Vietnamdefence.com

 

Hải quân Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay vào năm 2012

VietnamDefence - Trung Quốc đang ráo riết cải tạo tàu sân bay cũ của Liên Xô Varyag có mặt tại xưởng đóng tàu Đại Liên từ tháng 4.2009.

Tàu sân bay Varyag (megalife.com.ua)

Theo đánh giá của Hải quân Mỹ, tàu này với tên mới là Thi Lang có thể được bắt đầu thử nghiệm vào năm 2012. Phần thượng tầng của tàu sân bay được phục hồi để bố trí radar mạng pha do Trung Quốc sản xuất. Rada này hiện chưa được lắp ráp hoàn chỉnh.

Một trong những quyết định bất ngờ là trang bị cho Varyag hệ thống phòng không tầm gần mới Phi báo FL-3000N (Flying Leopard 3000 Naval). Các nguồn internet Trung Quốc mới đây đã đăng tải hình ảnh một bệ phóng mới trang bị 24 tên lửa được bố trí ở phần nhô ra phía trước của boong tàu, Jane’s Navy International cho hay.

FL-3000N được coi là át chủ bài phòng thủ tên lửa của hải quân Trung Quốc

Bệ phóng tên lửa RAM RIM-166 của Mỹ-Đức

Bệ phóng tên lửa RAM RIM-166 của Mỹ-Đức

Lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm Airshow China 2008, FL-3000N trông giống hệ thống tên lửa phòng không sử dụng tên lửa RIM-116 RAM (Rolling Airframe Missile) ổn định bằng chuyển động quay do Raytheon (Mỹ) và Diehl BGT Defence (Đức) phát triển.

Tên lửa của FL-3000N dựa trên tên lửa không-đối-không có điều khiển TY-90 vốn dùng để trang bị cho trực thăng.

FL-3000N có tầm bắn 9 km và khác với RAM-116, nó được lắp các cánh ổn định.

So với TY-90, tên lửa có đường kính lớn hơn 1/3. Khác biệt quan trọng nhất là ở hệ dẫn.

Tên lửa FL-3000N sử dụng hệ dẫn kết hợp tự dẫn radar thụ động và tự dẫn ảnh nhiệt (RF/ImIR). Trên đầu tìm ảnh nhiệt ở đầu tên lửa có lắp 2 que - đó chính là đầu tự dẫn radar thụ động.

Hệ thống điều khiển hỏa lực của FL-3000N có thể điều khiển đồng thời  2 bệ phóng và có thể tích hợp vào các hệ thống điều khiển khác trên tàu. 
 
FL-3000N cũng có thể điều khiển trực tiếp bởi các hệ thống điều khiển hỏa lực khác trên tàu. Hệ thống thường hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp của con người, song chế độ bắn do người điều khiển cũng có thể được áp dụng khi cần.

Maket tàu sân bay của Trung Quốc đầu tiên được viện công nghệ Harbin giới thiệu năm 2003 được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm YJ-63, một hệ thống tên lửa phòng không mới với bệ phóng thẳng đứng và các hệ thống pháo 7 nòng phòng vệ tầm gần 30 mm Type-730.

Năm 2000, một công ty ở Macao đã mua lại của Ukraine tàu sân bay đóng dở Varyag (hoàn thành 76%) với giá 20 triệu USD để làm “sòng bạc nổi”. Theo các chuyên gia, khi mua tàu, Trung Quốc đã nhận được toàn bộ tài liệu thiết kế kỹ thuật của tàu sân bay này.

Varyag được Nhà máy đóng tàu Biển Đen ở Nikolayev khởi đóng vào đầu thập niên 1980. Từ tháng 1.1992, do thiếu tiền, việc đóng tàu bị đình chỉ, năm 1994, Nga từ chối tham gia đóng nốt tàu này.

Mặc dù, khi ký kết hợp đồng có nói rõ không được sử dụng tàu này làm tàu chiến, các chuyên gia quân sự Nga và phương Tây cho rằng, Varyag sẽ được sử dụng làm mẫu để đóng tàu sân bay Trung Quốc, cũng như làm tàu huấn luyện cho phi công Trung Quốc.

Varyag có lẽ sẽ được lắp 2-4 hệ thống FL-3000N. Nhưng câu hỏi liệu nó có được trang bị tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không hạng nặng hay không vẫn còn để ngỏ.

Trung Quốc ban đầu dự định đóng 2 tàu sân bay động lực thông thường dựa trên thiết kế Varyag. Ở giai đoạn tiếp theo, dự định đóng 2 tàu sân bay động lực hạt nhân có lượng giãn nước 65.000 tấn.

Trong tương lai, hải quân Trung Quốc dự tính thành lập không dưới 4 cụm tàu sân bay để triển khai ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trước năm 2020, họ dự định thành lập 2 cụm tàu sân bay.

  • Nguồn: wikipedia, Armstrade, 22.11.2010.

Print Print E-mail Print