Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Chiến dịch Gold

VietnamDefence - Những chiến công lẫy lừng của điệp viên Xô-viết huyền thoại George Blake.

Tên tuổi của con người mà chúng ta sẽ nói đến ở đây đã ba lần xuất hiện trên những trang đầu của những tờ báo lớn nhất thế giới.

Cụ George Blake ở tuổi 90 tại nhà nghỉ của mình ở Kratovo, tháng 10.2012

Năm 1961, khi phản gián Anh bắt giữ anh, báo chí đã khẳng định anh đã làm bại lộ “toàn bộ mạng lưới gián điệp Anh hoạt động trên lãnh thổ các nước Đông Âu”. Sau bảy năm, cuộc vượt ngục của Blake từ nhà tù Warmwood-Scrabs ở London đã trở thành một tin động trời. Ba năm sau, lại xuất hiện dòng chữ rầm rĩ “Blake ở Moskva” trên trang đầu các báo. Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô trao tặng ông, nhà tình báo Xôviết lỗi lạc, Huân chương Lenin.

Còn có loạt bài của báo chí viết về điệp vụ  Chiến dịch Gold (Vàng) nổi tiếng, một trong những điệp vụ quy mô nhất của các cơ quan đặc vụ phương Tây mà Blake đã phát giác. Nhưng khi đó tên ông còn bị cấm nêu ra.

***

Ngày 6 tháng 6 năm 1940, chủ tịch Hội đồng quốc phòng hoàng gia Ismey đã nhận lệnh của thủ tướng Churchill báo cáo về kết quả xây dựng lưới điệp báo trên vùng bờ biển Pháp, ở Hà Lan, Đan Mạch và Nauy.

Một lần nữa lại thành lập một cơ quan hoàn toàn độc lập. Như dự tính, tổ chức này phải độc lập với các tổ chức hiện hữu, không có quan hệ gì với Cục Tình báo Anh SIS (Secret Intelligence Service), với Bộ Chiến tranh hay với các đơn vị tình báo của nó.

Những yêu cầu đặt ra với CSO là rất cao. Không một ai dù đó là học viên đã tốt nghiệp học viện quân sự, hay quan chức nho nhã đang giết thời gian trong các câu lạc bộ quý tộc, hoặc sinh viên trình độ cao của các trường đại học tổng hợp Cambridge và Oxford, qua được giai đoạn tuyển chọn khắt khe.

Cơ quan mới được thành lập để thực hiện những nhiệm vụ mới, khó khăn chưa từng có, đòi hỏi phải có những con người hoàn toàn khác, những con người dũng cảm, nhưng không mê cờ bạc, nghiêm khắc nhưng không tàn nhẫn. Cơ quan này cũng cần những người căm thù sâu sắc chủ nghĩa phát xít. Thích hợp nhất là những người chạy nạn từ lục địa châu Âu. Từ khi bắt đầu chiến tranh, dòng thác những người như vậy đã tràn ngập nước Anh. Trong số họ có người Czech, Slovak, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Nauy, những người thuộc đủ lứa tuổi và trình độ học vấn. Họ chạy khỏi đất nước mình theo những con đường khó khăn và nguy hiểm, băng qua những quốc gia trung lập, mạo hiểm vượt biên bất hợp pháp. Chính con đường chạy nạn ấy cũng đã thử thách họ và kiểm nghiệm khả năng làm việc cho CSO của họ.

Tham gia CSO có hầu hết đại diện các nước bị chiếm đóng ở châu Âu. Lãnh đạo Phòng Hà Lan là đại uý De Brun, một người cao và ít nói. Cách cư xử, nói năng, phong cách của ông thoạt nhìn đã cho thấy tác phong nhà binh chuyên nghiệp.

Tháng 2 năm 1941, trên bàn của đại uý De Brun có hồ sơ riêng của George Behar. De Brun đọc đi, đọc lại những mẩu thông tin đứt đoạn.

Họ tên: George Behar, sinh ngày 22 tháng 11 năm 1922 ở Rotterdam.

Nghề nghiệp: Sinh viên khoa Triết.

Cha: Đại uý quân đội Anh Albert Behar, trong thời gian Thế chiến I là nhân viên phòng tình báo thuộc bộ tham mưu của Thống chế Haige. Vì lòng dũng cảm, đã được tặng thươngHuân chương Đế chế Anh và Huân chương Lê dương Danh dự của Pháp. Chết năm 1935.

Mẹ: Catherine, nguyên quán ở Badervellen. Nơi thường trú gần đây nhất: Rotterdam, Maastraat, 4. Từ năm 1940 - sống tại Anh.

Quá trình hoạt động:
Tháng 6 năm 1940, bị Gestapo bắt chúng tiến hành truy lùng các công dân nước ngoài. Bị đưa vào trại tập trung Scherl.

Tháng 7 năm 1940, chạy trốn khỏi trại tập trung, trốn tại khu dân cư Warveld ở nhà người chú, sau đó tại nhà máy xay Emper. Tại đây, đã thành lập tổ chức thanh niên kháng chiến.

Tháng 10 năm 1940, đã móc nối quan hệ với tổ chức bí mật ở Limburg. Đã tham gia vào các hoạt động phá hoại ở địa phương.

Đánh giá các phẩm chất cá nhân:
Khá thông minh, có trách nhiệm. Dũng cảm trong chiến đấu, có tài tổ chức, có khiếu hoạt động bí mật. Cách cư xử tốt và uy tín thiên bẩm. Đã được thử thách trong hoạt động bí mật, đáng tin cậy. Là chiến sĩ chống phát xít kiên định.

Nhận xét của tổ trưởng điệp báo:
Rất giỏi tiếng Đức, Anh, Pháp và Hà Lan. Đã được thử thách trong chiến đấu, dũng cảm, kiên cường. Có triển vọng sử dụng cho nhiệm vụ tình báo.

Sau khi xem xét tờ khai lý lịch, đại uý De Brun triệu tập người phó của mình và ra lệnh: “Đưa cậu này vào nhóm Ariel 1. Hãy chuyển các chỉ thị qua tổ trưởng điệp báo Chaild”. Với quyết định này, đại uý De Brun đã định sẵn số phận của chàng trai trẻ. Toàn bộ cuộc đời sau đó của George đã cống hiến cho tình báo.

***

Sau chiến tranh, quan điểm của các nước đồng minh về thiết chế quân sự của châu Âu ngày càng khác nhau.

Bài diễn văn của Churchill tại Đại học Tổng hợp Fulton báo hiệu sự mở đầu của chiến tranh lạnh, sự căng thẳng trong quan hệ với Liên Xô đã khiến George căm phẫn. Nhưng Blake giữ kín không để lộ điều đó ra ngoài, anh cố giữ kín trong lòng những quan điểm chính trị của mình.

Thời đó, các công việc nghiệp vụ thường kéo các sĩ quan Anh và Liên Xô đến với nhau. Thông qua bè bạn, Blake đã làm quen với người Liên Xô và có được một số bạn tốt. Bây giờ thì bộ chỉ huy Anh đã thiết lập chế độ nghiêm ngặt đối với việc gặp gỡ “bọn đỏ” và điều đó đã làm Blake buồn bã. Theo anh, Hồng quân đã gánh vác phần lớn gánh nặng chiến tranh, hơn nữa thì dù sao đó cũng vẫn là quân đội đồng minh. Bất chấp các quy tắc, George vẫn duy trì quan hệ với các sĩ quan Xôviết. Và chỉ bản thân anh mới hiểu được mức độ ảnh hưởng của những cuộc gặp gỡ đó, của những ngày đó đối với sự hình thành và củng cố các quan điểm của ông, điều mà ông thường nói tới trong các hồi ký của mình.
***

Cục Tình báo Anh SIS là một trong những cơ quan tình báo lâu đời nhất thế giới. Nó có nguồn gốc có lẽ là từ thời nước Anh của Cromwell. Với sự gia tăng sức mạnh của nước Anh, sự bành trướng các thuộc địa hải ngoại của nó, nhu cầu về một cơ quan tình báo có tổ chức tốt cũng tăng theo. Đế quốc đã hùng cường dựa trên bạo lực, âm mưu và bóc lột.

SIS có được bộ mặt như hiện thời vào giai đoạn giao thời thế kỷ XIX-XX. Xung quanh nó đã hình thành huyền thoại về sự hoàn thiện tuyệt đỉnh và toàn năng. Tuy vậy, sau Thế chiến II, huyền thoại ấy đã bị lu mờ đi khá nhiều.

Những bằng chứng rõ rệt nhất về hoạt động ám muội của SIS đã được Kim Philby, nhà tình báo Xôviết huyền thoại, một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của cơ quan tình báo này nêu lên. Những bằng chứng mà ông đưa ra về những hoạt động lật đổ của SIS đã làm nhiều người tỉnh ngộ. Uy tín của SIS lung lay, mối quan hệ tin cậy với CIA bị phá vỡ, các hoạt động trong liên minh Đại Tây Dương bị giảm sút. Hơn nữa, mặc dù gặp những thất bại đầy tai tiếng và những khó khăn do chúng gây ra, SIS vẫn là một cơ quan tình báo rất mạnh và dày dạn kinh nghiệm. Trong tay giới cầm quyền đế quốc hiếu chiến của nước Anh, nó là một vũ khí vô cùng nguy hiểm.

Sau khi trở về từ Triều Tiên, Blake tiếp tục phục vụ trong SIS. Trước khi sang Viễn Đông công tác, anh mới chỉ là một nhân viên vô danh tiểu tốt trong Bộ Ngoại giao Anh. Còn nay, người ta nhìn anh với tư cách một con người đã thể hiện được mình trong ngững điều kiện nguy hiểm và vô vàn khó khăn của chiến tranh, đã đại diện xứng đáng cho ngành ngoại giao Anh. Thậm chí việc bị bắt làm tù binh cũng hề làm gợn chút nghi ngờ nào đối với anh.

Người ta đã xem xét tặng thưởng Blake huân chương và chỉ vì anh không phải là cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao nên công lao của anh chỉ được ghi nhận bằng bức thư riêng của ngoại trưởng Anh.
George nghỉ phép ở nhà mẹ, tại thành phố Righet. Hàng xóm láng giềng và bạn bè đã chào đón anh nồng nhiệt tại nhà mẹ anh. George rất ngạc nhiên và sung sướng.

Anh gặp gỡ các bạn bè cũ, kết giao với những bạn mới. Tất nhiên là anh hay gặp nhất các nhà ngoại giao và các đồng nghiệp tình báo viên. Anh trở thành người không thể thay thế trong nhóm bạn bè. Đại uý Halt, lãnh sự Owen, cha cố Cooper đều không tiếc lời ngợi khen khi nói về anh. George được mời tới những gia đình danh giá nhất. “Đây là ngài Blake - các chủ nhà giới thiệu anh - con người nổi tiếng trong chiến tranh Triều Tiên”.

George được các thanh niên gần gũi với anh về quan điểm vây quanh. Họ cùng nhau nghe những buổi hoà nhạc, xem các vở kịch. George giành thời gian rảnh rỗi của mình không chỉ cho nghệ thuật. Anh chơi golf, người ta thường thấy anh trên trường đua ngựa. Trong cuộc sống nhàn nhã vô tư mà chỉ bây giờ anh mới có được, cũng có những điều thú vị như Blake thường nói đùa.

Bất cứ cán bộ chuyên nghiệp nào khác của Bộ Ngoại giao Anh với bề dày kinh nghiệm như George và ở vào độ tuổi của anh - anh 31 tuổi - cũng đã có thể được bổ nhiệm làm thư ký thứ ba. Tuy nhiên, tên anh đã biến mất khỏi danh sách nhân viên Bộ Ngoại giao Anh. Anh lại có một chức vụ mới - tại bộ máy trung ương của tình báo Anh mà không có vỏ bọc chính thức của bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Anh được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng “Các chiến dịch kỹ thuật”.
***

Tại nơi công tác mới ở bộ máy trung ương của SIS, George đã làm quen với cô gái 20 tuổi xinh đẹp Gilian Foresight Allan. Cô đã tốt nghiệp đại học và trường ngôn ngữ tư nhân ở Thuỵ Sĩ từ lâu, rất có giáo dục. Cô gái Gilian hoà nhã, khiêm tốn và tế nhị đã thu hút Blake về sự ngoan ngoãn và thông minh của mình. Không lâu sau họ kết bạn với nhau, người ta thường thấy họ bên nhau ở nhà hát, các buổi hoà nhạc, rạp chiếu phim. Gilian đã giới thiệu Blak với họ hàng. Cha cô, đại tá Allan, cũng rất quý mến Blake. Người lính già này được coi là chuyên gia về Liên Xô, ông nói rất giỏi tiếng Nga, hiểu biết văn học Nga, nghiên cứu lịch sử, hệ thống chính trị, cơ cấu điều hành nhà nước của Liên Xô.

Vị đại tá cũng thích sự quan tâm của George đối với Lien Xô, lịch sử và hiện tại của nó. Sự đam mê chung đối với cuộc sống ở Liên Xô, cùng biết tiếng Nga thường lôi cuốn họ vào những cuộc trò chuyện nghiêm túc và sâu sắc.

Bà Allan cũng thích sự mực thước của George, cách cư xử, hào hoa có tiếng của anh. Anh trở thành người khách được mong chờ của gia đình họ, cha mẹ cô Allan đều thầm mong George và Gilian sẽ thành đôi vợ chồng. Nhưng George vẫn còn do dự, anh biết cuộc đời mình còn rất chông gai và cảm thấy trọng trách nặng nề không chỉ với công việc của mình mà cả trước gia đình tương lai của mình. Anh suy nghĩ rất lâu: có nên giành cho vợ và các con một tương lai bất trắc có thể xảy đến như vậy không? Nhưng không thể trì hoãn lâu quyết định. George phải nhận nhiệm vụ mới ở Berlin. Gilian chuẩn bị được cử sang đại sứ quán Anh ở nước khác. Cả hai người đều không hình dung ra cuộc sống nếu thiếu nhau...

Mùa thu năm 1954, họ tổ chức đám cưới. Các quan chức cao cấp nhất của tình báo Anh, những người đã có dự định của mình đối với Blake, đã chào mừng cuộc hôn nhân này. Một cán bộ tình báo có triển vọng cưới một cô gái xuất thân từ một gia đình Anh đáng tin cậy, đàng hoàng và đã trở thành một người “ái quốc Anh” nồng nhiệt còn hơn cả trước đây.

Việc đi Berlin được đình hoãn và gia đình mới sống êm đềm mấy tháng trời ở Anh. Và chỉ ngày 1 tháng 4 năm 1955, Blake mới tới nơi công tác mới.
***

Blake bắt đầu hợp tác với tình báo Liên Xô từ bao giờ?

Khi trả lời câu hỏi này, cả uỷ ban điều tra và cả toà án đều nêu ra những ước đoán khác nhau. Theo một loại giả thiết, Blake chuyển cho Liên Xô những tin tình báo đầu tiên ngay sau khi tới Berlin và điều này có lẽ là không đúng. Với các mục đích tư biện, người ta cũng nêu ra một số thời điểm khác nhau. Giả thiết có lẽ đáng tin nhất khẳng định Blake liên hệ với các nhân viên tình báo Xôviết trong thời gian chiến tranh Triều Tiên.

Vào đầu những năm 1950, Berlin là một trong những “điểm nóng” trên hành tinh. Các nước đế quốc mà trước hết là Mỹ đã xem nó là một nguồn gốc gây căng thẳng quốc tế. Tây Berlin đúng là nhan nhản nhân viên tình báo của các nước phương Tây. Biên giới mở giữa các phần đông và tây của Berlin và khả năng xâm nhập tự do, không bị kiểm soát qua ranh giới đã được các trung tâm tình báo phương Tây sử dụng để liên lạc với các điệp viên của mình ở các nước XHCN và để tung điệp viên vào.
***

Nước Đức, dân tộc Đức, theo Blake, phải đền bù cho các nước đồng minh vì những tổn thất mà chiến tranh đã gây ra. Việc chiếm đóng nước thất trận, theo anh, phải dẫn đến việc thiết lập một nền hoà bình bền vững, điều đó không được phép trở thành một nguồn gốc cho việc chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới. Anh nhận thức được sự tất yếu của những thay đổi sẽ diễn ra khi giải quyết hoà bình vấn đề Đức.

Những ngày và tuần lễ đầu sau chiến tranh mà anh sống ở Hamburg giữa những người Đức đã khiến anh suy nghĩ nung nấu về vấn đề: dân tộc Đức có chịu từ bỏ những mưu đồ xâm lăng cũ của mình, các xu hướng phục thù có mạnh hay không?

Diễn biến các sự kiện ở Tây Đức đã khiến người ta lo ngại, Blake vẫn gặp những con người không cam tâm với thất bại, vẫn cố tìm nguyên nhân thất trận ở những cái khác chứ không phải là ở chủ nghĩa quốc xã.

Thực tế, thoạt nhìn, hiện thực ở Tây Đức sau chiến tranh khiến người ta không có cơ sở để cho rằng chủ nghĩa phục thù đang hồi sinh. Một số người thì nhún vai, số khác, các cựu đảng viên quốc xã, ban đầu đã lui vào bóng tối. Sự phách lối truyền thống đã biến mất khỏi các sĩ quan quân đội Đức Hitler. Nhưng họ đã cam chịu thất bại hay chưa? Đó chính là câu hỏi mà George vẫn đang tìm và chưa tìm thấy câu trả lời.

Tây Berlin đón chào anh và Gilian với sự hào nhoáng của các cửa kính nhà hàng, những đường phố ồn ào, náo nhiệt. Những dấu vết chiến tranh đã được người ta xoá vết. Ngự trị trên thành phố là chiếc mặt nạ của sự vui vẻ vô tư lự.

Blake không bị chìm sâu vào dòng thác ào ạt của những ấn tượng bề ngoài ban đầu. Anh thấy thành phố đang sống trong một không khí ngày càng căng thẳng. ấn tượng đó anh cũng đã cảm nhận được ở góc bên kia địa cầu, ở Seoul, trước khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra.

Từ đó thời điểm George lần cuối cùng ở Đức vào năm 1948, mọi sự đã thay đổi rất nhiều. Từ lãnh thổ CHLB Đức, tình báo các nước đế quốc chuyển hướng hoạt động sang chống lại CHDC Đức và các nước XHCN khác. Các cơ quan đặc vụ Mỹ, Anh, Pháp tiến hành cuộc chiến tranh bí mật có quy mô chưa từng thấy. Tích cực nhất là CIA kết hợp với cơ quan tình báo Tây Đức của tướng Rheinhard Gehlen, cựu chỉ huy Phòng Phương Đông FHO của Cục Tình báo quân sự Abwehr. Sau chiến tranh Gehlen phục vụ cho CIA. Hắn đến với những ông chủ mới không phải với tay không... mà là với hồ sơ các nhân viên và điệp viên và kho tư liệu chống Liên xô. Sau này Gehlen lãnh đạo cơ quan tình báo Tây Đức BND. Điều thú vị là Gehlen cũng như Adenauer  rất không ưa người Anh. Hắn coi người Mỹ là đồng minh chủ yếu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô. Cũng chỉ vì lý do này, hắn đã chọn cho mình chủ nhân mới.

George Blake đi xe tới ranh giữa hai khu vực của Berlin. Xe chạy thành hai hàng gần như sát sạt nhau. Xe cộ đi lại với tốc độ cho phép là 70 km/h đến ngã tư màu xanh. Càng gần ranh giới, mật độ giao thông trên đường càng giảm. Càng có nhiều lái xe ngoặt vào những phố lân cận đến các trung tâm thương mại.

Sau khi đã vượt qua ranh giới, George liền giảm tốc độ. Xe tiến đến gần cổng Brandenburg, ranh giới của hai thế giới. Những người lính gác hiện ra, George phanh xe lại, nhưng viên trung sĩ Mỹ vẫy tay với anh ra hiệu đi đi vì qua số xe anh ta biết đây là xe của cơ quan đại diện Anh ở Tây Berlin. Và cả anh lính Liên Xô đứng cách đó mấy chục mét cũng mở đường cho đi mà chẳng thèm xem xét giấy tờ. Liếc nhìn viên trung sỹ của quân đội CHDC Đức, Blake khẳng định là mình đang đi vào thủ đô của nước này. Vài phút sau, anh đỗ xe tại một ngõ nhỏ. Trong chiếc xe với biển số của Anh, Blake không thấy tự tin lắm ở CHDC Đức, nhưng anh còn có những lý do khác để dừng xe lại.

George ghé qua các cửa hàng ngắm nhìn hàng hoá trên các quầy mua một vài đồ lặt vặt. Khi vào cửa hàng bách hoá, anh dạo qua các quầy sau đó ra vẻ đi dạo vu vơ trên phố. Tại một bến tàu điện, anh bất ngờ lên một toa tàu vừa chạy tới, sau đó xuống tàu điện ngầm đi tiếp. Một lần nữa anh lại đi xem vô số những tủ kính bày hàng. “Chuyến dạo chơi” kéo dài hai tiếng đồng hồ chấm dứt ở lối vào của một ngôi nhà có bề ngoài rất bình thường so với những toà nhà khác trên con phố đó. George tiến nhanh lên tầng ba và bấm chuông. Cửa liền mở ra:

- Chào anh, George. Tôi đang chờ anh.

- Tôi cũng mong được gặp anh. Chúng ta cần nói chuyện khẩn cấp.

Bộ đồ lịch sự cũng không đủ che dấu được người đàn ông gặp George là một sĩ quan. Họ ngồi xuống ghế, chủ nhà hỏi thăm vị khách về gia đình, về những ấn tượng ở Berlin. Rồi cả hai chuyển ngay sang công việc vì thời gian rất hạn hẹp.

- Thưa đồng chí đại tá, tình hình rất gay go. Nhiệm vụ của tôi là thiết lập một mạng lưới điệp viên trên lãnh thổ CHDC Đức có khả năng cung cấp tin tức về hoạt động của tình báo Xôviết. Tôi cần lời khuyên của đồng chí. Nếu tôi làm việc không tốt, họ sẽ triệu hồi về. Hơn nữa, còn có thể bị họ nghi ngờ.

Người sĩ quan Xôviết lắng nghe George nhưng không trả lời ngay. Anh ta tỏ ra là người thận trọng với lới nói.

- George, tôi hoàn toàn nhất trí với anh. Không được để Trung ương tình báo của London phải chê trách anh điều gì. Phải làm việc nhiệt tình như trước và anh phải đòi hỏi các cấp dưới hoàn thành tốt các nhiệm vụ nhưng các kết quả công tác anh phải báo cáo không chỉ cho London mà cả cho chúng tôi.

Viên đại tá thấy George trở nên đăm chiêu và lo lắng.

- Tôi nghĩ rằng anh đang có vẻ lo âu, nhưng đừng lo, những thông tin mà chúng tôi nhận được của anh, chúng tôi sẽ sử dụng sao cho không uy hiếp đến sự an toàn của anh. Nếu như các điệp viên mà phòng của anh tuyển mộ phải nằm trong khám thì rõ ràng anh chẳng có việc gì phải lo. Với một số tên, chúng tôi sẽ ngăn không cho tiếp cận với tài liệu mật. Một số khác sẽ được chuyển sang vùng khác. Số còn lại sẽ được nhận các thông tin giả hoặc được “tiết lộ” thông tin để phục vụ lợi ích của chúng ta. Nói một cáh ngắn gọn, trong mỗi trường hợp, chúng tôi sẽ hành động tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể.

- Tôi nghĩ anh đánh giá quá cao khả năng của phòng tôi khi nghĩ là chúng tôi sẽ đạt được những thành công lớn...

- Còn nếu như anh gặp khó khăn với các điệp viên thì chúng tôi sẽ tuyển giúp anh một vài người. Và anh đừng lo. Sếp của anh sẽ hài lòng thôi.

Họ cùng xem xét chi tiết tuyến đường mà George đã đi đến nơi gặp. Viên đại tá quan tâm đến mọi chi tiết.

Đã gần hai giờ chiều khi Blake một lần nữa lại bước ra đường phố Berlin và biến mất. Đường phố lúc đó thật vắng lặng...

Blake xem xét các báo cáo của các điệp viên thuộc quyền chỉ đạo của phòng mình, nghiên cứu hiệu quả làm việc của họ. Anh cố ghi nhớ những thông tin cá nhân. Tính chắc chắn mà anh đưa vào công việc của phòng đã gây ấn tượng đối với lãnh đạo. Uy tín của Blake với tư cách một người không thích sự hời hợt trong công việc lại được khẳng định trong lĩnh vực mới.

Buổi chiều, khi còn ở laị một mình, anh chuẩn bị báo cáo tin tức cô động cho các bạn Xôviết.

Giữ đúng lời hứa, George đã đem vợ tới thăm Đông Berlin, tại đây chị có nhiều thời gian. Và anh cũng không thể trách móc vợ vì chị coi việc mua ở Tây Berlin những hàng hoá mà tại phần Đông Berlin bán rẻ hơn gấp mấy lần là không thông minh. Bản thân George lại có những quan điểm klhác, nhưng anh cần những chuyến đi của vợ tới Đông Berlin.

Đến nửa ngày, ở băng ghế sau ôtô của họ đã đầy những túi hàng. Cả hai đều muốn nghỉ ngơi chốc lát. George rủ vợ đi ăn trưa tại nhà hàng mà họ yêu thích. Khi bước lên cầu thang, họ cởi áo khoác. Gilian thậm chí còn chẳng nhận ra Georga đưa mắt nhìn lâu vào người tàn tật giữ quần áo đứng tuổi.

Khi mặc áo, Blake thọc nhẹ tay vào túi: chiếc phong bì của anh không còn trong túi áo khoác.

Hai giờ sau, mẩu giấy do anh chuyển mà đối với người thường thì chả có gì đáng chú ý, đã nằm trên bàn của vị đại tá Liên Xô. Còng George thì đã nhận được thư mật với nhiệm vụ mới.

Từ lâu, Blake đã muốn tìm thời cơ nói chuyện với xếp tình báo Anh tại Tây Berlin. Thời cơ đó đã xuát hiện sau khi George đi nghỉ phép ở Italia về, vào tháng 8 năm 1955.

- Tôi rất mừng là ngài đã không bắt tôi đợi lâu, tôi sẽ cố trình bày thật ngắn gọn...

- Kỳ nghỉ thế nào?

Tiếp đó, George kể cho xếp nghe về những ấn tượng Italia của mình. Xếp nghe có vẻ chăm chú. Bầu không khí rất thân tình thuận lợi cho việc tâm sự.

- Tôi vẫn nhớ đề xuất của anh. Nhưng thực lòng mà nói tôi chẳng khoái cái trò điệp viên hai mang ấy đâu.

George im lặng một lát và không biết là có nên tiếp tục câu chuyện hay không. Cuối cùng anh đánh bạo:

- Thưa ngài, xin phép đề xuất với ngài một kế hoạch táo bạo. Kế hoạch này rất khác thường nhưng tôi nghĩ nếu thực hiện sẽ rất có ích cho chúng ta. Tôi đề nghị tiến hành một chiến dịch, trong đó tôi sẽ giả để người Nga tuyển mộ mình.

Viên đại tá đứng dậy và suy nghĩ về điều vừa được nghe, nhồi thuốc lá vào một trong nhiều chiếc tẩu được xếp cẩn thận trên bàn. Rít một hơi thuốc, đi tới đi lui trong phòng. Có cảm tưởng viên đại tá lúc này chỉ mải bận bịu với chiếc tẩu của mình. Mặt ông ta chìm trong khói thuốc.

“Giá như mình biết được ông ta đang nghĩ gì nhỉ!” - một ý nghĩ vụt thoáng trong đầu Blake.

Nhưng viên đại tá vẫn im lìm. Cuối cùng, ông ta nhìn George một cách thăm dò. Sự im lặng kéo dài tưởng chừng như bất tận.

- Tôi đã nói với anh là tôi không khoái trò điệp viên hai mang. Nhất là khi ở đây lại là nhân viên tình báo chính ngạch. Lẽ ra cần phải bác bỏ ngay đề xuất của anh mà chẳng cần phải cân nhắc tất cả những cái “được” và “không được” làm gì. Trước hết là vì lợi ích của anh. Nhưng tôi cũng sẵn sàng thảo luận sáng kiến của anh. Anh là một tình báo viên có năng lực và dày kinh nghiệm nên anh biết cái gì sẽ thành công nếu làm được. Hơn nữa, tôi tin anh. Hãy chuẩn bị cho tôi bản đề nghị bằng văn bản và gửi cho tôi theo thể lệ thông thường. Sau này, chúng ta còn trở lại vấn đề này.

Viên đại tá chia tay với George.
***

Việc kiểm tra khắt khe đời tư của Blake cũng chẳng đem lại bất kỳ kết quả tiêu cực nào. Những cuộc ghi lén điện thoại, nghe lén căn hộ của anh đều chứng tỏ Blake là một người chủ gia đình mẫu mực. George vẫn sống khiêm tốn như xưa. Các khoản chi tiêu cá nhân, ngân sách gia đình đều phù hợp với thu nhập của anh.

- Cả hai chúng tôi đã đi đến cùng một kết luận rằng, Blake hoàn toàn tin cậy. Có thể bỏ qua những nghi vấn nếu như chúng đã có. Sự kiểm tra tốt nhất về độ tin cậy của Blake chính là kết quả. Thậm chí chúng ta còn chưa nhận thức được anh ta đã cống hiến nhiều như thế nào cho Anh quốc. Và một phần vinh quang của anh ta, chúng ta cũng là người được hưởng.

- Nếu như tôi hiểu đúng ý ngài thì ngài cho là cần phải bỏ các biện pháp an ninh đi chăng?

- Bỏ đi ư? Không, tôi không nói thế. Hãy cứ tiếp tục, nhưng tiến hành với nhịp thưa hơn nhiều. Nhưng phải vững chắc.

Thiếu tá G. trở về phòng làm việc của mình với cặp tài liệu nặng trịch. Sự nghiệp của anh ta giờ đây đã gắn liền với Blake. Những thành tích lớn đã củng cố vị thế của anh ta, người ta biết đến và phải chú ý tới anh ta. Toàn bộ chỗ dựa của anh ta là Blake, cùng với Blake anh ta sẽ leo cao và rớt đài nếu chẳng may. Còn hôm nay, anh ta đã hiểu rõ điều đó, đến xếp của họ cũng thừa hiểu sự phụ thuộc của mình vào công việc của Blake.

***

ở Berlin, George có rất ít thời gian. Ngày nào cũng mệt bã người. Công việc mà anh đang làm không chấp nhận thái độ hời hợt và không nhất quán. Chỉ cần mỗi lỗi lầm nhỏ cũng có thể trở thành mối nguy cơ. Anh sống trong sự căng thẳng thường xuyên.

Mặc dù vậy, khi ở nhà trong cái ấm áp gia đình, sự căng thẳng tạm thời dịu đi, anh lại lấy được thêm sức mạnh tinh thần. George vẫn đọc nhiều như trước và vẫn không quên những đam mê cũ - các buổi hoà nhạc và nhà hát.
Năm 1956, nhà Blake sinh đứa con trai đầu, Anthony. Ông bố trẻ chia xẻ với Gillian mọi bận rộn. Nhưng kể cả sự yên ấm gia đình, cũng như những lo lắng về gia đình cũng không cho phép Blake lãng quên công việc chính yếu của đời mình.
***

Theo những tư liệu được công bố cho đến nay, rất khó đánh giá đầy đủ tất cả những gì Blake đã làm cho tình báo Xôviết. Theo đánh giá của một số chuyên gia Anh thì anh đã phát giác ra toàn bộ lưới gián điệp của Anh ở Đông và Trung Âu.

Lần đầu tiên, anh biết việc người Mỹ chuẩn bị xây dựng đường hầm Berlin ngay từ trước khi anh tới Berlin. Tại Berlin, anh hiểu rõ CIA và cơ quan tình báo của Gehlen đang quyết tâm tổ chức nghe lén các đường điện thoại của Bộ chỉ huy Xôviết tại CHDC Đức và các đường điện thoại chính phủ của CHDC Đức. Mặc dù kế hoạc này rất tốn kém, nhưng những kẻ cầm đầu tình báo Mỹ và Đức quyết thực hiện bằng được. Các đường cáp điện thoại nằm cách không xa đường biên giới với Tây Berlin. Nếu kiểm soát được chúng thì tình báo phương Tây có thể sẽ không còn phụ thuộc vào lưới gián điệp vốn không tin cậy và khó chỉ đạo.

Các nước phương Tây đã cực kỳ nỗ lực thực hiện kế hoạch mang tính phá hoại này, nhưng họ đã hoàn toàn thất bại. Các gián điệp Tây Đức đã phải ra trước vành móng ngựa tại CHDC Đức.

Nhưng thất bại tai tiếng này cũng không làm chùn bước những kẻ săn tìm bí mật của người khác. Một nhóm chuyên gia tình báo hàng đầu được được giao nhiệm vụ vạch kế hoạch mới có sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất.

Các tác giả của dự án đã đề xuất xây dựng một đường hầm đặc biệt ở vùng giáp giới giữa Tây Berlin và Berlin để nghe lén các đường dây điện thoại. Việc xây dựng đường hầm được giao cho cơ quan tình báo của Gehlen và cơ quan này đã tuyển chọn những nhân viên tin cậy và trung thành nhất để thực hiện nhiệm vụ này. Họ được Gehlen tuyệt đối tin cậy, đồng thời cũng biét rõ như lòng bàn tay từng viên gạch gốc cây ở hai bên đường biên, trong đó có địa điểm mà dự định sẽ đào đường hầm.

Bản thân việc thi công công trình này không hề gây ra nghi ngờ nào vì những nhà ga như vậy vẫn đang được xây dựng lên ở hai bên đường biên.

Theo tuyên bố của Blake đăng trên tờ báo Izvestia, tình báo Liên Xô đã nhận được thông tin chi tiết về đường hầm trước khi nó được bàn giao sử dụng. Tin phát hiện ra đường hầm gián điệp chỉ được công bố chính thức ngày 15 tháng 4 năm 1956 khi các nhân viên an ninh CHDC Đức và phản gián Xôviết tiến vào lòng đất. Bởi vậy, hoàn toàn có cơ sở để cho rằng, trong khoảng thời gian nào đó, ban lãnh đạo Liên Xô đã “cung cấp” cho các cơ quan tình báo phương Tây những “tài liệu tuyệt mật”.

***

Vào lúc 2 giờ đêm từ phía bên kia của đường hầm, từ phí lãnh thổ CHDC Đức bỗng vang lên những tiếng nói. Trong những tích tắc đầu tiên, những người Mỹ thậm chí không thể động đậy được tay chân. Sau đó là nỗi kinh hoàng xâm chiếm họ. Các nhân viên vận hành mắt trợn tròn sợ hãi và vội thoát thân nên đã quên mất mệnh lệnh nghiêm khắc là trong trường hợp đặc biệt phải huỷ diệt toàn bộ máy móc. Nỗi sợ hãi bị bắt tại chỗ làm cho cả bốn tên vội vàng bỏ chạy. Chúng vắt chân lên cổ chạy và chỉ cầu chúa sao cho chạy thoát được!... Họ thở phào khi đến được phần đường hầm trên lãnh thổ Mỹ kiểm soát, bên những hàng rào dây thép gai và bao cát.

Những giây phút nặng nề đã bắt đầu đối với các bộ tham mưu và các chính khách Mỹ. Người Mỹ đã chôn vùi không tiếc tay nhiều triệu đô la vào lòng đất, nhưng không đủ dũng cảm để thừa nhận đường hầm đó là của mình.

Viên tư lệnh quân Mỹ khẳng định là ông ta không hề biết gì và từ chối đưa ra một tuyên bố nào. Đáp lại lá thư của tham mưu trưởng cụm quân Xôviết tại CHDC Đức, thiếu tướng Garenko gửi tham mưu trưởng quân Mỹ ở châu Âu, thiếu tướng Uncles ngày 23 tháng 4 năm 1956 là câu trả lời vào ba ngày sau:

“Liên quan đến bức thư của Ngài ngày 23 tháng 4 năm nay, trong đó Ngài đề nghị tiến hành đàm phán ở cấp tư lệnh quân quản thành phố Berlin và lưu ý đến tuyên bố đơn phương giành cho báo chí của tư lệnh quân quản của Ngài tại Berlin, đại tá Kotsiub, tôi cho rằng, các cuộc đàm phán là không cần thiết và không thoả đáng. Bởi vậy, tôi đã chuyển giao quyền giải quyết vấn đề này cho Washington. Từ phút này, cả bộ tham mưu của tôi, lẫn tư lệnh quân đồn trú tại Berlin - thiếu tướng Dusner sẽ không giải quyết vấn đề này nữa”.

Công trình ngầm này được bảo mật chu đáo đến nỗi kể cả các chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Mỹ ở Đức cũng không biết về sự tồn tại của nó.

Các phóng viên phương Tây đã cố xin phép viếng thăm “đài radar ở Rudow”. Nhưng họ đã bị từ chối. Và lúc đó thì hai nhà báo trong số đó, một là phóng viên báo Kurier của áo và phóng viên thường trú tại Berlin của hãng thông tấn Pháp AFP đã xin chính quyền CHDC Đức cho vào đường hầm từ phần lãnh thổ phía Đông. Nhưng các nhà báo chỉ đi đến tới chỗ các hàng rào thép gai mà người Mỹ chăng ra sau khi chạy khỏi đường hầm.

Đằng sau hàng rào dây thép gai, khoảng 30 m, họ thấy một chiến luý mà từ sau nó họ thấy lấp ló hai cái đầu và vang lên tiếng sè sè của máy quay phim đang quay các nhà báo. Các phóng viên hét lên bằng tiếng Đức và tiếng Pháp rằng họ các các nhà báo phương Tây nhưng chẳng ai trả lời họ.

Vì lo sợ nổ ra một vụ tai tiếng quốc tế, chính quyền Mỹ đã cố im lặng về thất bại của chiến dịch Gold.

Chi phí để đào đường hầm và xây dựng các công trình phụ trợ và trang thiết bị là hơn 1 triệu đôla. Nhưng không có tiền nào sánh được thất bại thảm hại về chính trị của các đồng minh phương Tây.

Sự bại lộ của chiến dịch Gold đã gây nên sự rối loạn tại các trung tâm tình báo phương Tây. Một trong những chiến dịch tuyệt mật nhất của CIA sau Thế chiến II đã bại lộ. Hiển nhiên, tình báo Liên Xô có thể đã được ai đó có cương vị cao trong các cơ quan tình báo phương Tây báo tin. Song không cơ quan tình báo phương Tây nào thừa nhận có điệp viên Xôviết chui vào hàng ngũ của mình.

Các cơ quan tình báo đồng minh bắt đầu nghi kỵ lẫn nhau. Mặc dù có những nỗ lực lớn, cuộc điều tra đã không lại bất kỳ kết quả nào. Nguồn cung cấp tin của tình báo Liên Xô vẫn nằm trong màn bí mật cho đến khi Blake đưa ra tuyên bố của mình ở Moskva.
***

Vào lúc 8 giờ tối, xếp cơ quan tình báo Anh triệu tập trưởng phòng châu Âu đến gặp:

- Anh chuẩn bị cho tôi danh sách tất cả những người được biết về chiến dịch Gold. Cho tôi thông tin ngắn gọn về từng người và chỉ rõ họ được biết đến đâu. Đồng thời, anh hãy phân tích xem liệu những nhân viên không được tham gia vạch kế hoạch chiến dịch có nắm được nó không. Báo cáo phải hoàn thành trước 12 giờ ngày mai. Tôi muốn chắc chắn là không một nhân viên nào của chúng ta tố giác chiến dịch của những người bạn Mỹ của chúng ta. Trong hàng ngũ tình báo Anh không có những kẻ phản bội, cần để cho những người bạn hùng mạnh của chúng ta cũng phải thừa nhận điều đó.

Trưởng phòng châu Âu lặng lẽ trở về phòng mình. Sau khi triệu tập những nhân viên thuộc quyền, anh ta giao nhiệm vụ cụ thể cho họ. Rõ ràng buổi làm đêm này chẳng có gì là phấn khởi cả. Có cần phải vội vàng đến thế để làm công việc rỗng tuếch và vô bổ đó không? Mà lại phải là làm xong trước 8 giờ sáng nữa chứ!

Đúng 12 giờ ngày hôm sau, xếp nhận được báo cáo.
***

Sự chán chường và hoảng loạn ban đầu trong các cơ quan tình báo phương Tây mà thất bại của chiến dịch Gold gây ra dần chuyển thành những sự ám chỉ chọc tức và không tin cậy lẫn nhau. Bên nào cũng lớn tiéng nói về sự vô can của mình và loại trừ khả năng có nội gián trong hàng ngũ của mình. Bởi vậy mà cả những cuộc kiểm tra đầu tiên đối với tất cả những nhân vật nghi vấn cũng được làm hết sức hời hợt. Tất cả đều cố rửa sạch tay mình và đổ lỗi cho kẻ khác. Một số người trực tiếp chịu trách nhiệm về chiến dịch đã nhận được đề nghị về nghỉ hưu để làm dịu sự chỉ trích và những điều ong tiếng ve.
***

Mặc dù chiến dịch Gold có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng sự tham gia vào chiến dịch này chỉ là một trong những giai đoạn trong cuộc đời hoạt động tình báo của George Blake.

Vào nửa cuối thập kỷ 1950, Chính phủ Liên Xô bắt đầu cuộc tiến công hoà bình trên quy mô lớn. Tháng 7 năm 1955, tại Geneva, đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của đại diện bốn cường quốc.

Blake đã tới Tây Berlin mấy tháng trước cuộc gặp ở Geneva. Chi nhánh SIS tại Berlin cũng được giao nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu cho đàm phán. Trong đó, trung tâm tình báo này, dựa vào các chuyên viên tình báo, đã đưa ra tài liệu đánh giá tình hình Berlin. Số người khác phải làm bản phân tích xu hướng tiến triển của tình hình chính trị, đánh giá tình hình kinh tế, dự báo những hành động có thể của Liên Xô và CHDC Đức. Blake được quyền tiếp cận với thư từ giữa Đại sứ quán Anh ở Bonn và Bộ chỉ huy Quân đội Anh tại Tây Đức. Nắm được nguồn tin này, anh có thể phát giác những kế hoạch và hành động của phương Tây trên trường quốc tế. Những tin tức về mâu thuẫn giữ các đồng minh NATO về vấn đề Berlin có ý nghĩa lớn tại các cuộc đàm phán của Liên Xô với các nước phương Tây. Blake đã cần mẫn thu thập tất cả những thông tin có thể có ích cho các nhà ngoại giao Xôviết.

***

Thứ năm, ngày 3 tháng 5 năm 1961. Tại London là một ngày xuân ẩm ướt. Phố phường ướt đẫm bởi cơn mưa đêm, trên sông Thames bao phủ một màn sương mù dày đặc. Những người bán báo đã mở các quầy báo bên các bến xe điện ngầm và bến xe buýt. Hôm nay, các báo sẽ tranh giành với nhau. Vào lúc 10 giờ sáng, tại gian phòng cổ của toà nhà Old Bailey, một phiên toà giật gân nhất nước Anh sau chiến tranh đã mở màn. Tất cả báo Anh đều đưa tin om sòm về phiên toà này với những dòng tít lớn chạy trên những trang nhất: “Nhà vô địch gián điệp trước toà”, “Con át chủ bài của Cục Tình báo Anh trước vành vòng ngựa”, “Một quan chức tình báo hàng đầu trước toà tại Old Bailey”.

Hôm nay, người ta phải đưa ra được dấu chấm hết cho vụ Blake. Nhưng bản thân họ với kinh nghiệm công tác tình báo lâu năm đều hiểu với sự lo lắng rằng, vụ này sẽ không thể kết thúc bằng một phiên toà và không thể kết thúc được. Bởi vậy, họ liền đi dạo buổi sáng với hy vọng trong sự yên tĩnh của công viên có thể nói hết những điều họ đang lo lắng. Họ muốn mặt đối mặt, không có người chứng kiến.

Hiển nhiên nội dung cuộc trò chuyện buổi sáng ấy sẽ chỉ có họ biết mà thôi. Nhưng họ khó lòng mà tìm ra được một lối thoát dễ chịu. Một giờ sau, tại phiên toà, cả hai đã nhận được cú đấm nốc ao.

Đồng hồ trên tháp Big Ben điểm 10 giờ. Huân tước Parker và công tố viên Booller-Manningheim bước vào phòng xử án để thực hiện đòn đánh cuối cùng. Luật sư bào chữa, tiến sĩ Hutchinson đã ở vị trí của mình. Gian phòng trống vắng một cách khác thường. Trong khu giành cho báo chí, chỉ có mấy phóng viên đang ngồi. Trong hành lang náu mình hai quý ngài buổi sáng đã dạo chơi trong công viên.

***

Cuộc vượt ngục không thể diễn ra nếu không có người tiếp tay tin cậy. Mà ứng cử viên tốt nhất cho vai trò đó là một tù nhân sắp được phóng thích. Blake đã rất cẩn thận khi chọn người hỗ trợ. Chỉ cần một bước đi thiếu tính toán là kế hoạch của anh sẽ sụp đổ và trong trường hợp khả quan nhất họ sẽ tống anh trở lại nhà lao với chế độ nghiêm ngặt hơn. Bởi vậy anh không vội vã, anh quan sát mọi người thật kỹ càng. Những điều quan sát được anh kiểm tra đi kiểm tra lại trong chừng mực có thể trong điều kiện nhà tù.

Dần dần, xung quanh anh đã tập hợp một nhóm bạn, một nhóm nhỏ những nhà trí thức, như các tù nhân khác thường gọi. Trong thời gian cho phép, họ cùng nhau nghe đài, bàn luận về những cuốn sách mới, những sự kiện trong đời sống chính trị và văn hoá. Mỗi chủ nhật, sau buổi trưa, họ lại tụ tập tại phòng giam của George. Blake thu hút họ bởi sự hiểu biết sâu sắc và quảng bác của mình. Anh không áp đặt quan điểm của mình cho ai. Anh thường nói nhỏ, sẵn lòng nghe ý kiến người khác và đều quan tâm như nhau đến mỗi người. Thái độ chân thành, trong sáng của anh đối với mọi người đã tạo được mối cảm tình đáp lại.

Dần dần, George cũng bắt thêm được những bạn bè cả trong số những tù nhân từng giữ chức vụ cao và cả những tội phạm hình sự chuyên nghiệp. Anh giúp họ viết những lời tạ lỗi, đơn xin việc sau khi được thả, khuyên nhủ khi có ai đó gặp khó khăn riêng. Anh sẵn lòng dạy mọi người tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Arập. Bản thân anh tiếp tục học tiếng Arập, anh đọc nhiều và luôn theo dõi các sự kiện trên thế giới.

***

Nửa cuối năm 1964 đem đến cho cơ quan an ninh Anh, cơ quan được giao phó George, rất nhiều vấn đề và làm cho nhân viên của cơ quan này nhiều đêm dài không ngủ.

Mọi chuyện bắt đầu vào một ngày tháng năm. Giám đốc nhà tù Warmwood-Scrabs đã báo cáo cho Cục trưởng trại giam Bộ Nội vụ Anh là ông ta có tin quan trọng và khẩn cấp liên quan đến George Blake. Ông ta được lệnh lập tức đến ngay Scotland-Yard. Ngay ở cửa vào, bỏ quên sự dè dặt vốn có của người Anh, ông giám đốc nhà tù nói tía lia:
- Thưa ngài, kế hoạch chạy trốn của George Blake đã lọt vào tay tôi.

Chả lẽ lại thế ư? Sau mấy phút đầu đầy thảng thốt và hồi hộp, ngài A. Hayes cuối cùng đã nói một cách bình tĩnh hơn:

- Qua hai chỉ điểm trong số tù nhân, tôi biết kế hoạch giải thoát Blake đã được vạch ra. Theo kế hoạch này, một cựu tù nhân mặc quần áo tù sẽ dùng thang dây để leo vào sân nhà tù và chạy tới xưởng mà Blake làm việc, rồi với một lý do nào đó sẽ dẫn anh ta ra khỏi đó. Trong khi đó, một trực thăng sơn phù hiệu cảnh sát và dòng chữ “Police” sẽ hạ cánh xuống sân nhà tù. Kíp bay mặc đồ cảnh sát. Tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc. Blake và kẻ đồng loã sẽ nhảy lên trực thăng bay mất. Lính gác trên các tháp canh và trong sân sẽ không cản chiếc trở “trực thăng cảnh sát” bay đi.

Câu chuyện của viên giám đốc nhà tù cứ giống như kịch bản phim hay phim truyền hình chứ chẳng phải là kế hoạch chạy trốn của tù nhân. Nhưng dù sao, cảnh sát vẫn cứ tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Họ tăng cường bảo vệ nhà tù, theo dõi sát sao hành vi của Blake. Nhưng George vẫn giữ nguyên nếp sống cũ, chẳng hề gợn chút lo lắng, chẳng có gì thay đổi trong thời khoá biểu thường nhật. Dần dần, những biện pháp đặc biệt được nới lỏng và bãi bỏ.

Tất cả mới chỉ vừa lắng xuống thì một phạm nhân từng thụ án tại nhà tù Warmwood-Scrabs lại tới Scotland-Yard và tuyên bố rằng, anh ta đã tham gia vào việc chuẩn bị cho Blake chạy trốn. Một lần nữa tất cả lại được chuyển vào tình trạng báo động cao. Và một lần nữa lại vô ích.

Những tình huống tương tự đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt năm 1964. Cuộc điều tra sau này cho thấy với độ chắc chắn tuyệt đối là George Blake chẳng hề có quan hệ với những “kế hoạch” chạy trốn bị tố giác này. Dù sao anh vẫn bị hỏi cung và khi được biết cặn kẽ mọi việc anh lại ôm bụng mà cười.

Sau khi phân tích kỹ mọi giả thiết chạy trốn, cảnh sát đi đến kết luận George đã cam tâm với số phận và bởi vậy những biện pháp cảnh giác cao là không cần thiết.

Nhiều người tự hỏi: Đâu là nguyên nhân của những cảnh báo này? Ai là người đứng sau chúng? Người đó làm thế nhằm mục đích gì? Chúng có phải là một phần của mục đích cuối cùng của George không? Ai biết được?...

***

Việc khó khăn nhất là lựa chọn người trợ giúp đáng tin cậy, người có thể tin tưởng như tin vào chính bản thân mình. Ngoài độ tin cậy tuyệt đối, người ấy phải can đảm, chủ động và bình tĩnh, có tinh thần và thể chất vững vàng. Đồng thời, án của anh ta không được dài.

Thời gian trôi đi, hết năm này qua năm khác mà vẫn chưa tìm được người như thế.

Vậy là năm 1966 đã đến. Cho đến lúc đó, George đã trải qua 5 năm trong tù. Anh đã làm quen hoàn toàn tình cờ với người mà sau này sẽ đóng vai trò lớn đến thế trong số phận của anh.

Người đó là Sean Aloyisious Bourke.

Năm 1966, anh ấy đã 32 tuổi. Anh sinh ra tại làng Limerick ở Ireland. Đó là một người Ireland điển hình, tính hài hước và không bao giờ chán nản. Và còn điều này nữa - anh rất nhạy cảm với sự bất công. Với ai đã là bạn mình, anh sẵn sàng hy sinh cả cuộc sống của mình.

***

Ngay từ sáng ngày 22 tháng 10 năm 1966, London đã có mưa phùn. Phần lớn dân trong thành phố phải từ bỏ các cuộc đi chơi thăm thú ngoài thiên nhiên mà đành giải trí trong thành phố. Buổi chiều trời khá ấm áp nhưng hơi ảm đạm. Những chiếc tàu điện ngầm đưa các cổ động viên bóng đá vừa ra về sau những trận bóng đá vừa kết thúc. Các nhà hàng và quán bia đầy chặt những người. Tại West-End, hàng trăm người tản đi tới các nhà hát, rạp chiếu phim, tửu quán, vũ trường...

Xung quanh nhà tù Warmwood-Scrabs gần như vắng tanh. Ngay cả giữa thanh thiên bạch nhật, khu vực này của thành phố cũng đầy vẻ u ám, chưa nói đến buổi tối xấu trời như thế. Thi thoảng lại có một chiếc ôtô lao vụt qua với những hành khách muộn màng, những người đang vội vã tới khu vực tây London để chơi bời, giải trí. Xa xa thấp thoáng những ngọn đèn của toà nhà cao tầng của hãng BBC vươn lên trên khu phụ cận. Tiếng mưa rơi đơn điệu thỉnh thoảng lại bị che lấo bởi tiếng ầm ầm của tàu điện ngầm chui lên mặt đất ở đây. Buổi chiều thứ bảy cũng chả khác gì với cả tuần, cả tháng trước đó. Nhưng buổi chiều này đã làm thay đổi số phận của nhiều người.
***

Bữa ăn tối trong nhà tù kết thúc vào lúc 17 giờ. Các phạm nhân vội vã rửa bát để không bỏ lỡ một phút trong 2 tiếng đồng hồ tự do, từ 17 giờ đến 19 giờ, giành cho họ. Trong thời gian này, họ được phép tự do đi lại trong khu của mình, thăm bạn bè ở các phòng giam, đứng trong các hành lang, đi xuống tầng một. Tại đó, họ có thể xem truyền hình, chơi bóng bàn, chơi cờ...

Trong cả toà nhà vang lên hàng chục giọng nói, ngắt quãng bởi tiếng nhạc vang lên từ các đài bán dẫn, tiềng ồn của máy thu hình, tóm lại là sự ồn ào quen thuộc của đám đông. Vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, lực lượng bảo vệ là ít nhất vì không đủ cảnh sát. Khối D mà George bị giam có hình chữ nhật. ở giữa là một phòng lớn. Dọc theo các cạnh dài của cả 3 tầng nhà là các buồng giam và dọc theo chúng là các phòng của các giám ngục, chứa đồ, phòng họp. Các cửa sổ lớn trông ra sân được gắn lưới.

Vào chiều thứ bảy, ngày 2 tháng 10 năm 1966, thời gian tự do cũng bắt đầu như mọi khi. Trong bữa ăn, viên giám ngục tuyên bố mọi người có thể xem phim ở phòng bên cạnh. Thông báo được chào đón bằng sự ồn ào mừng rỡ của những người vốn đang muốn xem chương trình giải trí. 210 người được gọi đi xem phim. Viên sĩ quan xếp họ thành những hàng 5 người, đếm số người và dẫn họ đi cùng với giám ngục.

Trong khu D chỉ còn lại 2 giám ngục và 107 phạm nhân, trong đó có cả George Blake.

Giây phút quyết định đang đến gần. Qua gương mặt thản nhiên của Blake không ai có thể biết tâm trạng căng thẳng mà anh đang chịu đựng. Anh suy tính đi suy tính lại tất cả các chi tiết của kế hoạch. Có lẽ phải tới lần thứ một nghìn anh tự nhủ rằng mình không quên cái gì. Anh cảm thấy mình rất khoẻ khoắn. Điều khó khăn nhất là chờ đợi những phút cuối trước thời khắc quyết định. Ahh đã chờ sự kiện này trong suốt 5 năm ròng.

Khi chuẩn bị vượt ngục, anh đã suy tính cặn kẽ từng bước đi và đã chọn thời gian duy nhất đúng, tính toán xem ai sẽ trực, nghiên cứu kỹ chế độ sinh hoạt của nhà tù.

Vào lúc 17 giờ 30 phút, trên truyền hình đang phát các trận đấu vật tự do. Những kẻ hâm mộ đang mải mê với những diễn biến của cuộc tụ tập, bàn luận ồn ào về các trận đấu. George xem chương trình một lát, sau đó đứng dậy trở về buồng giam của mình. Anh vào cánh cửa mà đằng sau có viên giám ngụcđang đứng, nói đôi câu bình luận về trận thi đấu. Đó là phút cuối mà viên giám ngục còn trông thấy anh.

Cũng khoảng thời gian đó, giám đốc nhà tù, ngài Hayes đã vào câu lạc bộ của mình ở West-End để hội ngộ với những bạn hữu cũ. Ông ta đã được hưởng một bữa tối ngon miệng và một ván Bridge. Hiển nhiên, ông ta chẳng thể ngờ là ở đầu kia của London, tại nhà tù của ông ta, một người khác đang chuẩn bị bắt đầu chơi một ván bài có lẽ là khó khăn nhất trong đời mình.

Theo kế hoạch đã định, George leo lên chỗ gần cửa sổ lớn. Nó nằm ngay trên lối ra vào phía sau của khu D. Lúc này, có thể đi lại tự do khắp toà nhà. Từ phòng chiếu phim và các phòng khác vang tới tiếng nhạc, tiềng ồn ào và những giọng nói. George lại gần cửa sổ được chắn lưới thép. Mười hai chiếc song sắt hình như đã che kín cửa sổ. George tìm ra ngay song sắt đã chuẩn bị sẵn. Những ngón tay lần theo dải băng dính che kín vết cắt sẵn. Anh tì cả người lên trên lưới thép. Dưới sức đẩy của anh, chiếc lưới sắt hơi dịch chuyển, đã có thể chui qua được. Anh liếc mắt quan sát lần cuối: tất cả vẫn yên tĩnh.

George mở cửa sổ. Phía dưới cửa sổ hoản toàn vắng lặng. Từ đây xuống đất là 10 mét. Anh đã tính đến điều này. Khoảng cách từ cửa sổ tới mặt đất bị chia làm đôi bởi mái đua bên trên lối vào toà nhà. Túm tay vào bậu cửa sổ, George buông thõng đôi chân. Đây đã là độ cao bình thường, Anh buông tay thả người xuống mái đua. Anh nín thở nghe ngóng. Xung quanh vẫn lặng như tờ. Chỉ có những đợt gió tạt những hạt mưa vào tường. Bên trong chiếc cửa sổ mở hé vẫn vẳng tới tiếng nhạc bị át đi bởi tiếng mưa. Hiện tại, vận may vẫn mỉm cười với anh.

Vào lúc 18 giờ, cơn mưa phùn đã chuyển thành cơn mưa rào. Bầu không khí lạnh và trong lành làm George ngây ngất. Bằng cách được rèn luyện từ lâu, anh cố giữ cho hơi thở được thư thái và tập trung toàn bộ ý chí và suy nghĩ vào việc tiếp tục con đường của mình.

Trong sân nhà tù không có một bóng người. Một lần nữa đu người bằng tay, anh bật người nhảy xuống sân. Trong bóng tối của toà nhà, anh chạy nhanh lại bên bức tường. Những ngày tháng chuẩn bị dài đằng đẵng bây giờ đang được kiểm nghiệm qua từng tích tắc. Bức tường chỉ do một lính gác bảo vệ và cứ 8 phút lại đi qua đây. Tên lính gác thứ hai ngồi trong chòi canh có điện thoại nằm ở đầu bên kia của cái sân. Nhưng kể cả tên lính đầu tiên cũng chẳng vội đi tuần. Hoạ có mà điên mới đi lang thang trong sân dưới thời tiết khốn nạn như thế này!

Thời khắc kịch tính nhất bắt đầu. Bourke phải chờ anh ở phía bên kia bức tường. Tại địa điểm mà cả hai đã chọn. Một dây thừng hơi nháng lên rớt xuống chân Blake. George thận trọng ngó xung quanh: vẫn chưa thấy bóng dáng tên lính gác đâu. Anh chỉ còn lại 2 phút để vượt qua bức tường cao 6 mét. Cố hết sức, George đu mình lên trên. Còn 1 mét, và cuối cùng anh đã leo lên được trên đầu tường. Không được chậm trễ một giây. Anh đưa mắt nhìn xuống dưới, ra phố. Đỗ sát tường có một chiếc ôtô đang nổ máy nhè nhẹ, còn gần đó là một người cầm bó hoa trong tay.

Đó là Sean!

Tên lính gác tiến gần đúng vị trí đó bên bức tường mà bên trên George đang nằm nép mình. Hắn chỉ còn cách anh có vài chục mét. Và kẻ vượt ngục đã nhảy vội xuống dưới một cách tuyệt vọng.

Sau này, Sean Bourke đã tả lại những giây phút ấy như sau:

“Cú nhảy từ trên tường chút nữa thì gây ra thảm kịch. George nhảy không tốt khiến cho cổ tay và đầu bị thương. Tôi nhanh chóng giúp anh ấy ngồi vào xe và chở tới căn hộ ở địa chỉ Highliver road, 28, ở rất gần nhà tù. Trước đó dưới tên giả Henry Seaguart, tôi đã thuê căn hộ này của bà chủ Lotti Haveringham. Chúng tôi rất mừng vì thấy không có ai truy đuổi. Mọi sự đều ổn.

Tôi để xe lại trên phố bên cạnh và dẫn George vào căn hộ. Anh ấy không chợp mắt được vì đau và xúc động. Cũng trong đêm đó, tôi đánh xe sang đầu kia của thành London và đỗ xe trên một đường phố yên tĩnh, giữa những chiếc xe khác. Ngày hôm sau, tôi dẫn một bác sĩ quen biết đến để khám và điều trị cho George”.

***

Nhiều tuần, nhiều tháng và nhiều năm qua đi. Các cơ quan an ninh Anh phải rất khổ sở mới khôi phục được danh tiếng đã bị hoen ố của mình.

Chính phủ Anh đã quyết định tiến hành điều tra tường tận và toàn diện toàn bộ vụ việc. Một uỷ ban điều tra được thành lập do một thành viên của Hoàng gia là Huân tước Mounbatten đứng đầu. Theo ý kiến của uỷ ban chính phủ này, chế độ trong tất cả các nhà tù Anh được thắt chặt.

Với thời gian, làn sóng điên lây tuyên truyền trên báo chí tư sản dần lắng xuống.

George đã biến mất vĩnh viễn.

Trên thực tế, điều đó có phải như thế không?

Print Print E-mail Print