Vietnamdefence.com

 

Lầu Năm góc mua 124 F/A-18E/F, EA-18G và 30 F-35

VietnamDefence - Công ty Boeing đã nhận được hợp đồng sản xuất 124 máy bay tiêm kích Super Hornet trị giá gần 5,3 tỷ USD, AFP đưa tin.

Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler (Hải quân Mỹ)

Số máy bay này được mua cho Hải quân Mỹ và sẽ chuyển giao vào năm 2012-2015.

Theo hợp đồng này, Boeing sẽ cung cấp 66 chiếc F/A-18E/F Super Hornet (46 chiếc F/A-18E một chỗ ngồi, 20 F/A-18F hai chỗ ngồi) và 58 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, một biến thể của Super Hornet.

Trước đây Boeing nhiều lần đề xuất Lầu Năm góc mua các máy bay này song bị từ chối và phải đến tháng 3.2010, Bộ Quốc phòng Mỹ mới tỏ ý muốn mua Super Hornet cho Hải quân Mỹ.

Tháng 5.2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng ý ký kết hợp đồng dài hạn cung cấp 124 máy bay, trị giá ước tính 5,297 tỷ USD, nâng tổng số máy bay F/A-18E/F Super Hornet đặt mua lên 515 chiếc, EA-18G Growler lên 114 chiếc.

Hợp đồng có hiệu lực 4 năm (tài khóa 2010-2013) và sẽ thay thế các hợp đồng ký hằng năm. Hình thức mua bán này sẽ cho phép tiết kiệm gần 600 triệu USD ngân sách. Các máy bay cuối cùng của hợp đồng sẽ được chuyển giao vào năm 2015.

Chiếc Super Hornet sản xuất loạt đầu tiên được chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào năm 1998 và được nhận vào trang bị vào tháng 11.1999. Theo các kế hoạch công bố năm 1999, đến năm 2014, Hải quân Mỹ dự định mua 548 F/A-18E/F.

Boeing đã chuyển giao cho Hải quân Mỹ 211 Super Hornet theo hợp đồng đầu tiên (2000-2004). Công ty hiện đang sản xuất F/A-18E/F Super Hornet cho hợp đồng thứ hai ký tháng 12.2003, trị giá 8,5 tỷ USD, cung cấp 257 máy bay cho đến năm 2011. Hải quân Mỹ đến nay đã nhận được 427 Super Hornet, trong đó có 237 F/A-18F và 190 F/A-18E.

Khách hàng nước ngoài duy nhất mua Super Hornet hiện nay là Không quân Australia với hợp đồng mua 24 chiếc, ký tháng 3.2007. Họ đã nhận được 13 chiếc.

Số lượng F/A-18E/F Super Hornet sản xuất ra có thể tăng nếu Boeing thắng các cuộc thầu cung cấp máy bay cho Ấn Độ, Nhật Bản, Hy Lạp, Đan Mạch, Kuwait và Canada mà họ đang tham gia.

Ngày 23.9.2010, hãng Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký với Lockheed Martin hợp đồng sản xuất lô thứ tư tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II sản xuất loạt nhỏ (LRIP 4) trị giá gần 5 tỷ USD.

Theo hợp đồng này, Lockheed Martin sẽ cung cấp 30 máy bay F-35 cho Không quân Mỹ và 1 F-35 cho Anh, ngoài ra cũng dự kiến hợp đồng bổ sung sản xuất thêm 1 chiếc cho Hà Lan.  Hợp đồng bao gồm cả cung cấp dịch vụ bảo dưỡng kỹ thuật cho các máy bay này và mua sắm trang thiết bị cần thiết để sản xuất F-35

F-35A Lightning II (jsf.mil)

Theo Bloomberg, đây là hợp đồng khác thường đối với Lockheed Martin và Lầu Năm góc vì nó được ký với điều kiện định giá cố định. Điều đó có nghĩa là Lockheed Martin phải tự gánh chịu thiệt hại do giá thành sản xuất máy bay tăng và các chi phí phát sinh khác.

Thông thường,c ác công ty Mỹ ký hợp đồng với quân đội với điều kiện “giá+” quy định mức đền bù chi phí sản xuất phát sinh.

Theo hợp đồng này, Lockheed Martin sẽ cung cấp cả 3 biến thể hiện có của F-35 là F-35A (cất cánh bình thường), F-35B (cất cánh đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng) và F-35C (triển khai trên hạm).

Chưa rõ các khách hàng nào nhận cụ thể biến thể máy bay nào, song chắc chắn Anh sẽ nhận được 1 F-35B. Sau khi ký kết hợp đồng này, tổng đơn đặt hàng F-35 sản xuất loạt nhỏ đã tăng lên đến 63 chiếc.

Đơn giá F-35 LRIP 4 không được tiết lộ. Theo đại diện Lầu Năm góc Cheryl Irwin, Bộ Quốc phòng Mỹ mua các máy bay này thấp hơn giá ước tính (113 triệu USD) được công bố tháng 3.2010. Như vậy, Bộ Quốc phòng sẽ phải chi dưới 3,3 tỷ USD cho 30 máy bay.

Thuật ngữ LRIP (Low-Rate Initital Production) của Mỹ có nghĩa là sản xuất loạt nhỏ ban đầu một loại vũ khí, trang bị cho khách hàng chính. Với F-35, khách hàng chính là Không quân Mỹ (USAF). Việc bắt đầu LRIP không có nghĩa là hoàn thành chương trình phát triển vũ khí trang bị đó. Tất cả các máy bay F-35 thuộc dạng LRIP sẽ được USAF sử dụng để thử nghiệm bổ sung, kể cả thử nghiệm sử dụng chiến đấu.

Chương trình chế tạo F-35 là dự án vũ khí tốn kém nhất của Mỹ. Từ năm 2002, chi phí chương trình đã tăng 65% lên đến 382,4 tỷ USD. Tuy vậy, việc chế tạo máy bay vẫn chậm tiến độ 4 năm so với dự định. Bộ Quốc phòng Mỹ dự định yêu cầu Lockheed Martin bồi thường 614 triệu USD do chậm tiến độ.

Dự kiến, những chiếc F-35 sản xuất loạt đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2016. Lầu Năm góc dự định mua 2.473 F-35, còn các khách hàng quốc tế sẽ mua gần 700 máy bay.

  • Nguồn: Lenta, 23, 29.9.2010; Armstrade, 4.10.2010.

Print Print E-mail Print