Vietnamdefence.com

 

Đấu pháo Nam-Bắc Hàn và cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên

VietnamDefence - Theo Yonhap, quân đội CHDCND Triều Tiên đã bắn hơn 200 loạt đạn pháo về phía Yeonpyeong - hòn đảo nằm trên biên giới phía Tây giữa hai miền bắt đầu từ 14h30 chiều 23.11.2010.

Ngay lập tức, Hàn Quốc đã đáp trả bằng 80 loạt đạn vào các vị trí của quân đội Triều Tiên và tăng mức báo động của quân đội lên cao nhất.

Vụ pháo kích này là sự cố nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Seoul coi đây là hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên và đe dọa đáp trả cứng rắn. Còn Bình Nhưỡng thì nói chính Hàn Quốc đã khai hỏa trước.

Chiều 23.11.2010, pháo binh Bắc Triều Tiên đã nã gần 50 quả đạn (các nguồn khác nói 200 quả) vào đảo Yeonpyeong trên biển Hoàng Hải, cách Seoul 120 km về phía Tây.

Phần lớn số đạn nổ trên khuôn viên một căn cứ quân sự, giết chết ít nhất 2 và làm bị thương 15 lính Hàn Quốc. Một số dân thường cũng bị thương.

Theo số liệu sơ bộ, có hơn 50 ngôi nhà bị hư hại, những đám cháy lớn đã bùng lên trên đảo sau đợt pháo kích.

Hàn Quốc đã bắt đầu sơ tán dân khỏi đảo Yeonpyeong, nơi có gần 1600 người sinh sống. Pháo binh Hàn Quốc đã phản pháo vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

Cuộc đấu pháo kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Chưa có số liệu thương vong của phía Bắc Triều Tiên.

Sau đó, được biết, cũng ngày hôm qua, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại khu vực biên giới ở Hoàng Hải. Nhưng họ nói họ không bắn về phía Bắc Triểu Tiên.

Bình Nhưỡng thì khăng khăng nói, đạn pháo Hàn Quốc đã rơi xuống lãnh hải Bắc Triều Tiên và việc bắn pháo của họ chỉ là đáp trả hành động khiêu khích của Hàn Quốc.

Sau sự cố này, quân đội Hàn Quốc đã được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Chính phủ nước này tổ chức cuộc họp khẩn cấp trong boongke đặc biệt của Dinh tổng thống Cheong Wa Dae.

Thư ký báo chí của TT Lee Myung-bak thông báo, quân đội Hàn Quốc đã được lệnh phản ứng cứng rắn với mọi khiêu khích tiếp theo.

Cuối tháng 3.2010, tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc phát nổ và đắm trong tình huống bí ẩn với hơn 40 thủy binh thiệt mạng.

Seoul cáo buộc Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu này và cùng Mỹ tiến hành cuộc tập trận hải quân lớn tại khu vực tranh chấp.

Tháng 8.2010, pháo binh Bắc Triều Tiên nã gần 110 trái đạn vào vùng biển gần Yeonpyeong.

Mỹ, quốc gia đang duy trì tại Hàn Quốc 28.000 lính, đã lên án vụ tấn công và khẳng định sẵn sàng ủng hộ Seoul nếu bùng nổ xung đột quy mô lớn.

Các nhà quan sát cho rằng, các hành động tương tự là công cụ ưa thích của Bắc Triều Tiên để buộc cộng đồng quốc tế viện trợ hay nhượng bộ, hoặc để giải quyết các vấn đề nội bộ.

Tuy vậy, 3 năm gần đây, sau khi Lee Myung-bak lên cầm quyền, chiến thuật này đã mất tác dụng.

Seoul giữ lập trường rất cứng rắn với CHDCND Triều Tiên, chấm dứt viện trợ và mới đây còn nêu vấn đề đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật Mỹ trở lại Hàn Quốc.

Quân lực CHDCND Triều Tiên Quân lực Hàn Quốc
Tổng quân số:
Hơn 1.100.000 người.
Tổng quân số:
Gần 690.000 người.
Biên chế:
Lục quân (950.000 người), Không quân (hơn 100.000 người), Hải quân (46.000 người), Lực lượng đặc nhiệm (không quá 122.000 người).
Biên chế:
Lục quân (560.000 người), Không quân (gần 62.000 người), Hải quân (67.000 người).

Vũ khí:
Hơn 4.000 xe tăng, hơn 2.500 xe bọc thép chở quân, hơn 10.400 khẩu pháo, hơn 2.500 hệ thống rocket phóng loạt, gần 2.000 hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển, 34 hệ thống tên lửa chiến thuật, 30 hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật, 11.000 khẩu pháo phòng không, gần 10.000 hệ thống tên lửa phòng không vác vai, khoảng 1.600 máy bay và trực thăng (hơn 800 máy bay chiến đấu), 25 tàu chiến, gần 280 xuồng chiến đấu, 203 xuồng đổ bộ, hơn 100 tàu ngầm. Dự đoán, CHDCND Triều Tiên có từ 10-12 đơn vị vũ khí hạt nhân và các tên lửa mang vũ khí hạt nhân.

Vũ khí:
Gần 2.100 xe tăng, hơn 1600 xe bọc thép chiến đấu, gần 13.000 khẩu pháo và hệ thống rocket phóng loạt, 24 hệ thống tên lửa chiến thuật, hơn 30 hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật, hơn 12.000 vũ khí chống tăng, gần 10.000 vũ khí phòng không, hơn 550 trực thăng chiến đấu, 600 máy bay chiến đấu, gần 200 máy bay hỗ trợ, hơn 50 tàu chiến, 100 xuồng chiến đấu, hơn 40 tàu, xuồng hỗ trợ, đến 20 tàu ngầm mini.




  •  Nguồn: ĐV, 23.11.10; NG, 24.11.10.

Print Print E-mail Print