Vietnamdefence.com

 

Nga-Ấn Độ sắp ký hợp đồng phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA cho Ấn Độ và xuất khẩu

VietnamDefence - Nga-Ấn Độ sẽ mất 8-10 tỷ USD và 6-10 năm để chế tạo tiêm kích thế hệ 5 FGFA cho Không quân Ấn Độ và xuất khẩu.

Dự án Nga-Ấn phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft) dựa trên PAK FA sẽ kéo dài không dưới 6-10 năm, ITAR-TASS dẫn lời phát biểu của ông Aleksandr Fomin, Phó Giám đốc Cơ quan liên bang về Hợp tác KTQS Fomin ngày 24.2.2010 tại lễ tiếp nhận vào trang bị Hải quân Ấn Độ lô máy bay tiêm kích MiG-29K đầu tiên tiến hành tại tại căn cứ Hansa, bang Goa.

T-50 trong chuyến bay đầu ngày 29.1.2010

Dự kiến, sắp tới Nga và Ấn Độ sẽ ký kết hợp đồng đầu tiên của dự án chế tạo tiêm kích tương lai. Chi tiết hợp đồng chưa được biết. Tham gia chế tạo FGFA là công ty Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) của Ấn Độ và Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất OAK của Nga. Trước đó báo chí Ấn Độ loan tin, tỷ lệ của công ty Hindustan Aeronautics (Ấn Độ) trong dự án chung sẽ không dưới 25%. Dự đoán Hindustan Aeronautics sẽ phụ trách phát triển máy tính trên khoang của FGFA. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ chế tạo các hệ thống đạo hàng cho FGFA, phần lớn các màn hình hiển thị thông tin trong buồng lái và hệ thống phòng vệ. Các công việc còn lại sẽ do công ty Sukhoi (OAK, Nga) thực hiện. Tổng chi phí của dự án ước tính là 8-10 tỷ USD.

Theo ông Fomin, trong tương lai máy bay mới với tên gọi FGFA ở Ấn Độ sẽ không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn để xuất khẩu. Máy bay này sẽ vượt trội các máy bay tương tự của phương Tây về giá thành/hiệu quả và có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường thế giới.

FGFA chế tạo cho Ấn Độ là biến thể 2 chỗ ngồi của PAK FA. PAK FA của Nga thực hiện chuyến bay đầu ngày 29.1.2010. Đến nay, máy bay đã hoàn thành 3 chuyến bay thử nghiệm tại sân bay ở Komsomols trên sông Amur của Liên hiệp KnAAPO. Dự kiến, việc phát triển PAK FA sẽ hoàn thành trong 4-5 năm tới và Bộ Quốc phòng Nga sẽ nhận được các máy bay sản xuất loạt đầu tiên vào năm 2015.

Tính năng kỹ thuật của PAK FA hiện vẫn được giữ bí mật. Theo thông tin chính thức thì PAK FA sẽ có trình độ trí năng hóa cao và sẽ có thể cất/hạ cánh từ đường băng dài 300-400 m. Ngoài ra, máy bay sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong mọi thời tiết, bất kể ngày đêm và có khả năng siêu cơ động.

Dự đoán, PAK FA sẽ có thể bay với tốc độ đến 2600 km/h và với tầm bay đến 5500 km. Máy bay sẽ được trang bị 1 pháo 30 mm, có 10 điểm treo vũ khí trong các khoang bên trong.

Hiện nay, chỉ có Không quân Mỹ sở hữu máy bay tiêm kích thế hệ 5 là F-22 Raptor.

Một số hình ảnh của tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50

Một số hình ảnh đầu tiên của tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 của Nga trong lần bay thử nghiệm đầu tiên ngày 29.1.2010 tại Komsomolsk trên sông Amur (Sukhoi.org).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  • Nguồn: Lenta, 24.2.2010.

Print Print E-mail Print