vụ chiến đấu và thời gian để chuẩn bị cho một quả bom có điều khiển là không quá 60 giây.

Việc đưa vào trang bị các loại bom có điều khiển mới sẽ nâng cao căn bản hiệu quả sử dụng máy bay trong tác chiến nhờ tăng được đáng kể (6-12 lần) số lượng mục tiêu có thể tiêu diệt trong một lần máy bay xuất kích nhờ tăng được số lượng bom trên khoang máy bay mang (các máy bay tiên tiến F-35 và F-22 sẽ mang được tương ứng 24 và 30 quả bom, còn máy bay chiến lược có thể mang đến 300 quả). Các kế hoạch hiện có dự kiến mua sắm đến năm 2015 gần 25.000 quả bom GBU-39/B và GBU-40/B, đến 3.000 giá treo 4 điểm BRU-61/A kiểu SMER. Tổng giá trị đơn đặt hàng sẽ là 2,5 tỷ USD.

Việc tăng số lượng bom có điều khiển dự kiến đặt mua cho thấy giới lãnh đạo quân sự-chính trị nước Mỹ có ý đồ xây dựng các dự trữ lớn các loại vũ khí chính xác cao. Đánh giá các chương trình vũ khí hiện nay của Mỹ thì thấy rằng, sự gia tăng kho dự trữ bom và các loại đạn dược khác không phải giành cho các cuộc xung đột như ở Iraq và Afghanistan mà cho những chiến dịch quân sự quy mô hơn. Vấn đề là ai sẽ được chọn là kẻ thù tiếp theo của Mỹ.
  • Nguồn: Pavel Sergeyev. Lenta.ru, 5.9.2008

Print Print E-mail Print