Vietnamdefence.com

 

Đài Loan mua tàu ngầm Nga?

VietnamDefence - Thêm một trò Nga nắn gân, hù dọa, đánh đòn gió anh Tàu. Đoàn đại biểu quân đội Đài Loan trong tháng 10.2010 đã thăm Moskva nhằm thăm dò khả năng mua sắm tàu ngầm của Nga, hãng Altair đưa tin dẫn nguồn tạp chí Đài Loan Next.

Tàu ngầm Đài Loan (military.cz)

Các nguồn tin chính thức không xác nhận thông tin này vốn do các nguồn ẩn danh cung cấp.

Hiện nay, trong trang bị của hải quân Đài Loan có 4 tàu ngầm diesel-điện lỗi thời. Trong đó có 2 tàu ngầm cũ của Hải quân Mỹ thuộc lớp Guppy II Hai Shih và Hai Bao được chế tạo thời những năm 1944-1950, tiếp nhận năm 1973 và chỉ có thể dùng để huấn luyện.

Các tàu ngầm lớp Hải Long (Hai Lung, vốn là lớp Zwaardvis cải tiến của Hà Lan) lượng giãn nước 2.660 tấn hiện đại hơn là Hải Long 793 và Hải Hồ (Hai Hu) 794 mua của Hà Lan năm 1987-1988 không thể bảo vệ hiệu quả biên giới trên biển của hòn đảo này. Vũ khí của các tàu ngầm Hải Long gồm 6 ống phóng lôi 533 mm.

Tính năng kỹ-chiến thuật của tàu ngầm Hải Long:
Lượng
giãn nước: 2.376 tấn khi nổi, 2.660 khi lặn.

Kích thước: 66,9x8,4x6,7 m

Tốc độ: 12 hải lý/h khi chạy nổi và 20 hải lý/h khi chạy ngầm

Tầm hoạt động: 10.000 hải lý khi chạy nổi 9 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 67 người (8 sĩ quan)

Độ sâu lặn: 200 m

Vũ khí: 20 ngư lôi; 6 ống phóng lôii 533 mm

Bộ Quốc phòng Đài Loan trong một thời gian dài đã cố gắng mua các tàu ngầm mới thông qua Mỹ. Năm 2001, trong gói vũ khí Mỹ trị giá từ 3-6 tỷ USD mà chính quyền Bush đề nghị bán cho Đài Loan có 8 tàu ngầm thông thường. Mặc dù, chính quyền Mỹ chưa chính thức từ chối cung cấp tàu ngầm, nhưng thực tế họ không thể thực hiện dự án này. Hạm đội tàu ngầm Mỹ gồm toàn tàu ngầm nguyên tử. Mỹ đã không thiết kế và đóng tàu ngầm diesel từ thập niên 1950. Ngoài ra, gần đây, Mỹ rất thận trọng với việc bán vũ khí thuộc loại tiến công cho Đài Loan.

Các nhà sản xuất châu Âu không tính chuyện bán tàu ngầm của mình cho Đài Loan vì sợ gây rắc rối quan hệ với Trung Quốc.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã công bố kế hoạch bắt đầu phát triển thiết kế tàu ngầm diesel-điện của mình, song một chương trình như vậy cần những khoản đầu tư lớn và các chuyên gia được đào tạo.

Theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), rất khó để đánh giá khách quan thông tin về việc Đài Loan đàm phán mua tàu ngầm Nga. Một mặt, việc Nga bán cho Đài Bắc vũ khí hay chuyển giao công nghệ quốc phòng có thể gây rắc rối to cho quan hệ với Trung Quốc hoặc đóng kín thị trường vũ khí Trung Quốc đối với công nghiệp quốc phòng Nga. Mặt khác, việc mở ra hợp tác kỹ thuật quân sự với Đài Loan trong tương lai có thể cho phép Nga xâm nhập thị trường vũ khí nhiều tỷ USD bị Mỹ độc chiếm này.

Khả năng bán tàu ngầm Nga cho Đài Loan dù chỉ là giả định hiển nhiên là một yếu tố gây áp lực với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc kinh giảm lượng vũ khí mua của Nga, sao chép trái phép các mẫu vũ khí Nga và bán các vũ khí được chế tạo dựa trên thiết kế của Nga.

  • Nguồn: Armstrade, 10.12.2010.

Print Print E-mail Print