Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc để mắt đến tên lửa phòng không tối tân S-400

VietnamDefence - Trung Quốc tiếp tục muốn mua một số loại vũ khí của Nga dù công nghiệp quốc phòng của họ có sự tiến bộ nhanh. Họ đã đề nghị Nga bán 2 loại vũ khí, trang bị tối tân nhất là: hệ thống tên lửa phòng không S-400 và động cơ tiêm kích 117S.

Sau chuyến thăm Trung Quốc tuần trước nữa của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov, đã có gói đề nghị mới của Trung Quốc về hợp tác kỹ thuật quân sự, tờ Vedomosti dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Nga thạo tin và và một người gần gũi với ban lãnh đạo hãng Rosoboronoexport. Cả hai khẳng định rằng, phía Trung Quốc đã đề nghị được mua động cơ máy bay 117S (biến thể cải tiến của động cơ AL-31F, dùng cho tiêm kích Su-35 đang được thử nghiệm) và hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất S-400.

Một loại trang bị khác mà Trung Quốc quan tâm là máy bay vận tải quân sự Il-476. Năm 2004, Nga đã ký hợp đồng cung cấp cho Trung Quốc 34 máy bay Il-76 (Il-476 là biến thể cải tiến) dự kiến sản xuất ở nhà máy TAPOiCh ở Tashkent, nhưng nhà máy này đã quá suy sụp nên hợp đồng không thể thực hiện.

Quan chức có quan hệ gần gũi với ban lãnh đạo Rosoboronoexport cho hay, Trung Quốc trong nhiều năm từ chối dù là thảo luận khả năng thay thế Il-76 bằng Il-476 mà Nga dự kiến sản xuất tại hàng Aviastar tại Ulyanovsk. Nhưng nay thì hai bên đã bắt đầu thảo luận khả năng này, mặc dù Il-476 sẽ có giá cao gấp khảng 4 lền (gần 100 triệu USD) so với Il-76 theo hợp đồng năm 2004.

Đại diện Rosoboronoexport Vyacheslav Davidenko hôm qua từ chối bình luận.

Liên quan đến động cơ 117S, phía Nga sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, các nguồn tin trao đổi với Vedomosti.



Còn liên quan đến S-400, thì Nga nói với Trung Quốc rằng, có thể xuất khẩu hệ thống này sau năm 2017 bởi vì công nghiệp Nga hiện không đủ năng lực sản xuất, và trước hết các hệ thống này dự định trang bị cho quân đội Nga.

Từ năm nay, Nga dùng nguồn tín dụng các ngân hàng nhà nước và bảo lãnh nhà nước tài trợ cho việc xây dựng 3 nhà máy mới của Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei - một cơ sở sản xuất mới của Nhà máy Obukhov tại St Petersburg và các cơ sở sản xuất mới trên cơ sở nhà máy chế tạo máy Nizhegorod ở Hạ Novgorod và nhà máy Avitek ở Kirov.

Theo nguồn tin ở Bộ Quốc phòng, phía Nga nói với Trung Quốc rằng, nếu các kế hoạch được thực hiện sớm hơn, thì đề nghị mua S-400 của Trung Quốc có thể được xem xét trước năm 2017. Còn việc bán Il-476 có vẻ thực tiễn hơn - năm sau dự định lắp ráp mẫu thử nghiệm máy bay này, có thể bắt đầu sản xuất loạt sau 3-4 năm nữa, và Trung Quốc được xem là một trong những khách hàng đầu tiên.



Trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000. Trung Quốc là khách hàng chính mua vũ khí Nga, Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” Dmitri Vasiliev cho biết, song sau đó, sự tiến bộ của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã dẫn tới sự cắt giảm mua sắm từ Nga. Nếu năm 2004, Trung Quốc chiếm 43% toàn bộ kim ngạch xuất khẩu quốc phòng Nga, năm 2005 - 53%, thì năm 2006 là 22%, năm 2007 - 18%, năm 2008 - 16%, còn năm 2009 chỉ còn 12%.

Một trong những điểm bước ngoặt là việc Trung Quốc năm 2004 từ chối phần hợp đồng sản xuất 95 tiêm kích Su-27SK (trước đó, Trung Quốc đã lắp ráp 105 máy bay), thay vào đó, Trung Quốc tiến hành sản xuất trái phép Su-27 với tên gọi J-11. Nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn không thể chế tạo được mẫu động cơ có độ tin cậy nhất định, nên có thể vì thế mà họ xin mua động cơ 117S, một kỹ sư công nghiệp hàng không nói.

Chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Ruslan Aliev cho rằng, có nguy cơ các mẫu vũ khí trang bị tối tân nhất của Nga người Trung Quốc sẽ chỉ mua ở số lượng rất ít chỉ để sao chép những gì họ chưa tìm cách sao chép được.

  • Nguồn: Vedomosti, 23.11.2010, 221 (2739).

Print Print E-mail Print