Vietnamdefence.com

 

Indonesia dự định mua ồ ạt máy bay và trực thăng trong 5 năm tới

VietnamDefence - Trong 5 năm tới, Bộ Quốc phòng Indonesia dự định chi 150.000 tỷ rupee (16,6 tỷ USD) để mua máy bay và trực thăng cho Không quân và Lục quân nước này, Flight Global đưa tin.

Tiêm kích F-16B của Không quân Indonesia (irwan.net) 

Trước hết, Indonesia muốn mua các tiêm kích, máy bay vận tải và trực thăng tìm cứu, sau đó là khởi động một số chương trình hiện đại hóa máy bay hiện có như Su-27SK, Su-30МК, F-5E Tiger II và F-16A/B Fighting Falcon.

Theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí quốc tế TsAMTO (Nga) thì quá trình thực hiện các hoạt động mua sắm quốc phòng của Indonesia cho thấy, không phải tất cả các dự án đều đến được giai đoạn thực hiện. Song hiện nay, Indonesia có khả năng thực hiện một phần trong số đó.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2011 sẽ là 6,2% GDP. Sau đó, GDP tăng dần và sẽ đạt 7% vào năm 2015. Tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới cho phép tăng chi tiêu quốc phòng. Ngân sách quân sự của Indonesia năm 2011 được xác định ở mức 45,2 ngàn tỷ rupee (5 tỷ USD). Xét đến các tham số tăng trưởng kinh tế dự báo thì ngân sách quân sự của nước này vào năm 2015 có thể là 6 tỷ USD.

Tổng kinh phí dự kiến cho Bộ Quốc phòng Indonesia giai đoạn 2011-2015 ước tính 27,5 tỷ USD. Lượng kinh phí tối đa có thể chi để mua sắm vũ khí sẽ là không quá 30%, tức là chỉ gần 8,25 tỷ USD.
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Indonesia, trong khoản tiền 16,6 tỷ USD nêu trên, 2/3 dự kiến chi từ ngân sách nhà nước, tức là gần 11 tỷ USD, khoản tiền còn lại, tức 5,6 tỷ USD sẽ nhận dưới dạng tín dụng.

Các số liệu trên cho thấy, tổng lượng kinh phí thực tế có thể huy động từ ngân sách nhà nước ít hơn 2,75 tỷ USD so với tổng giá trị mua sắm máy bay và trực thăngh được nêu ra. Hơn nữa, khoản tiền 8,25 tỷ USD mà Bộ Quốc phòng Indonesia có thể chi cho mua sắm và hiện đại hóa vũ khí giai đoạn 2011-2015 sẽ không chỉ chi cho mua sắm máy bay và trực thăng. Việc mua sắm sẽ tiến hành với tất cả các loại vũ khí khác.

Nếu như dự đoán ưu tiên sẽ dành cho việc hiện đại hóa lực lượng máy bay thì chi phí cho phân khúc máy bay quân sự sẽ chiếm gần 2/3 tỷ trọng tổng chi phí mua sắm vũ khí, tức là nhiều nhất là 5,4 tỷ USD. Thực tế còn số này sẽ không quá 5 tỷ USD. Đó là tất cả những gì mà ngân sách nhà nước của Bộ Quốc phòng có thể chi cho mua sắm máy bay quân sự trong giai đoạn 2011-2015.

Con số mua sắm vũ khí bằng nguồn tín dụng huy động gần 5,6 tỷ USD cũng bị phóng đại. Lượng tín dụng có vẻ thực tế hơn là gần 2,5-3 tỷ USD. Xét đến các ưu tiên, có thể dự đoán rằng, 2/3 số tiền này có thể chi cho mua sắm máy bay, tức là gần 2 tỷ USD.

Theo đánh giá của TsAMTO, tổng kinh phí tối đa ở kịch bản lý tưởng nhất mà Indonesia có thể chi cho mua sắm máy bay quân sự giai đoạn 2011-2015 sẽ là không quá 7 tỷ USD. Bởi vậy, lượng kinh phí mua sắm máy bay quân sự 16,6 tỷ USD nêu ra có thể được chi trong vòng 12-15 năm.

Vì thế, có vẻ hiện thực hơn là các kế hoạch mà Bộ Quốc phòng Indonesia công bố trước đó về việc mua cho không quân nước này đến 180 tiêm kích Sukhoi trong vòng 15 năm để thành lập 10 phi đội. Ước tính riêng chương trình này cũng đòi hỏi gần 8 tỷ USD.

Trước đó được biết, Indonesia và hãng Eurocopter đã ký hiệp định thành lập liên doanh sản xuất trực thăng vận tải AS332 Super Puma Mk.II tại Indonesia.

Ngoài ra, trong khuôn khổ biên bản ký tháng 7.2010, Indonesia dự định trong 10 năm tới mua gần 50 máy bay chiến đấu Hàn Quốc KF-X thế hệ 4++. Indonesia đã đồng ý chịu 20% của tổng chi phí phát triển máy bay này ước tính 5 ngàn tỷ Won (4,1 tỷ USD), tức là 820 triệu USD. 60% chi phí do Hàn Quốc chịu, 20% còn lại huy động từ các công ty tư nhân. Chi phí để mua 50 tiêm kích theo chương trình này có thể ước tính là 2,2 tỷ USD, nghĩa là tổng cộng gần 3 tỷ USD.

Indonesia còn tiết lộ các kế hoạch quy mô hiện đại hóa đội tiêm kích hiện có, trong đó có 2 Su-27SK và 2 Su-30МК được cung cấp năm 2003, cũng như số máy bay F-5E Tiger và F-16A/B Fighting Falcon.
Trước đó, Indonesia công bố ý định mua các máy bay huấn luyện, máy bay vận tải, máy bay tuần biển mới và một số lượng lớn trực thăng các loại.

Tóm lại, căn cứ khả năng tài chính của Indonesia, để có tiền chi cho tất cả các chương trình này cần ít nhất 15 năm.

Trong một động thái khác, Hải quân Indonesia sẽ mua 3 máy bay tuần biển CN-235 của hãng Airbus Military trị giá 80 triệu USD, Jane’s Defence Weekly cho hay.

Các máy bay này sẽ được công ty quốc doanh PT Dirgantara Indonesia sản xuất theo giấy phép bằng nguồn tín dụng do nhà băng Bank Rakyat Indonesia cấp và sẽ được chuyển giao vào năm 2012 như dự định. Một máy bay sẽ được triển khai ở đảo Sumatra, 2 chiếc còn lại - ở miền Đông Indonesia.
Theo yêu cầu của Hải quân Indonesia, CN-235 dự định được trang bị hệ thống sensor phát hiện tàu ngầm.

Hải quân Indonesia có kế hoạch trong 2 năm tới mua trong khuôn khổ “Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2010-2014” thêm 3 máy bay CN-235, thời hạn chuyển giao là năm 2014. Hiện nay, họ sử dụng gần 20 máy bay Nomad và 7 NC-212-200 làm nhiệm vụ tuần biển.

  • Nguồn: Armstrade, Lenta, 8.10.10.

Print Print E-mail Print