VietnamDefence -
Chính quyền Đài Loan tuyên bố rằng, ý định của họ mua máy bay tiêm kích và tàu ngầm của Mỹ vẫn không thay đổi, AFP đưa tin ngày 23.2.2010.
"Các cuộc đàm phán về việc cung cấp máy bay tiêm kích F-16C/D và tàu ngầm vẫn đang tiếp tục. Chúng tôi sẽ không từ bỏ việc mua sắm vũ khí mà chúng tôi đang quá cần", - quan chức Đài Loan Wu Den-yih cho biết.
Ông ta đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh Cục Tình báo Quốc phòng DIA của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22.2.2010 ấn hành một báo cáo, trong đó nhấn mạnh sự yếu ớt của phòng không Đài Loan, tuy họ có số lượng máy bay và phương tiện phòng không khá lớn, AFP cho hay.
Báo cáo của DIA khẳng định không quân tiêm kích của Đài Loan ngày càng ít có khả năng ngăn chặn mối đe doạ từ phía TQ, điều này có thể dẫn tới những hợp đồng bán vũ khí mới của Mỹ cho Đài Bắc bất chấp sự phẫn nộ của Bắc Kinh.
"Mặc dù Đài Loan có gần 400 máy bay chiến đấu, nhưng không phải tất cả đều ở tình trạng có khả năng chiến đấu", - bản báo cáo của DIA tiết lộ. Đa số trong khoảng 400 máy bay chiến đấu của không quân Đài Loan không thể hoàn thành nhiệm vụ do đã cũ kỹ và các vấn đề bảo dưỡng kỹ thuật, cũng như bởi các sân bay nằm chỉ cách bờ biển đại lục hơn 160 km một chút.
|
F-16 của không quân Đài Loan
|
Nòng cốt của không quân Đài Loan là khoảng 60 máy bay tiêm kích đều đang dần lạc hậu F-5 và 146 F-16A/B, 56 Mirage 2000 và 126 máy bay tiêm kích IDF do Đài Loan tự chế tạo, theo AFP.
"Các máy bay tiêm kích F-5 của Đài Loan đã hết dự trữ khai thác, trong khi IDF lại không thể bay lâu", - báo cáo đề cập.
"Trong những năm gần đây, số lượng và trình độ kỹ thuật của các máy bay tiêm kích, tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình của TQ nhằm vào Đài Loan đã gia tăng và điều đó làm suy giảm khả năng tác chiến của Đài Loan, mặc dù TQ phủ nhận các nỗ lực của họ là nhằm giành ưu thế trên không một khi xảy ra xung đột", báo cáo viết.
Bản báo cáo do DIA soạn thảo theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ khẳng định cần hiện đại hoá không quân Đài Loan trong khi TQ đang tăng cường quân sự. Mỹ đang cố duy trì vai trò nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho hòn đảo này, nhưng đồng thời cũng muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Đại diện bộ quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho hòn đảo này. Phía Mỹ làm việc đó căn cứ theo đạo luật quan hệ với Đài Loan do Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979, trong đó nói rằng, Mỹ ủng hộ chính sách "một nước TQ", nhưng vẫn bảo lưu quyền bảo vệ hòn đảo một khi bị tấn công và cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Tháng 1.2010, Washington công bố ý định bán cho Đài Loan các hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC3, trực thăng Black Hawk, cũng như nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các máy bay tiêm kích F-16A/B có trong trang bị của Đài Loan tổng trị giá 6,4 tỷ USD. TQ đã phản ứng quyết liệt đối với quyết định này của chính quyền Barack Obama và doạ trừng phạt các công ty Mỹ, song chưa nêu tên các công ty này.
Đài Loan đang muốn mua 66 máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ, nhưng Washington lo ngại phản ứng tiêu cực của TQ và tuyên bố rằng, Đài Loan cần phải xác định các nhu cầu chung trong lĩnh vực quốc phòng của mình. Quốc hội Mỹ có thể sử dụng báo cáo này để gây áp lực với Lầu Năm góc, trưởng Ban Châu Á của hãng Defence News Wendell Minnick nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Mỹ dẫu sao cũng sẽ không cung cấp cho hòn đảo các vũ khí trang bị mạnh như máy bay tiêm kích F-16C/D và tàu ngầm vì nó sẽ gây ra phản ứng rất cứng rắn của Bắc Kinh, AFP cho biết.
Bắc Kinh coi đảo Đài Loan là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ TQ và là một tỉnh của nước này. TQ đe doạ tấn công quân sự nếu Đài Loan đòi độc lập. Các quốc gia đã có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh cũng giữ lập trường như vậy. Chính sách "một nước TQ" của Mỹ cũng thừa nhạn TQ là một quốc gia thống nhất với thủ đô là Bắc Kinh.
- Nguồn: RIAN, Reuters, AFP, MP - 22-23.2.2010.