Vietnamdefence.com

 

Ấn Độ mua trang bị radar mới cho Su-30MKI và mua 10 C-17 Globemaster III

VietnamDefence - Không quân Ấn Độ (IAF) dự định trang bị radar mạng pha chủ động Zhuk-AE của công ty Nga Fazotron cho các tiêm kích Su-30MKI, Aviation Week cho hay.

Su-30MKI (AFP)

Dự đoán, các radar mới sẽ được lắp cho các máy bay của Ấn Độ từ năm 2012, khi chương trình nâng cấp quy mô lớn Su-30MKI bắt đầu.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony, việc hiện đại hóa Su-30MKI sẽ do hãng HAL (Ấn Độ) và Irkut (Nga) hợp tác tiến hành từ năm 2012. Nhiều khả năng cùng với việc lắp radar mới, hệ thống đạo hàng và động cơ của máy bay cũng sẽ được nâng cấp.

Dự kiến vào năm 2018, IAF sẽ có gần 300 Su-30MKI 

Công nghệ radar mạng pha chủ động có hiệu suất và độ tin cậy cao hơn so với radar với an ten quét cơ khí.

Ấn Độ cũng thể hiện rõ rằng, trình độ công nghệ radar mạng pha chủ động sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc xác định loại máy bay thắng thầu trong cuộc thầu MMRCA.

Hiện 6 loại tiêm kích tham gia cuộc thầu này chí có F-16IN và F/A-18E/F của Mỹ được trang bị radar mạng pha chủ động tương ứng là APG-80 và APG-78. 4 loại máy bay còn lại chỉ đang chứng minh khả năng trang bị radar loại này.

Theo Aviation Week, giới quân sự Ấn Độ đã được giới thiệu khả năng của loại radar Nga trong quá trình thử nghiệm tiêm kích MiG-35 trong khuôn khổ cuộc thầu MMRCA cung cấp 126 máy bay chiến đấu cho IAF.

Trong khi thử nghiệm vào tháng 4.2010, MiG-35 của Nga trang bị biến thể “rút gọn” (mẫu chế thử) của Zhuk-AE, có anten kích thước nhỏ hơn so với biến thể radar sản xuất loạt. Các máy bay MiG-35 sản xuất loạt lắp sẽ lắp radar hoàn chỉnh.

Ngoài ra, Zhuk-AE cũng sẽ được lắp cho các tiêm kích thế hệ 5 FGFA mà Ấn Độ sẽ cùng Nga phát triển dựa trên máy bay Nga Т-50.

Hiện nay, các máy bay Su-30MKI sử dụng radar mạng pha thụ động N011М, có khả năng bám đồng thời 15 mục tiêu bay và bắn đến 4 mục tiêu trong số đó. N011М có hạn chế về xử lý dữ liệu và đòi hỏi khối lượng bảo dưỡng kỹ thuật nhiều hơn. Radar có thể phát hiện mục tiêu dạng máy bay tiêm kích ở cự ly đến 140 km.

Còn Zhuk-AE hoạt động ở băng Х, có khả năng bám đồng thời 30 mục tiêu bay và bắn đến 8 mục tiêu (có nguồn nói 6) trong số đó. Zhuk-AE thể phát hiện mục tiêu dạng máy bay tiêm kích ở cự ly 200 km. 

Máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster III

Ấn Độ cũng tiến gần đến việc ký kết với Mỹ hợp đồng mua 10 máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III, trị giá 4,4 tỷ USD, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Trung Á Robert Blake cho hay.

Theo ông R. Blake, hợp đồng sẽ cho phép duy trì gần 30.000 chỗ làm ở Mỹ. Hợp đồng này có ý nghĩa đặc biệt đối với Nam California vì việc lắp ráp máy bay được thực hiện tại nhà máy của Boeing ở Long Beach.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự tính mua C-17 để thay thế 17 chiếc Il-76MD hiện có. Máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III có khả năng chở đến 75 tấn hoặc 135 binh sĩ.

Cơ quan hợp tác quốc phòng và an ninh DSCA của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 234.2010 đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về kế hoạch bán cho Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình “Bán hàng quân sự cho nước ngoài” 10 chiếc C-17 Globemaster III, cũng như thiết bị, phụ tùng và bảo đảm vật tư-kỹ thuật có liên quan tổng trị giá 5,8 tỷ USD.

Hiện hai bên đàm phán để xác định rõ trang thiết bị cung cấp và giá cả cuối cùng cho các máy bay. Theo Boeing, những chiếc C-17 đầu tiên có thể chuyển giao cho IAF 24 tháng sau khi ký hợp đồng.
Báo chí Ấn Độ đưa tin, IAF đang xem xét khả năng tăng số lượng C-17 mua lên đến 16 chiếc.

Trước đó, Ấn Độ đã ký với công ty Lockheed Martin (Mỹ) hợp đồng mua 6 máy bay C-130J Super Huerrules cho lực lượng đặc nhiệm; năm 2009 ký hợp đồng với Boeing mua 8 máy bay tuần biển P-8I Poseidon trị giá gần 2,1 tỷ USD (năm 2009).

Máy bay vận tải An-32 của Không quân Ấn Độ

Một thông tin liên quan khác, tờ The Hindustan Times đưa tin, đến cuối tháng 10, IAF sẽ nhận được 2 chiếc máy bay vận tải An-32 cải tiến tại Ukraine đầu tiên trong khuôn khổ hợp đồng trị giá gần 600 triệu USD.

Hợp đồng hiện đại hóa An-32 là hợp đồng lớn nhất được ký giữa Ấn Độ và Ukranie cho đến nay.

Theo hợp đồng được ký tháng 6.2009, hãng GP Antonov cùng với GP Nhà máy số 410 và công ty OAO Motor Sich sẽ tiến hành tront 5 năm việc đại tu, tăng hạn và trang bị lại cho 105 chiếc An-32 của IAF. Trong đó, 40 chiếc đầu tiên sẽ được nâng cấp tại Ukraine, 65 chiếc còn lại tại Nhà máy BRD-1 của IAF ở Kanpur.

5 chiếc An-32 đầu tiên đã được chuyển sang Ukraine vào tháng 3.2010 để nâng cấp, 5 chiếc khác - vào tháng 6. Việc hiện đại hóa chiếc máy bay thứ nhất hoàn thành vào tháng 7, chiếc thứ hai vào tháng 9.2010.

Theo yêu cầu của IAF, các máy bay được trang bị thiết bị hiện đại do Ukraine và nước ngoài sản xuất, trong đó có radar mới, ghế cho phi hành đoàn, thiết bị oxy, hệ thống cảnh báo va chạm trên không, hệ thống cảnh báo va chạm với mặt đất, thiết bị đạo hàng vệ tinh...

Theo Tổng giám đốc GP Antonov Dmitry Kiva, hiện tại khối lượng thị trường máy bay mới An-32 là 45 chiếc. Đến cuối năm 2015, dự định sản xuất không dưới 7 chiếc An-32 mới, trong đó 3 chiếc vào năm 2010, 3 chiếc - 2011, và 1 chiếc - 2012.

Năm nay, đã sản xuất 1 chiếc An-32, 2 chiếc khác sẽ hoàn thành lắp ráp theo kế hoạch trước cuối năm. Các máy bay này sẽ được cung cấp cho Không quân Iraq. Trong khuôn khổ hợp đồng ký năm 2009, trị giá hơn 550 triệu USD, Bộ Quốc phòng Iraq trong vòng 3-3,5 năm sẽ nhận được hơn 400 đơn vị xe thiết giáp và 6 An-32.

  • Nguồn: bharat-rakshak.com; MP 10.10.10; Armstade, 5.3, 11.10.10; Lenta, 11.10.10.

Print Print E-mail Print